Chúa sẽ luận xét chúng ta về điểm nào?
Chúa Giêsu dựng nên một cảnh đầy hình ảnh để nói cho biết nguyên tắc phân xử khi đến ngày cuối cùng. Qua đó Ngài muốn dạy chúng ta ngày nay phải sống theo nguyên tắc nào. Các yếu tố Ngài dùng để dựng cảnh để minh giải cho giáo huấn đều quen thuộc với người nghe Ngài nói. Nhiều truyện ký Do thái thuộc loại văn gọi là khải huyền trước Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh ít nhiều kinh khủng về ngày tận cùng lịch sử. Chúa Giêsu lấy lại một số không quá đáng và Ngài nhấn mạnh đến điểm Ngài cho là tối quan trọng: các cử chỉ yêu thương đối với người nghèo và người hèn mọn là những kẻ Ngài tự đồng hóa. Cá nhân Ngài không cần ai giúp của ăn, nơi ở, áo mặc, nhưng Ngài muốn được chúng ta phục vụ trong con người những kẻ Ngài tuyên bố là anh em ưu ái của Ngài. Nên lưu ý khi mô tả hình ảnh vị vua ngự trên ngai tòa vinh hiển, Chúa gợi ra quyền hành quân vương và thẩm phán của Ngài nghĩa là quyền quản lãnh toàn thể nhân loại. Một vài điểm để suy gẫm rút ra từ bài học này:1) Các người lành trả lời: Lạy Chúa, có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói khát…Như thế các người lành có hành động yêu thương đối với người nghèo túng cũng không biết rõ tất cả tầm mức các việc mình làm. Có khi nào người ta thấu suốt ý nghĩa một hành vi yêu thương chân chính? Thiên Chúa ẩn mình giữa người ta có thể khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng phải chăng chính việc ấy giúp Ngài đến rất gần với chúng ta? Chúng ta không thể nào chịu nổi nếu Ngài tỏ mình trong thực tại quyền năng của Ngài. Ngài để cho chúng ta giao thiệp được nơi đặc điểm thâm sâu nhất mà cũng phù hợp với chúng ta; Ngài là tình yêu hiến tặng cho khả năng yêu thương của chúng ta. Để chúng ta có thể yêu thương Ngài cách rất thiết thực và luôn vừa tầm chúng ta. Ngài tự đồng hóa với người sống bên cạnh mà chúng ta gặp gỡ và có thể đón tiếp vào trong lòng; Ngài tự đồng hóa các đặc biệt với người khốn khổ mà chúng ta có thể và phải giúp đỡ về mặt thể xác lẫn tinh thần. Người Kitô hữu hãy nhờ lại hai lời Chúa dạy. Lời thứ nhất: sẽ luôn còn có người nghèo ở giữa các người. Lời thứ hai: Ta ở với các ngươi cho đến tận thế. Có thể nói Chúa ở voới các môn đệ cho đến tận thế trong con người những kẻ nghèo khổ. Ngày nay chúng ta có thực sự xác tín có những người túng thiếu, trong họ, Chúa chờ đợi tình yêu thương của chúng ta hay không? Đặt mình ở mức độ bản thể thần linh Chúa Giêsu đã phán: Cha với Ta là một. Chúa Cha lại là tình yêu. Tình yêu ấy, khi xuống mức độ nhân tính đã khiến Chúa Giêsu nói: người nghèo với Ta là một. Điều này đo lường tầm quan trọng các hành vị chúng ta đối với người nghèo.2) Các kẻ bị chúc dữ sẽ nói như người lành: Lạy Chúa, có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói khát…Các kẻ bị loại bỏ, các kẻ cứng lòng, các kẻ buông tuồng, ích kỷ cũng không nhận rõ tất cả tầm mức thái độ của mình. Có những trường hợp bỏ qua không hành động cho người nghèo khổ tương đương với việc ấn họ sâu thêm vào cảnh khốn cùng. Hình phạt đáng sợ của thái độ ấy ở chỗ tương đương với việc hất hủi Thiên Chúa. Thế mà nếu Thiên Chúa là tình yêu trọn vẹn, Ngài cũng là công lý hoàn toàn. Công lý ấy tỏ ra ở chỗ Ngài không ép buộc những ai khước từ Ngài. Sự cùng khổ và cô đơn của người đã khước từ Thiên Chúa là một đau đớn vô cùng khổ sở hơn mọi đau đớn trần gian này. Người Kitô hữu được mời gọi phải coi trọng hết sức trách nhiệm của mình đối với những người nhỏ bé, yếu đuối, khốn khổ, để khỏi bị tách biệt xa Thiên Chúa. Để kết thúc nên lưu ý một chi tiết: Chúa phán: mỗi một lần các người làm điều ấy… Trong ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng (tiếng aram) động từ “làm” ở đây bao gồm ý nghĩa “phục vụ”. Người ta liên tưởng đến lời Chúa Giêsu: Ta đến để phục vụ. Trước mặt Thiên Chúa có ai nghèo hèn và cực khổ hơn những người tội lỗi là chúng ta tất cả? Chúa Giêsu đã đặt mình phục vụ chúng ta, mưu cầu ơn cứu độ, hạnh phúc và hân hoan cho chúng ta. phúc cho chúng ta nếu bắt tay làm, nghĩa là hành động phục vụ cho sự cứu rỗi và hạnh phúc của những người nghèo nhất trong anh em chúng ta.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)