Chùa

Chùa thường xây ở nơi phong cảnh thanh u, bởi vậy người ta hay tìm nơi gò cao để xây chùa, nếu không người ta cũng tân đất lên cho cao hơn nền thường.

Nhiều làng cất chùa ở những nơi danh lam thắng cảnh thật là rộng rãi đẹp đẽ như chùa Hương làng Yến Vĩ, tỉnh Hà Đông, hoặc chùa Thầy làng Thụy Khê, tỉnh Sơn Tây. Những làng trung du thường xây chùa ở ven sườn núi hay trong hang núi như chùa Láp làng Tích Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, chùa Trầm, làng Long Châu, tỉnh Hà Đông .v.v...

Chùa từ ngoài đi vào thường đi qua một sân đất ở trước tam quan. Hai bên có hai hàng phỗng đá hoặc chó đá.

Từ sân đất bước lên tam quan có một bực xây gạch.

Tam quan là một căn nhà ba gian có ba cánh cửa khá rộng, và ba cánh cửa này đều được coi như ba cửa chính, thường đóng quanh năm, trừ những ngày hội hè, sóc vọng hoặc Tết nhất.

Cạnh tam quan về phía tay phải, thường có thêm một cổng bên, cổng này luôn mở trong những ngày thường, và trên cổng này là gác chuông. Cũng có chùa, gác chuông ở trên tam quan. Trên gác chuông có quả chuông lớn. Tăng ni lên thỉnh chuông phải leo một cầu thang có khi xây bằng gạch có khi chỉ là một chiếc thang gỗ.

Nhà tam quan thường chỉ dùng làm nơi cho các hào mục trong làng hội họp khi bàn tính tới việc chùa.

Khỏi tam quan là một lớp sân rộng lát gạch.

Qua khỏi lớp sân này là nhà thờ Phật gồm chính điện và nhà bái đường.


Hội chùa

Khi nói đến hội làng phải nói tới cả hội chùa.

Chùa thường mở hội vào dịp kỵ nhật vị sư tổ đầu tiên của ngôi chùa.

Hội là hội chùa, nhưng sự tổ chức cũng phải được sự đồng ý, nhất là sự bảo trợ của ban hội đồng kỳ mục trong làng.

Thường ngày hội, ban hội đồng được nhà chùa xin phép và mời họp ở tam quan chùa để ấn định chương trình của ngày hội. Tuy gọi là hội chùa nhưng ngoài việc tụng kinh lễ Phật, cũng có những tổ chức những trò vui như đánh đu, cờ người, cờ bỏi, v.v... để dân làng mua vui. Ban hội đồng kỳ hào ngoài việc bảo trợ về tinh thần cho nhà chùa, còn giúp đỡ thêm cả tài chính để tổ chức những cuộc đàn chay; những chi phí về các trò vui cũng do quỹ làng gánh vác.

Nhân dịp giỗ sư tổ này, nhà chùa làm cỗ chay trước là cúng Phật, sau là cúng sư Tổ. Cúng xong, nhà chùa khoản đãi dân làng tới lễ.

Những người đi lễ, ăn bữa cơm chay, tục gọi là thụ trai đều tự ý góp tiền bạc ít nhiều để giúp đỡ nhà chùa. Thụ trai xong, khi ra về họ được nhà chùa tăng lộc Phật gồm oản, chuối.

Oản do nhà chùa đồ xôi đóng thành oản, còn chuối một phần do nhà chùa mua ở chợ, nhưng phần lớn do thiện nam tín nữ mang tới lễ Phật với trầu, cau hương, nến.

Trong những ngày hội chùa, các bà vãi thường tới chùa kể hạnh, nghĩa là tụng những bộ kinh nhắc lại sự tích đức Phật và chư vị bồ tát với đức hạnh của các người. Thường các bài kể hạnh hay nhắc tới sự tích Quan Âm Thị Kính với những sự hàm oan của người.

Toan Ánh

trích Làng Xóm Việt Nam