Chúa nhật VII Phục Sinh – Thăng Thiên A
GIỮ LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA
Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Mt 28, 16-20
Sách Tông đồ Công vụ một cách rất chi tiết và đầy đủ biến cố Chúa Giêsu về trời. Trang Tin mừng hôm nay các môn đệ được giới thiệu như là những người được Chúa Giêsu trao phó cho nhiệm vụ gìn giữ giáo huấn của Chúa Giêsu và tiếp tục sứ mạng loan báo Tin mừng mà Ngài uỷ thác cho.
Các môn đệ là những người đã được Chúa Giêsu tuyển chọn và dạy dỗ, họ là những chứng nhân tai nghe mắt thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, được tẩy rửa trong Chúa Thánh Thần và lãnh nhận sức mạng tiếp tục rao giảng Tin Mừng cứu độ. Do đó, các môn đệ là những vị nòng cốt xây nền cho cộng đoàn mới của Chúa Giêsu là Giáo Hội, dân riêng mới của Thiên Chúa.
Tất cả sự phát triển sau này của Giáo Hội đều phải dựa trên quyền bính và tính chất xác thực của đoàn môn đệ dưới sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Các môn đệ là những người chu toàn sứ mạng mang Tin Mừng cứu độ tới cho mọi dân tộc và làm cho Tin Mừng cứu độ thấm nhập sâu rộng vào dòng lịch sử cho tới ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang.
Dữ kiện về trời theo Công vụ là một dứt điểm gắn liền với một khởi điểm. Đây là dứt điểm thời gian Chúa Giêsu ở với các môn đệ và khởi điểm thời gian của Giáo hội lan tràn khắp thế giới.
Sau nhiều thử thách các môn đệ đã tin rằng Thầy đã chết nhưng nay Thầy vẫn còn sống và đã chọn họ làm nhân chứng cho Ngài. Nhưng nay Ngài không còn hiện diện trong thân xác hữu hình giữa không gian và thờí gian nữa. Ngài sẽ ra đi về Nhà Cha như lời Ngài đã phán trước.
Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ trong thời gian bao lâu? Luca cho biết là trong 40 ngày (các sách ngụy thư nói đến 50 ngày hay 18 tháng), một thời gian khả dĩ cần thiết để Chúa kiện toàn việc dạy dỗ các Tông đồ.
Và hôm nay, Chúa quyết định ra đi vĩnh viễn trong một cuộc hiển linh đầy quyền năng, một cuộc Thăng Thiên về nhà Cha trên trời.
Theo Matthêu, sự kiện xảy ra trên một quả núi. Đối với tác giả Phúc âm thứ nhất, mọi biến cố quan trọng đều xảy ra trên núi, từ bài gìảng tám mối Phúc Thật (5, l) đến việc Biến Hình (l7, l). Núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, để tôn vinh và thờ lạy.
“Khi ấy, mười môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Ngài, các ông thờ lạy”. Đây là cử chỉ mà Matthêu hay nói đến như một sự tôn vinh Thiên Chúa, như khi ba nhà đạo sĩ gặp Hài Nhi (2, l l), như cử chỉ của người phong cùi (8, 2), của các môn đệ trên thuyền (14, 33). Hôm nay các ông phục lạy cách kính cẩn hơn nữa vì Ngài huy hoàng trong ánh sáng Phục Sinh, vì nơi Ngài “mọi quyền năng điên trời dưới đất được giao phó”.
Ngài tiến lại gần họ và phán: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Các con hãy đi giảng dạy muôn dân. Hôm nay, Chúa ra đi nhưng cũng là ngày các môn đệ lên đường, họ nhận được bài sai của Ngài đi chinh phục thế giới. Chinh phục bằng Lời giảng dạy, chinh phục bằng phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần”.
Nghĩ là họ phải làm sống lại cái ơn gọi mà một ngày kia đã vang vọng lên, làm cho họ từ bỏ mọi sự để phấn khởi theo Ngài. Đạo Chúa không phải là một thứ triết lý, một ý thức hệ, một mớ nghi lễ. Đạo thánh là một sức sống mãnh liệt. Người tín hữu phải sống lại cái sức mạnh mãnh liệt một ngày kia đã thu hút các môn đệ khiến các ông từ bỏ mọi sự mà đi rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất
Hôm nay, trên đồi Thăng thiên, các môn đệ phấn khởi nhìn lên trời, theo hút Ngài ra đi, nhưng bên tai còn nghe vang vọng Lời Chúa hứa kết thúc Tin mừng: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Rồi họ xuống núi trở về xây dựng Giáo hội. Sứ mạng ấy Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ra. Mỗi người chúng ta không phải chỉ là một phần cử Giáo hội mà mỗi người chúng ra là Giáo hội.
Ngài trao cho họ một sứ mạng : sứ mạng này gồm ba phần Rao truyền Tin Mừng cho muôn dân : "Vậy, hãy đi dìu dắt muôn dân làm môn đệ Ta". "Vậy" là vì tất cả uy quyền trên trời dưới đất đã được trao cho Ta nên hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đệ Ta. Ta có quyền trên muôn dân, muôn dân thuộc về Ta, nên Tin Mừng của Ta phải truyền đến họ. Không những truyền đến mà còn thuyết phục họ trở nên môn đệ Ta.
Mới nghe mệnh lệnh này, thiết tưởng các môn đệ phải ngạc nhiên và run sợ. Vì họ là những người đơn sơ, chất phác, nghèo nàn, vô học, chưa hề ra khỏi biên giới xứ mình, bây giờ phải đi khắp nơi, nói cho mọi người về những điều họ được thấy, được nghe, và kinh nghiệm. Nhưng họ có thể lấy lại bình tĩnh, vì họ không phải làm việc một mình mà làm việc với Đấng có cả uy quyền trời đất.
Trong thực tế, ngay trong đời các môn đệ, Tin Mừng đã truyền đến các nước Á châu như Syri, Galat, Êphêsô..., các nước Âu châu như Rôma, Athen, Côrintô ... và Phi châu như Êthiôpi. Ngày nay, Tin Mừng đã đến Mỹ châu, Úc châu, Đại dương châu, tức là cùng tột trái đất !
Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần : nhân danh Cha là Đấng Tạo hóa, nhân danh Con là Đấng Cứu chuộc, nhân danh Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá. Ai đã nghe Tin Mừng, bằng lòng sám hối ăn năn, tin theo Chúa, thì mới được chịu phép rửa chính thức gia nhập Giáo Hội. Khi chịu phép rửa, ta kể mình cùng chết với Chúa về tội lỗi, cùng chôn với Ngài trong phần mộ nước rửa, và cùng sống lại với Ngài khi lên khỏi nước, để sống một đời sống mới. Từ đó, ta không còn sống cho mình nữa, mà sống cho Thiên Chúa (Rm 6, 1-11 ; Cl 2, 12). Thánh Phaolô thuật lại kinh nghiệm của chính mình : "Tôi đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Cứu Thế . Hiện nay tôi sống mà không còn phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi. Những ngày còn sống trong thể xác, tôi sống do niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ngài đã yêu thương tôi và hiến mạng sống Ngài vì tôi". "Riêng tôi không dám khoe khoang điều gì ngoài cây thập giá của Chúa Giêsu. Nhờ cây thập giá ấy, tôi xem như thế gian đã bị đóng đinh, và thế gian coi tôi như đã chết" (Gl 2, 20 ; 6,14).
Người tin Chúa kể Chúa Giêsu như mình đã chết về tội lỗi như người điếc chết về âm thanh, như người mù chết về màu sắc. Âm thanh và màu sắc vẫn còn đó, song người điếc và mù đã chết về các đối tượng ấy, vì cơ quan tiếp xúc với âm thanh và màu sắc đã hư, đã chết. Tội lỗi vẫn còn ở khắp nơi, nhưng chúng ta kể như mình đã chết với nó. Khi nào chúng ta chấp nhận và tin như vậy, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó cho chúng ta. Còn sống cho Thiên Chúa thì Phaolô dạy : "Do tình yêu thương của Chúa Giêsu cảm thúc, chúng tôi nghĩ rằng Chúa đã chết cho mọi người nên mọi người phải coi đời cũ mình đã chết. Vì ngài đã chết cho chúng ta, nên chúng ta không sống vị kỷ, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta" (2Cr 5, 14-15).
Để thực hiện hai điều trên Phaolô bảo : "Chớ để... chớ chiều... chớ nộp mình cho tội lỗi như là đồ dùng về sự gian ác, nhưng hãy phó và dâng chi thể mình cho Thiên Chúa như đồ dùng về sự công chính" (Rm 6, 12-13).
Hãy dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền: Từ khi Chúa bắt đầu thi hành chức vụ cho tới ngày Ngài về trời, dầu Chúa đã dạy chung cho dân chúng và riêng cho các môn đệ, nhưng phần riêng cho các môn đệ nhiều nhất. Giờ đây, họ phải dạy lại cho các tín hữu. Vì vậy, các môn đệ đã giảng dạy, đã viết sách Tin Mừng, các thơ tín, là truyền lại mạng lệnh của Chúa cho nhân loại nói chung và cho Hội Thánh nói riêng. Trải qua các thời đại, kẻ trước người sau, không ngừng dạy dỗ để mọi người tuân nghe lời Chúa. Chúa phán: "Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời Ta thì giống như người khôn ngoan" (Mt 7, 24). Khi có người nói: "Phúc cho dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú" thì Chúa đáp : "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn" (Lc 11, 27).
Trên tất cả các lệnh truyền đó là lời hứa, Chúa hứa luôn ở với các môn đệ. Chúa khẳng định rằng Ngài luôn ở với Hội Thánh, không khi nào bỏ Hội Thánh mà Ngài đã mua bằng chính máu của Ngài. Hội Thánh là cơ nghiệp của Ngài, là nhà của Ngài, là tuyển dân của Ngài, là bầy chiên của Ngài, là hiền thê của Ngài, là thân thể của Ngài. Ngài dùng nhiều hình ảnh như thế để gợi lên giá trị của Hội Thánh. Ngài bảo vệ Hội Thánh mà không ai có thể tiêu diệt được (Mt 16, 18). Ngài chăm sóc Hội Thánh như mục tử với bầy chiên, không ai có thể cướp họ khỏi tay Ngài (Ga 10, 27-30). Ngài chăm sóc từng sợi tóc trên đầu họ (Mt 10, 30). Ngài biết hết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta nên đã dự liệu tất cả.
Kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu về trời hôm nay không phải chỉ là kỷ niệm một ký ức nhưng là nhắc nhớ chúng ta sứ mạng truyền giáo mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta. Và, chúng ta an tâm vì Chúa luôn ở cùng, ở với và cạnh bên chúng ta để ta hoàn thành sứ mạng Chúa mời gọi.
Anmai, CSsR