Ăn thịt heo tế thần... á khẩu
07/03/2010
Heo cúng xong được mua đi bán lại đến khi nào lớp da quay bạc màu, thịt có dấu hiệu hư thối thì họ mới chịu xẻ thịt. Để giảm mùi hôi của heo quay, trước khi xẻ thịt đám con buôn đem phết lớp màu, gia vị rồi quay lại cho át mùi hôi. Không ít người mua nhầm loại thịt này, về nhà dọn ăn, vừa đưa lên miệng cắn một miếng đã muốn "á khẩu".
"Miếng hịt heo quay với lớp da vàng bóng gói trong lá chuối xanh trông rất hấp dẫn nhưng khi vừa cho vào miệng thì cả nhà tôi ai nấy muốn xỉu bởi mùi thum thủm nhức óc lan tỏa. Sau này tìm hiểu tôi mới biết đó là heo tế thần bị quay vòng "bán - cúng" nhiều bận, đến khi "lễ vật" bốc mùi thay vì đem vứt bỏ thì đám người thất đức xẻ thịt bán cho khách hành hương. Qua Báo chí tôi phản ánh thực trạng này với những mong mọi người cẩn trọng trước khi quyết định mua thịt heo quay ở những điểm tấp nập người hành hương, bằng không rất dễ ôm họa".
Khiếp đảm "lộc sơn thần"
Đó là phản ánh của anh Trần Văn Hải, nhà ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 cùng nhiều người khác khi trẩy hội chùa núi Gia Lào (còn gọi núi Chứa Chan, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Anh Hải tâm tình, phần lớn khách hành hương khi ghé các chốn thờ tự linh thiêng, huyền bí đều có nhu cầu "tuyển lộc" với những mong sẽ gặp được may mắn, hành thông trên con đường sự nghiệp, gia đạo, tình trường.
Heo tế thần bày bán ngổn ngang dưới chân núi Gia Lào.
"Núi Gia Lào với cây ba gốc một ngọn nổi tiếng linh thiêng ở vùng Đông Nam Bộ là một nơi như vậy. Khách trẩy hội khi rời núi người mua vàng gâm đeo trừ tà, kẻ mua trầm hương để đốt xua đuổi tà ma, người mua nanh vuốt của các loài thú linh như heo rừng, cọp, gấu… về trưng trong tư gia để được trượng vượng. Còn tôi thì thuộc tuýp người thực dụng nên "bụp" nguyên tảng đùi heo quay được bán ở lưng chừng núi để về nhà mời anh em chiến hữu bạn bè lai rai với giá khá rẻ, chỉ một trăm một ký" (100.000 đồng/kg).
Chị Lê Thị Thắm, cùng tham gia chuyến hành hương với gia đình anh Hải và cùng mua miếng thịt heo quay nặng gần 2kg, giải thích: "Dân miền Nam quan niệm, heo là con vật ăn khỏe, ngủ khỏe, đẻ khỏe lại chóng lớn nên nó được xem là biểu trưng cho sự khỏe mạnh, no đủ, sung sướng. Mọi người tin đầu năm đầu tháng mà ăn thịt heo, tất nhiên phải là heo được cúng tế cho các vị thần sẽ tích nạp mọi sự hanh thông, may mắn. Bởi vậy mình mới rinh về một miếng ăn chơi. Lúc cầm miếng thịt ngửi qua thấy rất thơm nhưng ai dè cắn vào thì muốn á khẩu".
