Đời Sống Tâm Linh # 21
CHỮ “TÂM” TRONG CON NGƯỜI

Lời Chúa dạy:“Những cái gì từ miệng nói ra là phát xuất tự lòng. Chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế.”(Mt 15,18)

Chữ “Tâm” cũng là “Lòng” trong con người tuy không nhìn thấy; nhưng nó rất quan trọng, vì nó nói lên tư cách của một người. Một tác giả đã suy tư như sau đây, để bạn và tôi cùng nghiệm xét:
1- Tâm mà lệch lạc, thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên.
2- Tâm mà gian dối, thì cuộc sống bất an.
3- Tâm mà ghen ghét thì cuộc sống hận thù..
4- Tâm mà đố kỵ, thì cuộc sống mất vui.
5- Tâm mà tham lam, thì cuộc sống dối trá.
Tôi để Tâm hay Lòng ra trên ngũ quan và tứ chi để yêu thương:
1- Đặt Tâm trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân.
2- Đặt Tâm trên miệng để nói lên lời an ủi với người bất hạnh.
3- Đặt Tâm trên tai để nghe lời than trách, góp ý của người khác.
4- Đặt Tâm trên vai để biết gánh vác và và chia sẻ với anh em.
5- Đặt Tâm trên tay để làm việc, cộng tác, giúp đỡ người khác.
6- Đặt Tâm trên chân để mau mắn chạy đến người cùng khổ.
Thân xác không có Tim thì thân xác Chết, làm mgười không có Tâm, thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người.

* Một phút suy tư: Con người trong sạch do Tâm, mà dơ bẩn cũng do Tâm. Tâm nâng đỡ con người lên, cũng chính tâm hạ thấp con người xuống. Như vậy, bạn và tôi cần:
- Giữ Tâm lắng trong, yên lặng, an tĩnh, không ô nhiễm, tham lam.
- Tôi giữ Tâm không sân hận, si mê, tham dục, không ý nghĩ đê hèn.
- Tâm tôi không ganh tỵ, trong sạch, như mặt gương được chùi bóng.
Khi thực hành những điều trên, giúp Tâm tôi được thay đổi:
-Tôi bình tĩnh, an vui trước mọi cơn thịnh nộ, xấu xa của kẻ khác.
-Tôi lấy cái tốt đáp lại cái xấu, lấy từ bi, độ lương đối lại hung ác.
-Tôi lấy lòng nhân ái và hoan hỉ đáp lại sự hung bạo và đê hèn .


* Lời Chúa sẽ trở thành sức mạnh vô cùng cho tôi, để dập tắt những tật xấu đang ngủ ngầm trong Tâm tôi như: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương…,không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác… (1 Cor 13, 4-6)


* Phó tế GB. Maria Nguyễn Định/ Huyền Đồng