-
Moderator
B - Bọ ngựa
Bọ ngựa
Hồ cá có khoảng hơn hai chục con lớn nhỏ. Trong đám cá có ba thế hệ do một cặp cá cha mẹ sinh ra. Đám nhỏ nhất bằng hạt gạo. Anh chị tụi nó lớn, đông hơn và lớn nhất là lứa cá đầu tiên, lớn ngang với cha mẹ chúng, to bằng lá húng quế, bụng thon, mình dẹp, màu vàng có pha lẫn vằn đen phía đầu, coi rất ngộ nghĩnh.
Con bọ ngựa ham của lạ hướng theo phía ánh đèn lập loè nơi cửa sổ, nó khựng lại rớt xuống bể đầu vì đụng kiếng cửa. Chủ nhà lượm nó bỏ hồ cá. Được mồi cả bầy cá lớn nhỏ đều bu lại. Chúng vây quanh con bọ ngựa, cá này nhìn cá kia rình rập con mồi. Thỉnh thoảng có con đánh bạo nhào vào cắn mồi lôi đi, cá khác nhào tới đánh đuổi. Đám cá tranh nhau con mồi bằng cách đánh đuổi bất cứ cá nào lôi con mồi đi. Để con mồi nổi trên mặt nước chúng bơi chung quanh chầu chực, con cá nào lôi con mồi đi thế nào cũng bị cá khác tấn công.
Con bọ ngựa nhỏ, thon dài trông tựa cái lá tre nổi phật phờ trên mặt nước. nếu chia đều có lẽ mỗi con cá được một bữa no. Người chủ không làm thế, thảy nguyên con bọ ngựa vào hồ ngồi nhìn bày cá tranh nhau.
Rõ ràng bầy cá hành xử theo ngư tính
‘tao không ăn được thì mày cũng không được ăn’.
Điều này rất rõ nơi những con cá. Chúng rình rập cắn nhau nếu con cá nào tranh miếng mồi bọ ngựa. Mấy con cá bé bén bảng đến gặm con bọ ngựa lôi đi, chỉ đủ mạnh làm con mồi hơi sóng nước thế mà cá đàn anh, đàn chị cũng ùa vào đuổi, không cho.
Con nào cũng trong thế thủ, thế công. Chúng bơi ra một chút rồi bơi vào một chút rồi lại bơi ra, rồi lại bơi vào. Mỗi lần như thế chúng tiến gần con mồi hơn. Đến quá gần, cá khác ngứa mắt chịu không nổi, tranh ăn, từ hông phóng mạnh, xé nước tiến sang, biết gặp nguy con cá kia liền lảng ra xa bơi một vài vòng luẩn quẩn rồi lại khởi sự từ đầu. Vẫn cách trên, mỗi lần lùi ra một bước lại bơi vào bước rưỡi gần con mồi hơn một chút.
Tài tình ở chỗ mặc dù cả bày cá canh gác kĩ thế mà vẫn có con dám xông vào cắn nghiến con bọ ngựa lôi đi. Trong trường hợp đó dăm bảy con cá lớn phóng đuổi theo, con cá tha mồi bao giờ cũng thua, bỏ của chạy thoát thân. Nó thua vì đám đông, vì phải kéo mồi nặng bơi chậm lại. Tuy thế nó vẫn thưởng thức trò chơi đó vì răng cá dính vào thịt lôi đi, ít nhiều cũng hưởng cái hương vị thịt tươi của bọ ngựa.
Rình rập, chầu chực, cắn vào nhả ra, lôi đi rồi bị kéo lại thế mà chỉ nửa giờ sau con bọ ngựa cũng bị đám cá xơi sạch. Khi con cá lớn cắn con mồi bơi đi cả bày cá rượt theo như một đám rước, đầu tiên là con cá tha mồi, rượt đuổi theo là đám cá lớn, kế đến là đám nhỏ hơn và kéo dài sau là mấy con cá to bằng hạt gạo cũng kéo đàn. Đám cá nhỏ lợi hơn cả, anh chị tranh nhau miếng mồi, cắn cấu, giành giật con mồi nát thịt nó chơi vơi trong nước từ từ chìm xuống, cá nhỏ bỏ đàn giành nhau miếng mồi. Đám rước chia làm hai, môt lớn một nhỏ.
Dại và thiệt thân nhất là con cá quá khích, nó rượt con cá tha mồi. Sợ chết con kia nhả mồi thoát thân, bảo toàn tính mạng; con cố chấp tiếp tục rượt theo, bơi thục mạng làm con bị rượt cũng bơi thục mạng. Cả hai cố sống chết với nhau. Con bị rượt lẩn trốn sau mấy cục đá an toàn; con ham rượt, hiếu chiến quay đầu trở lại thì miếng mồi đã nằm gọn trong bao tử của đàn cá từ lúc nào. Bẽ bàng.
DUYÊN CỚ
Miếng mồi là duyên cớ cho mọi tranh chấp. Tranh giành nhau miếng ăn, cắn cấu nhau miếng ăn, rượt đuổi nhau cũng vì miếng ăn. Cuộc tranh chấp chấm dứt khi con mồi hết. Cá lại vui đùa, đua thi, phóng nhanh, lượn đảo trong hồ, chơi giỡn như không hề có tranh chấp, không hề có đuổi bắt. Hết mồi, hết tranh chấp. Thật đơn giản. Trái với con người, con người thù hằn nhau lâu lắm. Nếu có lần vì lí do nào đó tranh chấp nhau, kẻ thắng thành công cũng lo có ngày kẻ thua trả thù; kẻ thua bực dọc chưa trả đũa, ngủ chưa ngon. Cuối cùng cả hai cùng khổ, thắng cũng lo và thua thì bực. Đời sống con người đôi khi không thảnh thơi bằng đời con cá trong hồ. Sống trong hồ đám cá bị mất tự do, chúng chỉ tranh giành khi có mồi ăn, ngoài ra chúng sống chung hoà bình. Con người tự nhận có kiến thức, có tài hơn hẳn loài vật nhưng nghệ thuật sống chung hoà bình con người còn thua loài cá rất nhiều.
Đồng ý trong hồ đôi khi cũng có một vài con cá cô đơn lẻ loi vì bản tính hiếu chiến của nó. Đàn cá không kể đến công lao vất vả rượt đuổi của con cá quá khích. Trái lại cá khác bơi xa tránh nó. Trong cách bơi nó để lộ cá tính nóng nảy, hiếu chiến, bạo động, quá khích. Nó húc con này, xô con nọ, phóng rượt đuổi con kia, chơi trò phá đám. Nó bơi đến đâu cá kia lảng ra đến đó. Nó nhập bày, bày tan lảng xa. Nó bơi đuổi theo, cá khác ngưng bơi, lẩn trốn, tránh nó. Nguyên do của cô đơn nằm trong bản tính hiếu chiến.
BẨM SINH
Ngày thường đàn cá vẫn thỉnh thoảng con này đánh con kia, cá lớn vờn cá nhỏ. Cá nhỏ rượt nhau xé nước, lắm khi thoát thân, nhiều lần bơi thục mạng, có khi bơi thảnh thơi, bơi tới, bơi lui, rượt bắt cắn xé nhau. Cách sống của loài cá, súc vật chỉ biết cắn xé. Tôi thức tỉnh khi nhìn đám cá vây quanh con bọ ngựa. Tôi đã có một nhận xét rất sai lầm về đàn cá. Chứng kiến đám cá tranh chấp nhau tôi không hiểu, cứ cho là loài vật tranh nhau miếng ăn và khi cần thì sẵn sàng sống chết với nhau. Nhìn đám cá tranh mồi giúp tôi thay đổi hẳn lối suy nghĩ và cách đối xử với mấy cháu trong nhà. Tôi đã sai lầm. Lầm lớn.
Mọi cử điệu, rình mồi, cắn giựt mồi lôi đi hay ngay cả cách bơi ra, bơi vào, đảo lộn trong nước đều là những động tác đám cá thực tập hàng ngày. Nhìn chúng tranh nhau con mồi tôi mới phát giác ra sự thật. Một chân lí trước mắt mà nhìn không thấy. Ngày thường đám cá có vẻ hung hăng, đánh nhau, tranh giành nhau, cấu xé nhau, tưởng chừng ăn tươi nuốt sống nhau. Thực ra đó là lúc cá lớn tập dợt, dậy cá bé biết cách hành xử khi gặp con mồi.
Bản năng sinh tồn bắt mồi của cá cần phải được luyện tập. Hình ản hai con vờn nhau như thể tranh mồi. Hai con thủ thế để tấn công, luyện cách giết con mồi.
Tôi đã sai lầm. Lầm lớn. Tập dợt để khi có con mồi chúng không bị địch tấn công nhưng vừa công vừa thủ để sống còn. Nhận định này giúp tôi nhận ra đôi khi mấy anh chị em trong nhà tranh luận, cãi lí, phùng mang trợn má, dậm chân, khóc cãi lấy cho được là một phần trong tiến trình trưởng thành. Không phải tôi khuyến khích chúng cãi lộn hay hỗ trợ việc anh em bất bình. Nếu điều này xảy ra liên tục vấn đề cần xét lại. Trường hợp thỉnh thoảng có xích mích, kiện cáo thì đó hẳn là bản năng sinh tồn, tiến trình trưởng thành. Hình như con vật nào cũng dậy cho con chúng bản năng tự vệ và sinh tồn. Con người có lí trí thì việc lí luận, cãi lí với nhau hẳn là một phần của việc phát triển khả năng. Có lẽ môn triết học phát sinh từ đây vì môn này dùng lí luận để nhìn sự việc. Chương trình giáo dục học đường dường như ít chú trọng đến việc giáo dục các em trong việc hội thảo và biện luận. Ngày nay có công việc nào mà không đòi hỏi họp hành. Việc càng quan trọng càng cần bàn thảo kĩ nên việc các em tranh biện có lẽ là điều cần. Phụ huynh hướng dẫn giúp các em biết lí luận khúc chiết mạch lạc khi tranh biện có lẽ có ích nhiều hơn là răn đe, ngăn cấm.
MIẾNG ĂN
Cẩn trọng trong việc săn mồi cũng là một bài học khôn ngoan nơi loài vật. Con cá thấy mồi thì ham, chúng rình rập tìm cách bắt con mồi. Mặt khác chúng rất cẩn trọng không chút sơ hở vì đây là vấn đề sống còn. Không bắt được mồi sẽ bị con mồi giết sống. Về điểm này chúng cẩn trọng hơn con người. Con người đôi lập luận ‘Đi chuyến này may mà thành công thì ăn to. Đám cá không đặt vấn đề ‘may ra’. Chúng rất cẩn trọng khi đến gần con mồi, chúng bơi quanh, vờn đảo, vòng bơi lên rồi đảo nhanh xuống, tiến từng bước chậm chạp, luôn cảnh tỉnh phòng hờ con mồi bất thần tấn công. Loài người không cẩn trọng như thế, nhiều khi còn tin vào vận may. Khi vận may không đến sẽ có hối tiếc, nước mắt vắn dài than phiền số phận hẩm hui, vận xui chưa hết.
Con người khôn ngoan, thông minh và thành công trong nhiều lãnh vực. Một lãnh vực kiếm miếng ăn, thức uống dường như đi thụt lùi. Bao thứ bệnh tật, trăm ngàn phiền toái trong đời hầu như ít nhiều đều gây nên bởi ăn uống. Miếng ăn biến bạn ra thù khi ăn không đồng, chia không đồng đều. Mầm mống của bất công.
Miếng ăn dẫn đến tan cửa nát nhà khi lợi dụng quyền thế, chức nghiệp chèn ép kẻ thế cô. Bụng đói miệng kêu gào; các cửa quan đều đóng kín.
Miếng ăn dẫn kiện tụng, tranh biện nơi toà án.
Miếng ăn dẫn người ta vào tù khi ăn hối lộ, ăn vụng, ăn trộm, ăn gian.
Miếng ăn dẫn đến người tù rình rập người tù.
Miếng ăn được dùng để sai bảo, hứa hẹn, làm mất phẩm giá con người.
Miếng ăn cắt đứt tình gia đình vì tài sản, của hồi môn.
Miếng ăn dẫn vào bệnh viện cấp cứu khi ham của lạ, chất kích thích quá độ đến nỗi nằm đơ.
Loài cá cẩn thận hơn trong việc săn mồi. Săn được mồi, miếng ăn trước mắt, cá còn cẩn trọng không để miếng ăn gây bệnh, không để miếng ăn làm mờ mắt, bị chết vì miếng ăn. Người đi câu không đồng ý vì cá cắn câu là chuyện xảy ra ngàn năm mà chúng có học được gì đâu. Một là con người quá khôn ngoan trong việc dấu lưỡi câu trong con mồi. Hai thử hỏi có bao nhiêu con cá sống sót sau khi cắn câu vì thế con người vẫn tiếp tục câu và cá vẫn tiếp tục chết. Ba có mấy ai đi câu mà thiếu kinh nghiệm cá rỉa mất mồi vẫn không biết đến khi kéo giây lên mới phát giác ra con mồi biến vào bao tử cá lúc nào.
Lm Vũ đình Tường
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules