Bé gái bị hành hạ trong 10 năm
Ông bà chủ đã dùng dây điện thắt nút quất liên tiếp vào mặt, lưng. dùng kìm kẹp vào mạng sườn, dùng dao chọc tiết lợn đâm thẳng vào đùi, dùng gót guốc nhọn nện vào vùng kín...
Những vết sẹo do bị roi vụt, kìm kẹp còn đầy trên lưng bé Bình.
Nguyễn Thị Bình, quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), được mẹ đưa ra Hà Nội làm tại quán phở của ông Chu Minh Đức và vợ là Trịnh Hạnh Phương (trú tại nhà số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) từ năm em 10 tuổi.
Suốt hơn 10 năm qua, Bình phải làm việc quần quật suốt từ 3h sáng đến tận đêm khuya. Sau khi làm xong việc trong nhà, em phải ra quán phở xách nước, thu dọn bát đũa, chuyên chở nước dùng, bánh phở, đưa thịt đi thái, quét dọn... nhưng vẫn bị hành hạ, đối xử như một nô lệ.
Theo lời Bình kể, em bị đánh thường xuyên, lúc thì do làm mất lòng chủ, lúc thì do sơ xuất để vỡ một cái bát hoặc làm đổ nước ra nhà. Ông, bà chủ dùng dây điện thắt nút quất liên tiếp vào mặt, lưng; dùng kìm kẹp vào mạng sườn; bắt em quỳ ngoài sân giữa đêm khuya, trời lạnh nhiều tiếng đồng hồ...
Tàn nhẫn hơn, có lần không may làm nước té vào bà chủ, em bị bà dùng dao chọc tiết lợn đâm thẳng vào đùi rồi dùng gót guốc nhọn nện tiếp vào “vùng kín” gây thương tích khiến em nhiều ngày không đi tiểu được. Suốt ngần ấy năm, Bình "không được phép" ốm , không được nghỉ, không được tiếp xúc với người bên ngoài, không được xem truyền hình...
Sự việc chỉ chấm dứt khi em được bà Bình, người cùng tổ dân phố đưa đến trú tại một địa điểm an toàn. Khi đến gặp em Bình, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những vết sẹo, vết thương còn bầm dập trên khắp người em, những bằng chứng không thể chối cãi về những hành động nhẫn tâm và tàn bạo mà Bình đã phải chịu suốt nhiều năm qua.
Xác minh vụ cô gái bị đánh đập suốt 10 năm
Hôm qua, 6/11, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, khẩn trương làm rõ thông tin cô gái Nguyễn Thị Bình bị hành hạ suốt 10 năm qua.
Theo đó, vụ việc sẽ được chuyển Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) thụ lý điều tra.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định, cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm khắc những người có hành vi ngược đãi cô gái này, nếu kết quả điều tra cho thấy sự việc đúng như thông tin báo chí phản ánh.
Cũng trong hôm qua, Công an quận Thanh Xuân đã cử điều tra viên đến tận nơi cô gái Nguyễn Thị Bình đang nương náu tại Chương Mỹ, Hà Tây để tiến hành ghi lời khai ban đầu của nạn nhân.
Về cơ bản, Nguyễn Thị Bình tường trình việc cô bị ngược đãi, đánh đập suốt hơn 10 năm qua với cơ quan công an khớp với nội dung ban đầu mà một số báo đã phản ánh.
Cuối giờ chiều qua, Công an quận Thanh Xuân đã đưa Bình về Hà Nội. Theo dự kiến, hôm nay, Nguyễn Thị Bình sẽ được đưa đi giám định pháp y để xác định tỷ lệ thương tật.
Trong một diễn biến khác, Công an quận Thanh Xuân cũng đã gửi giấy triệu tập vợ chồng ông Chu Minh Đức và bà Trịnh Hạnh Phương (những người bị tố cáo đã ngược đãi cô gái Nguyễn Thị Bình) đến cơ quan điều tra để làm rõ.
Bắt kẻ hành hạ người làm suốt 10 năm
Sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tiến hành lệnh bắt tạm giam đối với vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức - Trịnh Hạnh Phương về hành vi hành hạ, đánh đập người giúp việc Nguyễn Thị Bình, 21 tuổi, quê Vĩnh Phúc, trong suốt thời gian dài.
Công an xác minh vụ cháu gái bị hành hạ
Trịnh Hạnh Phương bị khởi tố bị can về hành vi hành hạ người khác.
9h30 sáng nay, Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành bắt Trịnh Hạnh Phương và áp giải về nhà riêng tại số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, để thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp. Tại thời điểm này, bà chủ quán phở vẫn nức nở khóc gào: "Công cô chú nuôi cháu 10 năm trời nay cháu lại nỡ hại cô chú...". Trước đây, không ai dám đụng đến vợ chồng này. Một người bán hàng ở chợ kể: "Cách đây vài tháng, khi cháu Bình bị đánh ngay giữa chợ, một người bán rau chạy ra can ngăn liền bị bà Phương hắt nguyên một bát phở nóng vào mặt". Vì vậy, hàng xóm sống ở đây không ai dám động vào bà chủ quán phở này mặc dù biết cháu Bình bị đánh thường xuyên.
Cũng tại buổi khám xét, công an thu giữ được các tang vật mà cặp vợ chồng này chuyên dùng để gây thương tích cho cháu Bình như: roi, gậy tre, xiên sắt, dao chọc tiết lợn...
Bình vẫn được nhiều người sống xung quanh gọi với cái tên "Mắt Trâu" vì những vết sẹo to trên mặt của Bình to như mắt trâu. Theo xác định ban đầu của cơ quan công an, Bình thường xuyên bị chủ quán hành hạ, đâm dao vào chân, tay, hắt nước sôi vào mặt suốt từ ngày đi ở thuê. Đến nay, những thương tích do đòn roi của ông bà chủ quán phở vẫn hằn in trên mặt tay, chân và lưng của Bình.
Những vết lằn đòi roi dày thêm theo năm tháng trên lưng Bình.
Tại Công an quận Thanh Xuân, Bình vẫn không giấu hết nỗi sợ hãi và kể: "Năm lên 7 tuổi (1994), cháu theo mẹ đến làm công cho gia đình Chu Minh Đức - Trịnh Hạnh Phương, ở số 24, ngõ 108B, tổ 3, cụm Tó, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội".
Một năm sau, mẹ của Bình sang Trung Quốc làm ăn và lấy chồng bên đó. Chỉ còn một mình ở lại giúp việc. Thân cô, thế cô, không chốn nương thân, nên Bình xin ở lại giúp việc cho vợ chồng này.
Mỗi ngày, Bình phải dậy từ 4h sáng để dọn hàng, khênh bàn ghế, mang xong, nồi bếp núc ra chợ cho chủ. Lao động cật lực nhưng đến khi vãn khách, khoảng 14h mới được ăn trưa. Hết công việc ở chợ, là Bình lại tiếp tục nhặt rau, thái thịt chuẩn bị cho bữa hàng ngày mai. Vất vả là thế, nhưng Bình vẫn không tránh được đòn roi của chủ nhà nếu có nhỡ đánh rơi bát, đũa....
Theo lời khai của Bình, trung bình, mỗi ngày cô bị khoảng 3 đến 4 trận đòn, lý do thì nhiều như "cô Phương bảo đi xách nước, nhưng nếu quá 5 phút là cũng bị ăn đòn", hoặc bị hắt nước chần bánh phở vào mặt, hoặc là bị tát vào mang tai.
Bình còn cho biết, khi em lớn hớn một chút thì bị chủ lấy gậy tre (thường dùng để phơi quần áo) đâm vào hai ngón chân cái. Bây giờ, cháu thường xuyên bị ông bà chủ dùng kìm để kẹp, hoặc dùng dây điện búi to để đánh, thúc vào bụng....
Cách đây hơn 1 năm, Bình còn bị bà chủ dùng dao chọc tiết gà đâm vào chân và bị lột hết quần áo, quỳ ngoài sân từ 16h đến 1h đêm và đánh vì lý do "cô sai giặt quần áo còn chú cháu bảo đổ nước làm vịt thì cháu làm theo chú trước nên cô phải làm thế cho chừa". Mặc dù làm công quá sức với tuổi của mình, nhưng chưa bao giờ, cháu Bình được ông bà chủ cho một đồng.
Chứng kiến những cảnh này, cách đây gần 1 tháng, một người phụ nữ từng bán thịt bò ở chợ Thượng Đình đã giúp Bình bỏ trốn. Nhưng 10 ngày sau, gia đình cô Phương đã phát hiện và đến tận nơi để bắt Bình về.
17h chiều nay, Công an quận Thanh Xuân tiến hành bắt tạm giam đối với người chồng là Chu Minh Đức.
Vợ chồng dùng nhục hình tra tấn em Bình.
'Ước một ngày không đòn roi'
21 tuổi, 14 năm đi làm thuê, cuộc sống của Nguyễn Thị Bình, quê huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) gắn chặt với những trận đòn dây điện vào người, vào vùng kín, những lần hắt nước sôi. Bình cho biết ước mơ lớn nhất của cô là một ngày không phải ăn đòn.
Nạn nhân Nguyễn Thị Bình.
8 tuổi, Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1986, đã cùng mẹ là Nguyễn Thị Quảng rời quê xuống Hà Nội đi làm thuê. Cái đói, cái khổ vây riết, công việc bù đầu nên dù đến nay đã 21 tuổi nhưng Bình vẫn không biết chữ. Phải làm việc nặng nhọc từ bé nên vóc dáng của Bình trông như đứa trẻ mới 15 tuổi.
Ngày tháng năm sinh của chính mình Bình cũng không biết chỉ nhớ hồi bé ở với mẹ. Ngay cả bố, Bình cũng chỉ nhớ tên là Hữu không nhớ rõ gương mặt ông. Hình ảnh lưu lại trong ký ức về mái nhà nơi Bình sinh ra chỉ là ở gần một ngôi đình rất to nằm cạnh hồ nước với những hàng cây thẳng.
14 năm có mặt tại nhà vợ chồng Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương, trú tại nhà số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, cũng là những ngày tháng dài dằng dặc bị đọa đày. Ngoài phải làm việc quần quật suốt ngày, Bình không biết gì đến những trò giải trí mà nhiều cô gái ở tuổi em đáng được hưởng.
Khi mới về làm, Bình được giao nhiệm vụ chăm bẵm cho “thằng cu” của nhà chủ. Mỗi lần con của chủ nhà ăn không hết là lại bị đánh. Lớn hơn một chút Bình phải cùng mẹ ra làm việc ngoài quán phở. Những trận đòn liên tiếp xảy ra với mẹ con em.
Mẹ của Bình bị đánh (một số người dân cho biết mẹ Bình bị đánh gẫy tay) đã bỏ đi không làm việc tại quán của vợ chồng Đức - Phương. Thời gian sau, bà quay lại định đưa Bình đi nhưng sau đó lại thôi.
Hàng ngày Bình phải dậy từ 4h30 và chuẩn bị gánh hàng ra cửa hàng cách nhà hơn 100m. Khi dọn hàng xong phải quay về xách nước, mỗi tay hai can 20 lít nước. “Cô cháu bắt xách, không cho gánh nước vì gánh mất nhiều thời gian hơn. Mỗi chuyến đi chỉ được phép trong 5 phút. Đi xách nước lâu hơn là cô cháu lấy nước phở đang sôi hắt vào người, vào mặt. Mỗi ngày phải đi xách 20 lần nước như vậy”, Bình kể lại.
Xong việc xách nước thì quay sang lau bát, dọn bàn hoặc ngồi chẻ hành gần xoong nước nóng để cô chủ tiện bề “nhắc nhở”. Mỗi lần làm vỡ bát, mất tiền của chủ là Bình phải chịu những trận đòn roi thảm khốc. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, sau 21h hằng ngày, Bình phải ngồi ngoài đường để đợi các con của chủ nhà học bài xong mới được đi ngủ.
“Cháu có tên nhưng không bao giờ cô cháu gọi mà toàn gọi “con phò”, lúc nào cô yêu quý nhất thì gọi là “mắt trâu”. Suốt thời gian làm tại nhà “cô Phương”, cháu chưa bao giờ được cầm một đồng tiền nào cho riêng mình”, Bình nói.
Bình thường sau khi cả nhà ăn xong thì Bình mới được phép ăn, hiếm lắm mới được ngồi ăn cùng chủ nhà. Việc ăn uống cũng không được thoải mái, thức ăn cũng bị hạn chế, mỗi bữa chỉ được ăn hai miếng thịt không được phép ăn hơn. Cơm canh thừa mỗi bữa Bình đều phải ăn hết không được phép đổ đi.
Đối với Bình, việc tưởng chừng giản đơn nhất là được xem các chương trình TV nhưng cũng là “khát vọng” đối với cô gái nhiều năm sống, làm việc giữa thủ đô Hà Nội. Có những lần lén xem ti vi bị chủ bắt gặp là y như rằng những trận đòn roi lại tới tấp đổ xuống.
Ngày nắng cũng như mưa, công việc cứ diễn ra và Bình như chiếc máy cặm cụi làm việc hết ngày này qua ngày khác. Ngay cả việc nghĩ về tương lai, về một chút cho bản thân cũng là điều không tưởng. Công việc triền miên nhưng Bình cũng không được phép ốm vì ốm cũng vẫn phải làm việc, không được nghỉ.
Bình cho biết, đã nhiều lần định rời khỏi căn nhà kinh hoàng nhưng lời đe dọa của “cô Phương”: “Nếu mày bỏ đi mà tao tìm được thì sẽ cho người đánh chết, đánh cả người nuôi mày”, luôn ám ảnh khiến Bình không dám bỏ đi.
Trận đòn kinh hoàng nhất, theo Bình, đó là lần em làm lăn cái thớt vào chân “cô Phương” khi đang phục vụ tại quán phở, dù đã van xin hết lời nhưng “cô Phương” vẫn cầm con dao chọc tiết gà đâm thẳng vào chân Bình và tuyên bố “mày làm tao đau thì tao phải làm cho mày đau hơn”.
Sau khi dùng chun quấn quanh chân để cầm máu, Bình vẫn phải tiếp tục phục vụ tại quán. Đến chiều về nhà, “cô Phương” tiếp tục bắt Bình nằm úp mặt xuống đất và dùng roi đánh. Trận đòn thù xé rách da thịt, máu chảy hằn lên vệt áo. Không chỉ dừng lại đó, “cô Phương” còn dùng guốc gót nhọn nện liên tiếp vào vùng kín của Bình khiến cô gái bị tổn thương nặng, mỗi lần đi tiểu là một cực hình.
Khẽ kéo lưng áo, những vết đòn roi, kìm kẹp rách da thịt chất đầy trên lưng, trên sườn và những vết sẹo chồng sẹo nhiều không thể đếm được của cô gái khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng không khỏi rùng mình.
“Hầu như không ngày nào cháu không bị đánh, cô Phương thường đánh nhiều hơn. Có lần tức mình cô cầm cây gậy treo quần áo chọc liên tục vào chân khiến ngón chân trầy máu. Chọc chán thì cô bắt nằm xuống sàn, cầm dây điện chập làm 4 vụt lên lưng, lên đầu. Có cả những lúc mắc lỗi cháu bị “chú” cầm kìm kẹp vào sườn, kéo, lôi đi”, Bình kể.
Những trận đòn kinh hoàng ăn đậm trong trí óc, đi cả vào giấc ngủ của Bình. Không ít đêm cô gái choàng tỉnh vì tưởng đang bị đánh. Những lúc như vậy, Bình chỉ biết khóc và mong có bố, mẹ ở bên cạnh.
Mỗi lần bị đánh Bình bị cấm không được khóc, nếu khóc càng bị đánh nhiều hơn. Nhiều hôm sau khi đánh chán, cô Phương chuyển sang “phạt” quỳ ngoài sân giữa đêm khuya nhiều tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, điều khổ cực nhất đó là hằng tháng đến kỳ kinh nguyệt thì Bình phải đi xin “cô Phương” tiền để mua băng vệ sinh”. Mỗi lần xin là một lần bị chửi rủa thậm tệ. Tuyệt vọng, Bình chỉ còn cách “nói khó” và được sự cảm thông của một số người thông cảm với hoàn cảnh của Bình giúp cô mua băng vệ sinh. Những nỗi khổ này Bình chỉ dám kể cho bác hàng xóm Hà Thị Bình, sinh năm 1937, ở số 55/55 phố Chính Kinh, và cô Oanh là người mà Bình hay tiếp xúc khi mua thịt bò cho quán phở.
Dù bị đánh đau nhưng Bình không dám hé răng kêu với ai và luôn phải nói dối là bị ngã hay vì lý do nào đó nên bị thâm tím mặt mày vì hé ra là bị đánh đòn thậm tệ. Thậm chí khi gặp và được Trung tá Nguyễn Văn Hà, cảnh sát khu vực, Công an phường Thượng Đình, hỏi thì Bình cũng chỉ dám nói quanh là do bị cánh cửa đập vào mặt…
Trung tá Hà hết sức ngỡ ngàng trước những gì mà Bình đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Ông Hà cũng cho biết, 1h hôm nay Bình đã về trang trại của chị Thủy Hà Tây để nương náu.
Khoảng giữa tháng 10, Bình ra cửa hàng thịt bò của chị Oanh để mua về nấu phở. Trong khi chờ thái thịt, thấy hoàn cảnh đáng thương của Bình chủ cửa hàng bán thịt bò gợi ý sẽ nhờ bác Bình đưa đi trốn. Lời gợi ý như sự “giải thoát” cho khát vọng của Bình từ bấy lâu nhưng Bình vẫn chưa đưa ra được.
Tối 19/10, Bình bị hai vợ chồng thay nhau dùng dây điện đánh. Ý muốn được giải thoát trỗi dậy mãnh liệt và Bình quyết tâm ra đi. “Em nghĩ trong đầu, một là đi thì sẽ được sướng còn nếu bị bắt lại thì khổ đã khổ rồi. Em không thể chịu đựng được nữa”, Bình nhớ lại.
Ngày 20/10, sau khi đi mua thịt và được biết sắp có kế hoạch giải thoát cho mình (được bác Hà Thị Bình đưa ra), Bình vẫn tiếp tục làm việc như bình thường. Sau khi dọn dẹp xong xuôi hàng quán, Bình lén quay trở lại chợ gặp bác Bình và cùng đi xe ôm xuống bến xe ô tô và được một người con của bà Bình đưa về trang trại ở Hà Tây của chị Đặng Thu Thủy, một người con gái khác của bà Bình.
Tại đây, Bình được chị Thủy chăm sóc, mua cho quần áo và thuốc để điều trị các vết thương. Quá bức xúc trước những hành vi tàn nhẫn của vợ chồng Đức - Phương, chị Thủy đã nhờ báo chí can thiệp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bao năm qua bị đày đọa như vậy thì Bình nghĩ gì về người chủ nhà của mình. Bình cho biết: “Thù thì có thù nhưng cháu không muốn liên lụy đến người khác. Cháu không muốn vì vụ của cháu mà những người muốn giúp cháu bị ảnh hưởng đến việc làm ăn.
Mong muốn lớn nhất là cháu được sống hòa hợp với mọi người và không bao giờ phải quay về nhà cô Phương nữa, thoát khỏi những trận đòn hàng ngày. Những ngày được đưa về đây sống cháu được ngủ ngon hơn, cuộc sống như thay đổi”.
Bình cũng cho biết, cô chỉ nhớ có một người bác gái là chị của mẹ tên Nguyễn Thị Cậy sống ở Thanh Sơn, Thanh Thủy, Phú Thọ và một người bác dâu sống ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Bà Hà Thị Bình, người cứu Bình ra khỏi địa ngục. Bà Hà Thị Bình đọc báo viết về cháu Nguyễn Thị Bình.
“Ước muốn duy nhất của cháu lúc này là chỉ muốn được gặp lại bác dâu của cháu thôi nhưng không biết liên hệ thế nào. Còn mẹ, cháu không gặp nữa đâu. Cháu không ngờ mẹ cháu lại bỏ cháu lại để khổ cực như thế. Cháu xin cô chú đừng nhắc đến mẹ cháu nữa”. Tiếng nấc nghẹn của cô gái 21 tuổi làm bất cứ ai có mặt trong căn phòng nhỏ phải trào nước mắt khi cô nói về người mẹ của mình.
Bình cũng cho biết, chưa biết phải làm gì với tương lai vì cô không biết quê ở đâu và cũng không biết nương tựa vào đâu để sống. Rất mong có một cơ quan, đoàn thể nào đó rộng tay giúp đỡ cho cháu trong trong thời gian tới.
Bà Hà Thị Bình, người đã cứu Bình, cho biết, bà cũng như nhiều người dân khác biết và nhiều lần chứng kiến cảnh cô gái bị hành hạ, ngược đãi. Mỗi khi chứng kiến cảnh bị hành hạ, nếu bà hoặc người khác can ngăn là bị gây gổ, chửi bới. “Tôi rất căm thù những hành động của vợ chồng nhà Phương (Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương) gây ra cho cháu Bình, chính vì vậy khi cháu đồng ý, tôi đã quyết định đưa cháu đi trốn. Sau khi đưa cháu Bình đi trốn, gia đình tôi đã nhận được rất nhiều lời đe dọa. Tôi tin pháp luật sẽ làm sáng tỏ vụ việc”, bà Hà Thị Bình nói.
Gặp người giải cứu em Bình
Luôn tự nhận rất nóng tính, thấy điều gai mắt là phản ứng ngay… đây chỉ là một vài trong số nét “vẽ sơ” về bác Hà Thị Bình, người đã giúp “giải thoát” em Nguyễn Thị Bình khỏi nhà vợ chồng Đức - Phương.
"Tôi rất mừng vì đã giúp được cháu Bình. Tôi cũng rất mong các cơ quan, đoàn thể cứu cháu Bình, giúp cháu ổn định cuộc sống vì đến nay đã 21 tuổi sống bao năm ở Hà Nội mà không biết viết hay đọc một chữ nào. Tôi hy vọng các cơ quan pháp luật làm rõ và trừng phạt nghiêm những người đã hành hạ cháu trong suốt bao nhiêu năm qua”, bác Hà Thị Bình rưng rưng khi nói chuyện chiều 7/11.
Về “biệt danh” Bình “Bò”nổi tiếng ở chợ Thượng Đình, bà Bình cho biết bà sinh năm 1937, người gốc Kẻ Sặt (Hải Dương). Khi mới hơn 3 tháng tuổi, bà đã được xin về làm con nuôi trong gia đình của ông Vũ Duy Hiệu và bà Hà Thị Hồng.
Năm 1961, bà Bình học xong trường Thương nghiệp Hà Nội và về làm cán bộ Sở Thương nghiệp Hà Nội. Năm 1964, bà Bình kết hôn với một cán bộ Ngân hàng Nhà nước và chuyển đến sống tại nhà chồng ở số 84 Hàng Bột. Hai ông bà có 6 người con (4 trai, 2 gái). Năm 1972, bà nghỉ việc tại Sở Thương nghiệp và sau đó chuyển sang kinh doanh tự do.
Cuộc sống của gia đình sau này khá khó khăn. Để nuôi sống gia đình, hàng ngày bà phải đạp xe, đi xe điện đi mua lại bò ở các nơi về rồi mổ đem bán buôn bán lẻ cho các cửa hàng. Địa bàn hoạt động chính của bà vẫn là chợ Thượng Đình, nơi bà gắn bó cho đến nay.
Tài mổ bò, kinh doanh của bà được nhiều người trong nghề biết đến và biệt danh Bình “Bò” của bà cũng bắt đầu từ đây. Sau nhiều năm lăn lộn, tích cóp được ít tiền, bà cùng gia đình mua một mảnh đất nhỏ ở gần nghĩa trang Hoa Lộc Thị (nay là khu vực quanh chợ Thượng Đình) để tiện kinh doanh, buôn bán cho đến nay.
Bà Bình cho biết từ khi cháu Bình và mẹ về làm cho gia đình Đức - Phương (Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương), bà đã nhiều lần chứng kiến cảnh cô bé bị đánh đập và đối xử tàn tệ. Những lần chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt bà đều lên tiếng bênh vực.
“Quầy hàng của nhà tôi gần cửa hàng của nhà Phương nên hàng ngày đứng bán hàng ở chợ chính mắt tôi nhìn thấy, tai tôi nghe thấy những cảnh đánh đập cháu Bình. Nhiều lần ra nói, phản ứng thì cũng bị phản ứng. Những người khác ở trong chợ không dám nói nhưng tính tôi nóng, thấy cảnh chướng mắt không chịu được”, bác Bình cho biết.
Thấy cảnh Bình khổ cực, thường xuyên bị hành hạ nên cách đây 3, 4 năm bà cũng đã hỏi có muốn đi làm ở chỗ khác không để bà giúp nhưng do Bình sợ nên không dám bỏ đi.
Về kế hoạch “giải thoát” cho Bình, bà Bình cho biết do hàng ngày mua thịt bò vụn về để nấu sốt vang bán nên Bình cũng thỉnh thoảng kể cho cô Oanh bán thịt bò ở trong chợ về việc bị đánh đập. Hoàn cảnh đáng thương của Bình cô Oanh cũng biết và từng gợi ý sẽ nhờ bác Bình “Bò” giúp đưa cháu đi trốn.
Khoảng ngày 17/10, khi thấy Bình đi ngang qua cửa hàng với nhiều vết sưng, thâm tím trên mặt, bà đã gọi lại hỏi và được biết tối hôm trước cháu đã bị chủ nhà đá, đánh vào mặt do… làm mẻ một cái bát. Ý định giúp cháu Bình trốn khỏi nhà chủ lại xuất hiện trong đầu bà và bà có nói với Bình về việc này.
Đến sáng 19/10, Bình đến gặp bà kể lại việc bị chủ nhà tối hôm trước bị “cô Phương” dùng roi dây điện và sau dùng guốc đánh vào chỗ kín bật máu chỉ vì làm vỡ một quả trứng.
Nghe xong câu chuyện bà liền mua một cái quần lót cho Bình và đưa vào WC công cộng trong chợ để thay. Khi giúp cháu Bình thay quần, bà phát hiện toàn bộ “vùng kín” của Bình bị sưng tấy và chảy máu, phần lưng chi chít vết roi điện đánh. Bà liền bảo ngày mai sẽ đưa Bình đi trốn. Bà hẹn đúng 11h, bà sẽ thuê một người xe ôm chờ sẵn hàng nước ở cửa chợ Thượng Đình để đưa Bình ra chỗ hẹn.
Khi trốn ra, Bình được đưa đến gần trụ sở UBND phường Thượng Đình. Đi đến bến xe Sơn La, bà Bình chuyển xe rồi đưa Bình vào nhà một người bạn sau đó mua quần áo và cho Bình tắm giặt và đưa cháu đi khám bệnh.
Sau đó vài ngày, sợ vợ chồng nhà Phương - Đức dò la được nơi giấu Bình, bà liền đưa em đến nhà một người em ở quận Thanh Xuân và sau đó điện thoại cho người con gái thứ năm là chị Đặng Thu Thủy và con rể kể lại sự việc.
Trước hoàn cảnh đáng thương của Bình, chị Thủy và chồng lập tức mang xe ôtô ra đón và đưa Bình về trang trại của gia đình ở Hà Tây. Trong thời gian sống và điều trị ở trang trại, chị Thủy quá bức xúc trước những gì mà Bình đã phải chịu đựng đã tìm cách liên hệ và nhờ báo chí giúp thông tin, tìm lại tiếng nói công bằng cho Bình.
Sau khi biết bà đã “giải cứu” Bình, vợ chồng nhà Phương - Đức đã nhiều lần bắn tin sẽ thuê người “nói chuyện” với bà Bình. Tuy nhiên, ý chí quyết tâm giúp Bình thoát khỏi “địa ngục” và được sự động viên của con cái, bà Bình vẫn kiên quyết không trả Bình và thậm chí nói thẳng không sợ sự đe dọa nào cả.
Chị Thủy cho biết: “Khi được mẹ cho biết sự việc tôi và chồng đã tính sẽ nuôi nấng, che chở cho cháu Bình, giúp cháu thoát khỏi cảnh cơ cực. Vợ chồng tôi cũng tính sẽ hỏi nếu cháu Bình đồng ý thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho cháu làm việc tại trang trại của gia đình đồng thời sẽ dành thời gian giúp cháu được học chữ ”.
Chính quyền đổ lỗi cho tổ dân phốCuối giờ chiều qua (8/11), sau nhiều cuộc điện thoại liên lạc, “mật phục”, các phóng viên đã gặp được ông Nguyễn Xuân Thịnh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Hà Nội) trao đổi về trách nhiệm cá nhân, đơn vị qua vụ việc cháu Bình bị làm nhục suốt hơn 10 năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh.
- Trước khi báo chí phản ánh về vụ việc, chính quyền phường và bản thân ông là Chủ tịch phường có biết việc này không?
- Quả thật trước khi bác Bình tố cáo thì lãnh đạo phường chúng tôi không ai hề biết gì về vụ việc này cả. Kể cả hệ thống tổ dân phố, dân cư ở dưới họ cũng không phản ánh hay tố cáo gì.
Đấy là một điều rất đáng tiếc, vì sự việc xảy ra từ lâu mà không ai biết. Chúng tôi không biết thì cũng không thể chỉ đạo được, chứ không thể nói là vô cảm.
- Ông nghĩ sao khi vụ việc đã xảy ra từ lâu mà ngay cả hệ thống tổ dân phố, chi Hội phụ nữ, công an khu vực... đều không hay biết?
- Hiện vụ việc được cơ quan điều tra xác minh, với trách nhiệm của chính phường, chúng tôi cũng đang xem xét trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của từng cá nhân như: đồng chí tổ trưởng tổ dân phố, các cộng tác viên dân số, chi Hội phụ nữ dân phố vì sự việc xảy ra lâu rồi mà không biết... Sau đó đến cán bộ theo dõi của phường.
- Cụ thể trách nhiệm của chính quyền phường thì sao?
- Về trách nhiệm của chính quyền phường, khi chúng tôi được biết về vụ việc xảy ra đối với cháu Bình, từ lãnh đạo phường, HĐND, Đảng ủy đã có cuộc họp nhanh với các ban ngành. Đặc biệt chúng tôi đã giao cho công an, hệ thống cơ sở khu dân cư kiểm tra, xem xét vụ việc.
Cho đến thời điểm này lãnh đạo phường chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể như: tổ trưởng tổ dân phố khu dân cư số 3, chi hội phụ nữ, yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng thành viên, cá nhân. Đồng thời xem xét hình thức kỷ luật khi xảy ra vụ việc trên tổ dân phố, khu dân cư của mình mà không phát hiện.
- Với tư cách Chủ tịch phường, ông thấy trách nhiệm của mình trong vụ việc này như thế nào?
- Sự việc xảy ra trên địa bàn phường là một việc đáng tiếc với chúng tôi, nhất là nó đã xảy ra nhiều năm mà nhân dân không tố giác, cán bộ cơ sở không báo cáo nên lãnh đạo phường không biết để chỉ đạo xử lý được. Còn nếu như người dân, cán bộ cơ sở phản ánh, báo cáo mà phường không làm thì trách nhiệm của người đứng đầu chúng tôi là rất lớn. Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì là người phụ trách chung địa bàn phường.
- Có nghĩa trong vụ việc này chỉ kiểm điểm tổ trưởng tổ dân phố?
- Cán bộ cơ sở chúng tôi đều kiện toàn theo nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2 năm). Khi được nhân dân tín nhiệm bầu, khi được chính quyền phường công nhận thì người đó phải có trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm của mình. Có nghĩa trách nhiệm đầu tiên phải là tổ trưởng dân phố, sau đó mới đến cán bộ phường rồi đến lãnh đạo phường.
Tổ trưởng tổ dân phố được bầu ra theo quy định, có chế độ trợ cấp của Nhà nước. Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo đồng chí tổ trưởng phải làm bản tự kiểm điểm, sau đó cho hệ thống dân cư xem xét hình thức kỷ luật và kiến nghị với Hội đồng kỷ luật xem xét. Có thể là kỷ luật khiển trách, hoặc là cảnh cáo, hoặc là để thay thế người khác.
- Có thông tin cho rằng lý do cháu Bình không dám tố cáo với các cơ quan chức năng bởi vì gia đình Đức - Phương có mối quan hệ mật thiết với chính quyền và công an sở tại nên cháu rất sợ. Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Thông tin này và việc cháu Bình tố giác như thế nào thì hiện cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh và cơ quan công an sẽ làm rõ.
- Theo thông tin của tổ trưởng dân phố, cháu Bình dù đã sinh sống hơn 10 năm trên địa bàn nhưng vẫn chưa có tên trong bảng đăng ký tạm trú?
- Cháu Bình về đây hơn 10 năm, khi đó phường đang còn là xã, sau chuyển lên phường. Về việc tạm trú, chúng tôi cũng chỉ đạo công an kiểm tra và theo như phản ánh của đồng chí Trưởng Công an phường thì có tên cháu Bình trong danh sách tạm trú của phường. Có nghĩa là cháu có khai báo tạm trú tạm vắng chứ không đúng như thông tin mà ông tổ trưởng tổ dân phố đã nói.
Em Bình bị hành hạ, cán bộ sẽ bị thay thếNgày 8/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua. Cùng ngày, quận Thanh Xuân đã lên phương án thay thế một số cán bộ có trách nhiệm.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong vụ việc này, những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là vợ chồng chủ quán phở. Tuy nhiên, việc các cấp chính quyền và đoàn thể ở địa phương để xảy ra một vụ án thương tâm như thế giữa lòng thủ đô, trong một thời gian dài là không thể rũ bỏ trách nhiệm.
“Việc cháu Bình bị hành hạ, đánh đập nhiều người dân đều biết, không có lý gì mà chính quyền địa phương và các đoàn thể lại không biết. Chỉ vì ngại va chạm, sợ bị trả thù mà các cơ quan này đã làm ngơ trước số phận bi thảm của một con người suốt trong nhiều năm qua", Bí thư Thành ủy bày tỏ quan điểm
Ông Phạm Quang Nghị.
Ông Nghị cũng yêu cầu công an thành phố khẩn trương điều tra, đưa những người sai phạm ra trừng trị trước pháp luật.
Quận uỷ Thanh Xuân cũng có công văn báo cáo Thành uỷ Hà Nội về việc xử lý, giải quyết vụ việc em Bình bị hành hạ hơn 10 năm qua. Theo đó, quận sẽ kiểm điểm nghiêm túc hệ thống chính trị từ phường tới tổ dân phố của 2 phường Thượng Đình (địa điểm bán phở) và Nhân Chính (địa điểm cư trú của vợ chồng Đức Phương).
Phó bí thư Vũ Cao Minh cũng chỉ đạo công an quận kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất xử lý trách nhiệm của công an, cảnh sát khu vực các địa bàn để xảy ra vụ việc. Một số cán bộ tổ dân phố, cộng tác viên dân số, chi hội trưởng phụ nữ sẽ được xem xét thay thế.
Các đoàn thể của quận cũng gặp gỡ để nắm tâm tư, nguyện vọng của em Bình đề xuất biện pháp giúp đỡ việc làm và đời sống sau này cho Nguyễn Thị Bình.
Sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
'Chủ quán phải bồi thường cho em Bình'
Viện trưởng VKSND Hà Nội Đặng Văn Khanh cho biết, nếu làm rõ được hành vi ngược đãi, ngoài xử lý hình sự, vợ chồng chủ quán phở phải bồi thường về mặt sức khỏe, tinh thần cho em Bình.
Bà Chủ quán phở trong ngày bị bắt.
- Vấn đề dân sự của vụ án được xem xét thế nào, thưa ông?
- Ở trường hợp này, nếu cơ quan tố tụng làm rõ được hành vi hành hạ, ngược đãi người khác của vợ chồng chủ quán phở đã gây tổn hại về sức khoẻ, tinh thần cho cô bé thì toà sẽ buộc bị cáo phải bồi thường về mặt sức khoẻ, tinh thần. Đối với ngày công lao động, toà sẽ yêu cầu gia đình chủ quán phở phải bồi thường.
- Việc sang chấn tâm lý của cháu sẽ được tính đến ra sao?
- Cái đó cần phải được giám định cả về sức khoẻ nữa vì quá trình cháu bé bị hành hạ là một thời gian khá dài nên việc giám định không đơn giản. Kể cả giám định về thương tích cũng là rất khó. Bởi đây không phải những vết thương vừa mới gây ra mà đã gây ra khá lâu, trong một thời gian dài. Thế nhưng vẫn phải làm.
- Một vấn đề rất quan trọng nữa là cho đến giờ cháu Bình không biết chữ và không hề có chứng minh thư, hộ khẩu, vậy việc chứng nhận tư cách công dân của cháu sẽ thực hiện ra sao?
- Tôi cho rằng vấn đề này có thể giải quyết được một cách dễ dàng vì trong các quy định của pháp luật đã có quy định những trường hợp như thế này. Nếu chúng ta xác minh được lai lịch, gia đình của cháu ở quê thì có thể đăng ký khai sinh cho cháu tại quê.
Muốn làm chứng minh thư, hộ khẩu thì đầu tiên phải làm giấy khai sinh. Nếu chưa có giấy khai sinh thì có thể đăng ký theo Nghị định 158 về quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Cũng theo Nghị định 158 thì không nhất thiết là chính quyền nơi cháu đó sinh ra sẽ làm thủ tục chứng nhận tư cách công dân của cháu (chứng minh thư, hộ khẩu) mà cháu có thể đăng ký tư cách công dân ngay tại Hà Nội.
- Sau khi xảy ra sự việc, vấn đề được dư luận đặt ra là chính quyền sở tại, nhất là tổ dân phố, các đoàn thể, cảnh sát khu vực tại sao không biết, vậy theo ông họ phải chịu trách nhiệm gì?
- Đúng là còn có những cán bộ do năng lực trình độ, hoặc thiếu trách nhiệm trong công việc. Những điều này cần phải được chấn chỉnh, thậm chí có thể xử lý trước pháp luật
Vĩnh Phúc xin đón cháu Bình vềNgay sau khi nhận được thông tin về hoàn cảnh thương tâm của cháu Nguyễn Thị Bình, người gốc quê huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cử đoàn cán bộ đến thăm, an ủi, tặng quà cho cháu Bình.
Nhiều người gọi điện chia sẻ với cháu Bình ở Công an quận Thanh Xuân.
Đoàn đã trò chuyện, thăm hỏi, an ủi và tặng 1,5 triệu đồng và quần áo ấm cho cháu Bình. Đoàn cũng đã trao đổi với cháu Bình, mời cháu về điều trị, chăm sóc sức khoẻ tại Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, dạy chữ cho cháu và cho cháu làm nhân viên Trung tâm. Nếu cháu có nguyện vọng nào khác, tỉnh sẽ bố trí phù hợp với khả năng của cháu.
Cháu Bình rất cảm động và cảm ơn sự quan tâm của địa phương, xin dành ít ngày suy nghĩ rồi sẽ quyết định.
Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng hoan nghênh việc làm này của tỉnh Vĩnh Phúc và đề nghị giữ cháu Bình ít ngày nữa để hoàn tất hồ sơ vụ án.
Cũng thời điểm này, một số doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề xin được đón cháu Bình.
Thú nhận dùng kìm kẹp mạng sườn Bình
Vợ chồng chủ quán phở Trịnh Hạnh Phương - Chu Minh Đức đã thừa nhận sự hành hạ với em Bình trong hơn chục năm qua. Phương đá vào âm hộ của Bình còn chồng cô ta dùng kìm kẹp mạng sườn, dây điện vụt vào người Bình.
Em Bình (phải) và vợ chồng Trịnh Hạnh Phương, Chu Minh Đức.
Chiều 9/11, Thượng tá Nguyễn Quốc Chính, Phó công an quận Thanh Xuân, cho biết, Đức và Phương (trú tại số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân) đã khai nhận hành vi của mình sau một thời gian chối tội. Theo những lời khai này, em Bình đã phải trải qua những ngày tháng cùng cực của đời làm thuê. Ông chủ quán phở dùng đủ hình thức như dùng dây điện vụt vào người, dùng kìm kẹp vào mạng sườn, gậy gỗ chọc vào ngón chân.
Trong khi đó, bà vợ cũng hành hạ Bình không kém. Không chỉ dùng gậy đánh, bà ta còn dùng chân đá vào âm hộ của Bình. Trong những ngày giá rét, Phương còn bắt em Bình phải quỳ gối ngoài trời trong nhiều giờ liên tiếp.
Điều này cũng đúng như lời những người hàng xóm đã kể về vợ chồng này trước đó. Một người bán hàng ở chợ kể: "Cách đây vài tháng, khi cháu Bình bị đánh ngay giữa chợ, một người bán rau chạy ra can ngăn liền bị bà Phương hắt nguyên một bát phở nóng vào mặt". Vì vậy, hàng xóm sống ở đây không ai dám động vào bà chủ quán phở này mặc dù biết cháu Bình bị đánh thường xuyên.
Sau khi sự việc được phanh phui, em Bình đã được đi khám nghiệm chấn thương. Công an quận Thanh Xuân quyết định áp dụng lệnh tạm giam 2 tháng đối với cặp vợ chồng Đức - Phương để tiếp tục điều tra.
Tại buổi khám xét vào ngày 7/11, công an đã thu giữ được các tang vật mà cặp vợ chồng này chuyên dùng để gây thương tích cho cháu Bình như: roi, gậy tre, xiên sắt, dao chọc tiết lợn...
Trong những ngay qua, dư luận rất quan tâm tới trách nhiệm của công an cơ sở trước sự việc hành hạ người giúp việc đã kéo dài cả chục năm. Giải thích về chuyện này, Thượng tá Nguyễn Quốc Chính cho biết, trước đó, công an phường và quận chưa bao giờ nhận được tin báo về vụ việc. Ông Chính cho biết thêm, tối 5/10, Công an quận mới nhận được tin báo của bà Hà Kim Bình về sự hành hạ của Đức - Phương với người làm.
Trước đây, em Bình cho biết không nhớ được nhiều thông tin về gia đình, quê quán của mình. Em chỉ nhớ mình sinh năm 1986, mẹ đi làm thuê ở nhà Đức - Phương một thời gian nhưng không chịu được cũng bỏ đi. Sau đó, Bình nghe tin người mẹ này đã sang Trung Quốc và lấy chồng và không biết thêm tin tức gì.
Hôm nay, đã có thêm một số manh mối về nhân thân của Bình khi một người em gái cùng cha khác mẹ của em Bình đã đến cơ quan công an. Theo lời em này, Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1983 (nhiều hơn lời kể 3 tuổi), quê ở Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Theo ông Chính, sau nhiều lần quanh co, chủ quán phở Chu Minh Đức đã thừa nhận dùng dây điện vụt vào người Bình, dùng gậy gỗ chọc vào ngón chân, đặc biệt, người đàn ông này còn dùng kìm kẹp vào mạng sườn người làm thuê để hành hạ.
Bà vợ Trịnh Hạnh Phương đã thừa nhận dùng muôi múc nước phở hắt vào Bình, dùng gậy đánh, dùng chân đá vào âm hộ, bắt cô cởi quần áo quỳ gối nhiều giờ trong trời rét.
Hiện cặp vợ chồng chủ quán đã bị Công an quận Thanh Xuân áp dụng lệnh tạm giam 2 tháng còn nạn nhân là Nguyễn Thị Bình đã được đi khám nghiệm chấn thương. Đây sẽ là căn cứ để hoàn thành hồ sơ vụ án, chuẩn bị cho việc xét xử. "Chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ với bệnh viện để có kết quả khám nghiệm sớm, đưa vụ này ra xét xử nhanh", ông Chính nói.
Hôm nay, một người em cùng cha khác mẹ của Bình đã đến cơ quan công an xác nhận thân thế của Bình. Theo đó, Nguyễn Thị Bình, quê ở Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Đề cập trách nhiệm công an cơ sở và việc phớt lờ tin báo của người dân khu vực, ông Chính cho biết, tối 5/11, Công an quận mới nhận được tin báo của bà Hà Kim Bình về việc hành hạ người của hai vợ chồng chủ quán phở nên đã tiến hành điều tra. Trước đó, công an phường và quận đều không nhận được tin báo về vụ việc này.
Phó công an quận cũng cho biết, việc xử lý trách nhiệm cán bộ công an có liên quan sẽ phụ thuộc vào kết luận của Thanh tra công an thành phố. Từ 8/11, lực lượng thanh tra này đã bắt đầu làm việc với công an quận Thanh Xuân để xác minh vụ việc.
Sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Một ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua.
Điều 110: Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.
Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Cô gái bị hành hạ gặp họ hàng
Sáng 9/11, hai người ở Vĩnh Phúc đã đến công an quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận là bác rể và em trai của Nguyễn Thị Bình, người tố cáo chủ quán hành hạ mình nhiều năm.
Cùng đi với bác rể Phan Văn Đồng (lấy bác gái ruột của Bình) và cậu em trai cùng mẹ khác cha Lê Văn Kiến là đại diện công an huyện Vĩnh Tường, chính quyền xã Chấn Hưng.
Mặc dù gặp người thân nhưng Bình tỏ ra khá thờ ơ. Ảnh: Tiền Phong.
Theo lời kể của ông Đồng, mẹ Bình đã bỏ quê đi từ nhiều năm trước. Mặc dù gia đình biết thông tin Bình làm việc tại một quán phở ở Thanh Xuân nhưng vì không có địa chỉ cũng như tin tức về Bình nên vẫn nghĩ rằng cháu gái làm việc ổn định. Ngày 8/11, theo dõi tivi, gia đình ông Đồng mới biết rõ hoàn cảnh của Bình.
Đại diện Công an huyện Vĩnh Tường cho hay, sau khi biết thông tin về vụ hành hạ một người có hộ khẩu ở Vĩnh Tường, công an huyện đã tiến hành xác minh. Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh ngày 12/8/1983 tại thôn Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng, do ông ngoại Nguyễn Văn Đức làm thủ tục khai sinh. Bà Nguyễn Thị Quảng, mẹ của Bình (tức Thông), hiện không rõ tung tích, có nguồn tin cho biết bà lấy chồng, sinh con bên Trung Quốc.
Theo công an huyện Vĩnh Tường, bà Nguyễn Thị Quảng có quan hệ với người đã có vợ và sinh ra Bình nên bố em đã không dám thừa nhận. Trong giấy khai sinh, phần tên bố bị bỏ trống. Hơn 1 năm sau khi sinh ra Bình, mẹ em lại về làm vợ lẽ một người khác và năm 1985 sinh ra cậu em trai Lê Văn Kiến. Sau đó, bà Quảng và Bình đã phiêu bạt xuống Hà Nội làm thuê cho vợ chồng chủ quán phở Đức Phương, để lại cậu con trai cho người bố nuôi.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hơn 1 năm sau, bà Quảng đã bỏ đi, để lại cô con gái. Ba năm sau, bà Quảng trở lại đón Bình nhưng vợ chồng Đức Phương không đồng ý.
Bình vui vẻ khoe quà với chị Thủy, người đã cưu mang em. Ảnh: VTC.
Mặc dù gặp lại người thân sau hơn chục năm xa cách nhưng Bình lại không hề biểu lộ cảm xúc. Bình nói với VnExpres: "Em không thể nhận ra những người này. Hai người trước đây em hay gặp nhất thì giờ lại không thấy".
Sau bữa cơm trưa 9/11, Bình và người thân vội vã chia tay. Hiện Bình vẫn ở trụ sở công an quận Thanh Xuân để phục vụ công tác điều tra. Mặc dù nhiều doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn được đón em về nuôi dưỡng nhưng Bình cho biết: “Em chưa có dự định gì cả”.
Tối 9/11, Trung tá Đào Văn Hoàn, Đội trưởng Đội điều tra về tội phạm trật tự xã hội Công an quận Thanh Xuân cho VnExpress biết, sau khi về Vĩnh Phúc xác minh, công an Thanh Xuân khẳng định, ông Đồng và em Kiến đúng là có quan hệ họ hàng với Bình.
Trước đó, sáng 7/11, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố, bắt vợ chồng chủ quán phở Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Một ngày sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua.
Trao đổi với báo chí chiều 9/11, thượng tá Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng công an quận Thanh Xuân, cho biết: ba ngành: Công an, Tòa án và Viện kiểm soát, đã thống nhất sẽ khẩn trương điều tra và đưa ra xử điểm vụ hành hạ em Bình.
Bị ghét vì hành vi của bố mẹ
Sau khi vợ chồng chủ quán phở Đức - Phương bị bắt tạm giam hai tháng, cậu con trai đang học lớp 11 được chị gái cùng mẹ khác cha đến chăm sóc.
Thời gian 2 tháng tạm giam và sắp tới, H. sẽ phải sống vắng bố mẹ mình.
Buổi sáng thứ 7, ngôi nhà trong ngõ 108 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vẫn đóng cửa im lìm như mọi khi. Nơi này ghi dấu bao ngày tháng em Bình bị vợ chồng chủ đánh đập tra tấn dã man. Giờ hai kẻ gây tội đang bị cơ quan công an tạm giam để điều tra. Trong một thời gian không xa, họ sẽ phải ra trước vành móng ngựa, nhận án phạt thích đáng từ pháp luật về hành vi gây ra với em Bình. Hai tháng trong trại cũng là khoảng thời gian H., cậu con trai của họ, phải sống xa bố mẹ, những người mà từ trước tới giờ cậu gần gũi.
Căn nhà cấp bốn của gia đình chủ quán phở Đức - Phương giờ vắng ngắt, chỉ còn hai chị em H. sống. Dù có người ở trong nhà nhưng cửa luôn được khóa bằng sợi dây xích và khóa to. Chị Hạnh, bán hàng nước đầu ngõ, cho biết: "Trước đó, nhà này lúc nào chẳng 'kín cổng cao tường', cách biệt với những người xung quanh. Từ hôm bố mẹ bị bắt, nhà cửa lại càng khép kín hơn vì sợ hàng xóm nhòm ngó vào". Cô chị gái cùng mẹ khác cha với H., từ hôm mẹ và dượng bị bắt đã lên ở với em. Trước khi Trịnh Hạnh Phương kết hôn với Chu Minh Đức, chị ta đã có một đời chồng nhưng ly hôn. Phương có một cô con gái với anh chồng này. Khi hai người chia tay, anh chồng nhận nuôi con để cho vợ cũ đi tìm duyên mới. Một thời gian sau, chồng cũ của Phương cũng lập gia đình với người đàn bà khác. Cô con gái chung của hai người phải sống với bà nội ở phố Khâm Thiên.
Thời điểm này là quãng thời gian khó khăn cho H. khi mà cả bố mẹ đều bị bắt. Cậu né tránh mọi người nên khi có ai gõ cửa hỏi thăm, vừa mới ló mặt qua cửa, chị gái của H. đã thẳng thừng từ chối không tiếp xúc. Ngoài chị gái, cậu ruột (trú ở Xóm Mới, Thượng Đình, Thanh Xuân) và các cô chú bác sống gần đó, H. không muốn tiếp xúc với một người lạ nào. Cậu ngại khi người ta đề cập đến chuyện của bố mẹ mình. Mấy ngày qua, được chị gái động viên, H. vẫn đến trường học bình thường.
Vẫn biết người lớn gây ra tội lỗi thì họ phải gánh chịu hậu quả. Nhưng vụ việc tra tấn em Bình trong 10 năm qua tạo ra dư luận rất lớn. Người ta không chỉ căm phẫn cặp vợ chồng dã man này, mà "ghét" lây sang cả con cái họ. Trường hợp của H. cũng không ngoại lệ.
Mấy ngày nay, bác L., ông nội của H., chưa có dịp vào thăm hỏi con cháu. Hàng ngày, ông lão phải nghe bao nhiêu lời bàn tán của dân chợ về việc vợ chồng con trai mình bị bắt giam. Ông tâm sự rằng, bản thân không quan tâm lắm đến điều đó. "Vợ chồng chúng nó gây tội thì phải chịu án tù của pháp luật, chứ xã hội nói ngang nói dọc thế nào mặc kệ họ", ông L. vừa nói vừa xua tay.
Thực ra, miệng nói vậy nhưng trong lòng người bố già nua có con phạm pháp không khỏi chất chứa những muộn phiền. Bởi thế, ông mới nói: "Nếu tôi biết con bé Bình bị vợ chồng nó hành hạ, đường nào tôi để yên. Ngày cũng chỉ thấy con bé ra chợ phục vụ bán phở, đến tối về nhà ai biết được chúng đánh đập". Ông còn bảo rằng, vì không ở gần và cũng không qua lại nhà vợ chồng con trai (ông L. ở cách nhà vợ chồng Phương - Đức gần 2 km dưới mạn giáp với TP Hà Đông) nên không "nghe ngóng", biết chuyện. Mãi đến khi vụ việc vỡ lỡ, bà con lối xóm, trong chợ đồn ầm lên, ông mới hay.
Ông L. kể rằng, khi con trai ông đi bộ đội về và muốn kết hôn với người đàn bà đã một lần lỡ đò, phía gia đình tạo điều kiện vun vén hạnh phúc cho con. Dạo đầu lấy nhau, cả hai vợ chồng Phương - Đức không có công ăn việc làm, ông L. phải sắm cho từng kg mật để con dâu nấu chè ra chợ bán. Một thời gian sau khi sinh con trai, Phương và chồng được bố chồng "chỉ đạo" theo nghề bán phở. Ông nói rằng, dạo hai mẹ con em Bình từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm thuê, có ngày quán phở đông bán tới một tạ bánh. Khi đó Bình còn nhỏ, chưa biết làm gì chỉ quanh quẩn trông em H..
Bây giờ bố mẹ H. bị bắt tạm giam, ông L. thương cháu và muốn vào thăm nom. Nhưng ông cũng yên tâm một phần bởi vì bên cạnh Hải có nhiều người khác vẫn đang động viên cháu mình. Hỏi về những việc cần làm trong thời gian tới cho cháu nội, ông L. bảo tất cả giờ phải trông cậy vào người thân bên nội và bên ngoại. Ông mong muốn rằng, phía nhà trường, nơi Hải đang theo học cùng với gia đình "lên dây cót" tinh thần để cậu học sinh lớp 11 yên tâm theo học.