MAY MẮN CUỘC ĐỜI

Câu chuyện Tái Ông mất ngựa muốn nhắn nhủ rằng ở đời trong cái rủi có cái may. Mất một con ngựa, Tái ông lại được một con ngựa mới, có con ngựa mới, con ông lại bị té gãy chân… Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, hết may đến rủi, hết rủi đến may. Nhưng xét trong toàn bộ cuộc đời ta, đặt trong chương trình mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa, thì cuộc đời tự nó đã là hồng ân bao la, nghĩa là một sự may mắn kéo dài và vô bờ. Như vậy, xét trong nhãn giới này thì không có khái niệm “rủi ro”.

Chúng ta là zéro trong cõi vô cùng. Và nếu Thiên Chúa không yêu thương gọi chúng ta vào trong cuộc đời này thì chúng ta cũng không có quyền gì để trách Ngài (mà ta có mặt đâu mà trách với móc!). Việc Thiên Chúa cho chúng ta bước vào và bước đi trong cõi nhân sinh là một hồng ân mà dù có chịu đựng tất cả hệ lụy cơ cực của cuộc đời này thì chúng ta cũng chưa tạ ơn cho đủ. Một người bị tai nạn sắp chết, bỗng may mắn có người ra tay cứu sống, sẽ nói lời gì nếu không phải là “vô cùng cám ơn ông đã cứu mạng tôi. Cả cuộc đời này tôi sẵn sàng chấp nhận làm tất cả những gì ông muốn, dù là làm kiếp tôi mọi”. Tại sao người ta sẵn sàng làm tôi mọi như thế đối với người cứu mạng mình? Thưa vì sự sống là cao trọng hơn tất cả.

Chúng ta chưa thể và muôn đời sẽ không thể tạ ơn Thiên Chúa cho xứng đáng vì hồng ân được làm người. Vậy thì cuộc sống tự nó là hạnh, là phúc nghĩa là may mắn và ơn huệ. Khi chúng ta gặp may mắn trong cuộc đời, từ chuyện nhỏ xíu như có một niềm vui khi nhận quà, cho tới may mắn lớn hơn, như thành công trong tài chánh, hay hơn nữa, may mắn gặp một người bạn, một người yêu tuyệt vời, và lớn hơn nữa là được mời gọi vào cuộc sống ân sủng làm bạn hữu Đấng Tạo Hóa, thì cuộc đời quả là trọn vẹn, và lời tạ ơn của mỗi người, cho dù kéo dài suốt đời cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương hồng ân.

Còn giả sử có một người mà sự không may, hay là sự xui xẻo, sự bất hạnh cứ dồn dập ập đến thì sao? Bây giờ chúng ta hãy giả định, một người bị bệnh, thì chúng ta nghĩ họ không may. Nhưng tại sao chúng ta không có cái nhìn ngược lại, chính Chúa đã giữ họ để họ không bị bệnh nặng hơn. Một ví dụ khác. Tôi còn nhớ một Đêm Giáng Sinh nhiều năm về trước khi Cha Phêrô Nguyễn Quang Duy, hiện là Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, và Cha Sang còn coi một họ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long, là họ Cái Tàu. Lễ Giáng Sinh năm ấy, anh Hưng, Phúc, em tôi và tôi từ Sa đéc xuống mừng Lễ với hai Cha. Nửa đêm xong lễ, chúng tôi đạp xe đạp về Sa đéc trên đường liên tỉnh tối như mực. Bỗng một chiếc xe đạp bị bể lốp tại Nha mân, cách Sa đéc khoảng 6 cây số, và chúng tôi đành dắt xe lội bộ. Một người trong chúng tôi nói: “Xui quá, bị bể lốp xe giữa đường trong đêm thế này”. Tôi vốn hài hước bèn nói: “Xui gì mà xui, cũng còn may mắn hơn là bị bể cả hai bánh xe”. Đúng là câu nói đùa, chẳng duyên dáng gì, nhưng có một sự thật ở trong đó. Sự thật là ở chỗ bao giờ con người cũng có thể nhìn thấy khía cạnh may mắn, khía cạnh ân huệ trong mọi tình huống của cuộc đời mình. Trường hợp một người bị tai nạn cũng vậy thôi. Cách đây mười năm tôi bị đụng xe vào buổi tối, bị bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện ngay tức khắc nhờ một cô bạn học cũ tình cờ có mặt trên đường lúc ấy, và tai nạn cũng không nghiêm trọng lắm. Đọc đến đây, ai cũng nhận ra ngay tai nạn là sự không may, nhưng việc một người quen có mặt bất ngờ, việc được đưa vào bệnh viện đúng lúc và bao nhiêu những điều tốt lành sau đó chính là những hồng ân mà chỉ Thiên Chúa, Đấng điều khiển vạn vật và nắm quyền sinh tử của mỗi sinh linh mới có thể làm cho các tạo vật yêu dấu của Ngài.

Chúng ta đã chứng kiến hoặc đã nghe nhiều tai ương, hoạn nạn, bệnh tật dẫn đến cái chết. Sự chết là sự dữ cuối cùng và lớn nhất trong kiếp người. Nhưng tại sao khi báo tin cái chết, người ta vẫn ghi: “Trong niềm tin vào Chúa Kytô Phục Sinh…”, “Khi Chúa thương gọi con về…”, hay “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”? Ấy là bởi vì lương tri con người và niềm tin Kitô giáo giúp con người nhận ra rằng cái chết là một ân huệ bởi vì chính qua cái chết, con người được mời gọi bước qua cánh cửa hồng ân để về với Cha của mình. Còn nếu xét trên bình diện tự nhiên, thì quả thật cái chết cũng không hề là sự rủi ro. Như trên đã nói, sự sống tự nó đã là ân huệ. Người bi quan cho rằng chết là chấm dứt một ân huệ. Nhưng hãy nhìn với cái nhìn lạc quan hơn, những năm tháng được sống đã là hồng ân, và sống càng lâu là ơn huệ càng nhiều. Cho nên vấn đề không phải là may hay rủi, mà là vấn đề cái may mắn kéo dài bao lâu. Trong nhận thức này, chúng ta có thể hiểu được Lời Chúa Giêsu nói với những người thợ làm vườn nho được gọi từ giờ thứ nhất: “Bạn và tôi đã thỏa thuận một đồng tiền công”. Mà nói thỏa thuận là nói theo lòng quảng đại của người chủ vườn nho chứ anh thợ có là gì mà đòi thỏa thuận. Được gọi vào làm việc, được sống một ngày bình an, có ăn có mặc, được hưởng niềm vui cộng tác vào mầu nhiệm sáng tạo đã là hồng phúc vô biên rồi.

Là những người tin vào Tình Yêu của Cha trên Trời, chúng ta chỉ biết “xin dâng lời cảm tạ”, bởi vì “tất cả là hồng ân”. Mẹ của chúng ta đã hoàn toàn hiểu và sống điều ấy từ ngày Mẹ ca lên: ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao trọng. Danh Ngài là Thánh”.

Sàigòn, cuối tháng Thánh Tâm 2008
Gioan Lê Quang Vinh