Tiếng đàn đại phong cầm (Orgel) ở thánh đường

Ở bên Âu châu hầu như trong thánh đường nào cũng có chiếc đàn Đại phong cầm với nhiều ống to nhỏ khác nhau, những tiếng nhạc cụ khác nhau của một ban nhạc đại hòa tấu, cùng kích thước to nhỏ tương hợp tùy theo diện tích thánh đường.

Trong Thánh đường Công giáo bên Âu châu, to hay lớn hay ngôi nhà nguyện của Dòng Tu, chiếc đàn đại phong cầm và bộ chuông với những trái chuông trầm bổng khác nhau, là dụng cụ thiết bị phụng vụ không thể thiếu được.

Chiếc đàn Đại phong cầm trong thánh đường không chỉ là nhạc cụ dùng trong nghi lễ phụng vụ không thể thiếu được, nhưng còn là nét văn hóa của nếp sống văn minh Kitô giáo bên xã hội Âu châu nữa. Xưa nay người ta thường gọi đàn Đại phong cầm với danh hiệu là “ nữ hoàng” các nhạc cụ.

Đại phong cầm ở vương cung thánh đường Kevelaer có 10.000 ống, 149 registres
Thông thường chiếc đàn Orgel được thiết kế trang trí sắp đặt trên sàn hát nơi cao, cùng phủ bao bộ áo làm bằng gỗ chạm trổ công phu nghệ thuật cùng rất mỹ thuật.



(Hình Đàn đại phong cầm ở vương cung thánh đường Kevelaer có 10.000 Ông to nhỏ khác nhau, cùng 149 registres)


Chỉ xem nhìn bộ áo trang trí nghệ thuật bọc bên ngoài, và cách thiết kế những ống đàn dựng vươn lên có thứ tự hàng lối hình thể, người xem cũng đã có ấn tượng tốt đẹp gần như bị thu hút say mê rồi.

Khi âm thanh tiếng đàn trổi lên vang dội khắp không gian thánh đường lại càng gây ấn tượng làm say mê người nghe hơn nữa.

Nhà sáng tác âm nhạc thiên tài Beethoven đã có suy tư. “ Trong âm nhạc chúng ta diễn tả điều không diễn tả ra bằng ngôn ngữ được.”

Đúng vậy, đàn đại phong cầm ở thánh đường có tên gọi bằng tiếng Latinh là “organum”, nghĩa là “cơ quan bộ phận”.

Chiếc động cơ ở bên trong bộ phận đàn đại phong cầm bơm tỏa hơi khí làm cho đàn sống động phát thành tiếng, khi nhạc công nhấn phím chơi đàn cho chiếc lưỡi gà của ống đàn bật mở ra.

Trong con người chúng ta đều có cơ quan bộ phận và một động cơ ở bên trong. Động cơ này làm cho bộ máy cơ quan trong người trở nên sinh động.

Sách Sáng Thế thuật lại, Thiên Chúa lấy đất nặn thành hình mọi giống lọai, Ngài thổi hơi (Thần khí) vào mũi chúng, hình tượng giống loại thú vật cùng con người liền có sự sống động.

Không khí, làn hơi thổi vào làm cho cơ quan nơi con người, nơi xúc vật và chiếc đàn đại phong cầm nên sống động từ đó.

Mỗi ống đàn với âm thanh đã chế biến sắp xếp trong toàn thể hệ thống chiếc đàn đều có nhiệm vụ như nhau. Từng tiếng âm thanh của ống đàn phát hòa cùng lúc chung với những tiếng âm thanh của các ống đàn khác, vang lên hòa thành một dàn nhạc với nhiều âm thanh trầm bổng chen đan chéo vào nhau, tùy theo các ngón tay hay cả bàn chân của người nhạc công ấn dậm trên phím đàn cùng mở cho hơi khí phát tỏa thổi chạy vào các ống đàn.

Âm thanh các nhạc cụ của đàn đại phong cầm vang lên có những âm hưởng khác nhau như mềm mại thị vị, hay ảo não trầm buồn; hùng tráng tươi sáng cùng nhộn nhịp nhanh lướt hay chậm rãi thư thái; trong trẻo sắc bén hay chìm đục…

Những âm thanh của chiếc đàn đại phong cầm vang lên phản ảnh diễn tả tiếng nói phần việc của con người trong xã hội, trong Cộng đoàn Giáo Hội, tùy theo thời điểm hoàn cảnh sinh sống của họ. Nhưng không âm thanh tiếng nói nào được lẫn lộn với cái khác, hay lấn át làm tê liệt nhau.

Khi âm thanh tiếng kèn “Trompete”, tiếng kèn “Posaune” vang lên từ chiếc đàn đại phong cầm, gây âm hưởng mời gọi thúc dục trái tim tâm hồn ăn sâu tận tới làn da thớ thịt, ta có cảm tưởng như tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng là người mục tử nhân lành, từ trên trời cao vọng xuống trần gian, như lời Chúa Giêsu nói ”Chiên của Ta thì nghe biết tiếng Ta”( Ga 10,27-30).

Hay khi âm thanh tiếng sáo trong thanh phát ra tựa như tiếng hát Thiên Thần đêm Chúa giáng sinh làm người cao vút từ trời cao vang vọng xuống trần gian “ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” ( Lc 2,14)

Tiếng của Chúa là lời kêu gọi hướng về điều tốt lành, về tình yêu thương bác ái.

Tiếng của Chúa vang lên: hãy bắc nhịp cầu nối liền hai bờ đời sống lại với nhau, đã bị ngăn cách vì bóng tội lỗi hay sự nghi kỵ chia rẽ nhau.

Tiếng của Chúa là âm thanh mang đến bình an cho tâm hồn đời sống.


LM. Nguyễn Ngọc Long