LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Lịch Sử

Lễ các thánh nam nữ đã có từ thế kỷ thứ IV. Thánh Ephraim người Syrie và thánh Gioan Kim Khẩu đều biết đến một ngày lễ mừng các thánh tử đạo vào ngày 13-5 hằng năm. Hay rõ hơn là Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này vẫn còn trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp và được gọi là Chúa nhật chư thánh.

Trong Giáo Hội Tây Phương cũng có một thánh lễ từ thế kỷ thứ VII, lễ toàn thể các thánh tử đạo mừng vào ngày 13-5. Ðó là ngày lễ thánh hiến đền Panthéon của Rôma, để Kính Ðức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh tử đạo vào ngày 13-5-609.

Lễ chư thánh (toàn thể các thánh, chứ không dành riêng cho các thánh tử đạo) được mừng vào ngày 1-11 hằng năm, chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII do các thầy Dòng Ái Nhĩ Lan, và Anh Quốc, khi sang truyền giáo ở Âu Châu đã đem theo và trong thời gian ngắn đã phổ biến rộng khắp Âu Châu. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống...

1. Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng trước đám đông dân chúng. Lần đầu tiên ngỏ lời với dân chúng, Chúa Giêsu loan báo ngay một Tin Mừng hạnh phúc.

2. Những người hạnh phúc ấy là ai?

1. "những người nghèo trong tâm hồn": không nô lệ tiền của.
2. "hiền lành": Hiền lành nghĩa là vừa nhân từ vừa khiêm nhượng (xem Mt 11,29-30: Ðức Giêsu tự xưng là "hiền lành" và "khiêm nhượng" trong lòng).
3. "sầu khổ": Mt 9,15 nói về việc các môn đệ sẽ "sầu khổ" khi phải xa cách "Tân lang" là Ðức Giêsu. Như vậy người sầu khổ là người biết mình tội lỗi và do đó phải xa cách Chúa. Như vậy phần phúc Chúa hứa cho họ là họ sẽ được Thiên Chúa "an ủi" bằng cách tha tội cho.
4. "khao khát nên người công chính": Trong Tin Mừng Mt, "công chính" là biết làm theo ý của Thiên Chúa.
5. "xót thương người": Hôsê đã viết "Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn lễ vật" (Hs 6,6). Mt đã trích dẫn câu này 2 lần (9,13 12,7)., và cả 2 lần Mt đều hiểu thương xót nghĩa là thứ tha để cứu vớt kẻ lầm lỡ.
6. "tâm hồn trong sạch": nghĩa là có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng.
7. "xây dựng hòa bình": Hòa bình ở đây là hòa thuận (không xung khắc, không thù hận). Nên lưu ý rằng các mối phúc khác đều nhắm đến một thái độ nội tâm, còn mối phúc nầy nhắm đến hoạt động bên ngoài mà đối tượng là những mối liên hệ giữa người với người, và mục đích là làm cho người ta hòa thuận với nhau.
8. "bị bách hại vì sự công chính": Ta cũng phải hiểu chữ "công chính" ở đây theo nghĩa của c.6, nghĩa là "sống theo ý Chúa". Vì sống theo ý Chúa mà bị người ta bách hại.

B.... nẩy mầm.

1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là "Tâm hồn nghèo". Người có tâm hồn nghèo là người:

* Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác: không màng đến nước trần gian)
* Mặt tích cực: chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước Trời)

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

2. Hạnh phúc là gì? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

3. Một hôm khi cầu nguyện, một linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là nơi hạnh phúc nhất?
- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

4. "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa" (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.

Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu toả tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.

5. Các thánh đều là những công dân Nước Trời, đều đang hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi một vị Thánh đều là một tấm gương cho chúng ta về một trong 8 mối phúc.

6. Có nhiều thứ người đời cho là nguồn hạnh phúc nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại...

7. Bất cứ thứ gì không đưa ta vào Nước Trời đều không phải là hạnh phúc thật.

8. Bác sĩ Tom Dooley thường cứu giúp những người khổ sở. Ông có một cách hiểu đặc biệt câu Tin Mừng Mt 5,5 "Phúc cho những ai sầu khổ". Ông nói: "Sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà còn có nghĩa là quan tâm đến cảnh khổ ở đời hơn là cảnh sung sướng... Nếu bạn nhạy cảm với những cảnh khổ và cố gắng làm một điều gì đó để cho đời tươi sáng hơn, bạn sẽ thấy hạnh phúc" (Trích dẫn bởi Mark Link, Sunday homilies, Year C).

9. Ðoàn cứu trợ đến căn nhà lụp xụp của một bà già. Họ hỏi thử bà:

- Nếu chính phủ cho bà 200 đôla. Bà sẽ làm gì?
- Tôi sẽ đem cho những người nghèo.

Bà cụ này chính là một trong những người mà Chúa Giêsu nghĩ tới khi nói "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó"; Từ những người có tâm hồn như bà cụ này đã xuất hiện những vị Thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay; Và tấm gương của bà cụ này khuyến khích chúng ta trở nên những kitô hữu tốt hơn (Mark Link, Sunday homilies, Year C).

10. "Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng danh cho anh em trên Trời thật lớn lao" (Mt 5,12)

Phêrô từng chối Chúa
Rồi thống hối ăn năn
Chúa thương thưởng thành thánh
Cuối cùng cũng theo Ngài
Ngài thương ban thành thánh.
Một người từng ăn trộm
Phút cuối biết quay về
Chúa cho được làm thánh
Têrêxa Hài đồng
Người yêu Chúa tử bé
Sống phục vụ yêu thương
Trong Tình yêu của Ngài
Thành thánh ngay trần gian
Thánh Augustinô

(Và còn nhiều thánh nữa)

Từng ăn chơi sa đọa
Theo ơn gọi quay về
Tích cực thành thánh ngay

…………………………

Chúa luôn mời gọi con
Hãy là thánh nghe con
Vì Ta là Ðấng Thánh.
Lạy Cha xin giúp con
Trong từng giây phút sống
Biết yêu thương trung thành
Ðể được nên giống Cha. (Hosanna)


Lm. Carolô Hồ Bạc Xái