MÙA VỌNG: MÙA CỦA NIỀM HÂN HOAN


Hằng năm (năm Phụng vụ) cứ dịp mùa Vọng lại về thì cái sắc màu “tim tím” của phẩm phục phụng vụ đập vào mắt chúng ta trông rất quen mà cũng rất chi là buồn. Phải chăng cái màu tím của phẩm phục phụng vụ mùa Vọng trùng với màu của mùa Chay và những ngày lễ tang, lễ cầu hồn khiến ta dễ xem đó như là biểu thị của sự buồn bã, u sầu? Cũng có thể lắm chứ. Tuy nhiên xét cho hết ý thì mùa Vọng chẳng có chút gì dáng vẻ buồn bã, u sầu cả. Vì sao? Xin mạn phép trình bày cảm nhận riêng mình.

Mùa Vọng: mùa của niềm vui. Chẳng một đặt hy vọng vào một điều xúi quẩy, vào một nỗi bất hạnh hay một chuyện không may, không lành. Có hơi bị bất thường thì mới ngồi chờ mong những điều ấy xảy đến cho mình. Đã là mong chờ, đã là hy vọng thì ai cũng sẽ hy vọng và chờ mong một sự gì đó may mắn, tốt lành, dĩ nhiên là cho mình, cho người thân. Có thể có trường hợp ngoại lệ, mong điều xấu nhưng nhưng thường là cho kẻ thù. Hội thánh dạy chúng ta: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được xem nhhư mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 30).

Xưa, Chúa đã đến thế gian “không phải là để lên án thế gian nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (x.Gio 3,17). Hội Thánh dạy chúng ta rằng mạc khải nên trọn vẹn và hoàn hảo nơi chính Chúa Kitô, cuộc đời và sự nghiệp của Người, những lời giảng dạy của Người, đặc biệt cuộc tử nạn và phục sinh của Người (x.MK số 4; GLCG số 65). Nào chúng ta thử xem Chúa Kitô đến thì những gì đã xảy ra. Chính Chúa minh nhiên khẳng định với các môn đệ của Gioan Tẩy giả: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22). Trước đó Ngài cũng đã mặc nhiên nhận vào mình lời Ngôn sứ Isaia loan báo: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng… (Lc 4,18-19). Sau này, thánh Phêrô mạnh dạn minh chứng ở Xêdarê: “quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người giáng phúc thi ân đến đó” (Cvtđ 10, 38). Chúa đến là để ban an bình, ban hạnh phúc. Ngài ban bình an cho chúng ta, một sự bình an không như thế gian ban tặng. Ngài ban hạnh phúc cho ta, hạnh phúc sâu xa và vĩnh cữu mà không một ai có thể cướp mất được. Vì thế, tâm tình phấn khởi hân hoan là tâm tình phải có khi đón chờ Chúa đến. Không chỉ hân hoan mà còn luôn sẵn sàng tỉnh thức. Sao lại không tỉnh thức sẵn sàng khi chờ một niềm vui vô bờ, một hạnh phúc bất tận đang đến với chúng ta.

Xin hầu một câu chuyện bịa như thật: Cảm kích trước tấm lòng anh em cùng tu ngày nào, nhất là tình hiệp nhất, liên đới, bạn Minh nhà ta phấn khởi và không kém phần long trọng tuyên bố: “Nhờ ơn Chúa, mình được may mắn hơn anh em về công ăn việc làm. Dĩ nhiên nhờ thế mà hầu bao của mình ngày càng “căng phồng” lên. Hỏng dám gánh lấy lời chúc dữ của Thầy Giêsu đổ trên đầu những người “lắm của, nhiều tiền”: “Khốn cho các ngươi…” Nay, tôi: Trương lão gia, sau khi bàn luận, thống nhất với bà xã, quyết định như thế này: Mình sẽ trở về quê Việt mừng lễ Giáng Sinh với anh em bạn cùng tu ngày nào. Ngoài hành lý cá nhân bình thường, tôi lận trong lưng 5.000.000,00 USD (năm triệu đô Mỹ). Bạn nào trong số năm người cùng lớp tu ngày xưa đón mình trước ở sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ được tặng một triệu đô la. Mình sẽ về sân bay TSN khoảng đêm 23/12. Giờ giấc chính xác thì không không biết được. Thông báo kết thúc. Trương lão gia xưa nay vốn ngôn hành luôn sánh đôi. “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”.

Chuyện thật như bịa ở sân bay TSN 18 giờ chiều ngày 23/12.

- Ủa, sao Xuân Long không ở nhà để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, rồi con lo chở vợ chở con đi xưng tội đi chứ, gần lễ rồi mà còn ra chực ở sân bay này làm chi? Hùng Dũng vừa nói vừa há cái miệng hơi meo méo.

- Thế thì Dũng không có vợ, đang độc thân chắc. Vất vả sơn cho xong cái Nhà Thờ Thủ Đức hầu kịp Lễ đã bở hơi tai, không chịu nghỉ ở nhà, còn vác cái thân ra đây làm chi? -Long không chịu thua bèn vặn lại.- Dũng vừa gải cái đầu bù xù dính đầy sơn vừa ậm ọe:

- À, bạn bè với nhau cả, phải cố chịu khó, cố thức để chờ đón thằng Minh chứ. Vả lại còng lưng sơn, cả đời tau, đời con tau, cháu tau, chắc gì được triệu đô la. (Hùng Dũng vốn được anh em khen tặng là thẳng như ruột ngựa). Còn chú mày đã có nhà lầu, có xế hộp xịn mà cũng lặn lội vất vả như tớ hả?

- Thức một chút, chầu chực một chút nhằm nhò gì so với một triệu đô trên trời rơi xuống. Thằng Minh đã có lòng thì mình phải có công chứ, hề hề. Long phân bua trong tiếng cười khoái trá.

- Không biết khi mô thằng Minh đến heng. Phải thức thôi, phải sẵn sàng thôi!

- Làm sao mà ngủ được, có mệt, có buồn mấy đi nữa thì cũng cố thức để chờ chứ.

- Thế thì ta làm vài xị lai rai vừa thức vừa chờ.

Đúng là đâu có Long, có Dũng hẳn thời có xị thôi với bất cứ lý do gì dù buồn hay vui, dù trúng mánh hay là công toi. Đang nhậu nhưng mắt của hai bạn không rời cái cổng ra vào của sân bay. Thỉnh thoảng mới đảo qua đảo lại nhìn trời, nhìn người chung quanh để cặp mắt đỡ mỏi. Phải tỉnh thức, phải sẵn sàng vì không biết giờ nào, phút nào lão Trương đến phi trường. Không được phép để mình đứng hàng thứ sáu. Công dã tràng! Ánh đèn điện rực sáng của nhà chờ phi trường cũng không đủ soi tỏ mặt từng người khi mà số người đi đón thân nhân khu vực ‘ga quốc tế” thường đông gấp năm gấp mười số người xuống máy bay, thế mà hình như không một ai ở ngoài vùng phủ sóng của bốn con mắt của hai anh bạn đang nhâm nhi. Bỗng Hùng Dũng la lên :

- Kìa kìa, xem ai có tấm lòng với người thân quá đỗi kìa, ra tận phi trường bằng chiếc xe lăn quả là hết tình hết ý.

- Đâu? đâu? Hình như trông quen quen. Đúng là Hoàng Phúc rồi, một anh bạn bị bệnh teo cơ từ thuở nhỏ. Cả hai vụt chạy đến với “vị” ngồi xe lăn đi đón người thân.

- Phúc hả? Lăn xe từ Hàm Tân-Phan Thiết vào đây hả? Đón ai thế?

- Không lẽ chỉ mình hai ông bạn mới biết tin Trương Văn Minh thôi ư?

- Nè, nói thật đừng trách nghen - cũng là cái ông ruột ngựa Hùng Dũng lên tiếng - Đằng ấy còn mong một triệu đô để làm gì? Vợ con không có, à chưa có, lấy tiền để làm gì?

- Thú thật với hai bạn, trong niềm tin thì Chúa chính là gia nghiệp của mình, nhưng đời sống thực tiển lại cám dỗ mình: tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là là…

- Thôi, thôi, stop. Tụi mình thuộc lòng cái điệp khúc mà các ông cha, vốn không biết chi sự đời như tụi mình mà lại thường thao thao trên bục giảng về chuyện cơm áo gạo tiền. Hùng Dũng ngắt lời chưa xong thì Xuân Long vội tiếp ngay:

- Xì, nói gì đến mấy ông cha. Cơm nước hằng ngày có người bưng bê, có hề lao tâm khổ trí vì miếng cơm manh áo như tụi mình đâu. Hằng ngày giang tay chưa đến một tiếng đồng hồ là có đủ số tiền bằng hoặc hơn tụi mình suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời rồi. Giáo Hội mà cho các ông có rờ mọc ngoằn ngoèo lê thê như tụi mình chắc là ngọng miệng khi giảng về sự khó nghèo, sự từ bỏ. Dũng ta được dịp đế thêm:

- Mình mà như mấy ổng, thì chẳng cần biết tiền bạc làm gì. Hết giang tay rồi tay lại cầm ly nhâm nhi như mấy tiên ông thoát tục. Hoàng Phúc ngắt lời:

- Đừng xỏ xiên các ngài nữa, để sức mà thức canh chừng lão Trương xuống phi trường kẻo hỏng phần thì công toi. Cả ba trở về với nhiệm vụ. Dù trời đã dần về khuya mà chẳng con mắt nào dám chợp. Chợt tiếng Hùng Dũng la lên:

- Mắt mình sao choi chói. Đúng rồi, cái trán ông nào quá láng đây. Một cái trán hói, đầu hơi to to trên vóc người nho nhỏ, ai như…như ông già cao nguyên. Ủa cái lão hói Ban Mê giờ này không lo giải tội, không lo chuẩn bị lễ Giáng Sinh cho bà con, còn mò về đây làm gì cà? Cả nhà chết gần hết rồi còn ai chết nữa đâu mà bỏ cả hai chục ngàn giáo dân trong những ngày đại Lễ này. Xin chào, cha Ban Mê phải không? Có người thân hấp hối dưới này hả? Sao lang thang ở đây giờ này? Mai là Noel rồi, không ở nhà lo cho giáo dân xuống đây làm gì? Thành thật khai báo đi! - Đúng cung giọng của ông ruột ngựa Mai cô Hùng Dũng-

- Chào anh em! Hùng Dũng, Xuân Long, à à cả Hoàng Phúc đây nữa hả. Biết là mai Noel rôi nhưng tớ đã năn nỉ cha phó chạy sô giúp. Sáng mai chạy nước rút về Ban Mê vẫn còn kịp chán. Nếu xe cộ trục trặc hay đường sá sụt lở vì mưa gió mà bà con ở ba bốn điểm còn lại không có Lễ thì sang năm ta bù, năm nào mà không có lễ Noel. Thú thật với các bạn là có đọc tin của Trương Văn Minh. Dù thế nào đi nữa, cũng phải sẵn sàng, phải sẵn sàng tỉnh thức luôn. Dịp may ngàn năm có một, không thể bỏ được. Có thực mới vực được đạo chứ.- Dĩ nhiên, cái ông cha vùng cao nguyên này có đủ lý lẽ về thánh kinh, thần học, luân lý…lẫn mục vụ, để biện minh cho sự hiện diện của mình ở sân bay TSN giờ này.

Câu chuyện bịa như thật hay là thật như bịa vẫn tiếp tục với sự xuất hiện của từng thành viên một lớp tu ngày nào của Tiểu Chúng Viện Hoan Thiện. Ngoại trừ chỉ một thành viên nước ngoài với lý do mua vé máy bay không kịp là cha Trần Thu, biệt hiệu Thu Ca, làm quản xứ một giáo xứ ở Canada (chắc ông cha này chịu chức gần kỷ niệm ngân khánh nên vướng bận nhiều dây mơ rể má!), thì hình như không thiếu một ai, kể cả lão Trần Diễn tận Canada hay chú út Cường tựa là Heo Con xứ Na Uy… Điểm mặt, điểm danh mới biết thiếu các anh Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Go, Nguyễn Công Xuân…những người không thể có mặt cách cụ thể thấy được vì đã khuất núi. Có lẽ mấy bạn này chỉ xài đô la của “ngân hàng âm phủ” mà người ta thường rải cách hào phóng, không chút sợ làm ô nhiễm môi trường trong nhiều đám tang ở đất nước Việt Nam hiện nay.

Trong khi chờ sự xuất hiện của Trương lão gia thì chuyện như thường tình xảy đến là chai, ly, dĩa. Không khí thật phấn khởi hân hoan. Bỗng già làng Nguyễn Phùng tuyên bố một câu như chân lý thực tiển: “Có ngu, có điên mới không tỉnh thức sẵn sàng trước một mối lợi quá lớn như thế này. Phải thức thôi! Năm thằng nào nhận được năm triêụ đô thì phải đem chia đều cho tất cả, dĩ nhiên là không để lão Trương biết. Tất cả phấn khởi hoan hô và cùng dzô 100%. Ông cha Nghĩa ngứa nghề bèn thêm: “Giờ mình mới cảm nghiệm lời Thánh Phaolô: tôi chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi lớn là được biết Đức Kitô”. Và ngài thú nhận: “mình chưa thực sự gặp gỡ Chúa Kitô cách nào đó như thánh tông đồ”.

Sẵn sàng, tỉnh thức không phải là điều kiện mà chính là hệ quả kéo theo trước niềm vui đang đón chờ một hạnh phúc bất tận.

Bạn, tôi, chúng ta có thật xác tín rằng Chúa đến để đem hạnh phúc cho nhân loại không? Chúng ta có xác tín Chúa là gia nghiệp của mình không? Như thánh Philipphê, ta có mong được thấy Chúa, được gặp Chúa là đủ cho ta không? (x.Ga 14,8)

Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa lại đến trong vinh quang với ngày tận cùng của vũ trụ vạn vật. Mùa Vọng cũng nhắc nhở chúng ta chờ mong Chúa đến với mỗi người trong ngay kết thúc cuộc đời này. Nói đến ngày tận thế, thú thực ông cha này không mấy thấy lo cho bằng lũ trẻ choai choai, vì theo lời chúng khai thật thà là vì chưa được sống như người lớn, dĩ nhiên là hàm ý được hưởng cái sự đời này. Còn nói đến ngày chết, quả tôi rất nhiều khi thấy lo lo, sợ sợ, nhất là trong những lần ngã bệnh. Đúng là chỉ có thánh mới phấn khởi hân hoan khi đối diện với cái chết tức là cận kề dịp gặp Chúa, nguồn của mọi phúc lành.

Vấn đề đặt ra là làm sao có được sự xác tín rằng Chúa đến để đem hạnh phúc cho ta. Chúa đến không phải để lên án thế gian nhưng để bất cứ ai tin vào Ngài thì được cứu độ (x.Ga 3,16-17). Và Mùa Vọng phải là mùa của niềm vui, của sự phấn khởi hân hoan. Ước gì một ngày nào đó các phẩm phục mùa Vọng sẽ có sắc màu hồng tươi thay cho cái màu tím có vẻ ảm đạm như hôm nay.

Để mời gọi tín hữu tỉnh thức sẵn sàng, Mẹ Hội thánh giới thiệu cho chúng ta những bài đọc Thánh Kinh trong các thánh Lễ của mùa Vọng luôn ẩn tàng niềm vui. Vui vì dân Chúa sắp được giải phóng khỏi ách nô lệ, lưu đày. Vui vì viễn cảnh hoà bỉnh, công lý, tình thương đang đến gần. Người ta sẽ lấy giáo mác rèn nên lưỡi hái lưỡi liềm. Hoà bình và công lý sẽ giao duyên. Trẻ thơ sẽ vui đùa giũa các dã thú…Nhất là vui vì Chúa sắp đến cứu độ chúng ta.

Quả thật, lấy niềm vui, hạnh phúc để khuyến dụ người ta tỉnh thức sẵn sàng vừa đẹp vừa dễ hơn là lấy tai hoạ để doạ dẫm người ta. Ước gì niềm vui, niềm hạnh phúc ấy không ở đâu xa nhưng là ngay trong nghĩa tình huynh đệ của những người mang danh Kitô hữu, một nghĩa tình vốn đã từng khiến cho nhiều anh em lương dân hay người khác đạo thời giáo hội sơ khai mến thương, thán phục và xin gia nhập cộng đoàn (x.Cvtđ 2,42-47,4,32-35).


Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột