Kiến Thức Công Giáo


Để đáp lại phần nào nhu cầu hiểu biết của người Công Giáo Việt Nam ở Canada. Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada, ngoài việc xuất bản báo CÔNG GIÁO VIỆT NAM Ở CANADA 4 kỳ trong năm còn thực hiện tờ KIẾN THỨC CÔNG GIÁO theo thể loại vấn nạn và giải đáp (Questions and answers) 6 lần trong năm và phổ biến miễn phí ở các cộng đoàn. Xin giới thiệu với các bạn: KIẾN THỨC CÔNG GIÁO
1. Mùa hè năm 2005, Đức Hồng Y GB. Phạm minh Mẫn đến thăm một số Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada. Xin cho biết chức hồng y có ý nghĩa gì và nhiệm vụ như thế nào trong Giáo Hội? Tại sao Ngài chỉ đến với một số Cộng Đoàn, còn một số Ngài không đến?

Liên Giáo Sĩ, tu sĩ đã mời Đức Hồng Y GB. Phạm minh Mẫn đến thăm các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada từ năm 2002, trước khi Ngài làm Hồng Y ngày 21.10.2003. Ngài đã đồng ý và rất ước muốn đến thăm Giáo Dân Việt Nam ở Canada. Nhưng mãi đến tháng 7 năm 2005 Ngài mới có thể thu xếp đến thăm Canada 15 ngày và chia làm hai chuyến đi: 10 ngày cho Miền Tây và 5 ngày cho Miền Đông Canada. Chỉ 15 ngày, với số tuổi ngoài 70, chúng tôi không thể thu xếp cho Ngài đến với tất cả 15 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam rãi rác trên toàn Canada, chỉ đến với 11 cộng đoàn thôi. Đây là một cố gắng vượt bực đầy tình nghĩa của Đức Hồng Y cũng như sự sắp xếp lịch trình rất sít sao của Liên Giáo Sĩ, Tu Sĩ. Những cộng đoàn còn lại, xin hẹn lần sau, nếu Đức Hồng Y còn sức khoẻ và có thời giờ.

Đức Hồng Y GB. Phạm minh Mẫn thăm viếng cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada trên căn bản tình nghĩa người đồng hương và tinh thần phục vụ Di Dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài không là chủ chăn của giáo dân Việt Nam ở Canada và Ngài không bị buộc bởi giáo luật phải đi thăm viếng chúng ta. Tất cả chỉ thể hiện khẩu hiệu “Như Thầy Yêu Thương!” mà Ngài đã chọn.

Từ “Hồng Y” trong tiếng Việt, diễn tả phẩm phục màu đỏ thẩm (cardinal). Từ Cardinal trong tiếng Anh phát xuất từ Cardo trong tiếng La tinh, có nghĩa là “bản lề cửa” (hinge), thoạt đầu để chỉ những Giáo Sĩ nhập tịch vào Giáo Hội Roma. Ngày nay Hồng Y (Cardinal) được dùng để chỉ những người làm điểm tựa (pulcrum), đóng vai trò chính trong sinh hoạt Giáo Hội.

Theo Giáo Luật số 350, Hồng Y đoàn được chia làm 3 trật: Hồng Y Giám Mục (Cardinal Bishops) thường có 6 vị. Đại đa số Hồng Y còn lại là Hồng Y linh mục (Cardinal Priests) và Hồng Y Phó Tế (Cardinal Deacons). Dù phân cấp là Hồng Y Linh Mục hay Hồng Y Phó Tế, nhưng kỳ thực, các Ngài là những Tổng Giám Mục hay Giám Mục. Theo Giáo Luật số 351, Hồng Y phải được chọn ít nhất từ hàng linh mục, và nếu vị được chọn là linh mục, sẽ được phong Giám Mục trước khi nhận mũ Hồng Y. Tuy nhiên có luật trừ, năm 2003 linh mục Dulles dòng Tên được chọn làm Hồng Y và Ngài xin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép không chịu chức Giám Mục. Yêu cầu được chấp thuận. Hồng Y Dulles không có chức Giám Mục. Tước vị Hồng Y trao ban cho các Hồng Y nhiệm vụ trợ giúp và cố vấn Đức Giáo Hoàng và đặc biệt là được bầu Giáo Hoàng. Sau ngày 24.6.2006, ngày Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI trao mủ cho 15 tân Hồng Y, Hồng Y đoàn có tất cả 193 vị và trong đó có 120 vị dưới 80 tuổi được bầu Giáo Hoàng trong trường hợp trống toà.

Nhiệm vụ bình thường của Đức Hồng Y GB. Phạm minh Mẫn là Tổng Giám Mục Sàigòn và nhiệm vụ đặc biệt của tước vị Hồng Y là bầu Đức Giáo Hoàng như Ngài đã làm hôm tháng 4.2005 sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tạ thế.

2. Đọc sách Công Giáo, thấy có mấy chữ La-tinh Nihil Obstat và Imprimatur. Xin cho biết ý nghĩa. Nghe nói các Giám Mục Canada sắp đi Ad Limina ở Rôma trong mùa hè nầy. Ad Limina mang ý nghĩa gì? Có lần đọc một bài viết trong báo Công Giáo nói về lễ Pro Populo. Điều đó có ý nghĩa gì?

a) Nihil obstat có nghĩa là không có gì cản trở (nothing hinders). Imprimatur có nghĩa cho phép xuất bản (let it be printed). Giáo Quyền chính thức xác nhận những tác phẩm bao gồm sách báo, hình ảnh, kinh nguyện hay những gì nói về đạo.. . .sau khi đã được kiểm duyệt và không thấy có gì nghịch với thần học, tín lý hay luân lý Công Giáo và cho phép phát hành cũng như cho phép người Công Giáo xử dụng.

Nihil obstat và Imprimatur luôn đi kèm với ấn ký và ngày tháng cho phép của bản quyền địa phương (GL. 833§3). Bản quyền địa phương được hiểu là Giám Mục, Linh Mục Tổng Đại Diện hoặc linh mục Đại diện Giám Mục. Thường các Ngài thỉnh ý từ những kiểm duyệt viên, chuyên trách về nội dung của sách báo liên quan đến giáo huấn Công Giáo trong giáo phận. Tác giả và và tác phẩm trực thuộc sự kiểm duyệt của Giáo Hội địa phương nơi tác giả sinh sống hay nơi tác phẩm được xuất bản (Giáo Luật 824§2).

b) Các Giám Mục địa phận trên toàn thế giới buộc cứ năm năm một lần phải về Rôma để phúc trình về tình hình giáo phận của mình với Đức Thánh Cha và những thánh bộ liên hệ (G.L.399). Việc phúc trình từng năm năm nầy được đặt tên quinquennial report. Việc các Giám Mục đi Rôma phúc trình từng năm năm nầy được gọi là “Ad Limina Apostolorum” Limina có nghĩa là “ngưỡng cửa” (thresholds), cũng có nghĩa là “xương” hay “mộ”, (Cha Michel Dupont, giáo sư Giáo Luật Đại Học St. Paul). Vậy Ad Limina Apostolorum có nghĩa “to the thresholds of Apostles” hay cụ thể hơn là việc kính viếng mồ các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, coi như mục tử và là hai cột trụ của Giáo Hội, đồng thời gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ và tiếp theo là việc gặp gỡ và tường trình tình hình giáo phận với các thánh bộ liên hệ (GL.400).

Những tường trình cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và gửi tới Thánh Bộ Giám Mục (Sacred Congregation for Bishops) 6 tháng trước khi thực hiện Ad Limina. Thời gian Ad Limina thường được ấn định 15 ngày giống như thời gian Thánh Phaolô thăm viếng Tông Đồ Phêrô (Galata 1:18 - Trích trong “Chỉ dẫn Ad Limina” được L'Observatore Romano xuất bản ngày 11 tháng 7 năm 1988).

Qua Ad Limina các Giám Mục được kêu gọi để củng cố trách nhiệm chủ chăn và người kế vị các thánh tông đồ của mình. Ad Limina cũng là cơ hội để các Giám Mục địa phương bày tỏ sự hiệp thông (communion) với Giáo Hoàng, được mệnh danh là mục tử tối cao, người kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ.

c) “Missa pro populo” có nghĩa “chỉ lễ cho dân chúng”, tức dâng lễ cầu cho giáo dân trong giáo xứ hay trong giáo phận của mình. Giáo luật buộc Cha Sở (GL. 534) và Giám Mục địa phận (GL. 388) phải dâng lễ cầu nguyện cho giáo dân của mình trong một thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc. Missa pro populo được hiểu là lễ buộc Cha Sở hay Giám Mục Chánh Toà dâng để cầu nguyện cho giáo dân mình có trách nhiệm chăm sóc và không nhận bỗng lễ. Dù Cha sở kiêm nhiều giáo xứ hay Giám mục kiêm thêm nhiệm vụ Giám quản tông toà cho một địa phận khác, Cha Sở hay Giám Mục chỉ buộc dâng một lễ pro populo cho giáo dân trong ngày Chúa Nhật và lễ buộc mà thôi.

Cộng đồng người Việt Nam Công Giáo ở Canada chỉ có 5 giáo xứ, tức 5 nơi có cha sởù (parish priest) số còn lại được gọi là giáo họ (mission) hay cộng đồng công giáo (Catholic community) được trao phó cho linh mục quản nhiệm(Parochial Administrator) hay linh mục tuyên uý (Chaplains) chăm sóc. Vậy những linh mục quản nhiệm hay tuyên uý nầy có buộc dâng lễ cho giáo dân mình không? Giáo Luật số 540 qui định rõ: “Linh mục quản nhiệm buộc phải thi hành các nghĩa vụ và được hưởng những quyền lợi cũng như Cha Sở”. Còn những khoản giáo luật về tuyên uý từ 564 đến 572 không thấy đề cập đến nhiệm vụ dâng lễ pro populo của linh mục tuyên uý.

3. Tổ chức Giáo Hội có giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Nhưng tổ chức Giáo Sĩ, tu sĩ Việt Nam ở Canada lại không có giáo dân. Xin đề nghị thành lập một Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam gồm đủ thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

Tín hữu Chúa Kitô tức giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân có quyền thành lập những hiệp hội (Association - GL.298 và 299) để giúp nhau sống hoàn thiện hơn hay chung sức cổ động việc truyền bá Phúc Âm và thực hành bác ái Kitô giáo. Giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam ở Canada dưới sự khuyến khích của Văn Phòng Phối Kết người Việt Nam Công Giáo Hải Ngoại đã thành lập Hội Liên Giáo Sĩ, tu sĩ Việt Nam ngày 25 tháng 7 năm 2002. Hội Liên Giáo Sĩ, tu sĩ được thành lập để linh mục, tu sĩ nâng đỡ nhau sống đời sống tu trì và giúp người Việt Nam Công Giáo ở Canada đồng hành đức tin với người Việt Nam Công Giáo ở các châu lục.

Liên Giáo Sĩ, tu sĩ là một Hiệp Hội, chứ không là Giáo Hội bao gồm các thành phần Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Chỉ một thành phần cũng thoả đáp được điều kiện thành lập hiệp hội.

Người Công Giáo Việt Nam hải ngoại trực thuộc Giáo Hội địa phương mình đang sinh sống. Giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam cũng trực thuộc giáo phận địa phương mình đang phục vụ. Nên Giáo Sĩ và tu sĩ Việt Nam ở Canada xét thấy việc thành lập một liên đoàn bao gồm cả giáo dân không nằm trong quyền hạn mình được phép.

Việc Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Mỹ đã được thành lập gần 30 năm nay nằm trong bối cảnh hoàn toàn khác so với Canada. Liên Đoàn Công Giáo ở Mỹ được thành lập rất sớm sủa khi những người Công Giáo Việt Nam chưa ổn định ở các giáo xứ địa phương. Liên Giáo Sĩ, tu sĩ Việt Nam ở Mỹ đã có trước năm 1975. Nên Liên Đoàn ở Mỹ cò thể nói là việc chuyển đổi danh xưng và sự sát nhập của giáo dân vào tổ chức có sẵn của Liên Giáo Sĩ, tu sĩ.

Nói như thế, tôi không có ý khẳng định rằng: không thể thành lập liên đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada. Theo ý kiến cá nhân, việc thành lập liên đoàn có thể thực hiện được nếu chính giáo dân yêu cầu và Giáo Quyền liên hệ đồng ý. Tuy nhiên trước hết chúng ta nên suy nghĩ và trảû lời những câu hỏi nầy: chuyện thành lập Liên Đoàn có cần thiết không? Sẽ thành công hay thất bại khi chúng ta không có đông người mà lại sống trãi dài trên một mảnh đất quá rộng lớn như Canada?

LM. Phêrô Trần Thế Tuyên