“Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn”

Ðêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành
Ôi vì thâm tình cùng con dân sống trong chiến tranh
Ôi cùng đau lòng, cùng hoang mang giữa khi khó khăn
(Nguyễn Đức Quang - Xin chọn nơi này làm quê hương)


(Mt 25: 40)
Lời ở trên, là giòng nhạc du ca, rất nổi cộm. Là, giòng chảy rất âm nhạc, của người viết có tên rất Đức và cũng rất Quang, giòng họ Nguyễn. Tên anh nổi cộm một thời. Nhạc anh chộn rộn nhiều nơi. Hồi thập niên ’60. Thời, mà dân con trong huyện/thành miền Nam, vẫn gọi mọi sự, là quê hương. Gọi, chùm khế ngọt. Lưng cơm. Tấm áo. Con ngõ trơn. Gì gì, cũng gọi quê hương, thương cũng như ghét. Cứ vun về với mình. Từng chữ. Rất đáng yêu.

Thậm chí, người nghệ sĩ còn hứng chí, gọi mọi người cùng ông, hãy cứ chọn:

“Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương
Ta cùng lo chạy từng lưng cơm, áo che thân tàn.
Khi mùa mưa về cùng lem nhem, bước trên ngõ trơn,
Khi dịch lan tràn, cùng lo âu trắng đôi mắt đen.” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Hôm nay, chẳng còn dịch nào dám lan tràn, trên quê hương tôi, hay quê bạn. Có chăng, là dịch tư tưởng. Ngôn ngữ. Chữ viết. Thứ dịch, mà ngay đến các quan thẩm phán, cũng chào thua. Chào rồi, xin thua. Như truyện kể ngăn ngắn, ở ngay dưới:

“Truyện rằng:
Hai tù nhân, một già một trẻ, cùng nhau chung sống kiếp nằm hộp, ở phòng giam. Cả hai, nói chuyện khá tâm đắc về ý nghĩa và lý do, khiến “ủ tờ”:
-Này đằng ấy, tội tình gì mà bị quan cho vô đây làm bạn cùng giun dế với tớ, thế?
-Chẳng giấu gì bác, em đây bị “người ta” kết mỗi tội nhỏ, là bỏ vợ. Dạ, thế thôi.
-Chà! Lạ nhỉ. Tớ đây sống từng này tuổi, thêm vài buổi nữa cũng “thiều quang nhẫn nhục, đã ngoài chín mươi”, mà nào có nghe luật pháp luật Tây nào kết tội ấy bao giờ. Có chăng là… là…
-Dạ thưa, em bỏ nó rơi từ lầu 10 xuống đấy, cụ ạ.
-À ra thế!
-Thế còn cụ, tuổi này mà sao cụ cũng vô đây. Cụ bị chúng gán tội gì thế?
-Tớ đây, bị chúng thưa mỗi tội … hãm hiếp!
-Trời đất! Bằng này tuổi, “xí-oách” đâu mà hãm với hiếp!
-Ấy, vì sợ bọn nó chê ta già, không còn “xí oách” nữa, nên khi con bé hàng xóm vu khống… thế là đây nhận tội ngay. Cho chúng biết…tay!

Thế đó là quê hương? Phải chăng là chữ nghĩa? Thật ra, quê hương với chữ nghĩa, cũng chẳng là thế. Quê hương là thế hay không thế, vẫn cứ là nơi đi/chốn về, của nhiều người. Của “những khung trời mở rộng” Mở, không gian. Mở, thời gian. Tràn lan, không biết cơ man nào là ý tưởng. Và, quê hương như tưởng những mỹ miều, huê dạng như bao truyện khác. Truyện, về “Phật” tính khung trời, đời con nhện. Mà, giới nhà Phật có tích cổ, viết như sau:

“Trước miếu Quan Âm mỗi ngày, vô số người đến lễ bái, hương nghi ngút. Trên xà ngang trước miếu, có chú nhện giăng tơ, mỗi ngày ngập đầy hương khói. Với lời cầu đảo. Nhện dần dà đã có Phật tính. Nghìn năm tu luyện, nhện đã linh. Ngày nọ, Phật dạo thăm ngôi miếu nhỏ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, thấy nhện. Phật dừng lại, hỏi:
-Gặp ngươi, hẳn là có duyên. Ta hỏi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay đã thông tuệ gì không?" Thế gian này, gì quý nhất?
-Thưa, thế gian này quý nhất là những gì mình không có và những gì mình để mất".
Phật gật đầu, rồi đi. Nghìn năm sau, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
Ngày nọ, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi nghìn năm trước của ta không? Nghìn năm qua, ngươi suy nghĩ thêm được gì? Thế gian này, gì quý nhất?"
-Thế gian này quý nhất là cái không có và mất đi."
-Tốt, ngươi nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người!
Vì thế, nhện được đầu thai vào nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi xinh đẹp. Yểu điệu. Duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu, được vua quyết định mở tiệc mừng ở vườn ngự uyển. Nhiều người đẹp tới dự, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca khiến các thiếu nữ phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo lắng cũng không ghen. Bởi nàng biết chàng là mối nhân duyên Phật đem tới, dành cho nàng.
Ít ngày sau, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cùng lúc Cam Lộc cũng đưa mẹ tới miếu. Sau lễ, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc cũng có dịp tâm sự, Châu Nhi vui lắm, nói với Cam Lộc:
-Chàng nhớ không? Mười sáu năm về trước, có nhện con ở miếu Quan Âm?
-Châu cô nương, cô thật xinh đẹp, lại có trí tưởng tượng khá dồi dào, sao cứ chuyện nhện?
Nói đoạn, chàng cùng mẹ rời miếu, ra về. Châu Nhi về nhà, nghĩ: Phật an bài nhân duyên, sao không để chàng nhớ chuyện cũ. Cam Lộc sao không có cảm tình với mình? Vài ngày sau, vua ra chiếu chỉ truyền cho Cam Lộc sánh duyên cùng Trường Phong, Châu Nhi sánh duyên cùng thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng chẳng hiểu vì sao Phật lại tàn nhẫn với nàng đến thế. Châu Nhi bỏ ăn bỏ uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi. Ít ngày sau, hồn nàng rời thân xác, sinh mệnh thoi thóp. Thái tử Chi Thụ biết tin, vội tới, phục xuống nói:
-Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc ở vườn thượng uyển, ta gặp nàng đã thấy yêu. Ta khốn khổ cầu phụ vương cho phép cưới nàng. Nếu nàng chết, ta còn sống nữa mà làm gì.
Nói đoạn, rút gươm định tự sát. Vào lúc ấy Phật xuất hiện, nói với linh hồn sắp rời khỏi thể xác của Châu Nhi:
-Nhện Nhi, ngươi có biết rằng giọt sương Cam Lộc là do ai mang đến với ngươi chăng? Gió Trường Phong mang tới đấy. Gió đến, gió lại đi. Cam Lộc thuộc về Trường Phong, anh chỉ là khúc nhạc thêm ngắn ngủi cho sinh mệnh của ngươi thôi. Còn thái tử Chi Thụ mới chính là loài cây nhỏ trước miếu. Chính anh đã ngắm ngươi ba nghìn năm. Yêu ngươi ba nghìn năm. Thế mà, ngươi chưa hề một lần cúi xuống nhìn anh. Nhện nhi, nay Ta lại đến hỏi ngươi: thế gian này, gì quý nhất?
-Thưa, thế gian này quý nhất không phải là thứ không tạo được và mất đi, mà là hạnh phúc mình đang có!"
Nói xong, Phật đi mất. Hồn Châu Nhi quay về lại với xác thân. Mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ thanh kiếm. Quyết lấy chàng.
Câu chuyện đến đó là hết.

Và lời bàn của người kể truyện, là: "Thế gian này quý nhất không là thứ mình không tạo ra được và mất đi, mà là: hạnh phúc ta đang có!" Suốt đời, ta gặp ngàn/vạn loại người. Để yêu một người, không cần cố gắng. Chỉ cần có "duyên" là đủ. Nhưng để tiếp tục yêu người ấy, phải cố gắng. Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo ở hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống. Vậy muốn kiếm người ở đầu dây bên kia, hãy cẩn thận mà cân nhắc. Hoặc, mình quá nhiều tình cảm. Hoặc, cứ liên tục tìm cái mới. Khi dây đứt, mình sẽ không còn đủ can đảm hoặc lòng tin để kiếm tìm tình yêu. Bất kể thế nào, khi dây đứt, mình chỉ mất đi một người không yêu mình. Nhưng, người ấy lại mất đi một người từng yêu họ. Mất một người không biết trân quý mình, có gì đâu mà buồn. Bởi, mình vẫn còn cơ hội để gặp người biết chắc rằng mình vẫn trân quý họ, trên cõi đời.“(Trang Hạ dịch, theo Saycoo-ĐL)

Truyện cổ tích nào ta kể, cũng đều như thế. Quê hương nào ta gọi, cũng vẫn như vậy. Chí ít, là quê hương Nước Trời, mọi người nêu. Mọi người kể. Ở muôn nơi. Nước Trời Quê hương ta, còn là Tình Chúa yêu thương, gửi đến muôn người. Là, sự thật Chúa bảo. Vào thuở trước:

“Ta bảo thật các ngươi:
mỗi lần các ngươi làm thế
cho một trong những anh em bé nhỏ
của Ta đây,
là các ngươi làm cho chính Ta vậy."
(Mt 25: 40)

Làm cho chính Ta, là làm những điều tốt lành. Yêu thương. Làm cho “người anh em bé nhỏ”. Hay, cho mọi người. Làm cho Ta, là làm cho Cha. Cho, Chúa là Cha. Cha của Tình yêu. Cha của mọi người. Còn nhớ, có lần nhân sĩ hiền lành lâu nay được gọi là Phật-sống, từng nói những lời rất hiền từ. Quân tử, như sau:

“Hãy nhớ: quan hệ đẹp nhất chính là tương quan ta có, vẫn đậm đà tình yêu thương ta dành cho nhau. Hơn là, nhu cầu cần có nhau.” (Thông điệp Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Vào dịp khác, Đức Đạt Lai lạt Ma cũng đã nói:

“Không khí yêu thương tràn ngập ngôi nhà mình, đó là nền tảng cuộc đời, của mỗi người. Cho mọi người. ” (Thông điệp Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Nay, gọi “ngôi nhà mình” là quê hương, thì chắc đôi lúc, ta cũng không nên quá ư mà thắc mắc hoặc cứng ngắc về hoạt động của Đức Đạt Lai Lạt Ma, rất “Phật sống”. Bấy lâu nay. Bởi, “Quê hương ta đó”; hoặc, “ngôi nhà mình ở”, với người nghệ sĩ ở trên, vần còn đó lời kiêu sa. Rất lạ. Như sau:

“Ta còn những người thật yêu nhau, biết bao thiết tha.
Chưa gặp bao giờ mà đã quá, uống máu ăn thề.
Giam mình trong lòng thành đô kia, sống nơi ấp quê.
Nhưng tình cao vời đòi yêu thương, khắp luôn thế gian.”
(Nguyễn Đức Quang-bđd)

Đúng thế. Tình cao sang vời vợi, ta gọi đó là “quê hương”, vẫn đòi thương. Khắp mọi chốn. Bởi, chốn gian trần, dù gì đi nữa, có là nhện tiên hay thái tử. Là, giọt sương Cam Lộc, hoặc gió Trường Phong gì gì đi nữa, hễ dính tới người phàm là còn chuốc những “Tham-Sân-Si”. Vì thế, vẫn luôn còn thắc mắc, rất đủ thứ. Đủ chuyện. Cả những chuyện về vị Phật sống, rất Đạt Lai Lạt Ma.
Vừa qua, có người còn cả gan dám gọi tên ông bằng những từ những ngữ, như: “Tiếp thị Lạt Ma”. Nghĩa là, vẫn coi các hoạt động của ông, Đức Phật sống, như những chuyện tiếp thị. Chính trị. Kinh tế. Rất lễ mễ. Dây dưa. Suốt đời. Bỏ qua một bên, các yếu tố gây tranh cãi/cãi tranh nhau về hoạt động rất hiền và rất nhân, của vị Phật rất sống, bạn và tôi, ta thử nhìn sự việc bằng cặp mắt khác. Cặp mắt rất nhân và rất hiền. Xem sao.
Xem như thế. Nói như sau, thì: “Không cần biết em là ai”, con trai hay con gái. Nay đã già, hay vẫn còn trẻ. Cao to hay be bé. Thì em và tôi, ta hãy cứ chuyển tải/rao truyền Tình Yêu Cao Vời Vợi, của Thiên Chúa. Thì: tôi và em, ta cũng gọi người đó/vị đó là Phật sống. Rất thánh nhân. Gọi, là gọi có căn. Có gốc. Tức, nói có sách mách có chứng. Chứng, là chứng cứ rất Kitô. Như Ngài bảo:

“Quả thật, Tôi bảo các ông,
Những gì các ông đã không làm cho người nào,
trong các kẻ hèn mọn nhất,
là các ông đã không làm cho chính Tôi.”
(Mt 25: 46)

Vậy thì, hôm nay đây, có Phật sống/thánh nhân từng làm cho những người be bé/mọn hèn, là tôi và bạn, tức là vị ấy đã làm cho chính Chúa. Dù, vị ấy có là Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay chỉ là giáo dân hạng thứ, mỗi thứ dân như tôi. Như bạn. Cũng đã là việc cao cả. Của thánh nhân, rồi.

Với Phật sống hay thánh nhân, là những vị sống vô tư. Không vị kỷ. Mọi sự không tập trung vào bản vị của một người. Một ngã thể. Một văn hoá, ở trời Tây. Mọi việc cứ xô đẩy, đổ dồn một ý thức hệ. Một phong trào. Văn minh và văn hoá, của thời đại.

Thời hôm nay, người người quá chú trọng vào bản ngã riêng tây, của cá thể. Vẫn be bé. Tách biệt. Chứ, không nhắm vào một tập thể. Hay thôn làng. Bộ tộc. Như khi trước. Từ đó, ngôn từ/sắc tộc, rày đổi thay. Xưa là giống giòng Ariens. Quốc Xã. Phát xít. Nay, chỉ tập trung chú trọng, nơi một người. Hoặc, thần tượng. Hoặc, quỷ thần chưa thành tượng. Dù, tượng ấy nằm ở địa hạt chính trị. Xã hội. Hoặc tôn giáo, mà thôi. Ngày nay, người người đã bớt dần quan niệm về cộng đoàn/tập thể. Dù cộng đoàn ấy có là cộng đoàn Nước trời. Nhưng, lại quá đề cao một nhân vật. Có khi trở thành siêu sao. Siêu nhân. Thánh sống.

Do hiện tượng, quá đề cao một cá nhân, nên người người vẫn chuẩn bị sơn phết/đánh bóng khá kỹ cho cá nhân ấy. Đôi khi còn đề (bạt quá) cao vị ấy nữa, là đàng khác. Đề cao cách quá đáng. Quá tải. Bạt mạng. Khiến vị ấy/người ấy dám tự coi mình như đấng bậc, ở trên cao. Không còn be bé/thấp hèn nhất thiên hạ. Như Chúa dặn.

Trở về với câu truyện của nhện tinh/nhện chằng, có Phật tính, có thể nói rằng: cái quý nhất của thế giới hôm nay, là những gì mình không có và để mất. Chứ không là thứ mình tạo ra. Cho riêng mình.

Về với niềm tin, Chúa dạy. Tin như Chúa răn bảo, là: sự tin tưởng chỉ be bé như hạt cải ở ngoài đồng. Nhưng, có sức thuyết phục/đổidời cả núi Thái sơn. Hoặc hơn nữa: cả đại dương bao la. Bởi, đại dương này hoặc Thái sơn kia, vẫn là lòng người sừng sững/lững lờ, nhiều đất đá. Giòng chảy. Nhiều uẩn khúc. Rất trơ trơ.

Trở về với giòng chảy của các vị tự coi mình còn be bé, mọn hèn như triết nhân người mình tên Thế Tâm-Nguyễn Khắc Dương, đã có những giòng nhè nhẹ chảy xiết, như sau:

“Một cách khiêm hạ, tôi nghĩ rằng: Thiên Chúa đã làm nơi tôi những sự kỳ diệu.”Vì suy cho cùng, tất cả mọi sự đều là những sự kỳ diệu do Chúa làm nên! Bất cứ ai, bất cứ gì: bậc tài đức cũng như người tầm thường, muôn vàn tinh tú cũng như cỏ mọn hoa hèn, tất cả đều kỳ diệu, vô cùng kỳ diệu, trên hết mọi sự kỳ diệu có thể hình dung được, đó là: sự sáng tạo từ hư không và sự tái tạo từ tội lỗi. Chỉ có Quyền năng vô hạn và Từ ái vô biên của Thiên Chúa, mới có thể làm nên hai sự kỳ diệu vô cùng kỳ diệu ấy, thôi!

Do đó, bất cứ người nào, bất cứ việc nào, bất cứ hữu thể nào, dù tầm thường đến đâu, dưới cái nhìn trần tục của người phàm –thì dưới cặp mắt của Thiên Chúa và của những ai được đức tin soi sáng- đều kỳ diệu cả!” (Thế Tâm, Quia respexit humilitatem meam, Bản in nội bộ , tr. 3)

Sự diệu kỳ mà triết nhân Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương gọi, cũng là “hạnh phúc”. Có người gọi. Hạnh phúc ấy, vẫn sờ sờ trước mắt mọi người, mà sao dân con của Thiên Chúa vẫn kiếm tìm. Là, “quê hương” của người nghệ sĩ, đã từng viết:

“Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu đang chiến tranh.
Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu chưa thanh bình.
Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu đang khó khăn.
Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu chưa ấm êm” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Âm êm. Khó khăn. Dẫu chưa thanh bình. Vẫn là những nỗ lực trong tìm kiếm. Tìm hạnh phúc/ kiếm diệu kỳ, Chúa phú ban. Ngài vẫn ban cho trẻ bé/kẻ mọn hèn. Cho hết mọi loài. Vấn đề là, mọi loài chưa nhìn ra, đó thôi. Muốn nhìn. Muốn thấy, phải biến mình thành kẻ mọn hèn, be bé như triết nhân Thế Tâm. Nhện Nhi. Hoặc, bất cứ ai biết mình còn be bé, mọn hèn, mới thấy mới nhìn ra. Nhìn, để ca tụng Thiên Chúa, Đấng cao cả vô cùng tận đã tạo ra. Chứ không do mình mang đến. Vì mình chẳng là gì cả. Còn, Ngài là tất cả. Và, “Tất Cả” đã tự hạ. Cho, những con và những vật, không là gì cả. Ở trên đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Luôn cầu mong
để biết được mình không là gì cả,
dù đã hoặc chưa làm được gì.


Trần Ngọc Mười Hai