Chúa nhật XXVIII Thường niên B

CỦA Ở ĐÂU, LÒNG Ở ĐÓ


Cô Elizabeth Assis là nhân viên thu ngân, nhân viên tính tiền của một hiệu bán quần áo tại Sao Paulo, Ba Tây, quốc gia vô địch túc cầu thế giới kỳ năm 94. Cô đã bị dị ứng trong nhiều cơ quan trên thân thể: luôn sổ mũi, mắt mờ, và có cảm giác như kim chích khắp nơi trên cơ thể. Cô đã cố tìm nguyên do gây ra tình trạng dị ứng đó, cô nói: “Tôi đã quét bụi, giặt thảm trải nhà, trồng lại các loại cây cối khác trong vườn, đổi hết quần áo... Vậy mà vẫn không hết bị dị ứng.”
Cùng đường, cô không thể đến sở nữa, đành phải ở nhà. Nhưng điều ngạc nhiên là cũng từ đó, từ khi cô ở nhà, thì bệnh dị ứng bớt dần rồi dứt hẳn.
Bác sĩ của cô cuối cùng đã phát hiện rằng cô bị một loại dị ứng khá đặc biệt, đó là dị ứng với tiền bạc, những đồng tiền nhỏ, mực và bụi bẩn trên tiền giấy đã gây một thứ phản ứng mà cơ thể của cô không chống lại được.
Hiện nay Elizabeth chỉ được dùng cheque (ngân phiếu) thay tiền, và nếu vô ý đụng phải bất cứ thứ tiền gì là lập tức trong người lại cảm thấy khó chịu, phải dùng đến thuốc ngay. Cô Elizabeth tâm sự: “Từ nay tôi phải xa lánh tiền bạc. Mà khổ thay, đó là cái mà tôi yêu nhất trong cuộc đời.”
Đức Cha Bùi Tuần đã viết: “Tiền không bao giờ nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về tiền. Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền... Tiền dù rách, dù hôi, vẫn được quí trọng. Dù đẹp dù xấu, tiền vẫn được người ta dành cho nhiều cảm tình.” Đâu đâu đồng tiền cũng nắm một vai trò quan trọng, chúng ta quá rõ sức mạnh của tư bản ở nước Mỹ. Đâu đâu tiền bạc cũng được coi là một giá trị làm nên mọi giá trị. Người có nhiều tiền được kính nể, nghề có nhiều tiền được coi là quí .Người khéo kiếm tiền được coi là người giỏi.
Nếu giàu sang là điều đáng ước mơ đáng kiếm tìm, vậy tại sao Chúa lại đưa ra lời cảnh cáo đáng suy nghĩ: “Những người giầu có vào nước thiên đàng khó biết bao... Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc thật khó mà vào nước Thiên Chúa. Con lạc đòa chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa.”

Thật sự của cải tiền bạc tự nó không phải là một điều xấu: nó còn là một sự cần thiết giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm.
Tuy nhiên tiền bạc vẫn là con dao hai lưỡi như chúng ta thường nghe: “Tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu.” Lời Chúa nhắn nhủ: “Của bay ở đâu lòng bay ở đó,” đã cho thấy sự nguy hiểm dể dính bén của những người nhiều tiền lắm của.
Bài Phúc âm hôm nay cho thấy anh thanh niên giầu có chạy lại quì xuống trước mặt Chúa và hỏi: “Con phải làm gì để được sống đời đời?” Đó là điều không mấy người giầu có chịu làm.
Anh là một người tốt, anh đã chu toàn các giới luật Chúa truyền một cách đầy đủ, và tâm hồn anh đang khao khát cái gì cao hơn, xa hơn. Cuộc sống vật chất đầy đủ không làm anh thỏa mãn, hạnh phúc. Anh muốn sống đời đời và đang kiếm tìm, đang mong chờ tiếng Chúa nhắn nhủ. Thấy con người anh và thiện chí của anh, Chúa âu yếm và đem lòng thương yêu mời gọi anh theo Ngài. Nhưng thật đáng buồn, đáng thương, anh đã bỏ đi khi nghe Chúa bảo bán tất cả của cải, bố thí cho kẻ nghèo rồi đến theo Chúa. Phúc âm còn ghi lại, nét mặt anh sụ xuống và buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Lòng dính bén của cải đã làm cho anh không có can đảm theo Chúa, đã làm cho anh không quảng đại được để dấn thân hy sinh cho tha nhân. Sự ham muốn dính bén của cải trần thế đã làm cho anh xa Chúa, và đó là điều đáng buồn, đáng tội nghiệp.

