-
Moderator
T - Tình Yêu Đẹp Như Giấc Mơ (Bài 14 Bài )
Bài 14: Tình Yêu Đẹp Như Giấc Mơ
Trong những lần đạp xe đi chơi một cách thong dong và thú vị, An và các bạn tình cờ làm quen với chị Minh. Hôm ấy, chị Minh mặc áo dài màu tím than, đội nón lá và đeo kiếng mát. Từ phía sau, chị đạp xe qua mặt bọn An. Chỉ nhìn thoáng thấy chị, năm đứa con gái cùng để ý và chấm chị ngay.
Thế rồi, không ai bảo ai, năm đứa đạp xe thật nhanh để bắt kịp chị và bao vây chị Minh. Rồi hàng loạt câu hỏi và tiếng cười vang lên rộn rã:
-Chị ấy ui! Cho tụi em làm quen với!
-Chị áo tím ui! Chị dễ thương chi lạ!
-Chị ui! Chị tên chi rứa?
-Chị ui! Nhà chị ở mô rứa? cho tụi em biết nhà nghe!
-Chị ấy ui! Chị đi mô mà vội vàng như rứa?
Chị Minh mỉm cười và lúng túng trả lời. Giọng chị trong trẻo và ngọt ngào đượm mùi ”Huế” vô cùng. Cả đám con gái mê say và ”cảm” chị ngay. Chị cho biết tên chị. Còn nhà chị thì ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, gần An Định Cung, nơi cung điện của Từ Cung Thái Hậu, mẫu hậu của Vua Bảo Đại. Chị đi dạy đàn piano cho trường của các bà sơ, trường Jeanne D'arc.
Từ ấy, chị Minh cùng nhập bọn đi chơi với An và các bạn mỗi khi chị có giờ rảnh. Nơi chị, An tìm thấy hình ảnh một nàng thơ, một người tình dịu dàng và một người vợ mềm mỏng và đáng yêu. Nàng thèm có đức tính nhỏ nhẹ và dịu dàng, cái vóc dáng mảnh mai và kiêu sa của chị Minh.
Chị Minh luôn nhắc đến anh Phúc, người tình của chị đang ở xa chị. Chị ca tụng, sùng kính và ngưỡng mộ anh. Với chị, anh Phúc là tất cả, là bầu trời, là cuộc sống của riêng chị. Ít lâu sau, chị Minh làm đám cưới với người tình rồi theo chồng về Đàlạt. Anh Phúc là giáo sư dạy trường Võ Bị Quốc Gia Đàlạt.
Gần ngày cưới của chi Minh, An và các bạn đến nhà chúc mừng chị và thầm mong mộng ước của chị sẽ là giấc mơ của mình: lấy được người tình lý tưởng, sinh một đàn con đẹp và ngoan, làm cô giáo và có một cuộc sống lứa đôi êm đềm như khuôn mặt thanh thản của Huế. Từ khi chị Minh đi rồi, bọn An buồn thê thảm. Hình như mộng đẹp cũng bay theo bước chân ngà của chị.
Mười ba năm sau, hè 1977, trong một buổi học hè về Chính trị và nghiệp vụ của các giáo viên quận Tân Bình, An tình cờ gặp lại chị Minh. Một buổi chiều, trên đường dắt xe đạp ra cổng trường, nàng nhác trông thấy một bờ vai thanh thanh, một chiếc áo tím than và một dáng vẻ mảnh mai,”Mong manh như một cành Lan”. Đánh bạo, nàng thảng thốt hỏi :
-Xin lỗi chị, chị có phải là chị Minh không ạ?
Người đàn bà đứng khựng lại, hơi bối rối rồi lắp bắp nói:
-Ồ, phải em là Bình An không? Trời ơi, An đó hả? Vậy mà mười mấy năm mình mới gặp lại. Em ra sao rồi? Ở gần đây không? Dạy trường nào? Có gia đình chưa? Hạnh phúc không?
An cũng mừng quá vì được gặp lại cố nhân. Nàng không biết trả lời chị câu nào trước. Cả một cuốn phim êm đẹp ngày cũ đang trở về trong ký ức của nàng. Bồi hồi quá, nàng ra dấu cho chị Minh kiếm một quán nước mía để ngồi tâm sự.
Khi đã bình tĩnh trở lại, cả hai bắt đầu nói cười và khóc. Trong nụ cuời tương ngộ là dòng lệ rơi của nuối tiếc qúa khứ huy hoàng đã ra đi không bao giờ trở lại. Chị Minh đã khóc nức nở, nước mắt như bị ngăn chận lâu ngày, nay được dịp tuôn trào. Chị khóc thổn thức và tức tưởi An phải vỗ lưng an ủi chị. Vừa khóc, chị vừa kể chuyện gia đình chị.
“Sau khi rời Huế, anh chị được trường Võ Bị cấp cho một ngôi nhàbiệt thự đẹp ở gần hồ Than thở cho tiện việc dạy học của anh. Không khí trong lành, cảnh thiên nhiên yên bình, vuờn đầy cây xanh và hoa đủ màu sắc. Hai vợ chồng yêu nhau thắm thiết.
Ban ngày, khi anh đến trường thì chị ở nhà đọc sách, thêu thùa hay đàn dương cầm. Chị rất thích nhạc của Mozart và Beethoven. Vì rất yêu thích màu tím nên trong tổ ấm của chị, tất cả màn cửa, thảm và đồ đạc của chị đều là màu tím. Màu tím của yêu thương rạt rào, của tình tự nồng ấm và của ái ân ngút ngàn.
Ngoài vườn hoa, chị Minh cũng chọn toàn màu tím: hoa hồng, hoa pensée, hoa cúc và hoa gladys đều là màu tím cả. Cả ngày, chị chỉ quanh quẩn mong cho chồng sớm về nhà. Hôm nào anh bận họp trễ là chị lo phát điên. Chị tôn sùng anh như thần tượng còn anh cưng qúy chị như trứng mỏng. Chiều về, anh phụ chị nấu ăn. Sau đó, chàng và nàng dắt nhau đi dạo dưới những rặng thông cao để nghe tiếng reo vi vu của thông. Vào những đêm trăng sáng, hai người đi trên những con dốc quanh co, đầy cây lá và bóng đêm. Đã nhiều lần, chị cầu mong cho thời gian ngừng lại để chị được tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời ấy.
Mỗi cuối tuần, anh Phúc lại lái xe đưa chị đi chợ mua thức ăn, rồi đi thăm các thắng cảnh. Anh cố gắng tránh những cuộc đi công tác xa nhà vì sợ chị cô đơn và sợ hãi trong căn nhà thênh thang ấy. Đến khi chị ốm nghén đưá con đầu lòng, anh chị mới nhắn về Huế để nhờ mẹ chị thuê cho một bà vú. Đưá con gái ra chào đời càng kết chặt tình yêu của hai người. Từ ngày có con và bà vú, anh Phúc mới bắt đầu đi công tác ở Sàigòn, Nha Trang và Quy Nhơn.
Mỗi khi anh Phúc đi xa là chị Minh ở nhà nhớ thương và buồn bã đến phát bịnh. Ngày nào chị cũng nằm co ro đắp mền chờ chồng về. Chị biếng ăn, biếng nói và biếng đàn. Đưá con gái thì chị giao cho bà vú lo hết. Trong lúc chị Minh ốm o, sầu mòn và ủ dột, thì anh Phúc cũng không kém gì vợ. Ngoài công việc ra, anh cũng thẫn thờ nhớ vợ con. Khi về, anh mua đủ thứ quà cho vợ con, còn chị thì gặp lại chồng là ôm cứng như sợ mất anh.
Hạnh phúc hai người càng đậm đà hơn khi đưá con trai ra đời. Từ đấy, anh phải lo làm thêm để có thể bảo bọc vợ con. Nhưng họ vẫn giữ thói quen đi dạo dưới trăng để tâm sự và sống trọn cho nhau.
“Trong vườn đêm ấy nhiều trăng qúa,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ,
Im lìm không dám nói năng chi.”
