Chúa Nhật XXVI - thường niên - Năm A

GÁI ĐIẾM VUI VẺ VÀO NHÀ CHA



Giả từ Galilê, Chúa Giêsu cùng các môn đệ tiến về Giêrusalem – nơi Người giảng dạy, chịu khổ nạn và chịu chết như Người đã loan báo. Chính tại đây, không ít lần Chúa Giêsu đụng chạm với nhóm thượng tế và kỳ mục dân Dothái. Chúng ta thấy dường như nhóm người này được cất nhắc lên không phải làm lãnh đạo, làm thầy dạy cho dân mà để rình mò, gài bẫy, lên án và chất vấn Chúa Giêsu về mọi lãnh vực. Chính vì thế mâu thuẫn nảy sinh giữa Chúa Giêsu và họ mỗi ngày càng thêm nghiêm trọng. Trong khi giảng dạy, thấy cảnh chướng tai gai mắt xảy ra nơi Đền thờ, Chúa Giêsu đã đánh đuổi bọn buôn bán ra khỏi nơi thờ phượng. Nhóm thượng tế và kỳ mục lấy làm khó chịu bởi lẽ Chúa Giêsu đang đụng đến “nồi cơm” của họ. Bởi thế họ lên tiếng chất vấn Người đã dùng quyền bính nào để làm những điều ấy. Trong bối cảnh đó, dụ ngôn “hai người con” ra đời không chỉ là câu trả lời mà còn là lời lên án của Chúa Giêsu nhắm trực tiếp vào nhóm người này.

Câu chuyện xem ra đơn giản và dễ hiểu về nội dung nhưng lại sâu sắc về mặt đạo lý. Các thượng tế và kỳ mục – dĩ nhiên, trả lời rất chính xác câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho họ. Với câu trả lời này, vô hình trung, chính họ đã tự buộc mình, tự kết án chính mình. Bởi Chúa Giêsu đã không ngần ngại sánh ví họ như đứa con thứ hai vâng vâng dạ dạ lời dạy của cha nhưng rồi chẳng thực thi lời cha truyền. “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông”. Ở đây Chúa Giêsu không có ý nói rằng những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước, còn mấy ông thượng tế và kỳ mục vào sau. Trong ngôn ngữ Sêmít, “trước” ở đây không phải hiểu theo nghĩa “trước – sau” mà được hiểu theo nghĩa “được- mất”. Theo đó, những người thu thuế và những cô gái điếm vào được nước Thiên Chúa, còn các ông thượng tế và kỳ mục thì không được vào.

Lý do mà các vị thược tế và kỳ mục Dothái không được vào nước Thiên Chúa là bởi vì họ không tin theo đường công chính mà Gioan Tẩy Giả rao giảng cũng như không chấp nhận sự hiện diện của Chúa Kytô ở trần gian này. Họ vâng vâng dạ dạ với Thiên Chúa nhưng kỳ thực là để cố thủ, gắn bó với lề luật một cách giả tạo. Họ tự tạo ra trăm ngàn khoảng luật và tự cho mình là đã gắn bó và vâng lời Thiên Chúa. Thực ra, những con người này chỉ nấp đàng sau lề luật, mượn danh lề luật để từ chối sứ mạng của Gioan Tẩy Giả cũng như tìm mọi cách khước từ lời rao giảng của Chúa Giêsu – người mà họ biết là có uy quyền và sức quyến rũ lạ thường. Họ cố thủ trong thành trì lề luật của họ để không ngừng chỉ trích, lên án lời rao giảng và việc làm của Chúa Giêsu. Họ không chấp nhận cách giáo huấn cũng như con người Chúa Giêsu. Không đón tiếp Chúa Giêsu cũng đồng nghĩa với việc họ từ chối con đường dẫn vào nước Thiên Chúa.

Ngược lại, những người thu thuế và những cô gái điếm là những người được xem là công khai hoá đường tội lỗi của mình, bị người Dothái và đặc biệt là mấy ông thượng tế và kỳ mục liệt vào hạng “hết thuộc chữa”, là loại thối tha, đáng nguyền rủa,… lại được Chúa Giêsu sánh ví và khen ngợi như người con thứ nhất trong dụ ngôn. Sánh ví và khen ngợi những con người này, Chúa Giêsu không hề cổ xuý cho những hành động tội lỗi công khai của họ. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là người lên án mạnh mẽ sự ác và tội lỗi cũng như không bao giờ Người thoả hiệp theo đường tội lỗi. Chúa Giêsu trân quý họ bởi vì những con người này từ chỗ coi thường sự công chính, không chấp nhận sự ràng buộc của lề luật, chôn vùi cuộc đời trong vũng lầy tội lỗi,… đến chỗ họ ý thức về đường tội lỗi của mình để rồi hối cải ăn năn và tìm về với lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả cũng như tin vào giáo huấn của Chúa Giêsu.

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” ( Mt 7, 21). Mấy ông thượng tế và kỳ mục Dothái thường hay khoe khoang lòng đạo đức của mình, vênh vang với người khác về việc mình thực thi nghiêm chỉnh giới luật của tiền nhân, tự đắc vì mình luôn trung thành với truyền thống giao ước của Giavê. Họ tự cho rằng mình đã “đắc đạo”, đã giác ngộ và không cần phải phản tỉnh, không cần phải duyệt xét lối sống nhầy nhụa sự ô uế vốn được sánh ví như mồ mả tô vôi. Thế nên, mãi mãi họ cũng chỉ là những con người chỉ biết dùng đầu môi chót lưỡi để xưng tụng danh thánh Chúa nhưng lòng dạ thì ngập tràn kiêu căng và tự mãn, mãi mãi họ sẽ không được vào nước Thiên Chúa. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm, những người không sống theo nguyên tắc, theo luật lệ, luôn luôn chống đối, nhưng lại biết phản tỉnh, biết thay đổi thái độ, biết nhận ra những giới hạn của bản thân, biết hoán cải để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Chính vì thế, cửa trời rộng mở đón tiếp họ bởi họ đã biết tiếp nhận lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, của Chúa Giêsu và đã thành tâm hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay.

Ý thức thân phận yếu hèn, tội lỗi và không ngừng thống hối ăn năn được xem là điều kiện tiên quyết, là chìa khoá để được vào nước Thiên Chúa. Thiên Chúa không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không ưa thích những câu chúc tụng trống rỗng chỉ nhằm loè thiên hạ. Ơn cứu độ chỉ thực sự ban cho những ai biết mở lòng mình ra đón nhận Lời Chúa Kytô, biết phản tỉnh và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay, một lần nữa nhắc nhở chúng ta : Những người thu thuế và những cô gái điếm vui vẻ hân hoan đến rơi lệ bước vào nước Thiên Chúa, còn chúng ta thì sao?.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT