XIN CHO LỜI CHÚA SINH HOA KẾT QUẢ


Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm A
Is 55:10-11; Rm 8:18-23; Mt 13:1-23


Ðọc Thánh kinh ta nhận thấy Thiên Chúa bày tỏ cho loài người về căn nguyên, cùng đích của loài người và đường lối họ phải theo để duy trì mối liên hệ thân thiết giữa Ðấng Sáng tạo và loài thụ sinh. Tuy nhiên lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Lời Chúa không phải là tiếng nói độc thoại, nhưng là việc đối thoại giữa Thiên Chúa với loài người. Lời Chúa chứa đầy sức sống, làm tăng triển và sinh hoa kết quả trong đời sống người tín hữu một khi có sự cộng tác của loài người. Lời Chúa còn có sức thay đổi đời sống con người, có quyền lực để cứu độ hoặc kết án.

Trong dụ ngôn về người gieo hạt giống hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho thấy khuynh hướng và khả năng tiếp nhận lời Chúa cách khác nhau của người nghe. Cũng như hạt giống rơi vào những thửa đất khác nhau thì lời Chúa cũng có thể rơi vào những thửa ruộng khác nhau của tâm hồn. Như trong Phúc âm hôm nay kể lại: khi nghe lời Chúa mà người ta không hiểu thì quỷ dữ sẽ đến cướp đi điều đã gieo. Ðiều đó cũng giống như hạt giống rơi trên vệ đường bị chim trời đến ăn. Nếu tâm hồn nông cạn như sỏi đá thì khi nghe lời Chúa, người ta liền chấp nhận, nhưng không ăn rễ sâu nên khi gặp gian nan bách hại, người ta liền vấp ngã. Nếu tâm hồn giống như bụi gai nghĩa là tâm hồn chứa đầy ham mê và lo lắng về việc thế sự, thì lời Chúa sẽ bị chết nghẹt không sinh hoa kết quả được.

Như vậy lý do khiến cho hạt giống không nẩy mầm và không sinh hoa kết quả được, không phải là tại hạt giống. Cũng vậy lời Chúa không sinh hoa kết quả thiêng liêng trong đời sống là vì ta chưa sẵn sàng để tiếp nhận và đáp trả lời Chúa. Khi ta đóng cửa nhà tâm hồn, thì lời Chúa vào tai nọ sẽ lọt qua tai kia. Khi gặp khó khăn và bách hại, ta liền vấp ngã vì đức tin của ta còn nông cạn và yếu kém khiến lời Chúa không ăn rễ sâu trong tâm hồn được. Khi ta bận tâm lo lắng về việc thế sự, thì lời Chúa sẽ bị tắc nghẽn trong tâm hồn.

Lời Chúa đã đuợc ghi lại trong Thánh kinh cả hằng ngàn năm trước đây và lời Chúa vẫn còn sống động vì Chúa hiện hữu từ thuở đời đời và Chúa vẫn hằng sống và hiện hữu. Chính Chúa còn phán: Lời Ta là thần trí và sự sống (Ga 6:63). Lời Chúa trong Thánh kinh là của chung của nhân loại, nghiã là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc nếu có tiền. Tai ta cũng có thể nghe lời Chúa khi có người đọc, nhưng chỉ có tâm hồn mới có thể lãnh hội được ý nghĩa lời Ngài. Ngay cả Chúa cũng không thể đối thoại với những tâm hồn điếc về phương diện thiêng liêng.

Vào thời Ðông Châu Liệt Quốc, thiên hạ truyền tụng nhau câu chuyện 'đấu trí' giữa đại sứ nước Tề là Án Anh và vua nước Sở là Linh Vương. Ðể làm nhục mạ người Tề, vua nước Sở truyền đem bốn phạm nhân trộm cướp gốc người Tề ra bêu xấu và hỏi Ðại sứ của họ cớ sự ra sao. Ðại sứ nước Tề điềm nhiên trả lời đại khái như sau. Khanh được biết ở Giang Nam đất Tề có một loại quýt mang trái ngọt lịm, nhưng khi đem giống cây sang trồng ở Giang Bắc, đất Sở thì trái cây lại thành chua phèo. Vậy có lẽ bốn phạm nhân này cũng thế. Khi qua đất Sở họ bị tiêm nhiễm bởi những thói hư nết xấu nên mới giở trò trộm cuớp. Câu chuyện có vẻ châm biếm, nhưng giúp ta hiểu được phần nào dụ ngôn người gieo hạt giống trên những mảnh đất khác nhau trong Phúc âm hôm nay như thế nào.

Vậy nếu muốn có kết quả mỹ mãn, người gieo giống phải sửa soạn cho thửa đất mầu mỡ. Trước hết họ phải đốn cây, nhổ cỏ cho mảnh đất được quang đãng, rồi phải xới đất, bón phân, tưới nước để khi hạt giống được gieo mới có thể nẩy mầm, ăn rể, lớn thành cây, rồi sinh hoa kết quả. Cũng một cách thế tương tự, để cho lời Chúa được sinh hoa kết quả, ta phải sửa soạn thửa đất của tâm hồn. Trước hết ta phải loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn là tội lỗi và các thứ tinh mê nết xấu. Một tâm hồn đầy ắp tội lỗi và rác rưởi như vậy thì làm sao còn chỗ cho lời Chúa vào được? Ta còn phải tưới nước cho tâm hồn mềm ra bằng việc tự chế, hi sinh và bác ái. Rồi khi đọc lời Chúa, ta phải suy gẫm lời Ngài và cầu nguyện dựa theo tư tưởng lời Chúa để cho lời Ngài được ấp ủ trong tâm hồn, nẩy mầm, ăn rễ, lớn lên và sinh hoa kết quả. Ðó chính là điều mà ngôn sứ Isaia hôm nay đã so sánh lời Chúa: Như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho người gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn (Is 55:10).

Ðể áp dụng thực hành, khi đọc lời Chúa ta cần tự hỏi: (1) Lời Chúa trong đoạn Thánh kinh này có ý nghĩa gì với ta? (2) Lời Chúa có liên quan đến đời sống ta như thế nào? (3) Làm sao ta có thể áp dụng lời Chúa vào hoàn cảnh đặc thù và cá biệt của ta? (4) Và sau cùng, ta suy niệm và cầu nguyện dựa theo ý nghĩa của đoạn Thánh kinh vừa đọc để cho lời Chúa đuợc ấp ủ, nảy mầm, ăn rễ sâu trong tâm hồn và sinh hoa kết quả.

Lời cầu nguyện xin cho lời Chúa được sinh hoa kết quả:


Lạy Chúa, lời Chúa là ‘thần trí và là sự sống’,
‘Chúa mới có lời ban sự sống đời đời’.
Xin dạy con biết lắng nghe lời Chúa.
Xin cho con biết loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn
là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu
để dọn chỗ cho lời Chúa ngự trị.
Xin cho con biết dọn thửa đất mầu mỡ trong tâm hồn
để lời Chúa được ấp ủ, nẩy mầm, ăn rễ, phát triển và sinh hoa trái
trong đời sống con. Amen


LM. Trần Bình Trọng