LỜI HỨA ĐỔI ĐỜI CỦA ÔNG GIAKÊU (CN 31 TN năm C)



“Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19:8).

Sách Thủ Lãnh trong Kinh Thánh Cựu Ước có thuật lại câu chuyện ông Gíp-tác, vốn là một dũng sĩ đại tài của quân đội Israel. Trong một trận giao chiến tiến đánh con cái Am-mon,đang khi lãnh đạo dân quân Israel, ông đã thề hứa với Chúa rằng: “Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con, thì – khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an- hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về Đức Chúa, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu”.

Và quả thật, Chúa đã giúp Gíp-tác chiếm được hai mươi thành của quân thù, con cái Am-mon bị hạ nhuc trước mặt hàng ngũ Israel. Ông trở về quê nhà trong khải hoàn chiến thắng, bất ngờ đứa con gái độc nhất vội vàng ra chào đón thân phụ, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Thoạt nhìn thấy ái nữ, Gíp-tác liền xé áo mình ta, thẫn thờ than tiếc: “Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Đức Chúa và không thể rút lại được”. Hai tháng sau đó, Gíp-tác vẫn sẵn lòng hiến tế con mình như của lễ tạ ơn dâng Chúa đã giúp ông thắng trận. Ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa với Ngài (Tl 11:29-40).

Biết tôn trọng chữ Tín, thật khâm phục biết bao!

+ Thiên Chúa giao ước với Israel: chọn họ là dân riêng của Chúa và hứa bảo vệ họ đến cùng. Qua muôn thế hệ, Ngài vẫn trung thành trong mọi lời Ngài cam kết, dù rằng dân Israel đã thất tín, phản bội Giavê Thiên Chúa đi tôn thờ thần ngoại bang.

+ Đức Giêsu Kitô khi vào thành Giêricô, cũng hứa ghé thăm nhà Giakêu và Ngài đã ở lại nhà ông. Đáp lại thiện cảm ấy, viên trưởng phòng thu thuế đã hứa với Chúa sẽ dâng cúng cùng đền bù lại những thiệt hại tài sản mà ông chiếm đoạt của người khác.

Lời hứa được thực hiện trọn hảo, mang giá trị cao vời cho người đã thành tâm cam kết.

A. Những lời hứa trong Kinh Thánh.

Rải rác trong từng trang Kinh Thánh, ta thấy rất nhiều lần Thiên Chúa yêu thương, hứa hẹn ban tặng nhiều ân phúc cho con người:

+ Ngài chúc lành và hứa hẹn cho Abram thành tổ phụ một dân đông đảo (St 12:1-3).

+ Lời hứa ban đặc ân cho Sara, vợ Abram sẽ sinh con trai dù bà đã cao niên (St 18:10).

+ Chúa hứa ở bên cạnh Môsê giúp ông lãnh đạo, đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập (St 3:12).

+ Ngài giao ước với Israel: họ sẽ là dân thánh, sở hữu riêng của Chúa (Xh 19:5-6).

+ Lời hứa sẽ thiết lập cho Vua Đavít một triều đại vững bền (2 Sm 7:16).

+ Ngài nhậm lời cầu xin của tư tế Giacaria: hứa cho vợ ông son sẻ vẫn sinh con (Lc 1:13).

+ Chúa hứa với cụ già Simêon, ông sẽ không chết trước khi gặp Chúa Hài Nhi (Lc 2:26).

Bên cạnh đó, suốt ba năm truyền giảng, Đức Giêsu Kitô cũng không ngừng hứa hẹn với mọi kẻ Ngài ưu tuyển:

+ Lời hứa với 4 môn đệ đầu tiên theo Chúa “sẽ cho họ thành các kẻ chài người” (Mt 4:18).

+ Ngài hứa với Phêrô và những kẻ theo Ngài “họ sẽ được phần thưởng gấp trăm gấp bội ở đời này, đời sau” (Mt 19:28-29).

+ Chúa hứa với Giakêu sẽ vào thăm nhà ông, ban ơn cứu độ cho gia đình Giakêu (Lc 19:5).

+ Lời hứa với người trộm lành “anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng hôm nay” (Lc 23:43).

Đứng trước tình thương bao la của Thiên Chúa, nhiều tâm hồn đã không ngại đáp lại hồng ân Chúa ban tặng bằng những lời cam kết nghiêm chỉnh:

+ Bà Anna hứa hẹn: nếu được Chúa chúc lành cho bà sinh con trong tuổi già, bà sẽ dâng con trẻ ấy thuộc về Chúa (1 Sm 1:11).

+ Đức Maria đã can đảm Xin Vâng, hứa thực hiện những lời Thiên Chúa mời gọi (Lc 1:38).

+ Ông Giakêu cam kết dâng cúng phân nửa tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn các thiệt hại mà ông đã gây phiền khổ người khác (Lc 19:8).

+ Tôma đã phấn khích các tông đồ “chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11:16).

B. Những lời hứa trong đời sống.

Trong sinh hoạt Giáo Hội, cũng không thiếu đó đây khá nhiều lời thề hứa được thể hiện:

+ Lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và lời đoan hứa từ bỏ ma quỉ và tội lỗi khi nhận Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức.

+ Lời đoan quyết ăn năn dốc lòng chừa không tái phạm tội lỗi trong Bí tích Hoà Giải.

+ Lời cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm của các tu sĩ khấn dòng.

+ Lời hứa vâng phục Đức Giám Mục và các Đấng kế vị Ngài của tân chức Linh Mục trong nghi thức truyền chức.

+ Lời tuyên xưng đức tin của Cha Xứ nhân ngày nhận nhiệm vụ chủ chăn giáo xứ.

+ Lời thề nguyền chung thủy với nhau của đôi vợ chồng mới trong Bí tích Hôn Phối….

Nơi cuộc sống đời thường, thỉnh thoảng ta cũng nghe biết được những lời giao kèo ký kết:

+ Lời hứa ký sổ vàng, ủng hộ một viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới.

+ Lời hứa chung cá độ bóng đá, trước khi một trận đấu được bắt đầu.

+ Lời cam kết thực hiện đúng hợp đồng làm ăn, có bên A và bên B ký xác nhận đầy đủ.

+ Lời cha mẹ hứa hẹn thưởng món quà khích lệ con nếu con thi cử đạt kết quả ưu hạng.

+ Lời hứa khi vay mượn tiền với thời hạn trả lãi nhiều phần trăm cho chủ nợ.

+ Lời hứa của đôi bạn bè tri kỷ, kết tình kết nghĩa, vui buồn sướng khổ có nhau…

Mỗi lời hứa ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác nhau: trang trọng có, tầm thường có, giản dị cũng có. Làm cách nào để có thể đánh giá trị đúng mức về những lời hứa ấy?

C. Điều kiên để lời hứa có giá trị xứng đáng.

Thiết tưởng, để một lời đoan hứa có giá trị, cần xây dựng trên vài yếu tố cụ thể sau:

1. Lời hứa được tuyên bố cách nghiêm chỉnh, có nhân chứng hiện diện.

Lời tuyên bố này có khi được thể hiện bằng lời, hay bằng văn tự minh chứng.

Thí dụ: Lời thề Hôn Phối, hợp đồng vay tiền ngân hang, giao kèo thương mại làm ăn giữa hai đối tác…

2. Lời hứa được tuyên bố trong lúc bình thường, tỉnh táo bởi người đủ trí khôn lành mạnh.

Thí dụ: Không ai tin vào lời hứa của trẻ con, của người say rượu…

3. Lời hứa có khả năng thực hiện được, không vượt sức tự nhiên con người.

Thí dụ: Thề có nói dối, nói xạo..ra ngoài đường xe vận tải 18 bánh đè chết lập tức. Chồng hứa với vợ nếu có ngoại tình, ăn vụng… sẽ đi đầu ngược xuống đất.

Những lời cam kết như thế, thường là hứa cuội, hứa lèo, hứa hảo, không thực tế bao giờ.

D. Giá trị lời hứa của ông Giakêu.

Vốn là một trưởng ty quan thuế, ắt hẳn Giakêu không tránh khỏi những cạm bẫy tội lỗi trong nghiệp vụ. Song le, khi đón tiếp Chúa Giêsu, Đấng Thiện Hảo vào trong nhà mình, ông quyết tâm hoán cải đổi đời. Giakêu đã hứa đền bù những của cải đã cưỡng đoạt người khác, đồng thời muốn thực thi bác ái với người nghèo.

“Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh”.

Nghiệm xét về lời hứa của Giakêu trước mặt Chúa, ta thấy:

+ Lời hứa của ông hội đủ 3 yếu tố trên, nên Giakêu được Chúa Giêsu đánh giá cao. Ngài chúc phúc cho ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19:9).

+ Động cơ thúc đẩy Giakêu can đảm đoan hứa, chính là:

- lòng sám hối thật tình.

- lòng mến Chúa chân thành.

- lòng tự trọng nhân cách.

Theo một tài liệu để lại, cho biết: sau biến cố đổi đời ấy, kitô hữu thời xưa rất có cảm tình với Giakêu. Ông đã theo giúp Thánh Phêrô và làm Giám Mục thành Cêsarê. Hiện tại thành phố Rocamadour (Pháp), Giakêu được tôn kính đặc biệt dưới danh hiệu Saint Adamour.

( Suy Niệm Lời Chúa hàng ngày, AMDA 1975, trang 1584 ).

E. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa! Nhân vô thập toàn. Không ai trong chúng con được hoàn hảo trước mặt Chúa. Chỉ trong tình yêu Chúa nâng đỡ, chúng con mới chỗi dậy và can đảm trở về. Xin giúp chúng con biết thành tâm nhìn nhận tội lỗi mình, luôn mạnh mẽ đổi đời, nhờ đó chúng con mới có cơ hội lớn lên trong Ơn Thánh Chúa mỗi ngày. AMEN.


Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.