Tại một đạo việc trong dãy Hy mã lạp sơn có khá đông người Âu Mỹ đang theo học với đạo sư. Trong một buổi đàm đạo, một môn sinh hỏi: “ Có tiêu chuẩn nào giúp để biết được mình đang sống gần kề hay cách xa Thượng đế không? “ Vị đạo sư trả lời: “Câu hỏi này hay lắm, và dĩ nhiên có tiêu chuẩn chứ, nhưng trước hết, tôi muốn hỏi các bạn một câu. Các bạn có bao nhiêu ham muốn?”
- Ham muốn loại gì?
- Bất cứ loại gì, thí dụ như muốn có căn nhà xinh đẹp, muốn có xe hơi, muốn có nhiều tiền, muốn có bạn gái duyên dáng dễ thương, bạn trai khỏe mạnh hùng tráng... Các bạn hãy lấy giấy bút ra, ghi chép tất cả những ham muốn mà các bạn đang ao ước rồi đếm xem bạn có bao nhiêu ham muốn ?

Sau khi mọi người ghi chép xong, đạo sư lên tiếng hỏi từng người: “Bạn có bao nhiêu ham muốn?”
- Tôi có ba mươi sáu cái.
- Tôi có sáu mươi điều.
- Tôi có mười tám điều.
- Được lắm, bây giờ các bạn hãy tưởng tượng rằng có một cây thước đo bề dài các điều mà các bạn ham muốn và các bạn đã có tiêu chuẩn rồi đó,
- Chúng tôi không hiểu?
- Này các bạn, cái bề dài của danh sách ham muốn, đó chíng là khoảng cách xa giữa bạn và Thượng đế. Danh sách ham muốn càng dài bao nhiêu thì khoảng cách giữa bạn và Thượng Đế càng xa bấy nhiêu. Nói một cách khác: Khoảng cách giữa ta và Thượng đế có thể tượng trưng bằng con số của các ham muốn mà ta có trong lòng. Chúng ta càng ham muốn nhiều, càng để lòng dính bén của cải nhiều thì khoảng cách giữa ta và Thiên Chúa càng xa bấy nhiêu . (Minh triết trong đời sống , trang 120-121)

Một ông đi dạo ở bãi biển và may mắng đụng chạm được một cây đèn thần, vị thần xuất hiện và hứa sẽ ban cho ông một điều ông xin. Quí ông bà anh chị em biết ông xin gì không? Ông xin cho có một tờ báo cùng ngày một năm sau đó có trang đăng các cổ phẩn (stocks) có giá trị của các công ty. Ông vừa ước xong, vị thần biến mất, và trong tay ông có tờ nhật báo của một năm sau đó. Với lòng tham, ông quyết định tìm dò xem các cổ phần nào khá, có lời nhiều để đầu tư, để sinh lợi, vì đã may mắn biết trước được tương lai. Nhưng khi mở sang trang kế tiếp ông tiu nghỉu buồn rầu khi thấy tên mình được đăng ở đầu trang trong mục (Death notices) loan báo những người chết hôm trước.

Khi một nhà triệu phú chết, người ta tò mò hỏi: “Ông ta đã để lại những gì vậy?” Vị luật sư thừa hành đã trả lời một câu đầy ý nghĩa: “Ông đã để lại tất cả. Ông đã để lại tất cả.”

Nếu một năm sau đây, chúng ta chết rồi tên mình được đăng trên báo và khi chết chúng ta sẽ để lại tất cả, ngày hôm nay và những ngày kế tiếp đây chúng ta sẽ làm gì và suy nghĩ ra sao?


Lm Louis Minh Nhiên