Trồng “của quý” trên... cánh tay


Hình ảnh trong 1 ca phẫu thuật tương tự
cách đây vài năm ở Nga. (Ảnh: Annanova).


Với bộ phận sinh dục teo nhỏ bẩm sinh, tưởng chừng Sergei sẽ không bao giờ có một cuộc sống vợ chồng hoàn hảo. Nhưng rồi phép lạ đã đến với anh: “cậu nhỏ” không chỉ tăng kích cỡ từ 5 lên gần 17 cm mà còn nhảy một cú ngoạn mục từ chỗ kín lên tận... cánh tay.

Trong ca mổ kéo dài 11 tiếng đồng hồ hồi đầu tháng Tư năm ngoái, các bác sĩ phẫu thuật thành phố Mat-xcơ-va đã làm nên những điều ngoài sức tưởng tượng: di chuyển “của quý” bệnh nhân từ háng lên cánh tay, từ đó “vỗ béo” cho nó tăng kích cỡ.

Bệnh nhân là một người đàn ông 28 tuổi đến từ Serbia được gọi tắt bằng cái tên Sergei. Bộ phận sinh dục của anh mắc chứng teo nhỏ từ lúc mới chào đời, thế nên đến tuổi trưởng thành, nó vẫn khiêm tốn với chiều dài 5 cm. Với quyết tâm xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm, Sergei đã tìm tới Trung tâm phẫu thuật chỉnh hình quốc gia nhờ giúp đỡ, chấp nhận thực hiện ca mổ với chi phí 1.000 bảng và không khiếu kiện nếu có xảy ra bất cứ rủi ro nào.

Giáo sư Mikhail Sokolshchik - người đã có thâm niên 13 năm trong ngành phẫu thuật vi mẫu và phẫu thuật chỉnh hình sinh dục nam - cho biết: “Trước nay tôi đã tiến hành hàng ngàn ca mổ phức tạp tuy nhiên chưa trường hợp nào nhiều rủi ro và “đánh đố” như lần này, bởi cùng 1 lúc nó đòi hỏi 3 thủ thuật: cắt bỏ, tái tạo và gắn trở lại vị trí cũ.

“Chỉ cần sai sót trong 1 động tác là có thể dẫn tới hậu quả: Sergei mất “cậu nhỏ” suốt đời”.

Thật may là ca phẫu thuật đã diễn ra xuôi chèo mát mái. Giáo sư Mikhail khẳng định sau 1 thời gian phục hồi, Sergei sẽ có thể sớm lấy vợ đẻ con như bao người đàn ông khác.

Theo giới y khoa, cứ trong 200 nam giới thì có một người mắc bệnh teo nhỏ bộ phận sinh dục - chỉ phát triển đến tối đa 5cm chiều dài ngay cả lúc “sung mãn” nhất. Dị tật này khiến bệnh nhân thực hiện chức năng là cha, làm chồng rất khó khăn, thậm chí là không thể.

Ca phẫu thuật của Sergei được tiến hành theo trình tự như sau: đầu tiên, các bác sĩ cắt rời khúc thân “cậu nhỏ” - vốn là phần nhạy cảm nhất - rồi thận trọng cho “hạ cánh” xuống địa điểm thích hợp nhất trên cẳng tay trái, để cho các mô và tế bào tiếp tục sinh trưởng.


Cùng lúc, họ trích phần da tay bệnh nhân, quấn quanh một khúc silicon hình ống mềm dẻo sau đó nối liền đoạn mô nhân tạo này với phần teo nhỏ nằm trên tay. Thao tác cuối cùng là nhấc nguyên khối vừa tạo ra khỏi tay và khâu trở lại vào “chỗ kín” ban đầu.

Trong suốt thời gian phẫu thuật, các chuyên gia cũng toát mồ hôi hột với thao tác thoăn thoắt nối liền các tĩnh mạch, mao mạch và đầu dây thần kinh bị tổn thương nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân đánh mất cảm giác.

Hải Minh

Theo TeleGraph