Lề luật


Thiên Chúa đã trao ban cho con người một thứ quà tặng quý giá đó là sự tự do. Chính sự tự do, này nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ đem lại cho chúng ta vẻ cao quý, bằng không nó sẽ vùi chúng ta xuống tận bùn đen.

Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự Ngài một cách tự do, không ép buộc, bởi vì hành động của một kẻ nô lệ, của một người máy thì làm sao tạo được công nghiệp. Sự tự do là như một chiếc chìa khoá, nhờ đó mà mở ra khung trời hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến biết bao nhiêu tội ác.

Thiên Chúa không bao giờ cưỡng bức chúng ta phải phụng thờ Ngài. Nhưng đồng thời, Ngài cũng không bao giờ làm cho bàn tay của kẻ độc ác bị bại liệt.

Bài đọc thứ I nói với chúng ta như sau: Nếu ngươi muốn, ngươi hãy tuân giữ những giới luật của Ta. Việc trung thành là tuỳ ở nơi ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn.

Tuy nhiên có kẻ sẽ nói: Sự gì phải đến, ắt sẽ đến. Tôi nghĩ rằng không phải là như thế, mỗi người chúng ta phải làm chủ lấy vận mạng của đời mình. Bởi vì chính chúng ta có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau muôn đời cho bản thân. Thiên Chúa có thể giúp đỡ và phù trợ chúng ta bằng ân sủng của Ngài, tuy nhiên không bao giờ Ngài bắt buộc chúng ta phải bước theo Ngài. Trong chiều hướng ấy, Péguy đã viết như sau: Nếu Thiên Chúa quá nâng đỡ, thì con người sẽ mất hết tự do, trái lại nếu Thiên Chúa không nâng đỡ đủ, thì con người sẽ sa ngã. Sự trợ gúip của Ngài không bao giờ huỷ diệt sự tự do mà chính Ngài đã trao ban cho chúng ta.

Cũng chính trong sự tôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Đúng thế, Chúa Giêsu đã so sánh luật của Cựu Ước với luật của Tân Ước là luật của tình yêu. Ngài đến không phải để xoá bỏ nhưng để kiện toàn. Ngài đã đưa ra nhiều trường hợp cụ thể. Chúng ta chỉ nhắc lại nơi đây hai trường hợp mà thôi.

Trường hợp thứ nhất, Cựu Ước dạy: Chớ giết người. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không được ghét bỏ người anh em. Và Ngài còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta.

Trường hợp thứ hai, Cựu Ước dạy: Chớ ngoại tình. Trong khi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta không những phải giữ gìn vẻ trong sạch cho thân xác, mà còn bảo chúng ta phải giữ gìn vẻ trong sạch cho tâm hồn. Ngài phán: Ai nhìn xem người nữ, mà có lòng ước ao thì đã phạm tội rồi.

Từ đó Ngài muốn chúng ta luôn luôn tấn công tội ác đến tận cội nguồn, đến tận căn nguyên. Bởi vì trái tim hay lòng muốn là nơi xuất phát ra những điều tốt cũng như những điều xấu.

Cha thánh Vianney có một trực giác bén nhạy về những hậu quả không hay do những cuộc khiêu vũ gây nên, bởi đó, ngài đã thẳng thắn phê bình và chỉ trích. Ngày kia ngài gặp một bác nhà quê cùng với đúa con gái của bác đang bước đi trên đường. Hôm đó lại là ngày Chúa nhật và hai bố con đang dắt nhau đi tham dự một cuộc khiêu vũ ở làng bên cạnh. Thấy ngài, bác nhà quê liền chống chữa:

- Thưa cha, nó không đi nhảy mà chỉ xem người ta nhảy mà thôi.

Thế nhưng ngài trả lời:

- Tay chân nó không nhảy nhưng trái tim nó đã nhảy, tay chân nó không múa may quay cuồng nhưng lòng nó đã múa may quay cuồng.

Bởi đó phải cương quyết xa tránh những dịp tội nếu muốn bảo vệ vẻ trong trắng cho tâm hồn, bởi vì như lời Chúa đã phán: Thà rằng mất một chi thể còn hơn toàn thân bị đày đoạ trong hoả ngục.