-
Moderator
M - Môi sinh học nhân bản: Như một thông điệp của mùa Giáng Sinh năm nay
MÔI SINH HỌC NHÂN BẢN: NHƯ MỘT THÔNG ĐIỆP CỦA MÙA GIÁNG SINH NĂM NAY
Theo tin từ Zenit.org, ngày 22 tháng 12, 2008, khi trao đổi những lời chúc mừng giáng sinh đến cho các thành viên trong Hội Đồng Tư Vấn Rôma, Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđíctô XVI đã gửi ra lời cảnh báo về việc bảo vệ môi sinh, một chủ đề rất ăn khách, và cũng là một đề tài được chính trị hóa nhằm kiếm phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ. Ngài nói rằng trong khi công trình bảo vệ môi sinh tự nhiên vẫn được Giáo Hội coi như là một sứ mệnh cốt yếu của mình trong lòng thế giới hôm nay, điều không kém quan trọng chính là việc bảo vệ bản tính của con người. “Ecology of man” (tạm dịch: môi sinh học nhân bản), là từ ngữ ĐTC dùng ám chỉ quan điểm này. Ngài giải thích rằng trong khi nỗ lực bảo vệ trái đất, nước uống, không khí, như là những món quà mà Tạo Hóa ban tặng, thì Giáo Hội cũng phải bảo vệ chính con người khỏi hiểm họa diệt vong. Nền tảng của môi sinh học nhân bản này chính là việc tôn trọng bản tính con người, và tôn trọng cả hai giới tính nam nữ. Vẫn theo ĐTC, bảo rằng bản tính con người là có nam có nữ, và bảo rằng phải tôn trọng cái trật tự vốn đã được Thiên Chúa tạo dựng này thì không hề có nghĩa đề cao một thứ sịêu hình học đã lỗi thời. Trái lại, đó chính là nói lên niềm tin vào Đấng Tạo Hóa cũng như kêu mời việc lắng nghe thứ ngôn ngữ của cuộc tạo dựng. Đây là điều mà nếu coi thường sẽ dẫn đến sự hủy hoại chính con người. ĐTC cũng lên tiếng cảnh báo về trào lưu đang thao túng, cả trên cấp quốc gia lẫn quốc tế, khi người ta cố gắng làm biến chất từ ngữ “giới tính,” qua đó, con người muốn tự giải phóng ra khỏi tầm ảnh hưởng của tạo vật và của Tạo Hóa. Ngài nói: “Con người muốn tự tạo ra mình, và muốn tự mình quyết định lấy vận mệnh của mình.” Như thế là đi ngược lại sự thật, ngược lại với Thánh Thần sáng tạo. Hẳn nhiên là phải bảo vệ những khu rừng nhiệt đới, thế nhưng điều quan trọng không kém chính là bảo vệ chính con người xét như một loài thụ tạo, đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.
Nhân ngày Thiên Chúa giáng trần để cứu độ và chuộc lại thân phận nguyên tuyền của con người trước khi nguyên tổ sa ngã, thiết tưởng không còn gì thích hợp hơn lời ĐTC cảnh báo nói trên. Đó như là một thông điệp gửi đến cho loài người hôm nay, khi họ càng ngày càng biểu tỏ xu hướng chối bỏ chính bản chất của mình. Nói cách khác, con người ngày càng tỏ ra thái độ không còn muốn làm người nữa, không còn muốn sống cho ra người nữa. Trái lại, con người muốn sử dụng lý trí của mình để không chỉ chối bỏ tất cả những gì đã được Thiên Chúa yêu thương ban tặng cho mình, mà còn để chối bỏ ngay cả chính Thiên Chúa nữa. Con người không dưng muốn đảo lộn toàn thể trật tự mà Thiên Chúa đã tạo tác an bài.
Phải chăng đó là do não trạng ‘duy trần tục’: chỉ có cuộc đời này mà thôi, chỉ có cuộc sống dương gian này mới có giá trị, đời sau chỉ là bánh vẽ không tưởng? Thế thì tại sao laị không hưởng thụ theo kiểu “chơi xuân kẻo hết xuân đi? Làm gì có Chúa có Bà! Chỉ có con người mà thôi! Và làm gì có tội, làm gì có lỗi! Bởi vì tội lỗi chẳng qua chỉ là xúc phạm đến Chúa. Mà nếu đã không có Chúa thì còn tội lỗi gì nữa? Có chăng là phạm đến người khác mà thôi! Thế là đến lượt nhóm ‘duy nhân bản’ thò đầu ra, với hai nguyên tắc căn bản: (1) Nguyên tắc tự do cá nhân: con người được tự do thoải mái về mặt luân lý, muốn làm gì thì làm, miễn là đừng gây thiệt hại đến ai là được; (2) Nguyên tắc nhẫn nhục: ta phải biết nhẫn nại chịu đựng hành vi của người khác, miễn là hành vi này không gây thiệt hại đến ai là được.
Rằng nghe hay thật là hay, nhưng liệu có được như vậy hay chăng? Hay là vừa quay đi quay lại, con người đã trở thành lang sói với nhau? Lý do đơn giản là: nếu không có Thiên Chúa, thì yêu thương tha nhân có còn ý nghĩa gì nữa chăng? Hẳn nhiên là còn tình nhân loại. Thế nhưng, cái được gọi là “yêu thương tình loài người” này liệu sẽ kéo dài được bao lâu nếu Thiên Chúa được “kính mời” đi chỗ khác chơi? Khi đó, câu nói của Ca-in trả lời câu hỏi của Chúa: “Em Abel đâu rồi?” sẽ là chủ trương tất yếu—dù muốn hay không—của cái gọi là chủ nghĩa ‘duy nhân bản không Thiên Chúa’: “Làm sao tôi biết được? Chẳng lẽ tôi phải trông nom săn sóc em tôi sao?” (Gen 4:9)
Lại nữa, Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, thì con người lại muốn chối bỏ sự khác biệt giới tính, viện cớ là mình chỉ cần sự bình đẳng mà thôi. Bình đẳng nhất thiết không đội trời chung với khác biệt chăng? Bình đẳng thì phải giống hệt như nhau sao? Nếu thế thì còn gì là hấp dẫn lưỡng cực nữa? Còn gì là nguyên lý âm dương nữa? Còn gì là ‘trợ tá tương xứng’ nữa? (Gen 2:18) Và “Em yêu ơi, nếu em cũng như anh, và nếu anh chẳng khác gì em, thì thử hỏi cuộc đời này còn đáng sống nữa chăng?”
Dường như con người đang “sáng tai họ, mà điếc tai cầy” khi cứ lo cứu lấy đàn cá voi con cho khỏi tuyệt chủng, mà chẳng hề quan tâm đến hàng triệu thai nhi đang bị ngậm ngùi bức tử. Đúng là “việc nhà thì nhác, còn việc bác lại siêng.” Nhà mình gần sập đến nơi thì không màng, cứ lo lăng xăng giúp thu dọn cho nhà hàng xóm! Cái mớ hỗn độn do con người tạo nên khi phá đổ trật tự mà Tạo Hóa đã an bài đang vùi dập chính con người vào trong cái thế ‘mê hồn trận’ không còn lối thoát. Khi chối bỏ bản chất của mình, con người trở thành vong thân. Hay nói nôm na thì thế này: khi con người từ chối làm người, nó sẽ tức khắc trở thành ‘ngợm’!
Nhưng may mắn thay, Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ngài đã nhập thể trở thành một người như ta, và đã nhập thế ở cùng với ta, ngõ hầu nhắc nhở cho ta sự thật về chính con người: đó là được tạo dựng “theo hình ảnh và giống y như Chúa; Chỉ nguyên sự kiện này cũng đủ nói lên phẩm giá bất khả tha hóa của từng mỗi con người…Hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để thấy ta thực sự là như thế nào trong ánh mắt của Thiên Chúa.” Đó là lời của ĐTC Gioan Phaolô II nói cho giới trẻ tại Manila (Phi Luật Tân) năm 1995. Cũng chính Ngài đã nói tương tự như thế khi đến Denver (Tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ) trong dịp Đại Hội Giới Trẻ thế giới vào năm 1993: “Chỉ nơi Chúa Giêsu Kitô mà con người—cả nam lẫn nữ - mới tìm được câu trả lời cho những thắc mắc đang làm mình trăn trở. Chỉ nơi Chúa Kitô mà con người mới thấu hiểu trọn vẹn phẩm giá của mình như là những nhân vị đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.”
Tham khảo:
Pontiff Calls for "Ecology of Man," Warns Against New Theories of "Gender" (zenit.org, Dec. 23, 2008)
On the Meaning and Value of Our Lives—Christ appeals to our free decision to accept his love” (zenit.org, Dec. 17, 2008)
Mùa Giáng Sinh 2008
Nguyễn Kim Ngân
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules