LÒNG THƯƠNG XÓT, VÒNG XÓT THƯƠNG


“Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn”.


Các bạn trẻ thân mến,

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy, ở đâu có Đức Giêsu, ở đó có những vòng tròn: vòng to, vòng nhỏ, vòng hình cung, vòng trên núi, vòng dưới biển, vòng ven hồ, vòng nơi hội đường, vòng trong đền thờ…

Vây quanh Ngài hôm nay, không phải là vòng người miệt biển mộc mạc chơn chất, cũng không phải là vòng người bản làng miền cao bơ vơ tất tưởi nhưng là một vòng tròn kinh sư biệt phái cùng một đám rất đông dân thành Giêrusalem kéo đến từ sáng sớm nhốn nháo ngay trong nơi phượng thờ. Oái ăm thay, một thiếu phụ phạm tội ngoại tình cũng bị xô vào vòng tròn ấy, đặt cho Đức Giêsu một tình thế tiến thoái lưỡng nan, “Ả này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chiếu theo luật, hạng phụ nữ này phải ném đá, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Tha bổng cho chị? Ngài chống lại luật Môisen. Cứ ném đá chị? Ngài chống lại luật Rôma vốn không cho phép quốc gia bị đô hộ ra án tử hình. Nhưng quan trọng hơn, nếu cứ chiếu theo luật, còn đâu hình ảnh một Giêsu từ ái, một Giêsu hiện thân của lòng thương xót; còn đâu một Messia từ tâm xuống thấp thật thấp để rao giảng sự duông thứ của một Đấng ngự trên cao thật cao.

Vì biết rằng, đằng sau bản án đòi ném đá người con gái của đất ấy, còn cả một bản án muốn giết chết đứa con trai của trời, Đức Giêsu, tâm vòng tròn hôm ấy, đành phải nín thinh, cúi xuống lấy tay viết nguệch ngoạc trên đất, viết một lần duy nhất trong đời.

Thưa các bạn,

Ai trong chúng ta từng say mê những câu chuyện thiền ý vị thì tiểu phẩm Tin Mừng hôm nay, câu chuyện vòng tròn nghiệt ngã vây quanh Đức Giêsu sáng hôm ấy, một vòng tròn của lên án, của nguyền rủa, của cạm bẫy, của chết chóc là một trong những tuyệt phẩm vậy. Vòng tròn ấy giờ đây đang câm nín.

Cái im lặng đang vần vũ lòng người cũng là cái im ắng đang đánh động lòng trời. Đền thờ chìm vào thinh không như đang chờ đợi một cái gì đó sẽ nổ tung làm rung chuyển cả thành thánh. Và bởi họ cứ thôi thúc, Đức Giêsu buộc lòng phải ngẩng lên cất tiếng, “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá chị này trước đi!”. Tuyệt vời!

Người ta mời Ngài làm quan án xét kẻ có tội; bỗng dưng, Ngài trở thành quan toà xét xử kẻ cho mình là vô tội.

Người ta chờ đợi Ngài kết án bị cáo; bỗng dưng, Ngài lại thẩm vấn chính các nguyên cáo.

Người ta mang đá để ném vào một người yếu thế cô thân; bỗng dưng, Ngài ném ngược trở ra một lời cứng hơn đá trúng tim những kẻ ỷ thế mình là mạnh mẽ.

Đá ném vào giết chết tội nhân, lời ném ra cứu sống người “công chính”.

Người ta muốn Ngài đồng tình giết chết kẻ mắc tội, Ngài lại muốn cứu sống kẻ buộc tội lẫn người có tội.

Tin Mừng nói, “Bấy giờ kẻ trước người sau, họ lặng lẽ rút lui, bắt đầu là những người lớn tuổi”.

Giờ đây, cái vòng thòng lọng của giết chết, của lên án, của nguyền rủa phải rã đám… nhường chỗ cho vòng tròn của lòng thương xót, của thứ tha, của chữa lành. Vòng tròn từ nhân ấy đang bao trùm cả những người cho mình là công chính, cả người phụ nữ có tội cũng như cả nhân loại đang khốn cùng.

“Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn”.

Điều chúng ta dừng lại không phải là tuyệt chiêu của vị thiền sư, nhưng điều phải chiêm ngắm chính là lòng thương xót của Thiên Chúa mà Đức Giêsu, tâm vòng tròn, hiện thân của lòng xót thương đó, “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng không, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Dịu dàng nhường bao, nhân ái nhường nào!
Ngài không chấp nhận tội lỗi, nhưng lại chấp nhất tội nhân;
Ngài không vùi lấp nhân phẩm, nhưng lại phục hồi nhân cách;
Ngài không lui về quá khứ, nhưng lại phóng chiếu tương lai.

Vâng, Đức Giêsu đưa người phụ nữ ra khỏi dĩ vãng tăm tối để đẩy chị tới một viễn cảnh ngời sáng. Ngài tái tạo chị, cứu sống chị, đưa chị vào một chân trời mới, một cõi đất mới. Trời mới đất mới ấy còn đẹp hơn cả địa đàng thuở hồng hoang chiều ngày tạo dựng. Bởi lẽ, ở đó, cả một đại dương bao la của lòng thương xót, một bến bờ vô tận của thứ tha, một không gian bát ngát của vỗ về, một giang sơn đại ngàn của cứu chữa, một lãnh địa thênh thang của băng bó, một quê hương rạng ngời của lòng cậy trông và một phúc kiến ngơi nghỉ của an bình.

“Ôi tội hồng phúc!”.


Lm. Minh Anh (Gp. Huế).