-
Moderator
N - Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền
CHÚA NHẬT IV TN B
NGƯỜI GIẢNG DẠY NHƯ MỘT ĐẤNG CÓ THẨM QUYỂN
Có những người thắc mắc muốn biết trong một ngày, ông tổng thống, hoặc Đức Giáo Hoàng, hay một linh mục làm những gì. Báo chí hay những người có thẩm quyền cho họ những câu trả lời, có khi thỏa đáng, có khi không. Nhưng vào thời gian viết sách Tin Mừng, chắc chẳng có ai đặt câu hỏi về một ngày sống của Chúa Giê-su, Người làm những điều gì. Do đó, khi viết về một ngày của Chúa Giê-su, thánh Mác-cô không có ý trả lời câu hỏi tò mò kia, nhưng là mong ta hiểu được ý nghĩa của những việc Chúa Giê-su làm trong một ngày, tất cả đều nhắm tới mục đích là thi hành sứ mệnh cứu thế của Người. Vậy bài Tin Mừng hôm nay là phần thứ nhất của đoạn Tin Mừng thuật lại một ngày sống của Chúa Giê-su tại Ca-phác-na-um (Mc 1:21-45). Phần này đặc biệt nói về việc Chúa Giê-su rao giảng và khu trừ ma quỷ.
a) “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”
Đoạn Tin Mừng kể ra việc đầu tiên trong ngày của Chúa Giê-su, đó là rao giảng. Đặt thứ tự như thế, hẳn thánh Mác-cô muốn nêu lên vị thế ưu tiên và quan trọng của việc rao giảng. Thánh sử Lu-ca cũng có ý trình bày tính cách ưu tiên này khi kể lại Chúa Giê-su tuyên đọc Sách Thánh tại hội đường Na-da-rét và áp dụng cho Người lời ngôn sứ I-sai-a: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...” (Lc 4:18). Rao giảng hoặc loan báo Tin Mừng là điều cốt yếu và quan trọng nhất trong sứ mệnh của Người. Chính Chúa Giê-su đã cho các môn đệ Người biết tầm quan trọng của việc rao giảng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy con rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38).
Trong quá khứ lịch sử nhân loại, Thiên Chúa dạy dỗ ta qua trung gian là ông Mô-sê và các ngôn sứ. Do đó, những vị này chỉ là những khí dụ Thiên Chúa sử dụng để truyền lại lề luật của Người, chứ không phải là những người có thẩm quyền ấn định bản chất của lề luật và ban lề luật cho nhân loại. Duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng có thẩm quyền ban lề luật và Thiên Chúa cho một số người được quyền dạy và giải thích cho ta biết lề luật ấy. Nhưng giờ đây, Thiên Chúa dạy dỗ ta qua Chúa Giê-su, Con Một Người (Dt 1:1-2). Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, sẽ dạy dỗ ta bằng chính ngôn ngữ của loài người, tức là bằng tiếng nói và lối sống. Nơi Người có đầy đủ thẩm quyền của một Thiên Chúa. Chẳng thế mà ta thường nghe trong sách Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su lập đi lập lại điều này: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” Nói khác đi, cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã dạy ta qua Luật, thì giờ đây Thiên Chúa dạy ta qua Chúa Giê-su; hoặc xưa lề luật Thiên Chúa được chứa đựng trong sách Luật, còn nay lề luật ấy được chứa đựng trong lời giảng và lối sống của Chúa Giê-su.
Tuy nhiên, khi trình bày Chúa Giê-su giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh đến cách giảng dạy của Chúa. Cách đó “không giống như các kinh sư”. Vậy cách giảng dạy của các kinh sư như thế nào? Chúa Giê-su cho ta biết: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy... Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4). Vậy ta hãy chiêm ngưỡng cung cách Chúa Giê-su giảng dạy. Khi giảng dạy, Người “lên núi, ngồi xuống”, giống như một Mô-sê Mới. Hoặc Người mượn chiếc thuyền đánh cá của môn đệ làm giảng đài (Lc 4:1). Đám dân chúng thì ngồi chung quanh Người, vừa cảm thấy gần gũi, vừa hết sức chăm chú nghe Người. Người không nặng phần lý thuyết, nhưng thực tế và dễ hiểu, áp dụng ngay vào cuộc sống thường ngày. Người dùng những câu truyện giản dị, rút ra từ kinh nghiệm sống, nhưng chân lý của lời giảng lại cao siêu vô cùng. Thiên Chúa và tình yêu là những đề tài. Người diễn tả Thiên Chúa cách đơn sơ đến độ ta không ngờ, thí dụ Thiên Chúa là người Cha luôn chăm sóc cho con cái mình chẳng hạn. Người nghe chỉ có thể kết luận về lối giảng dạy của Chúa Giê-su: “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền!”
b) “Người ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
Công việc thứ hai trong sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su là khu trừ ma quỷ. Ngoài việc rao giảng Tin Mừng, sứ vụ cứu thế còn nhắm tiêu diệt quyền lực của ma quỷ và giúp nhân loại thoát khỏi sự khống chế của chúng. Ma quỷ đã rõ điều này, nên muốn hòa hoãn với Chúa Giê-su. Chúng mặc cả: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Chúa Giê-su không chút nhân nhượng. Người tóm lược công việc tiêu diệt vương quốc Xa-tan qua hình ảnh thực tế sau đây: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27). Đúng vậy, người mạnh đang thắng thế đây là Xa-tan và “nhà của một người mạnh” chính là thế gian đang nằm dưới quyền lực của Xa-tan. Chúa Giê-su đã đến nhà của Xa-tan là thế gian này, để “cướp” nhân loại lại và đem trả về cho Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa, phải “trói người mạnh ấy”, tức là trói Xa-tan và quyền lực của nó lại trước đã, rồi mới đem toàn nhân loại trở về nhà Cha. Trong Tin Mừng Mác-cô, nhiều phép lạ trừ quỷ hoặc chữa bệnh đều phản ảnh một cuộc chiến giữa Chúa Giê-su và quyền lực ma quỷ.
c) Lời giảng và quyền năng của Chúa Giê-su vẫn phải tiếp tục tác động trên ta
Sứ vụ rao giảng và tiêu diệt quyền lực ma quỷ không chỉ là một sự kiện lịch sử, nhưng là hành động cứu rỗi của Chúa Giê-su cần phải được tiếp tục thể hiện nơi mỗi người chúng ta. Sứ vụ ấy sẽ không gây hiệu quả gì nếu ta không có lòng tin và mở lòng đón nhận. Bởi thế Chúa Giê-su luôn luôn đòi ta phải có lòng tin, tin vào Người, vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa nơi Người, vào lời giảng của Người, để rồi phải thay đổi con người mình. Lời giảng và quyền năng biểu lộ đã thể hiện việc “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Về phần ta, để đón nhận Triều Đại ấy, ta phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Lời giảng và quyền năng của Chúa Giê-su sẽ biến đổi ta dần dần, nếu ta biết “lắng nghe và thực hành” lời dạy của Người. Đó là lý do tại sao Chúa đã nói dụ ngôn người gieo giống để giúp ta hiểu tầm quan trọng của việc “nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm” (Mc 4:20).
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Mỗi lần suy niệm lời Chúa, nhất là sách Tin Mừng, tôi có hình dung ra khung cảnh Chúa Giê-su giảng dạy, để giúp tôi dễ chú ý lắng nghe Chúa nói không? Tôi có giống như những người trong hội đường Na-da-rét, chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su không?
Chúa Giê-su đòi tôi phải có “lòng tin” nơi Người. Vậy tôi hiểu lòng tin là gì? Tin bằng đầu óc hay bằng con tim?
Muốn để Chúa trục xuất ảnh hưởng và quyền lực ma quỷ ra khỏi tâm hồn tôi, tôi phải làm gì? Tôi có để cho “giáo lý mới mẻ và người dạy có thẩm quyền” hoàn toàn tác động trên tôi không? Hay tôi đã từ chối, đã chống lại?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giê-su,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát”.
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 67)
Lm Đaminh Trần Đình Nhi
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules