Từ Dòng Sông Gio-đan Đến Dòng Đời

Việc Đức Giêsu chịu phép rửa được nhắc đến trong Tin Mừng Lc (3, 15 – 16.21 – 22) gợi lên trong chúng ta một biểu tượng đẹp và sinh động, có ý nghĩa tiên báo về cuộc đời của Đấng nhập thể trong sứ vụ cứu độ con người.

1. Bước xuống dòng sông Gio-đan

“Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3, 21a).

Việc Đức Giêsu chịu phép rửa dưới dòng sông Gio-đan nhờ bàn tay Gio-an không còn là một hành vi bình thường như bao người khác muốn chứng tỏ lòng sám hối. Không bình thường là vì Ngài chính là Thiên Chúa toàn hảo, cao trọng trội vượt trên muôn loài, lại hạ mình đứng vào hàng tội nhân vốn mang trong mình những bất toàn. Điều đó cho thấy phẩm cách của Đức Giêsu trong vai trò đồng hành với đối tượng đang được Thiên Chúa đặt làm trung tâm của chương trình cứu độ.

Đức Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa, vì Ngài muốn gột tẩy đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Con người không còn là kẻ thù của Thiên Chúa bởi tội lỗi mà họ đã xúc phạm đến Ngài. Con người luôn là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương, và Ngài đã chủ động đi bước trước, khi Ngôi Hai hạ sinh làm một con người để cứu độ muôn người. Chính Ngôi Hai lại tự nguyện bước xuống giữa đoàn lũ những tội nhân để cảm thông và nâng họ dậy từ những yếu hèn cố hữu. Khoảng cách giữa cõi siêu nhiên của Thiên Chúa với con người không còn là “một vực thẳm vô tận” như nhiều người vẫn tưởng nghĩ; mà nó đã được xích lại trong mối tương liên giao hảo Thiên Chúa – con người.

Đức Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa nói lên sứ mạng cứu thế của Ngài. Sứ mạng này là cuộc tận hiến cao cả, dám gánh lấy đau khổ do tội lỗi con người gây nên, như lời Thánh Phêrô: “Tội lỗi chúng ta Ngài đã mang lấy vào thân hầu đưa lên cây thập giá” (1Pr 2, 24). Dòng sông Gio-đan như là lời tiên báo cho hành trình thập giá của Đức Giêsu. Việc Ngài bước xuống dòng sông Gio-đan là hình ảnh sinh sinh động, được nghiệm thấu trên mỗi bước đi của chặng đường thập giá. Vinh quang cứu độ mà Ngài đem đến cho nhân loại được gột rửa bởi khổ đau, nhục nhã của một phàm nhân.

2. Bước xuống dòng đời

Có người ví cuộc đời này “như một dòng chảy”, hay “như một dòng sông”. Ý tưởng này thật chí lý khi nối kết với vấn đề liên hệ được đặt ra từ sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa.

Việc Đức Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa mở ra cho chúng ta con đường khiêm hạ để luôn biết nhìn nhận con người tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, và có thái độ phù hợp trong mối tương giao với anh em.

Đức Giêsu đã bước xuống dòng đời thực sự khi Ngài đảm nhận thân phận con người bất toàn để cảm hoá và vực dậy nhân loại đang chìm ngập giữa dòng yếu đuối phàm tục. Ngài muốn con người tiếp tục cộng tác với Ngài trong công cuộc đồng hành, vực dậy những tâm hồn đang đắm mình trong vũng bùn tội lỗi. Quá trình này phải bắt đầu từ việc chúng ta có sẵn sàng chấp nhận gột rửa con người đầy tham vọng của ta để can đảm “bước xuống” dòng đời hôm nay.

Những hố sâu ngăn cách trong cuộc sống hiện tại có nguy cơ làm cho con người ngày càng tách biệt nhau, lạnh nhạt với nhau hơn. Đó là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Đó là khoảng cách về trình độ nhận thức, khả năng tiếp nhận giữa các bộ phận quần chúng, các cá nhân…, mà nguyên nhân là do các chính sách kinh tế, chế độ an sinh chưa đảm bảo, phù hợp, các quyền lợi tối thiểu chưa được đáp ứng thoả đáng.

Đức Giêsu đã bước xuống dòng sông Gio-đan để xoá đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Ước chi nhân loại chúng ta, mỗi người chúng ta, biết “bước xuống” giữa dòng đời để cùng nhau chung tay lấp đầy những khoảng cách kia. Ước chi, chúng ta cũng biết đưa mắt nhìn xuống bao kiếp đời đang vật lộn giữa dòng thác dữ của bất hạnh, bi kịch. Ước chi, chúng ta cũng biết đến với họ bằng lời sẻ chia chân thành, bằng một hy sinh dù rất nhỏ bé có thể giúp họ hướng về bến bờ hy vọng, hạnh phúc.

Như Đức Kitô, chúng ta hãy khiêm hạ nhìn nhận những bất toàn của bản thân trước Thiên Chúa và anh em. Nhờ đó, ta biết phát triển và canh tân đời sống mỗi ngày, đồng thời biết đồng hành cùng anh em trong tư cách người bạn và người phục vụ.


J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Đại Chủng viện Vinh - Thanh)