Chúa nhật III Phục Sinh - năm A

Cv 2, 14.22-23; 1 Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-35

“KHÁCH BỘ HÀNH” ĐANG Ở BÊN CẠNH TA




Tập Thánh Ca vào đời của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm có một bài hát khá ấn tượng, bài hát ấy diễn ý của trang Tin mừng Chúa nhật III Phục Sinh hôm nay. Bài hát ấy được chú ý không chỉ bởi nội dung nhưng có lẽ từ tiết tấu. Làm giảm bớt nỗi buồn, nỗi thất vọng của hai môn đệ trên đường Emmau nên linh mục Thành Tâm làm cho tiết tấu bài hát ấy nhanh hơn, nhộn hơn. Nếu mở đĩa, ta sẽ nghe lại : “Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau, mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê bước chân đường dài …”. Dẫu tiết tấu có vui thì vui đấy nhưng không thể nào che đậy được nỗi thất vọng của hai môn đệ ấy.

Tại sao phải lê bước đường dài như vậy ? Vì lẽ tất giấc mộng vàng đặt vào Thầy Chí Thánh Giêsu bị tan biến mất sau cái chết của Ngài. Thế nhưng, điều lạ là Chúa Giêsu đã đồng hành với họ suốt quãng đường dài.

Nhiều người đã thấy Đấng Phục Sinh. Đấng Phục Sinh đã xuất hiện cho Maria Madalêna, cho Phêrô và Giacôbê, và cho mười một người, rồi cho hơn năm trăm môn đệ cùng một lúc. Thế nhưng, với tất cả những lần xuất hiện ấy không lần nào được ghi lại đầy sinh động và chi tiết rõ rệt như khi Luca để lại chuyện Chúa Giêsu đi với hai môn đệ về làng Emmau.

Emmau nằm về phía tây bắc Giêrusalem và cách Giêrusalem khoảng 10 cây số. Hai môn đệ này là hai môn đệ trong số bảy mươi mà Chúa đã sai đi rao giảng Tin Mừng. Họ đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Một người tên là Cơlêôpat, còn người kia không được nêu tên (có người cho là chính tác giả Luca). Hai môn đệ này trở về quê với tấm lòng chán nản, vì hy vọng của họ đã tan tành. Đang khi ấy Chúa Giêsu đến nhập bọn với họ.

Con đường thì dài, chẳng lẽ cứ đi bên nhau mà không nói gì nới nhau sao ? Một câu chuyện hết sức thời sự, vừa mới xảy ra được họ mang ra để trao đổi. Bao nhiêu thắc mắc được nêu lên mà không tìm được một lời giải đáp. Chúa đi bên cạnh mà họ không nhận ra Ngài, có lẽ không bao giờ họ nghĩ rằng người bạn đồng hành kia là Chúa của mình, vì họ không biết Chúa đã sống lại. Ngoài ra, sau khi sống lại, thân thể của Chúa có phần thay đổi, hoặc Chúa chưa muốn họ biết Ngài trong lúc đó nên làm cho mắt họ bị che khuất. Chúa đến gần gợi chuyện để họ tâm sự cùng Ngài, mặc dầu Ngài đã biết hết rồi. Ngài muốn nghe họ nói. Đang bực bội, họ tưởng ai cũng biết như họ, nên trong câu trả lời có ý trách người đồng hành rằng những biến cố trọng đại như vậy mà không biết, họ thốt ra những lời thất vọng, chán nản Đấng mà họ hy vọng sẽ giải phóng quốc gia đã bị xử tử, mặc dầu Ngài có nói cách mầu nhiệm rằng ngày thứ ba sẽ sống lại, nhưng ngày ấy đang trôi qua mà không thấy Ngài đâu, mặc dầu họ nghe có người nói thấy ngôn sứ bảo người đang sống. Đó là nội dung lời họ nói, thú nhận lòng tin của họ. Họ không mong đợi Chúa làm trọn lời hứa, ngày thứ ba chưa hết thế mà họ đã thất vọng quay lưng trở về nhà. Các ngôn sứ loan báo Tin Mừng nhưng họ cũng không chịu nhận.

Hai người môn đệ ấy là hình ảnh của chúng ra hay dễ dàng ngã lòng bỏ cuộc. Trong khi đó, Chúa Giêsu, vị Chúa Chiên lành, vừa ra khỏi phần mồ huy hoàng trong ánh sáng phục sinh, đã vội vã đến với con người, với những ai thất vọng trên các nẻo đường buồn tẻ của cuộc sống.

Ngài đến nhập cuộc đi với họ. Với bao tế nhị, Ngài khai mào câu chuyện, để cho họ thố lộ tâm can, cởi mở tâm hồn. Càng bị dầy vò khắc khoải, người ta càng muốn được kẻ khác lắng nghe chia sẻ. Ngài cùng đi với họ trên đoạn đường dài.

"

Anh em thật dại dột, chậm tin lời tiên tri trong Thánh Kinh. Các tiên tri chẳng nói Chúa Cứu Thế phải chịu khổ hình, rồi mới đến ngày quang vinh sao ?" Sau khi nghe tâm tình của họ, “khách bộ hành” đã trách họ. Không trách mới là lạ vì lẽ những gì đã, đang xảy ra đã được tiên báo cả rồi. Và rồi lần lượt “khách bộ hành” giải nghĩa cả Kinh Thánh nói về Ngài.

Điểm cần lưu ý là Chúa không quở trách vì họ không nhận lời của Ngài hoặc của các bạn Ngài, hoặc lời của ngôn sứ. Chúa đã trách họ vì họ đã không tin Kinh Thánh Cựu Ước. Không tin vì chậm hiểu và hiểu sai. Họ chỉ nhận có một phần, phần hợp với sở thích thành kiến của mình. Kinh Thánh đã viết về Đấng Cứu Thế sẽ giáng sinh, chịu chết, sống lại và lên trời. Song họ không phân biệt những giai đoạn khác nhau đó, trong một thời gian dài, mà chỉ hiểu một cách tổng quát. Họ không nhìn thấy sự việc một cách toàn diện mà chỉ thấy một cách phiến diện. Họ chỉ thấy Đấng Cứu Thế được vinh hiển mà không thấy Ngài phải chịu khổ hình trước đã. Đứng xa xa mà nhìn một dãy núi, xem như chỉ có một quả núi lớn, song đến gần mới thấy rõ có nhiều quả núi khác nhau. Người Israel hiểu Đấng Cứu Thế ngự đến trong vinh quang và quyền uy như trong Isaia (9, 5-6; 11, 1-9; 35, 1-10). Họ cũng như nhiều người khác không bao giờ tin Đấng Cứu Thế phải chịu chết cách đau đớn. Thậm chí khi Chúa Giêsu đến trần gian, ở giữa họ, trực tiếp với họ, họ cũng không tin (Mt 16, 20-21). Vì chậm tin, chậm hiểu và hiểu sai nên lòng họ bối rối thất vọng.

Ngày nay cũng thế, niềm tin của chúng ta cũng giống như các môn đệ ngày xưa trên làng Emmau, Chúa đã, đang ở bên cạnh chúng ta nhưng mấy khi chúng ta nhận ra Ngài. Có thể chúng ta đã đặt, đã để Chúa Giêsu ở một vị trí nào đó xa xa trong cuộc đời chúng ta và chúng ta cứ hì hà hì hục tìm kiếm. Cứ mãi vất vả tìm kiếm nhưng nào thấy được vì đơn giản Chúa ở ngay bên chúng ta đó thôi.

Được nghe kể ở một tu viện nọ, nhiều bậc vị vọng trong tu viện ấy đi dạy dỗ, đi loan báo tin mừng khắp tứ phương thiên hạ hết sức nổi tiếng. Trong tu viện ấy có một vị vì một lý do nào đó bị giữ lại không được nhận sứ vụ linh mục như các đấng các bậc kia. Vì bị giữ lại nên tu sĩ ấy mang trong mình mặc cảm của phận người nên cũng ít tiếp xúc với ai. Lẽ ra những đấng những bậc trong tu viện ít ra là chia sẻ, cảm thông cho phận người ấy nhưng hình như là không. Mỗi khi ai đó nhắc đến vị tu sĩ ấy thì thường người ta dành những lời không mấy là tốt cho vị ấy. Có ai dám chắc là mình thánh thiện hơn vị tu sĩ ấy không ? Ấy vậy mà nhiều lời ra tiếng vào không hay đã được gán lên vị tu sĩ ấy. Đi loan báo Tin Mừng, đi ủi an những người cô thế cô thân, những người tất bạt tốt lắm nhưng anh em tất bạt ngay bên cạnh mình mấy khi mình nhớ đến, mấy khi mình đoái hoài đến. Tâm lý người ta vẫn đi tìm, đi kiếm những cái gì đó là ở bên ngoài chứ không tìm cái gì ở gần ta, ở cạnh ta.

Ở một gia đình kia cũng vậy, người ta hăng hái làm việc tông đồ, làm việc bác ái nhưng đời sống trong gia đình của họ nó lành lạnh làm sao đó. Cơm thì cũng có cơm chung ấy, kinh thì cũng có kinh chung ấy nhưng hình như nó có gì đó không ổn khi anh chị em trong gia đình cứ ra sức tìm mình, tìm vị thế cho mình, tìm sự nổi tiếng cho mình để rồi cứ hục hặc với nhau. Nhìn bề ngoài thì thật sự là thành công, thật là tốt đẹp nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì hình như gia đình ấy đã đánh mất đi sự hiện diện hết sức quan trọng của một Giêsu Phục Sinh. Nếu có Giêsu Phục Sinh ở trong gia đình ấy thì ắt hẳn gia đình ấy không hành xử như vậy.

Đức tin vẫn là hành trình tìm kiếm, hành trình thử thách mà Thiên Chúa mời gọi con người. Nếu như hai môn đệ không mời “khách bộ hành” ở lại quán trọ với họ thì làm sao họ gặp được Đấng Phục Sinh. Và nếu họ không mở lòng mở trí thì họ cũng chẳng thể nào gặp được Đấng Phục Sinh dẫu rằng Đấng Phục Sinh đang ở bên cạnh họ.

Ngày nay, nhiều và nhiều “khách bộ hành” ở ngay bên cạnh ta, ngay trong gia đình ta, trong cộng đoàn của ta nhưng ta có nhận ra hay không mà thôi. Trong gia đình ta, trong cộng đoàn của ta vẫn còn và còn nhiều người tất bạt, nhiều người bị bỏ rơi. Họ chính là hình ảnh của Chúa Phục Sinh, hình ảnh của “khách bộ hành” trong đời ta đó.

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban thêm ơn, ban thêm lòng tin cho chúng ta để chúng ta có thể nhận ra Chúa đang ẩn thân nơi những anh chị em nghèo khổ, tất bạt ấy ngay bên đời ta.


Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.