TU ĐỨC.



Có người hỏi sư phụ: “Tu đức là gì ?”

Sư phụ nói: “Không ngừng chuyển hoá nội tại của con người, đó là tu đức”.

- “Nếu con dùng phương pháp của sư phụ truyền dạy, tức không phải là tu đức ?”

- “Nếu trong nội tâm của con không phát sinh tác dụng, tức không được coi là tu đức. Một tấm thảm không làm cho con được ấm áp, tức không phải là tấm thảm”.

- “Tu đức có thay đổi không ?”

- “Người thay đổi, cần thiết cũng phải thay đổi. Cho nên, tu đức trước đây không còn là tu đức; cái gọi là kinh nghiệm tu đức, nói trắng ra, chẳng qua là ghi chép lại phương pháp của (tu đức) trong quá khứ”.


(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Khi một tu sĩ sống không xứng đáng với chức phận của tu sĩ, thì người ta nói: không có tu đức; khi một linh mục sống không xứng đáng với thiên chức linh mục, thì người ta phê bình: không có tu đức hoặc là thiếu tu đức.

Tu đức không có gì mới lạ, chỉ là ghi chép lại phương pháp trong quá khứ.

Tu đức là phương pháp giúp cho con người ta, theo thứ bậc và bổn phận của mình để nên thánh, tức là giúp con người ta sống hài hòa với Thiên Chúa và con người, cho nên có tu đức dành cho linh mục, tu đức dành cho tu sĩ, tu đức dành cho giáo dân.

Tu đức thì không thay đổi, nhưng con người thì luôn thay đổi bởi hoàn cảnh của cuộc sống. Cái tâm con người ta cứ quay cuồng trong cơn lốc của hưởng thụ thế gian lạc đường lạc hướng, nên tu đức như kim chỉ nam luôn chỉ hướng bắc, để dẫn đường cho họ hướng đến Thiên Chúa và sống chan hòa với tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.