Cách đây hai tuần, trên website của báo chí quê nhà, tôi bất ngờ đọc được bản tin “Lóc da cho con”. Qua đó, phóng viên thuật lại câu chuyện một người cha nghèo tên là Lê thanh Tuấn có người con gái trọ học ở thành phố Tuy Hoà, miền Trung VN. Cô là gái út trong gia đình được cha mẹ thương mến lo liệu cho ăn học đến nơi đến chốn. Bất hạnh thay, ngày 24/6/2009 bình gas nấu nướng trong phòng trọ bổng phát nổ, gây thiệt hại 65% phỏng toàn thân cô bé. Trong đau đớn nhức nhối, cô phải để Nhóm Chuyên Viên chữa phỏng của bệnh viện Chợ Rẫy “thay da đổi thịt” băng bó toàn thân.
Người cha hiền lên bệnh viện thăm nuôi con, ông đau lòng chứng kiến sự thiệt hại nặng nề về thể lý của con gái cưng. Ông năn nỉ bác sĩ lóc da hai bắp đùi của đôi chân ông, để cấy ghép vào phần da bị mất do vết phỏng gây ra cho con gái ông. Vốn bị áp huyết cao sẵn có, sự lóc da như thế rất có thể gây biến chứng nguy hiểm cho sinh mạng người cha. Nhưng tình thương con mãnh liệt hơn sự chết, ông Tuấn vẫn sẵn sàng để bác sĩ lấy toàn bộ phần da mình mà đắp sang cho con.
Không có tình thương nào cao qúi cho bằng tình thương của người hy sinh mạng sống cho người mình thương. Người cha già đã chấp nhận thiệt thòi thân xác để giúp con gái mau bình phục. Ông không ngại hy sinh chính phần đời còn lại của mình nhằm giúp con dần dần lấy lại chút nhan sắc cho cô ta. Thực tế bao giờ cũng thế: cha mẹ nào mà chẳng thương con. “Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu giả dối. Hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa thãi” ( Đức Cha JB. Bùi Tuần ).
Thiên Chúa, người cha chung của nhân loại, còn yêu thương con người mạnh bạo hơn thế nữa. Thật vậy, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người: đã chấp nhận hy sinh, chịu khổ hình chết trên thập giá đền thay tội lỗi loài người. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình, không phải chỉ hai bắp đùi mà thôi, nhưng là toàn thân xác Ngài cho tình yêu cứu chuộc con người. Ngài đã chết để con người được sống và sống dồi dào. Và hôm nay, chính Đức Giêsu Kitô cũng đã tuyên bố: “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6:55-56).
Đức Giêsu Kitô đã yêu thương thế gian và trao ban chính toàn thân Ngài cho thế gian.
Thịt và Máu Chúa là của ăn của uống, là lương thực nhiệm mầu nuôi sống linh hồn kitô hữu.
Đó chính là sự hiệp thông thực sự đưa ta vào cuộc sống muôn đời với Chúa Giêsu. Hãy mau mắn siêng năng lãnh nhận Mình, Máu Thánh Ngài.
A. Nhu cầu lương thực cho linh hồn và thể xác.
Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6:53). Như thế, thân xác ta không có của ăn sẽ đói và chết từ từ, linh hồn con người không lương thực thần linh sẽ nhạt nhoà ân sủng, khô héo niềm tin, ắt bị giam trầm luân trong lửa muôn đời.
1. Thực phẩm là của ăn nuôi sống con người. Để có của ăn phần xác:
+ Con người phải lao động, cày sâu cuốc bẫm, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới thu hoạch hoa
lợi dồi dào.
+ Công nhân phải đi làm mới có tiền lương, mua thực phẩm chi tiêu, ăn uống qua ngày.
+ Đồ ăn phải được chế biến: nấu nướng, kho xào chiên với gia vị đủ thứ, mới có của ăn
ngon miệng.
Nói chung, lương thực mà con cái ăn uống hàng ngày, đòi buộc sự hy sinh của biết bao người: người cha làm lụng để có tiền mua thực phẩm, người mẹ chợ búa nấu nướng pha chế… để thành của ăn bổ dưỡng nuôi sống gia đình.
2. Lời Chúa và Thánh Thể là lương thực thiêng liêng đời kitô hữu. Để có của ăn phần hồn sinh ích lợi cho người giáo dân đến dâng lễ:
+ Cộng Đoàn có ban Phụng Vụ soạn sẵn Lời Chúa hàng tuần, đánh dấu làm hiệu rõ ràng.
Thừa tác viên Lời Chúa xem trước bài Lời Chúa mình sẽ đọc, chuẩn bị kỹ càng.
Linh Mục, Phó Tế soạn kỹ bài giảng, giúp Cộng Đoàn nhớ lại và hiểu ý chính Lời Chúa.
+ Thánh Thể là chính Chúa Giêsu: của ăn cần thiết cho linh hồn tín hữu.
Người dâng lễ giữ lòng thanh sạch, chay Thánh Thể đầy đủ để lên rước Chúa.
Giáo Hội phải có người đi tu, đào tạo làm Linh Mục, mới có người cử hành Thánh Thể.
Cộng Đoàn cần có người dọn lễ bàn thờ, chuẩn bị các lễ vật Bánh Rượu dâng tiến.
Ca Đoàn đôi khi cần thiết, để hát Thánh Ca giúp tín hữu hợp lòng rước Chúa sốt sắng.
Như thế, để có được của ăn nguồn suối thiêng liêng cho kitô hữu đến kín múc, cũng đòi buộc sự hy sinh, chuẩn bị của biết bao thành phần: Chúa Giêsu, linh mục, người đọc Lời Chúa, người dọn bàn thờ, ca đoàn…giúp ta có trọn vẹn sức sống thần linh.
B. Thái độ lãnh nhận lương thực hồn, xác.
Chúa Giêsu đã hứa cùng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6:54). Thật cần thiết cho linh hồn kitô hữu khi trên đường lữ hành đức tin về quê trời, mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình, Máu Thánh Chúa. Nhưng phải ăn và uống Thánh Thể Chúa thế nào cho xứng đáng vinh dự cao trọng mà Chúa ngự vào nhà linh hồn ta?
1. Trong của ăn vật chất, để có chất bổ dưỡng thiết thực cho thân xác:
+ Con người đưa thực phẩm vào miệng, nhai kỹ, nuốt gọn, thức ăn vào dạ dày, gan mật
điều tiết dần dần thành chất bổ dưỡng.
+ Khi ăn, tư thế ngồi ngay ngắn, thức ăn đưa lên miệng hơn là đầu cúi xuống tìm đồ ăn.
Miệng nhai và nuốt xong mới nói chuyện hơn là vừa ăn vừa nói.
Ăn vừa đủ no tỏ vẻ lịch sự hơn là ăn quá nhiều, coi chừng “bội thực”.
+ Khi uống, con người nuốt chất lỏng trong ruột giúp lưu thông đồ ăn dễ dàng.
Phải nhắp từ từ thong thả, không nên uống ừng ực, uống cho thoả cơn say.
“Một xị ấm áp cõi lòng, hai xị tư tưởng đã thông, ba xị nước mũi ròng ròng, bốn xị
dài dòng say xỉn….” làm mất tư cách, gây khổ vợ con, náo loạn hàng xóm.
Nói chung, ăn uống điều độ, lịch sự…tạo nhân cách cho mình, uy tín danh dự bản thân.
2. Thái độ lãnh nhận Mình Máu Chúa cũng thế: cần làm sao sinh ích cho linh hồn mình?
+ Mình Thánh Chúa trọng hơn cơm bánh nuôi phần xác. Bởi thế, cần những chuẩn bị
sốt sắng trước khi rước Chúa vào ngự trong tâm hồn.
+ Nuôi dưỡng hồn trong sạch, giục lòng mến ước ao đón nhận, kiêng ăn uống một giờ.
Đi đứng khoan thai, thẳng hàng ngay ngắn, chăm chú nhìn và thờ lạy Thánh Thể Chúa.
Điều quan trọng: biết thầm thỉ cám ơn Chúa sau khi Ngài đã cư ngụ trong lòng ta.
+ Lắm người lãnh nhận Thánh Thể theo thói quen, thiếu chuẩn bị dọn lòng sốt sắng, ơn
ich nhận được chẳng bao nhiêu. Nhiều kẻ rước Chúa xong, bước ra ngoài lái xe hơi về
ngay: họ đón vị khách qúi Giêsu Kitô vào nhà linh hồn, mà con người họ lạnh lùng
như thế, không sẵn sàng welcome Chúa, làm sao nhận được Ơn Thánh xứng đáng?
Hãy đến với Chúa bằng tâm tình khiêm hạ thánh đức, tha thiết mong Ngài ở cùng ta,
cho ta được sống trong Ngài luôn mãi.
C. Ích lợi lãnh nhận Mình, Máu Thánh Chúa.
Khoảng 6 năm trước đây, có một Thầy Đại Chủng Sinh ĐCV Notre Dame, TGP. New Orleans, LA. người da đen, hàng tuần mang Mình Thánh Chúa vào Nursing Home (nhà dưỡng lão) cho một cụ già 88 tuổi: tai điếc, mắt mờ, chân tay run rẩy, nằm liệt giường đau đớn. Bà rất có lòng mến Chúa, ước ao được kết hiệp với Chúa, được rước Chúa đều hoà. Tuần nào cũng thế, cứ gần đến giờ qui định: bà ngưng hết các việc bên ngoài chia trí, nôn nao đón Chúa sắp đến với mình. Và khi Thầy Đại Chủng Sinh đến, Thầy đọc Lời Chúa cho cụ nghe, cầu nguyện với kinh Lạy Cha, trao ban Mình Thánh cùng lời nguyện kết thúc: xin Chúa chúc lành sức khoẻ cụ. Bà rất cảm động vì Ơn Chúa thương yêu bà quá lớn lao.
Đón nhận Chúa vào trong tâm hồn, bà cụ tìm được nguồn nội lực an bình vui sống.
Thật vậy, khi rước Thánh Thể Chúa vào lòng, Chúa ban cho ta nhiều hiệu quả tinh thần:
+ hưởng sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu mãi mãi trong Chúa (Ga 6:51).
+ được Chúa ở cùng ta và ta ở trong Chúa (Ga 6:56).
+ được sống nhờ Chúa Cha, trong Chúa Cha (Ga 6:57).
D. Lời Nguyện kết:
Lạy Chúa! Chúa đã ban tặng cho chúng con Mình và Máu Thánh Chúa.
Xin giúp chúng con biết trân trọng Món Quà Vô Giá ấy,
luôn nâng tâm hồn sốt mến, giữ lòng thanh sạch
để đón nhận Chúa mỗi ngày,
nhờ đó chúng con sẽ được sống và sống dồi dào trong Chúa. Amen.