Chị Minh có đời sống của một loài cây chùm gởi, một loài cây phong lan tuy đẹp thơm, cao sang nhưng vẫn phải sống nhờ cây cổ thụ là người chồng. Còn anh Phúc thì sẵn sàng dùng bóng mát của mình để che chở và bảo bọc cho vợ mình. Suốt mười năm chung sống, hai vợ chồng chưa hề cãi nhau một lần. Khi có chuyện gì buồn giận anh, chị chỉ biết khóc, còn anh thì không thể nhìn vợ khóc nỉ non nên đành xin lỗi vợ để làm lành. Hai đứa con càng lớn càng đẹp và ngoan, chị Minh tưởng mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Thế nhưng :
“Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay?”
Cuộc đổi đời của Quốc gia vào tháng tư 1975, khi Cộng sản Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam đã ảnh hưởng đến vận mạng, sự nghiệp, tài sản và tình yêu của hàng triệu người dân Việt Nam. Bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu trái tim bị tan vỡ vì giết chóc, chia ly và tù tội.
Trong những ngày của tháng ba 1975, khi Đàlạt mất vào tay Cộng Sản, anh chị Phúc Minh đã bỏ lại sau lưng căn nhà đầy ắp kỷ niệm của hạnh phúc để chạy loạn vào Sàigòn để tá túc một người bà con. Thế rồi anh Phúc ra trình diện cải tạo . Tưởng là đi học tập mười ngày nhưng anh đi đã hơn hai năm tính đến ngày hai chị em An gặp lại. Tứ cố vô thân, tài sản mất hết. Qúa khứ vàng son đã đóng sập cửa trước mặt chị Minh. Chị bèn phải nộp đơn để xin đi dạy hầu có thể sống sót và nuôi hai đứa con.
Hàng tháng, chị Minh phải thuê một căn phòng nhỏ ở đường Trương Minh Ký để tiện việc đi dạy. Ba mẹ con không dám đi mạnh hay chạy đùa vì sợ chủ nhà làm khó. Chị nhớ chồng quay quắt nhưng không còn đau như ngày xưa vì nhớ chồng nữa.”
Kể xong câu chuyện thì nước mắt chị đã đầm đìa trên má trên môi. Tiếng nấc nghẹn ngào trong tiếng khóc ai oán. An cũng khóc tấm tức. Nàng nắm lấy đôi bàn tay khẳng khiu mà hơn mười năm trước nàng đã trầm trồ khen chị Minh có bàn tay búp măng. Nàng cố gắng nói vài câu để an ủi người chị dễ mến ấy nhưng cổ họng nàng đắng nghét và đặc sệt. Ngôn ngữ trở nên thừa thãi và biến mất. Trí óc nàng lùng bùng. Chữ nghĩa giờ ấy không thể nào bù đắp được niềm đau mất mát qúa to lớn của chị Minh và hàng triệu người đàn bà Việt nam khác. An siết chặt tay chị rồi ôm chị sát vào người mình. Chị Minh ơi, em thương và kính trọng niềm đau của chị.
Sau lần gặp gỡ ấy, An đã không còn gặp chị Minh nữa nhưng lòng nàng vẫn nhớ đến chị và những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu. Bẵng đi một thời gian dài, hơn 20 năm sau khi gặp lại nhau ở Sàigon, thì vào năm 1998, An lại tái ngộ với gia đình chị Minh ngay trên phần đất tự do California. Con trai của anh chị Minh sắp trở thành linh mục. Chị vẫn đẹp như ngày xưa, tuy tuổi tác đã lớn. Thật không ngờ trái đất tròn. Hai chị em cùng sinh hoạt trong các phong trào Công giáo. Kỷ niệm xưa vẫn dạt dào trong lòng. Mỗi lần gặp lại chị, An cảm thấy lòng mình thương nhớ Huế xưa, và quá khứ êm đềm của tuỗi ngọc lại bồng bềnh về trong trí nhớ.
(còn tiếp) Bài 15: Mái Tóc Dạ Hương.
Kim Hà
Last edited by Dan Lee; 06-08-2008 at 11:42 AM.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules