-
Moderator
Hoạt động của tổ chức MAU tại Việt Nam
Mothers Acting Up, còn gọi tắt là MAU, là một tổ chức bất vụ lợi có mục đích khích lệ và động viên các bà mẹ ủng hộ các chính sách ưu tiên dành cho con em. Minh Phượng của Ban Việt Ngữ VOA tìm hiểu thêm về tổ chức này qua cuộc tiếp xúc với bà Mary Beth Osnes, người đồng sáng lập tổ chức, đang đi công tác tại Việt Nam.
Bà Mary Beth Osnes và các em học sinh Việt Nam
Bà Mary Beth Osnes có bằng tiến sĩ về môn kịch nghệ và đang dạy học tại trường Đại học Colorado ở Boulder. Được học bổng Fulbright để khảo cứu tại Malaysia, bà đã thực hiện các cuộc khảo cứu chuyên ngành ở đó, và đang đi một vòng các nước Bắc Mỹ giới thiệu vở kịch độc diễn, sử dụng sân khấu như một công cụ đem lại sức mạnh cho các tiếng nói của các bà mẹ để hỗ trợ một cách hữu hiệu cho trẻ em trên thế giới. Bà nói thêm về tổ chức MAU.
Bà Osnes nói: “Mothers Acting Up xuất phát từ cảm nghĩ mà các bà mẹ chúng tôi đã có sau cuộc tiến chiếm Afghanistan và các biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, đó là chính phủ đã không đáp ứng với các sự kiện đó theo ý chúng tôi muốn, và chúng tôi nhận thấy rằng rất nhiều chính sách của chính phủ không phản ánh các giá trị của chúng tôi trong tư cách là những bà mẹ, và chúng tôi muốn cùng với các bà mẹ khác bắt đầu lên tiếng nhiều hơn và trở thành các đối tác của chính phủ để chia xẻ các quan điểm của chúng tôi về cách thức giải quyết các cuộc xung đột và phân phối các tài nguyên ra sao. Chúng tôi có một tiếng nói mạnh hơn trước kia trong tư thế là một lực lượng đoàn kết để bầy tỏ quan điểm về những vấn đề này và thực sự xem các vấn đề đó tác động ra sao đến trẻ em trên toàn thế giới.”
Bà Osnes muốn đưa thêm nhiều tiếng nói vào công trình mà bà đang thực hiện và trong thời gian công tác ở Malaysia, bà đã đi nhiều nước trong vùng Đông Nam Á, nhưng đây là lần đầu tiên đến Việt Nam.
Bà Osnes nói: “Tôi nghĩ đây là một khởi điểm tuyệt vời. Bởi lẽ Việt Nam là một nước cộng sản, với rất nhiều điểm khác biệt với Hoa Kỳ, thực là một điều thú vị được gặp gỡ những người trong một đất nước dường như có rất nhiều khác biệt mà lại tìm ra được những điểm chung, đồng thời phát hiện ra sự đa dạng của những mối quan tâm cũng như các giải pháp quanh các vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em.”
Bà Osnes cho biết vừa mở nhiều cuộc hội thảo tại Trung tâm phòng chống HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và đối tác là Liên hiệp Phụ nữ, trong đó bà đã cùng với các hội thảo viên thực hiện những bài tập luyện giọng nói cho vững vàng và tự tin và hữu hiệu, rồi dùng giọng nói đó để bầy tỏ những gì mà họ thực sự quan tâm và sau đó bàn luận để tìm ra một biện pháp giải quyết các quan tâm đó trong tháng tới. Kế đó, bà đã cùng các hội thảo viên diễn tập thử các hành động mà họ định làm trong từng nhóm và nhận thấy công việc đó rất thích thú và hữu ích. Bà cũng tổ chức các cuộc hội thảo tương tự với các sinh viên sư phạm tại Hà Nội.
Bà Osnes nói: “Trong tư cách là một tổ chức hỗ trợ, chúng tôi cố gắng vận động các bà mẹ hỗ trợ cho trẻ em trên thế giới, vai trò của chúng tôi và điều tốt nhất mà chúng tôi có thể đóng góp là thống nhất các tiếng nói của các bà mẹ để nêu lên các vấn đề tác động đến trẻ em ở Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới.”
Bà Osnes nêu ra các nhận định về tình trạng phụ nữ và trẻ em trong thời gian làm việc tại Việt Nam.
Bà Osnes nói: “Tôi phải nói một điều là, tuy đương nhiên là có tình trạng nghèo khó, nhưng cảm tưởng của tôi qua nghiên cứu sách vở và chuyến đi này là mọi việc dường như có nhiều hy vọng hơn chút ít so với sự trông đợi của tôi. Dường như không có cảnh nghèo khó đến mức thê thảm như người ta chứng kiến khi đi thăm một số nơi, chẳng hạn ở Nam Phi, và một điều nữa là cái tinh thần của những người tôi được gặp ở Việt Nam, đó là một tinh thần rất tuyệt vời, rất từ ái và đầy tự tin là họ có thể tạo ra sự khác biệt.”
Bà Osnes cho biết bà đã liên hệ với Trung tâm Phát triển Gia đình và Giới tính và họ là cơ quan chủ quản đã viết email mời bà sang Việt Nam. Bà nói rằng đây chỉ là một chuyến đi tham quan gặp gỡ tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm, mà không hẳn là một chuyến đi chính thức hay chương trình khảo cứu vì bà đến Việt Nam với thị thực du khách. Tuy vậy, bà đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Phòng chống HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và không gặp khó khăn gì trong các vấn đề tiếp xúc, như đã lo sợ qua kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ khác.
Hội thảo về vấn đề HIV/Aids
Bà Osnes nói: “Điểm chính mà chúng tôi tập trung vào hiện nay là lập quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ đang làm việc tại Việt Nam và giúp họ lập một mạng lưới nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người có hành động nhân danh các chính sách và chương trình tác động đến trẻ em ở Việt Nam. Đó cũng chính là mạng lưới mà tổ chức của chúng tôi đã lập được, một mạng lưới các bà mẹ có cam kết và hành động nói chuyện với những người đại diện họ. Đấy là lợi ích chính mà tổ chức của chúng tôi có thể đóng góp vì chúng tôi không phải là một tổ chức cứu trợ trực tiếp như cung cấp viện trợ y tế chẳng hạn.”
Bà Mary Beth Osnes nói rằng bà đã làm công việc động viên các bà mẹ biến mối quan tâm thành hành động tính đến nay đã được 5 năm. Bà thực tâm yêu thích và có cam kết vững chắc với công việc này.
Bà Osnes nói: “Thực là tuyệt diệu được đi đến một nước khác và gặp gỡ và nói chuyện với các bà mẹ, chia sẻ các mối quan tâm. Điều đó làm tôi có cảm tưởng như chúng ta đều là những người công dân của thế giới, và là thành phần của một cộng đồng toàn cầu.”
Bà Mary Beth Osnes, người đồng sáng lập tổ chức Mothers Acting Up cho rằng công việc đó đã khích lệ bà rất nhiều và đem lại sức mạnh và niềm vui vô tận cho bà.
Theo VOA.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules