BẠCH CÔNG THẮNG SUY NGHĨ LÀM LOẠN




Bạch Công Thắng người nước Sở muốn đánh nước Trịnh để báo thù cho phụ thân, nhưng người chấp chánh là Tử Tây không muốn xuất binh. Công Tôn Thắng bèn nảy sinh ý niệm làm loạn, muốn phát động chính biến để nước Sở xuất binh.

Tất cả tâm tư của ông ta đều tập trung vào việc làm loạn, khi đến triều đình nghị sự thì tâm không ở đấy, khi thoái triều thì roi ngựa trên tay lại cầm ngược, roi nhọn hướng lên đâm vào hai má, máu chảy giọt trên đất nhưng ông ta cũng không có cảm giác gì.

Nhà vua nước Trịnh nghe được chuyện như thế thì buồn bực thở thở dài nói: “Chuyện máu trên má chảy xuống thì có thể quên được, thế thì tại sao không đem các mưu lược khác mà quên đi chứ ?”

(Liệt tử: Thuyết phù; Hàn Phi tử: Dụ lão)

Suy tư:

Con người ta khi đã có ý đồ ăn cướp thì sẽ quyết tâm ăn cướp khi có cơ hội đến, có ý đồ làm hại người khác thì sẽ làm hại khi cơ hội đến, có ý đồ chơi xấu người khác là sẽ chơi xấu khi có cơ hội. Ý đồ là tên nội công bên trong tâm hồn và cơ hội là tên ngoại công bên ngoài bởi hoàn cảnh, cả hai đều là sản phẩm của ma quỷ tạo nên để làm cho con người trở thành công cụ chống lại tình yêu của Thiên Chúa nơi con người và trong vũ trụ.

Có những người đang sống tốt lành bổng nhiên trở thành kẻ độc ác, bởi vì những bất công đang đè nặng trên họ và gia đình; có những người thường hay giúp đỡ người khác nhưng đột nhiên trở thành kẻ ích kỷ, bởi vì lòng tốt của họ bị lợi dụng cách trắng trợn; có những người vui vẻ hoạt bát nhưng đột nhiên trở thành kẻ trầm uất cau có, bởi vì họ thấy những bất công do những người vô tài bất tướng gây ra hằng ngày trong xã hội này...

Người Ki-tô hữu biết dùng Lời Chúa để soi sáng tâm linh và cuộc sống của mình, cho nên họ không để nội tâm bị chi phối bởi hoàn cảnh xấu bên ngoài, nhưng luôn làm theo lời dạy của Chúa, để chính họ trở thành công cụ đem lại hòa bình và hạnh phúc giữa một xã hội luôn có nhiều bất công và hận thù.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.