Sứ Điệp Đức Mẹ Lộ Đức

DẤU CHỈ HY VỌNG: NGÀY MỪNG LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC


Mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức là dịp Giáo Hội muốn nhắc nhớ cho toàn thể các tín hữu biến cố trọng đại mà cách đây đúng 150 năm, vào ngày 11 tháng 2 năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra với cô bé Bernadette trước cửa hang đá Massabielle-Lourdes (tiếng Việt Nam chúng ta quen gọi là Lộ Đức). Chỉ 5 tháng sau đó Giáo Hội đã mở các cuộc điều tra về biến cố này. Và vào ngày 18-01-1862, Đức Cha Laurence, Giám Mục Giáo phận Tarbes đã chính thức nhìn nhận việc Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức.

Lộ Đức ngày nay là một đô thành được cả thế giới biết đến. Với trên 7 triệu lượt khách hành hương hàng năm, đã mang đến cho đô thành này chiều kích tâm linh có một không hai trên thế giới. Lộ Đức đã trở nên địa điểm gặp gỡ linh thiêng giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau. Không nổi tiếng vì có những những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ. Không thu hút vì có những danh lam thắng cảnh lý tưởng. Không ấn tượng vì có những vĩ nhân hay giai nhân xuất thân từ đây. Nhưng Lộ Đức thực sự là nơi linh thánh, là nơi mà con người có thể tìm về chính mình, và cho đi chính mình.

Bạn nói rằng bạn biết yêu, hãy đến Lộ Đức để chứng minh. Bạn nói rằng bạn đang yêu, hãy đến Lộ Đức để tìm người yêu. Và nếu bạn nói rằng bạn không biết yêu, Lộ Đức chính là suối nguồn tình yêu cho bạn.

Lòng sùng kính Đức Mẹ Lộ Đức đặc biệt đã bén rễ sâu vào mọi tâm hồn các tín hữu Việt Nam trong nước cũng như ở Hải ngoại. Những bài hát, lời kinh, những tâm tình dâng kính Mẹ được cất lên hàng ngày trong các buổi kinh nguyện gia đình cũng như trước hang đá Lộ Đức của các giáo xứ. Vâng, một cuộc hành hương về bên Mẹ là niềm mong ước của tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được điều đó. Do vậy, ước mong đó thôi thúc con kính mời quý bà, quý ông, và tất cả các bạn cùng tham gia “cuộc hành hương tinh thần” về bên Mẹ trong ngày lễ trọng đại này. Bằng cách chúng ta cùng nhau đọc lại sứ điệp Đức Mẹ Lộ Đức, cùng nhau cầu nguyện Thiên Chúa qua bầu cử của Mẹ cho Hoà Bình trên thế giới, cho những con người nghèo khổ, bệnh tật, thiếu các điều kiện sống tối thiểu, cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta, cho Thái Hà, cho Hà Đông và Toà khâm sứ cũ nữa.

Xin cho tình yêu và niềm hy vọng mãi ngự trị, sống động trong tâm hồn mỗi con người.

Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, Mẹ chính là dấu chỉ hy vọng mà Chúa gửi đến cho chúng con!
Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, Mẹ chính là nguồn suối mát cho tâm hồn chúng con!
Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, Mẹ chính là Tình Yêu đích thực của Thiên Chúa cho chúng con!
Xin cảm tạ Mẹ, xin Mẹ bầu cử cho chúng con trước toà Chúa.

Bản văn ‘Sứ điệp Đức Mẹ Lộ Đức’ bằng tiếng Việt Nam dưới đây được dùng chính thức tại đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Xin được gửi tới quý bà, quý ông và toàn thể các bạn. Chúng ta cùng đọc, suy niệm và cùng hiệp thông cầu nguyện cho nhau. Sưu tầm: Phê-rô Trần Mạnh Hùng

SỨ ĐIỆP ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Bạn hành hương đến Lộ Đức, hẳn không phải vì tò mò, nhưng có thể một vài thắc mắc còn đang phảng phất trong tâm trí của bạn:

- Tại sao lại cầu nguyện trước hang đá này?
- Tại sao các nhà thờ kia lại xuất hiện ở một nơi mà xưa chỉ là rừng núi hoang vu?
- Tại sao có từng đoàn người tụ họp ở đây?
- Tại sao lại có những cuộc rước kiệu như thế này?

Những việc ấy, với bạn, phải chăng hơi khó hiểu? Hoặc trái lại, bạn đã mơ ước một cuộc hành hương này từ lâu, và muốn coi đó như một bước tiến siêu nhiên thực sự. Vậy Lộ Đức với bạn bây giờ là nơi an bình, là chỗ cầu nguyện.

Nhưng khi bạn vừa đến nơi, rảo quanh đường phố, chắc bạn ngạc nhiên và có thể cảm thấy chướng mắt vì tính cách thương mại ở đây? Rồi khi vào đến khuôn viên này biết đâu bạn chẳng tưởng rằng mình sẽ xúc động nhiều, thế mà có thể lòng bạn vẫn dửng dưng?

Đừng dừng lại ở những cảm giác đầu tiên này bạn ạ. Dù bạn là ai đi nữa, trước hết hãy tự tủ rằng: ‘ Nơi đây mình đang được Người Mẹ nhân từ đón tiếp ’. Vậy bạn hãy tìm hiểu ý định của Người. Vì những gì bạn đang thấy đây, hoàn toàn không ngẫu nhiên, cũng chẳng phải là một thành quả do tổ chức của loài người! Mà là thực tại do việc trung thành thực thi sứ điệp mà Đức Mẹ đã trao ban cho Bernadette, sứ giả của Người.

Bernadette là ai? Đó là một cô bé 14 tuổi, không biết đọc cũng không biết viết, con một gia đình nghèo, có lẽ nghèo nhất Lộ Đức. Gia đình cô được tạm trú tại một nơi trước kia dùng làm nhà giam, mà nay người ta vẫn còn gọi là ‘ ngục thất ’. Chính cái nhà giam tồi tàn này đã là nơi nương thân cho cả gia đình, gồm ông bà thân sinh và bốn chị em Bernadette. Nhưng Đức Mẹ lại muốn chọn một cô bé tại chính nơi nghèo hèn này để làm sứ giả của Người, hầu thực hiện nơi đây những điều kỳ diệu mà bạn đang thấy.

Bạn có hiểu: Tại sao có sự nghèo khổ đến thế?
Tại sao có sự cùng khốn đến như vậy?

Đức Ki tô đã chẳng nói: “Phúc cho những kẻ nghèo khó” đó sao? Hơn nữa ơn huệ Lộ Đức chỉ có thể đến nhờ những kẻ nghèo khó này! Cuộc sống của Bernadette quá tầm thường, không có gì đáng ta chú ý. Nhưng sự ngoan ngoãn vâng lời của cô quả là một đức tính cao quí! Cô luôn lập lại nguyên văn sứ điệp của Đức Trinh Nữ Ma ri a, và can đảm kiện toàn ý định của Người. Đây bạn hãy lắng nghe Bernadette kể lại lần đầu tiên Đức Mẹ hiện ra với cô:

“Lần thứ nhất tôi đến hang đá vào ngày thứ năm 11-02-1858 để nhặt củi với hai bạn gái khác. Lúc đến máy xay tôi hỏi họ: Các bạn có muốn đi xem chỗ nước kênh chảy vào sông Gave không? Họ nói: có. Thế là chúng tôi men theo bờ kênh, đến trước một hang đá, tự nhiên tôi không thể bước xa hơn được nữa. hai bạn tôi đã tìm đủ mọi cách để lội qua giòng nước trước hang đá, khi qua được rồi thì họ bắt đầu khóc. Tôi hỏi: tại sao các bạn khóc? họ bảo: Vì nước lạnh quá! Tôi nhờ họ bỏ mấy tảng đá to xuống nước để tôi có thể bước qua mà khỏi phải cởi giày, nhưng họ đã từ chối và bảo tôi phải lội qua như họ. Tôi thử ra xa hơn một chút để xem có thể bước qua được không nhưng không thể được, tôi đành lùi lại để cởi giày. Vừa cởi xong chiếc tất thứ nhất, tôi nghe có tiếng gió thổi thật mạnh, tôi vội quay sang phía đồng cỏ đối diện với hang đá, nhưng cây cối vẫn im lìm! Tôi tiếp tục cởi giày thì lại có tiếng gió thổi nữa…và vừa ngẩng đầu nhìn hang đá, tôi chợt thấy một Bà với sắc phục màu trắng. Bà mặc áo dài và đội khăn trắng, thắt lưng xanh, trên mỗi bàn chân lại có một bông hoa màu vàng, giống màu tràng hạt đeo trên tay Bà. Lúc ấy tôi hơi sửng sốt, tưởng mình nhìn lầm, tôi dụi mắt nhìn kỹ lại lần nữa, nhưng vẫn cũng nhìn thấy Bà đó. Tôi lấy tràng hạt từ trong túi ra, và muốn làm dấu Thánh giá, nhưng tôi không thể nâng nổi bàn tay lên trán. Tay tôi run len vì sợ, nhưng tôi không bỏ chạy. Bà cầm tràng hạt đeo trên tay, rồi làm dấu Thánh Giá, tôi cũng thử làm theo Bà, và lần này tôi mới ‘làm dấu’ được. Vừa làm dấu thánh giá xong tôi hết không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Tôi quỳ xuống lần hạt trước mặt ‘Bà đẹp’ ấy. Tuy tay lần hạt mà môi Bà không mấp máy. Khi lần hạt xong, Bà vẫy tôi lại gần nhưng tôi không dám. Thế rồi Bà biến mất.”

Sau lần này, Bernadette còn được trông thấy Bà hiện ra 17 lần nữa. Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 18-02, Bà mới bắt đầu nói với cô: “Con có vui lòng đến đây liên tiếp 15 ngày nữa không? Ta không hứa sẽ làm cho con được sung sướng ở đời này, nhưng là ở đời sau.”

Trong 15 ngày tiếp đó, Bà đã nhắn nhủ và truyền cho Bernadette nhiều điều:

- Con hãy cầu nguyện cho kẻ có tội.
- Hãy sám hối! sám hối! sám hối!
- Con hãy đến uống và rửa ở suối này.
- Con hãy ăn những ngọn cỏ kia.
- Con hãy hôn đất đền thay cho kẻ có tội.
- Con hãy nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây.
- Mẹ muốn người ta đến đây rước kiệu.

Đức Trinh Nữ còn dạy Bernadette một kinh nguyện riêng và ký thác cho cô bà điều bí mật. Tuy nhiên Bà vẫn chưa cho cô biết tên. Mãi đến ngày 25-03-1858 Bà mới mặc khải cho cô danh tánh của mình. Đây bạn hãy nghe Bernadette vắn tắt kể lại những lần hiện ra trong vòng 15 ngày ấy:

“Bà dặn tôi nhiều lần rằng: Hãy nói với các linh mục xây một nhà nguyện ở đây; hãy đến uống và rửa ở suối này; phải cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn hối cải. Trong vòng 15 ngày ấy Bà còn nói với tôi 3 điều và dặn tôi không được nói với ai. Tôi vẫn trung thành giữ kín. Sau ngày thứ 15, tôi hỏi Bà ba lần liên tiếp: Bà là ai? Nhưng Bà chỉ mỉm cười. Tôi đánh bạo hỏi thêm lần thứ tư. Lúc ấy Bà mới buông tay xuống, ngước mắt nhìn lên trời rồi vừa nói vừa chắp tay trước ngực:

‘QUE SOY ERA IMMACULADA COUNCEPTIOU’

