MỘT LÁ PHIẾU



Trước đây không lâu, bà Ann Landers có đăng một lá thư của độc giả trong mục thư tín và đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Lá thư ấy của một người ở Missouri báo động về tình trạng ngày càng gia tăng số người sống ở Hoa Kỳ nhưng không sử dụng quyền bỏ phiếu của mình.

Họ bào chữa rằng, "Lá phiếu của tôi chẳng đáng kể, sao lại phải đi bầu?" Và vì những người này không muốn bỏ phiếu nên họ cũng không thực sự lưu tâm đến các vấn đề và các ứng cử viên.

Lá thư này tiếp tục trích dẫn một bài viết trong cẩm nang bầu cử. Tựa đề của bài là "Một Lá Phiếu Quan Trọng Như Thế Nào?" Tôi xin chia sẻ một vài thí dụ về sự quan trọng của một lá phiếu trong lịch sử quốc gia chúng ta.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1776, ngôn ngữ chính thức của Hiệp Chủng Quốc đã là tiếng Đức chứ không phải tiếng Anh.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1845, tiểu bang Texas đã không thuộc về Hiệp Chủng Quốc.

Nếu không có một lá phiếu trong năm 1876, Rutherford Hayes đã không đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Không cần phải nói nhiều; vấn đề thì rất rõ ràng. Khi một người sử dụng quyền bầu cử của mình, lá phiếu ấy sẽ tạo nên sự khác biệt lớn lao.

Điều từng đúng với Hoa Kỳ thì cũng đúng với các quốc gia khác trên thế giới.

Chỉ một lá phiếu đã giúp ông Oliver Cromwell kiểm soát toàn thể Anh Quốc năm 1645.

Chỉ một lá phiếu đã khiến Vua Charles I của Anh Quốc bị xử tử vào năm 1649.

Chỉ một lá phiếu đã thay đổi toàn thể nước Pháp từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa vào năm 1875.

Vào năm 1923, Adolf Hitler trở nên lãnh tụ Đức Quốc Xã bởi một lá phiếu.

Hãy nghĩ xem, nếu không có một lá phiếu ấy, sáu triệu người Do Thái đã không bị chết trong cuộc diệt chủng tồi tệ nhất lịch sử.

Hãy nghĩ xem, nếu không có một lá phiếu ấy, Thế Chiến II, với tất cả những đau thương tang tóc, có lẽ đã không xảy ra.

Không cần phải nói nhiều. Vấn đề thì hiển nhiên một cách tang thương. Có thể nói, một lá phiếu có thể thay đổi cả thế giới.

Bài Phúc Âm hôm nay chất chứa một thông điệp quan trọng cho mỗi một Kitô Hữu.

Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ rằng chúng ta có hai tư cách công dân. Chúng ta là công dân của hai thế giới: công dân ở mặt đất và công dân của nước trời.

Và vì tính cách công dân song đôi ấy, chúng ta có trách nhiệm đối với cả hai thế giới: đối với Thiên Chúa và đối với nhà cầm quyền.

Hai trách nhiệm này như hai mặt của một đồng tiền. Thiếu chu toàn bổn phận của một công dân, có thể nói, đưa đến việc sao nhãng bổn phận của một Kitô Hữu.

Chúng ta có trách nhiệm thật lớn lao để giúp nền hành chánh trong nước đừng rơi vào tay của các nhà lãnh đạo ích kỷ và không xứng đáng.

Nói về trách nhiệm này, Thánh Phêrô viết trong Thư I: "Hãy vinh danh Thiên Chúa và tôn trọng vua" (1 Phêrô 2:17).

Và tương tự Thánh Phaolô cũng viết cho tín hữu ở Rôma:

"Mọi người phải tôn trọng nhà cầm quyền... Vậy hãy trả những gì anh chị em còn thiếu họ; hãy nộp thuế cá nhân và thuế bất động sản, và hãy tỏ lòng tôn trọng và vinh danh họ" (Rom 13:1, 7).

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng sau cùng. Điều gì sẽ xảy ra khi tính cách công dân song đôi khiến chúng ta ở vào tình trạng xung đột giữa Thiên Chúa và quốc gia?

Chúng ta hy vọng là điều này sẽ không bao giờ xẩy ra. Nhưng nếu có, chúng ta phải giải quyết sự xung đột trong một phương cách mà chúng ta không thể làm thiệt hại trách nhiệm chính yếu của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Người tín hữu Kitô đã từng thi hành điều này trong lịch sử.

Trong thời La Mã họ đã phải thi hành điều ấy khi hàng ngàn Kitô Hữu chấp nhận cái chết hơn là thờ cúng hoàng đế.

Trong thế kỷ 17, họ đã thi hành điều ấy khi hàng ngàn Kitô Hữu Âu Châu phải di cư sang Hoa Kỳ để sống đức tin.

Và trong thời đại ngày nay vẫn còn những Kitô Hữu thi hành điều ấy.

Hãy nghĩ đến trường hợp của ông Franz Jaeggerstatter, một nông dân người Áo có ba con nhỏ.

Trong những thập niên 1930, ông đã chống đối Hitler khi Đức Quốc Xã xâm lăng nước Áo và Hitler tổ chức một cuộc bầu cử giả mạo để chứng tỏ rằng họ đã đồng ý với hành động của Hitler. Ông Jaeggerstatter là người duy nhất trong làng chống đối Hitler.

Và khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1939, ông Jaeggerstatter từ chối không gia nhập đạo quân của Hitler. Ngay cả khi được cho phục vụ trong thành phần không trực tiếp chiến đấu, ông cũng từ chối.

Sau cùng, vào ngày 2 tháng Tám 1943, ông đã bị bắt và bị xử tử.

Ông Jaeggerstatter có hai bổn phận, một đối với Thiên Chúa và một đối với quê hương ông. Khi các bổn phận này xung đột trong lương tâm, ông đã chọn trung thành với bổn phận chính yếu: đối với Thiên Chúa.

Và vì thế, trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về hai bổn phận đối với Thiên Chúa và với quê hương.

Chúng ta hy vọng bổn phận song đôi này không bao giờ xung đột trong lương tâm của chúng ta. Nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng ta phải giải quyết như ông Jaeggerstatter đã làm, không làm thiệt hại đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Hãy kết thúc với lời cầu nguyện của Tổng Thống Thomas Jefferson cho quê hương chúng ta:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã ban cho chúng con phần đất này để làm di sản...
Xin chúc lành cho quê hương chúng con...
Xin gìn giữ chúng con khỏi những xung đột...
và khỏi mọi phương cách xấu xa.
Xin hãy bảo vệ sự tự do của chúng con...
Xin ban Thần Khí khôn ngoan cho những người mà vì danh Chúa chúng con giao phó quyền cai trị cho họ...
Khi được thịnh vượng xin lấp đầy tâm hồn chúng con với lời tạ ơn,
và khi gặp khó khăn xin đừng để sự tín thác của chúng con vào Ngài bị thất bại.

Lm Mark Link