CHÚA NHẬT V MC năm B

MUỐN GẶP ĐỨC GIÊSU

Theo như Phúc Âm hôm nay, trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp “muốn được gặp Chúa Giêsu“. Họ đến từ một đất nước phát sinh những suy luận, triết thuyết, nghệ thuật và thần thánh đa dạng, dĩ nhiên họ muốn gặp Chúa Giêsu không vì tính hiếu kỳ, nhưng có lẽ vì không thỏa mãn trong việc tìm kiếm “chân thiện mỹ“ dựa vào triết lý, hay vì các tín ngưỡng không giúp họ đạt đến sự tuyệt đối thỏa đáng.

Họ đến thờ phượng Thiên Chúa trong dịp đại lễ của người Do-Thái. Tuy nhiên kỳ đại lễ này đã bị khuấy rối bởi nhiều tin đồn đáng ngại cộng thêm cuộc biểu tình của dân chúng: gần đây tin đồn Đức Giêsu đã cải tử hoàn sinh ông Ladarô gây hoang mang cho các bậc Thượng tế trong Đền Thờ và làm cho nhiều người bỏ họ mà chạy theo Đức Giêsu; thêm vào đó, Ngài còn được toàn dân ủng hộ đón rước như một vị Vua với những lời tung hô “vạn tuế Vua dân Do- thái, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!“. Các sự việc này gây phẫn nộ và tạo cơ hội cho đám người Pha-ri-sêu thực hiện chương trình mưu sát kẻ xách động quần chúng. Đến lúc phải chọn lựa: đối với đoàn kỳ mục, các thượng tế và kinh sư thì vụ án này được chấp thuận; còn dân chúng thì lập trường hay thay đổi (nay ủng hộ, mai đả đảo); và ngay cả trong giới lãnh đạo Do-thái cũng có một số người đã tin vào Đức Giêsu, nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi Hội Đường, họ chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa (Ga 12,43).

Chính trong bối cảnh này mà có mấy người Hy-lạp đề nghị ông Philípphê và Anrê dẫn họ đi gặp Chúa Giêsu. Đức Giêsu là ai? Vị ngôn sứ này là người thế nào (?) mà có biết bao lời đồn đãi xấu có tốt có làm phấn khởi giới hạ lưu và làm run chuyển giới lãnh đạo buộc những người này phải ra tay đối phó. Cho dù tình trạng có sôi động cũng không ngăn cản đuợc ý định của những nhà thám hiểm điều vô tận: họ muốn được nhìn tận mắt, nghe tận tai, thấu hiểu sứ điệp cũng như những công trình và dấu chỉ xác thực kể cả bản thân của vị ngôn sứ đó! Họ đến thật đúng lúc, vì đã đến giờ kết thúc sứ mệnh: đấy là giờ của sự thật, giờ mà tội lỗi của trần gian dẫn đưa Đức Giêsu đến thập giá, và cũng là giờ mà thập giá đó lại trở thành bệ ngai của vinh quang.“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh“. Tuy Phúc Âm không nói đến phản ứng của những người Hy-lạp này, nhưng luận thuyết của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một chân trời mới về sự sống vĩnh cửu: “hạt lúa gieo vào lòng đất sẽ mang lại nhiều hạt khác“ và “khi Con Người được giương cao lên khỏi mặt đất thì Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài“.

Qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh, Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, một tình yêu tột độ, vì “không có tình yêu nào cao trọng bằng dâng hiến mạng sống cho người mình yêu“. Luật chủ yếu của Thiên Chúa là luật của hạt lúa: “nếu hạt được gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác“. Chúng ta không cần suy nghĩ viễn vông mà chỉ cần đặt mình trước Thập giá và nhìn ngắm, lúc đó ta sẽ hiểu thế nào là yêu thương thật sự, thế nào là chết đi để phát sinh sự sống; cũng như ta cứ gieo hạt vào lòng đất và chờ đợi nó mọc lên cây thì sẽ hiểu thế nào là đau thương trong gieo vãi và gặt hái trong hân hoan; cũng như các Thánh nhân hoặc những anh hùng: họ hy sinh vì chân lý, tranh đấu cho chính nghĩa, tuy chết đi nhưng vẫn sống mãi trong lòng Giáo Hội và Dân Tộc, ngàn đời Lịch Sử vẫn truyền tụng họ. Vì thế, cái chết thật sự không phải là cái chết thể chất mà chính là từ chối yêu thương, không biết hy sinh chỉ sống lẻ loi ích kỷ “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời“

Muốn thật sự đứng về phía sự “sống“, ta nên hành động như những người Hy-lạp kia luôn khát khao tìm kiếm chân thiện mỹ, tức nhiên “phải tìm gặp Đức Giêsu“. Cần tận dụng tất cả trí khôn tâm sức để hiểu biết, yêu thương và phục vụ, sống không vì lề luật tỉ mỉ hình thức, nhưng vì một Người, Đấng đang kêu gọi và sai đi, đang đối thoại và sống hiệp thông. Phải thành tín và đam mê, ta mới thiết lập được với Thiên Chúa một giây liên đới tâm đầu ý hiệp, như lời Thánh Vịnh hôm nay: “xin Chúa dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan... xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy“

Chúng ta có phải thuộc về nhóm người muốn đi gặp Đức Giêsu? Tuy nhiên, ai đã tìm gặp Ngài cũng vẫn còn phải tự chất vấn, bởi vì: giới Pha-ri-sêu đã thấy và nghe nhưng không tin theo Ngài; bậc kỳ mục đã tin nhưng không dám nhìn nhận Ngài; dân chúng đã tin và theo Ngài nhưng không đi đến cùng.

“Chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu“. Ta nên thường xuyên đến gặp gở Ngài qua các Bí Tích, qua việc học hỏi Phúc Âm để khám phá điều mới lạ và chấp nhận dấn thân trong một thế giới và thực tại mà Ngài muốn cho ta khám phá. Bước theo Ngài là chấp nhận những nguy cơ mà chính Ngài đã đảm lấy, từ sự hiểu lầm của những tín đồ đến sự chống đối và lên án của giới hữu trách. Dấn thân theo Ngài là chết cho những tham vọng ích kỷ, tư lợi vật chất, dự tính phàm trần, chết cho những gì gọi là ưu tiên của riêng mình nhưng lại quá xa cách những hệ trọng cấp bách Phúc Âm. Ta phải chọn hoặc thủ lãnh thế gian hoặc Đấng đã bị đóng đinh. Chắc hẳn đến một lúc nào đó, sẽ có người đến hỏi chúng ta, như những người Hy-lạp đến hỏi Philípphê và Anrê “chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu“. Vậy chúng ta sẽ có đề nghị gì cho những người đó?


Lm. Paul-Maurice Lâm-Thái-Sơn