Đó là thổ âm của vùng Lộ Đức lúc bấy giờ, được dịch ra tiếng pháp là: ‘ Je suis l’Immaculée Conception ’, và dịch sang tiếng việt nam là: ‘ Ta, Vô Nhiễm Nguyên Tội ’. Đó là những lời cuối cùng mà Bà nói với tôi, Bernadette nói. Cô còn tả thêm: Bà có đôi mắt xanh. Sau đó cô còn được thấy Bà hai lần nữa. Một lần vào thứ tư trong tuần phục sinh, ngày 7-04. Và lần cuối cùng vào ngày 16-07. Trong lần cuối cùng đó, cô thấy Bà đẹp một cách khác thường. Hẳn bạn nhận thấy trong những lần hiện ra, Đức trinh Nữ đã nói rất ít. Qua những ước muốn của Người, ta nhận thấy sứ điệp của Người trao cho Bernadette có thể tóm lược trong ba lời mời gọi sau đây:

- Mời gọi cầu nguyện.
- Mời gọi sám hối.
- Mời gọi rước kiệu và xây nhà nguyện ở đây.

1- Mời gọi cầu nguyện.

Không cần những lời tuyên bố dài dòng, cũng chẳng cần đến những lý thuyết cao siêu, Đức Ma ri a trong vai trò một huấn luyện viên thành thạo, đã cầu nguyện với Bernadette. Ngay khi hiện ra lần thứ nhất, Người đã dậy Bernadette làm dấu Thánh Giá và lần hạt cách sốt sắng. Mỗi lần hiện ra Người đều làm như vậy. Người con dậy riêng cho Bernadette một kinh nguyện, rồi cuối cùng mới trao cho cô sứ điệp cầu nguyện: Con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở lại.

Tại sao Đức Mẹ phải nhấn mạnh đến sự cầu nguyện? Chính vì tâm trí ta dễ bị phân tán và xâm chiếm bởi nhiều nỗi khó khăn, lo lắng. Tất cả chúng ta đều cần có những lúc cầm trí, sống trong thinh lặng, hầu dễ đặt mình trước mặt Chúa để thờ lạy Ngài, và như kẻ ăn xin cùng khổ tỏ bày với Ngài mọi nhu cầu của mình.

Chúng ta đừng tưởng đó là thái độ tự nhiên và dễ dàng. Cầu nguyện là một việc rất khó, vì nó đòi hỏi ta phải biết tách mình ra khỏi những công việc bận rộn hàng ngày, để tâm trí ta được Đức tin tự do hướng dẫn. Ta hãy nghe lời nhắn nhủ khẩn thiết của Đức Mẹ Lộ Đức: Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở lại.

2- Mời gọi sám hối.

Đức Trinh Nữ đã lập lại với Bernadette ba lần: ‘ Hãy sám hối, sám hối, sám hối ’. Người dạy cô một việc đền tội tiêu biểu: hôn đất và uống nước đục! tại sao vậy? Vì hãm mình đền tội là điều cần thiết để duy trì thế quân bình nơi ta, và giúp ta có đủ khả năng cu toàn bổn phận. Hơn nữa, trong việc đền tội, Chúa Ki tô sẽ giúp ta, sẽ tha tội cho ta, chính Ngài đã thiết lập và đặt vào đời sống ta bí tích cáo giải. Thông qua linh mục ta được ơn tha tội, được sức mạnh và lòng quảng đại, để thăng tiến, hầu nên giống Chúa Ki tô, gương mẫu của ta, cách đặc biệt hơn.

Vì, hoàn tất một cuộc hành hương tốt đẹp, không phải chỉ lãnh Bí Tích Cáo Giải, nhưng chính là phải quay về với Thiên Chúa, diệt trừ nơi ta mọi trở ngại cho tình yêu của Ngài. Tóm lại, ta phải mô phỏng trong đời sống của mình cái lý tưởng đã được đề ra, như chính Chúa Ki tô đã sống. Tất cả những cố gắng ấy chính là điều mà chúng ta gọi là: lòng sám hối, là ơn cải hoá, là ơn trở lại.

Ngày 25-02-1858 Đức Mẹ nói với Bernadette: ‘ Con hãy đến uống và rửa ở suối này ’. Người chỉ cho cô tìm ra một giòng suối, mà hiện nay vẫn còn tiếp tục chảy trong hang đá. Suối nước này ban đầu rất đục, nay bùn đã lắng xuống, và trở thành suối nước trong suốt. Đó chính là dấu hiệu cho sự sám hối của ta. Nó tượng trưng cho sự cố gắng mà chúng ta phải có, để làm lắng đọng trong ta tất cả những gì là u ám, vẩn đục hầu nên giống Chúa Ki tô. Và đó cũng là một trong những ơn huệ Lộ Đức.

3- Mời gọi rước kiệu và xây nhà nguyện.

“Con hãy nói với các linh mục xây nhà nguyện ở đây. Mẹ muốn người ta đến đây rước kiệu”

Nhà nguyện là nơi dân Chúa tụ họp để nghe lời Chúa và cử hành nhiệm tích Thánh Thể. Để đáp lại nguyện vọng của Đức Ma ri a mà ba đại giáo đường đã lần lượt được xây cất ở đây:

- Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ vô nhiễm.
- Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi.
- Vương cung thánh Đường PIÔ X.

“Người ta sẽ xây nhà nguyện cho con, và xây rất lớn” , cha sở Lộ Đức Peyramale đã nói với Bernadette như thế khi cô đến trình cha về lời yêu cầu của Đức Mẹ, hẳn cha đã không ngờ rằng mình nói rất đúng.

Những Thánh đường này hằng ngày quy tụ từng đoàn người hành hương đến viếng thăm, chầu Thánh Thể và rước kiệu. Chính tại nơi đây, Thánh lễ cũng như các buổi rước kiệu Thánh Thể luôn được cử hành rất long trọng, vì thế Lộ Đức thật xứng với danh hiệu “Thành phố của nhiệm tich Thánh Thể”. Đức PIO X cũng coi Lộ Đức như “Ngai toà vinh hiển nhất của nhiệm tích Thánh Thể trên thế giới”. Đó không phải là một thai độ phô trương, mà là một nhu cầu:

- Làm sống động niềm tin của chúng ta vào Đức Ki tô khải hoàn, luôn hoạt động trong Giáo Hội.
- Làm phát triển tình huynh đệ của chúng ta đối với mọi anh em.
- Đưa chúng ta đến tận suối nguồn trường sinh.

Như lời của Đức Cha Théas: “Nhiệm Tích Thánh Thể hoàn tất cuộc trở lại của chúng ta.”
Ba lời mời gọi khẩn thiết trên chính là sứ điệp của Đức Mẹ Lộ Đức. Người ta chỉ còn đợi Người ký tên xác nhận, và quả thật Người đã ký nhận sứ điệp này cách tuyệt diệu vào ngày 25 tháng 3 năm 1858: “ TA, VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI”

Danh hiệu này quá cao siêu, chưa một nhà thần học nào dạy Bernadette và dĩ nhiên Bernadette càng không thể bịa ra được. Đức Ma ri a hiện diện giữa chúng ta như một tạo vật cao đẹp nhất, Người thực thi kế hoạch của Thiên Chúa cách trọn hảo nhất. Người thật xứng đáng được trọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Cùng với hàng trăm, hàng triệu khách hành hương ở Lộ Đức, chúng ta hợp lòng dâng lên Mẹ từ ái lợi ca tụng tuyệt mỹ, mở đầu cho kinh kính mừng: ‘ Kính mừng Ma ri a đầy ơn phúc, Đức Chúa trời ở cùng Bà ’, và đồng thời cũng xin Mẹ thương ban trên chúng ta, những kẻ tội lỗi, ánh mắt nhân hiền của Người, để khi nhìn ngắm Mẹ, chúng ta có đủ khả năng hoán cải tâm hồn.

Trong thời gian hành hương tại Lộ Đức, chúng ta đắm mình trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện này, để mong tìm được ở đó nguồn sống mới. Ta hãy để ân sủng Lộ Đức thấm nhuần tận tâm can, vì nhờ đó, Đức Ma ri a sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giê su, con Cực Thánh của Mẹ. Amen.

Phêrô Trần Mạnh Hùng