Đã 4 ngày trôi qua nhưng cái mùi thum thủm của miếng thịt heo tế thần vẫn còn váng vất trong đầu ông Trần Sải, 62 tuổi, ngụ phường Tân Kiển, quận 7. Gọi điện đến đường dây nóng cơ quan đại diện Báo giọng ông đầy sự cám cảnh: "Tôi có ông bạn hưu trí nhà ở quận Tân Phú đi trẩy hội chùa núi Gia Lào cùng gia đình. Khi về ảnh dừng lại dưới chân núi mua vài ký heo quay về dùng và tặng bà con láng giềng, bạn bè thân thuộc gọi là "lộc lấy hên". Nghe ảnh nói "đấy là lộc của sơn thần" nên bà nhà tôi hăm hở ra chợ mua bánh hỏi, giã nước mắm làm bữa "heo quay bánh hỏi ra trò". Hăm hở gọi con réo cháu mỗi đứa làm một miếng lấy lộc, ai dè tui bị sắp nhỏ cự quá trời. Mình người lớn cắn vào thấy bất thường thì nhả ra, riêng mấy đứa cháu nội, cháu ngoại mới 5-7 tuổi đầu thì nuốt ực để rồi đứa bị ngộ độc, đứa bị tiêu chảy mà thương"…
"Tẩy chay cho chắc ăn"
Với mong muốn không còn ai lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười như mình và người thân, ông Sải ra Bến xe Miền Đông đón xe khách tìm đến núi Gia Lào, quyết tâm mở cuộc "điều tra" về nguồn gốc của những con heo tế thần được xả thịt.
"Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy chỉ có khách hành hương phương xa là ào ạt mua "lộc sơn thần" về ăn lấy hên. Trò chuyện với dân địa phương, họ bảo "ăn rước họa thì có". Có người còn tuyên bố cho không rồi cho thêm tiền họ cũng không dám mạo hiểm tính mạng. Bởi trước khi được xẻ thịt, những con heo quay ấy được "quay" cả chục lần nên thịt hôi và nhuốm đầy bụi bẩn".
Vừa từ núi Gia Lào trở về thành phố nên chúng tôi hiểu được những trăn trở, bức xúc của anh Hải, chị Thắm, ông Sáu… khi miếng "lộc sơn thần" mà họ hăm hở tốn tiền, cất công mua về lại là "của độc".
Còn nhớ lúc ghé chợ Xuân Trường, chúng tôi tia được cảnh nhiều khách hành hương bâu quanh bàn thịt heo quay của một phụ nữ dáng người phốp pháp. Tay liên tục chặt cắt theo yêu cầu của khách, chị này oang oang đọc thơ: "Lộc sơn thần lâu lâu mới có/ Muốn phát tài chớ bỏ cơ may/ Lộc thần nổi tiếng… heo quay/ Bà con cô bác nhanh tay đi nào".
Từ chợ Xuân Trường kéo dài lên đến khu vực cây ba gốc một ngọn có gần chục điểm người ta bày bán thịt heo tế thần. Có chỗ bàn thịt nằm bên đống rác bốc mùi hôi thối kinh khủng. Vậy nhưng vẫn có khách hành hương ghé mua "ăn lấy hên".
Hỏi chuyện anh Minh, người gánh thuê lễ vật cho khách hành hương cúng chùa, anh chân tình khuyên: "Dừng có ham rẻ, ham lộc mà rước họa vào thân nghen. Tháng Giêng là tháng hành hương, người ta đặt heo quay cúng thần dữ lắm! Heo cúng xong được mua đi bán lại đến khi nào lớp da quay bạc màu, thịt có dấu hiệu hư thối thì họ mới chịu xẻ thịt. Để giảm mùi hôi của heo quay, trước khi xẻ thịt đám con buôn đem phết lớp màu, gia vị rồi quay lại cho át mùi hôi. Thấy lộc thần thơm ngon được bán với giá rẻ, khách mua ầm ầm"...
Nếu biết được hành trình xuống núi của những con heo tế thần kể trên chắc rằng khách hành hương sẽ không ai dại dột tự đưa mình và người thân đối mặt với thảm cảnh "tiền mất tật mang".
Ngập ngừng bỏ nhỏ: "Heo quay tế thần ở núi Gia Lào, ở dinh Thầy Thím (tỉnh Bình Thuận), ở núi Sam (Châu Đốc-An Giang)… phần lớn đều có nguồn bất minh, bị quay vòng nhiều lần nên là kho thuốc độc, thánh thần chưa chắc dám động vào nói chi bá tánh thập phương", anh Minh chân tình khuyêntheo cand online