-
Moderator
OƠ - Ở lại trong tình yêu của Thầy
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm B
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY
Thưa quí vị,
Suốt các tuần lễ mùa Phục sinh, Phúc âm nói đến việc Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các Tông đồ. Nhưng tuần vừa qua và tuần này có một chút chuyển hướng. Phụng vụ trích đọc từ bài huấn dụ cuối cùng của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Mặc dầu chúng ta vẫn còn đang ở trong mùa Chúa sống lại hiển vinh, nhưng tại sao các bài đọc Tin mừng lại nói về đêm ngay trước cuộc tử nạn? Tức những lời chăng chối Chúa Giêsu dành cho môn đệ? Dụng ý phụng vụ có thể là vì trong bài huấn dụ, Chúa Giêsu nói nhiều về chia ly, hứa hẹn, cam đoan, dặn dò, di chúc, thích hợp cho việc chuẩn bị mừng lễ Chúa lên trời. Khi ấy, các môn đệ chẳng còn được trông thấy Chúa nữa, nhưng Hội Thánh và thế giới vẫn được bảo đảm sẽ cảm nhận sự hiện diện của Ngài cách khác. Ngài lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và gởi Thần Khí xuống Giáo hội, tức lễ Hiện xuống. Như vậy các môn đệ và Hội Thánh được an ủi. Bởi Ngài giống như các cha mẹ, tuy tạm thời lìa bỏ con cái, nhưng vẫn lo liệu cho chúng được an lành. Những đứa con mà Ngài biết còn phải ở lại thế gian để tiếp tục công việc cứu nhân độ thế của Ngài.
Do đó, một điểm rõ nét trong bài đọc Tin mừng Chúa nhật này là Chúa Giêsu cam đoan hằng ở lại trong mối tương quan mật thiết với Hội Thánh. Ngài không giống như những bậc hiền triết thế gian, xuống thế chỉ trong một thời gian ngắn nào đó, khởi sự công việc, rồi trẩy đi nơi xa, hẹn ngày trở lại để kiểm tra công việc của các môn đệ. Nói cách khác, Ngài không xuống thế gian để thiết lập một mẫu người lý tưởng cho chúng ta bắt chước, rồi rời bỏ chúng ta mà về trời, mặc chúng ta tự thân sống theo gương Ngài. Hiện Ngài không đứng trên Cổng Đền Vàng Thiên Cung, chờ đợi chúng ta hoàn thành công việc, thẩm tra xem chúng ta đã cố gắng thế nào trong tiến trình theo gương Ngài, rồi tuyên án thưởng phạt cho cân xứng.
Thực tế, chúng ta chẳng cần một thần tượng để sống rập theo khuôn. Chúng ta cần một vị Cứu tinh. Đấng đã một lần sống chết cho nhân loại. Đấng luôn ở với nhân loại để ban sức mạnh và hướng dẫn chúng ta sống chết theo gương Ngài, bằng chính cuộc đời mình. Hôm nay cũng như Chúa nhật vừa qua, sứ điệp quan trọng nhất của Chúa Giêsu là ở lại trong Ngài. Đó là đường lối để chúng ta thi hành lệnh truyền yêu thương của Ngài. Chính Ngài ban ơn để chúng ta sống đời sống của Ngài. Sự thật là tự mình, chúng ta chẳng thể sống như vậy. Không liên kết với Ngài, dù cố gắng đến mấy đi nữa chúng ta chỉ như ngành nho khô héo. Không ơn Ngài, không ở lại trong Ngài, không có sự hiện diện của Ngài, thì dù Giáo hội hoặc mỗi cá nhân, không thể sống ơn gọi thương yêu mà bài Tin mừng hôm nay đề cập tới: “Hãy thương yêu nhau, như Thầy đã thương yêu anh em.” Tình yêu của Ngài là tình yêu hy sinh mạng sống cho người khác. Chúng ta có thể làm được chuyện đó mà không cần ơn Ngài trợ giúp?
Một số người phàn nàn rằng từ sau Công đồng Vat. II Hội Thánh đã trở nên mềm yếu, toàn nói về tình yêu. Họ muốn trở lại thời kỳ trước Công đồng, cứng rắn và bất khoan dung, trắng ra trắng, đen ra đen, không mập mờ nước đôi. Họ nhớ lại thời niên thiếu của mình, mà hối tiếc nếp sống kỷ luật cũ. Nhưng chúng ta không còn là trẻ con. Lệnh truyền yêu thương đã có từ thời Chúa Giêsu. Đấng sáng lập Hội thánh, chứ không phải sáng kiến của Vat.II hoặc xu thế của thời đại mới. Chính Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền : “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (15,12). Ngài còn thêm: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (15,14). Nghĩa là Ngài không nói với Giáo hội, với các Tông đồ trong tư thế một ông chủ (nói với nô lệ) mà là người bạn (với bạn hữu mình). Tôi tớ, nô lệ phải chấp hành kỷ luật của ông chủ. Đời sống của họ được ông chủ hoạch định và chỉ huy. Nếp sinh hoạt của các tín hữu không theo mẫu mực đó. Ngược lại tình yêu là căn bản để họ sống. Ngài bảo đảm Thiên Chúa đã thương yêu họ trước, chẳng phải vì công lênh mỗi người, nhưng hoàn toàn vì ân huệ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thể hiện lòng yêu mến đó. Chúng ta là bạn hữu của Ngài cho nên Ngài yêu cầu chúng ta sống như bạn hữu với nhau, không thù hận, không ghen tương. Từ “bạn” trong mạch văn có nghĩa là những “người được mến yêu”. Chúng ta phải sống đúng tiêu chuẩn đó, bởi chúng ta là những môn đệ được Ngài yêu thương.
Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, các tín hữu dùng những danh từ khác nhau mà miêu tả mình, khi sang trọng, như “ngôn sứ”, đại diện, đại sứ, môn đệ, sứ giả của Ngài, khi khiêm nhượng, như bầy tôi, nô lệ, thuộc hạ… Trong Kinh thánh đôi lúc cũng dùng các từ đó. Nhưng ở trường hợp này, trước lúc ra đi, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu dấu yêu và Ngài sẽ hy sinh mạng sống để cứu vớt họ. Thật là một tình yêu cao cả. Bởi đây là giây phút nghiêm trọng nhất trong cuộc đời Ngài, không thể khách sáo hay giả hình. Hoàn toàn là sự thật và chân thành. Những tác giả viết các dòng trên là môn đệ nhiệt thành của Chúa Giêsu. Họ có ấn tượng sâu sắc về các điều quan trọng Thầy mình đã dạy, cho nên họ không thể viết sai chân lý. Những điều họ để lại cho nhân loại hoàn toàn đúng với sự thật mà họ đã được nghe và chứng kiến. Chúng ta không thể nghi ngờ về nội dung họ viết ra, chỉ có điều chúng ta thực hiện hay không! Chúa Giêsu biết rõ thế gian sẽ đối xử tàn tệ với các môn đệ và những người vâng theo giáo lý của Ngài, cho nên Ngài bảo đảm với họ, dù thế nào đi nữa, tồi tệ đến đâu đi nữa, thì họ vẫn được Ngài yêu dấu. Trong Tin mừng hôm nay, Ngài nhắc đi, lặp lại nội dung đó nhiều lần. Thành công của họ trên thế giới không phải theo tiêu chuẩn loài người : địa vị, tài sản công danh, tiền bạc… mà là trung tín với những lời sau đây: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (15,9). Quí vị nghĩ sao? Còn điều gì tha thiết hơn được nữa? Vậy xưa nay chúng ta đáp trả lòng quí mến của Chúa Giêsu thế nào? Nếu chưa được nghiêm chỉnh thì hôm nay chính là thời điểm thuận tiện để chúng ta hạ quyết tâm trung thành với lời mời gọi của Chúa.
Còn điểm sau đây nữa cũng phải bàn cho thấu đáo, tuy rằng có khi trước đây đã nghe giảng giải nhiều lần. Nhưng hễ gặp chữ yêu thương mà Chúa Giêsu nói tới, nhiều người tưởng tượng là thứ tình yêu khả giác chúng ta dành cho cha mẹ, ông bà, con cái, họ hàng, bạn bè và các thành viên khác của gia đình. Không đúng vậy. Từ mà Chúa Giêsu dùng ở đây là “Agape” (bác ái). Tức yêu thương rộng rãi, không loại trừ. Nó không phải là yêu thương dành cho thân thuộc mà thôi, nhưng cho hết mọi thành viên trong nhân loại, dầu tốt, dầu xấu. Nó không phải là tình yêu theo bản năng, ưa thích những gì đẹp đẽ nơi người khác, mà là sẵn lòng vươn tới tha nhân, hành động vì lợi ích của họ, dù người đó có liên hệ với mình hay không, miễn là họ cần đến sự trợ giúp của mình. Nhiều lúc còn phải hy sinh tiền của, thời giờ, sức lực nữa. Chúa Giêsu đã làm gương về lòng yêu mến kiểu “Agape” này. Ngài đã hy sinh chính bản thân cho nhân loại. Thiên Chúa yêu trần thế một cách vô điều kiện, tức không đòi hỏi ở chúng ta tính đáng yêu, đáng mến trong ngôn ngữ thế gian. Sự chết của Chúa Giêsu trên thập tự phản ánh một cách hoàn hảo tình yêu Đức Chúa Trời dành cho loài người. Ngài yêu chúng ta cho nên Ngài đã đi bước trước để chứng tỏ tình yêu đó. Ngài hành động nguyên vì sự an lành của nhân loại.
Cho nên, “mang nhiều hoa trái” là hệ quả đương nhiên của trạng thái ở lại trong Chúa Giêsu. Cằn cỗi, vô sinh là bằng chứng chúng ta không còn ở lại trong tình yêu của Ngài. Chúng ta đã bị cắt đứt khỏi thân nho. Như vậy cũng dễ thẩm định hiện trạng của mỗi linh hồn. Hằng ngày chúng ta phải hồi tâm suy nghĩ để xem mình còn thực sự ở lại trong Chúa hay không? Thực ra, ẩn dụ: “mang nhiều hoa trái” có nhiều ý nghĩa, áp dụng được vào rất nhiều tình huống. Theo Tin mừng Gioan, mang nhiều hoa trái là rao giảng và làm chứng tình yêu của Chúa Giêsu cho thế gian. Mặc dầu Ngài sắp lìa bỏ các môn đệ, nhưng các ông vẫn liên kết chặt chẽ với Ngài trong lòng yêu mến, mang nhiều hoa trái và ở lại trong tình thương của Ngài.
Tuy nhiên làm thế nào Chúa Giêsu duy trì liên hệ với nhân loại, một khi đã về trời? Xin thưa, cũng giống như mọi mối liên hệ khác: Bằng tương giao. Chúa Giêsu tiếp tục làm mưa Thần Khí của Ngài trên các Tông đồ và Hội Thánh. Các Tông đồ và Hội thánh vừa lãnh nhận, vừa đáp ứng sự hiện diện của Thần Khí. Trong Phúc âm hôm nay, sự đáp ứng đó, như Chúa Giêsu nói, là niềm vui trọn vẹn: “Các điều ấy, Thầy nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (15,11). Cũng như các Tông đồ thuở xưa, ngày nay người tín hữu phải gieo rắc và làm chứng nhân cho niềm vui của Thiên Chúa. Tác giả Leon Bloy viết: “Người Kitô hữu chỉ có nỗi buồn duy nhất: Mình chưa phải là một vị thánh.” Ngoài ra không còn nỗi buồn nào khác. Có thể thế gian còn làm cho chúng ta đau khổ, có thể nó còn rình chờ để nuốt chửng Hội thánh. Nhưng ở lại trong Chúa Giêsu bảo đảm sự hiện diện của Ngài. Nhờ sự hiện diện này, linh hồn mỗi người tràn ngập niềm vui. Các thánh đều đã cảm nghiệm được như vậy. Có vị suốt đời hớn hở vui mừng dù phải chịu muôn vàn cực hình thể xác. Theo kinh nghiệm truyền giáo của Hội thánh, nhiều tín hữu tốt cũng thường được hưởng niềm vui này. Do đó, nếu có ai (tu sĩ hay giáo dân) cảm thấy bất hạnh trong bậc sống của mình, thì đó là vì không còn ở trong con đường thánh thiện nữa. Xưa nay vẫn thường xảy ra bất mãn, rồi tìm cớ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Không có hoàn cảnh nào làm cho người tín hữu mất vui, mất hạnh phúc, nếu như còn ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu ! Thế gian đã không thắng được Ngài thì ở lại trong Ngài chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến hạnh phúc. Tôi được quen biết nhiều gia đình giáo dân, bên ngoài xem ra bất hạnh, như bệnh tật, tuổi già, nghèo khổ. Nhưng kỳ thật, họ rất hạnh phúc, và làm chứng cho nhau về niềm vui của Thiên Chúa. Họ phục vụ nhau trong hoan hỉ vui tươi khiến tôi phải mủi lòng và xấu
Lm. Jude Siciliano, OP
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules