-
Member
Chuyện lạ về những người rậm lông
Đó là những người bị mắc một trong những căn bệnh hiếm có nhất trên thế giới. Toàn bộ cơ thể họ bao phủ bởi một lớp lông dày. Từ thời Trung cổ đến nay, sử sách chỉ ghi lại khoảng 50 trường hợp mắc căn bệnh này.
Truyền thuyết về người rậm lông
Vua Pháp Henry II vốn rất thích những chú hề, chú lùn ăn mặc kỳ khôi và những loài thú kỳ lạ như hổ, báo, sư tử châu Phi. Tuy vậy, năm 1547, khi một sinh linh trong hình hài con người được đưa vào triều thì cả vua tôi đều trố mắt kinh ngạc. Đó là một cậu bé yếu ớt 10 tuổi, nửa người, nửa thú. Toàn bộ mặt của cậu, từ trán đến mũi, má, tai, đến cằm đều bị một lớp lông màu hung dài khoảng 10 cm bao phủ. Chỉ cặp mắt và đôi môi là ló ra dưới bộ lông dày. Cậu bé tên là Pedro Gonzalez, sinh ra ở Teneriffa (Tây Ban Nha) và được người ta gửi tặng vua Pháp. Từ đó cuộc đời cậu chuyển sang một hướng khác. Cậu chăm chỉ học tiếng Pháp và tiếng Latinh. Ít lâu sau cậu được sung vào đội người hầu của nhà vua. Nhà sử học Roberto Zapperi đã tra cứu các tài liệu lưu trữ của gia đình cậu bé, tham khảo nhiều sách, báo để dựng lại cuộc đời chìm nổi của cậu trong một cuốn sách mới được xuất bản.
Thời xưa, những số phận như cậu bé người Tây Ban Nha này là cơ sở để người đời dựng nên truyền thuyết về "người sói" trong các nền văn hoá khác nhau. Các tác giả thời Trung cổ viết về những con người "lông phủ dày từ đầu đến chân", sinh sống trong rừng sâu, chuyên ăn cỏ cây hoa lá và thịt sống. Có những câu chuyện lại kể về người "lông lá" sống biệt lập trên những hòn đảo ngoài khơi xa chuyên ăn tim người rán trong nước xốt chanh!
Mãi đến cuối thế kỷ 19, y học hiện đại mới bắt đầu tìm hiểu những người rậm lông này. Năm 1873, nhà bệnh lý học nổi tiếng người Đức Rudolf Virchow đã công bố một công trình viết về "người Nga có lớp lông bao phủ khắp người".
Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, những người rậm lông vẫn phải chịu chung số phận như những thành viên trong gia đình Gonzalez hồi thế kỷ 16: Họ bị dẫn ra các hội chợ, vào rạp xiếc như những loài thú hiếm để kích thích trí tò mò của người xem.
Ngày nay đôi khi người ta cũng bắt gặp những nạn nhân của căn bệnh này. Mới đây bác sĩ nhi khoa Baumeister phát hiện ở Đức một cô gái 14 tuổi có một lớp lông phủ lên mặt và toàn bộ vùng lưng. Cứ 2 tuần một lần cô phải dành hàng giờ để cạo lông trên người, nên cô chưa trở thành mục tiêu cho sự tò mò của mọi người. Bác sĩ Baumeister cho biết: "Khi đến gần cô gái khoảng 2 mét mới nhận thấy có gì khác thường". Hiện nay các bác sĩ da liễu đang dùng công nghệ y học hiện đại để giảm nhẹ gánh nặng mà số phận đã mang lại cho cô. Tia laser được dùng để phá huỷ những lỗ chân lông trên mặt cô. Chính từ những lỗ chân lông đó lớp lông dày được hình thành. Phương pháp điều trị này đòi hỏi các bác sĩ phải thật khéo léo, vì nó để lại những vết sẹo li ti trên da.
Các phương pháp khác mạnh hơn như hoá trị, xạ trị không được sử dụng vì gây những tác dụng phụ có hại. Ngoại trừ sai lệch gene dẫn đến sự phát triển của lớp lông thì "người sói" có thể trạng khoẻ mạnh và tuổi thọ bình thường như những người khác.
Cách đây 2 năm rưỡi, các bác sĩ Kazakhstan phát hiện một bệnh nhân sống trong một vùng núi hẻo lánh gần biên giới Trung Quốc. Mặt và cơ thể cậu bé 6 tuổi này phủ một lớp lông dày đặc như lông khỉ. Cậu sống rất vất vả, vì luôn là đối tượng trêu chọc và mỗi lần soi gương lại cảm thấy đau đớn. Các xét nghiệm trong bệnh viện cho thấy cậu phát triển hoàn toàn bình thường. Theo các bác sĩ, cậu bé hoàn toàn có thể hoà nhập vào cộng đồng, thậm chí có khả năng định hướng vượt trội những đứa trẻ cùng tuổi.
Cứ 1 tỷ người, tạo hoá mới sai lầm 1 lần
Cho đến nay khoa học mới biết rất ít về căn bệnh rậm lông. Sự sai lệch về di truyền này là cực kỳ hiếm. Các chuyên gia ước tính cứ 1 tỷ người mới có 1 người mắc bệnh (từ thời trung cổ đến nay ghi nhận khoảng 50 trường hợp). Nguyên nhân tạo ra lớp lông này là một sai lệch về gene làm cơ thể không điều khiển được chu trình sinh trưởng của lông nữa. Các lỗ chân lông vì thế hoạt động liên tục (thông thường trong chu trình sinh trưởng của lông, các lỗ chân lông có thời kỳ "nghỉ", trong thời kỳ đó lông rụng và sau đó chu trình sinh trưởng của lông được lặp lại).
Sai lệch gene có thể xuất phát từ một gene có trong động vật tiền thân của con người. Theo các nhà khoa học, nhiều gene đó vẫn còn "ngủ" trong bộ gene của con người ngày nay. Trong quá trình tiến hoá, chúng chỉ bị "khoá" lại mà thôi. Dưới một tác động đột biến nào đó, một gene tiền sử như vậy sẽ bị đánh thức.
Các nhà y học và sinh vật học cho biết đã xảy ra không ít hiện tượng "phục sinh" các đặc điểm động vật như vậy trong con người ngày nay. Tuy rất hiếm, nhưng cũng đã có những đứa trẻ sơ sinh ra đời với nhiều núm vú trải dài từ vùng nách xuống ngang vùng thắt lưng như ở động vật có vú. Đôi khi cũng đã gặp trường hợp trẻ sơ sinh có đuôi - là một đoạn xương sống kéo dài.
Tuy nhiên lý thuyết về sự phục hồi các đặc điểm động vật trong cơ thể người không phải đúng trong mọi trường hợp "người sói". Có trường hợp lông mọc cả ở những vùng trên cơ thể người, nhưng lại không mọc ở những vùng đó trên cơ thể vượn người hay khỉ, ví dụ như ở vùng mũi và mắt. Hiện tượng xuất hiện dần dần một lớp lông dày bao phủ toàn bề mặt cơ thể (theo kiểu thứ sinh, chứ không phải bẩm sinh) có thể do những trục trặc của hệ tuần hoàn, do một căn bệnh nhất định nào đó như đa xơ cứng các cơ quan, mô hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra.
Người mắc bệnh đột biến như vậy sẽ di truyền lại 50% tác dụng của đột biến cho con cái. Tỷ lệ đó giảm dần tới thế hệ ra đời với tỷ lệ lông mọc bình thường.
Các loại "người sói"
Có nhiều loại người rậm lông khác nhau, tuỳ thuộc vào loại tóc, lông nào bị ảnh hưởng bởi sai lệch về gene. Có người trên mặt phủ một lớp lông tơ dày, mịn, không chứa sắc tố như lớp lông bao phủ thai nhi 5 tháng tuổi trong bụng mẹ. Thông thường bào thai khi đến 7-8 tháng tuổi thì lớp lông này rụng đi. Trong trường hợp người rậm lông, lớp lông tơ này vẫn tồn tại nhiều năm sau khi ra đời và thường chỉ rụng đi khi bước vào tuổi trưởng thành.
Lớp lông bao phủ "người sói" cũng có thể mang sắc tố. Trường hợp nổi tiếng nhất là Julia Pastrana sinh năm 1834 tại Mexico. Trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân, còn toàn bộ cơ thể cô bị phủ một lớp lông dài màu đen. Với một hình hài kỳ dị như vậy, từ năm 1854 cô phải cùng người chồng hám tiền và gánh xiếc của Theodore Lent đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Khán giả đã khiếp đảm khi nhìn thấy "người đàn bà khỉ" ấy, tuy nhiên cô lại là một người rất dịu dàng và thông minh. Cô biết đọc, viết, chơi được guitar và có giọng nữ trung tuyệt vời. Cô qua đời ở tuổi 26, chỉ 5 ngày sau khi sinh hạ một đứa con cũng bị lông bao phủ khắp người.
Người bình thường đều có lông mềm, mang sắc tố và dài độ 1 cm, mọc ở những vùng thường có lông trên cơ thể. Theo bác sĩ Baumeister, gia đình anh Pedro Gonzalez dưới thời vua Henry II thuộc loại hình thứ 3, tức là lông mọc dài đến 30 cm!
Trong số những người rậm lông, đàn ông tỏ ra không đau đớn bằng phụ nữ vì hình hài đặc biệt của mình. Những thành viên nam giới trong gia đình Gonzalez còn biến cơ thể đầy lông lá của họ thành một bằng chứng chứng tỏ giới tính. Sách vở viết là Pedro Gonzalez đã lấy công chúa Pháp và sinh hạ rất nhiều con, trong đó 3 gái và hai trai cũng rậm lông như bố.
Nguyễn Thanh Bình
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules