DÂN NHÀ QUÊ CẦU NGUYỆN



Có một vị giám mục Anh giáo trong óc đầy ý đồ chính trị đi qua một hòn đảo nhỏ nọ, ông ta nhìn thấy người dân quê địa phương tin Đức Ki-tô nhưng không rõ ràng Kinh Thánh cho lắm, thậm chí ngay cả cầu nguyện cũng không biết.

Vị giám mục bèn nhẫn nại dạy họ nhớ từng câu từng câu để cầu nguyện với Chúa, những người dân quê ấy học rất chậm, nhưng cuối cùng cũng có thể nhớ hết bài cầu nguyện.

Qua sáng ngày hôm sau, vị giám mục rất phấn khởi rời khỏi họ, nhưng không biết sao mà thuyền mới đi không xa, thì thấy những người dân quê ấy giống như Chúa Giê-su vậy, rất tự tại đi trên mặt nước, hổn hà hổn hển đến hỏi giám mục: “Đức cha, thật mắc cở, chúng con quên mất không biết làm sao để nhớ kinh cầu nguyện với Chúa, đức cha có thể dạy lại cho chúng con thêm lần nữa được không ?”

Giám mục nhìn thấy như thế thì trố mắt ra, đồng thời cũng cảm thấy mình thấp kém, nói: “Các con là những người đơn thuần, nên theo các kinh cầu mà các con đã dùng để cầu nguyện trước đây.”

(Diệu ngữ của tâm linh)

Suy tư:

Lời nói tình yêu thành thật nhất được phát xuất từ con tim, chứ không phải lời nói được viết sẵn trước trên giấy, lời cầu nguyện chân thành nhất vẫn cứ là lời cầu nguyện phát xuất từ tâm hồn chân thành yêu mến.

Có một vài đoàn thể trong giáo xứ khi hội họp đọc kinh cầu nguyện, thì mỗi người ôm theo cả một quyển sách kinh, đọc một lèo từ đầu đến cuối những kinh mà hội đoàn quy định, rồi sau đó họp hành to tiếng chửi nhau, nặng lời với nhau, tại sao vậy ? Thưa là vì là lời cầu nguyện của họ không phát xuất từ tâm hồn yêu mến chân thành, chỉ là đọc những kinh đã được soạn sẵn –mà đôi lúc- họ không để ý đến nội dung của những kinh cầu nguyện ấy...

Vị giám mục Anh giáo đã muốn đám dân quê bỏ thói quen cầu nguyện đơn sơ chân thành của họ, để đọc những kinh cao siêu mà họ không hề cảm nghiệm được một chút tâm tình, nên quên mất tiêu khi ông rời khỏi họ.

Dù có những lời kinh cảm động lòng người đã soạn sẵn, nhưng nếu không có một tâm hồn chân thành mến yêu khi cầu nguyện, thì cũng chẳng ích chi cho linh hồn.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.