HÃY ĐI ĐỂ HỌC BIẾT ĐIỀU CẦN BIẾT

(Chúa Nhật X Thường Niên A)

Áng văn Tin Mừng Mt 9,9-13 Hội Thánh dọn cho đoàn tín hữu nghe trong Chúa Nhật X TN A quả là ý vị. Nét ý vị không dừng lại ở thái độ của Chúa Kitô khi Người vượt qua dư luận và quan niệm người đương thời để chọn lấy một người thu thuế là Lêvi làm môn sinh hay cùng ngồi ăn với nhóm người bị liệt vào hàng tội nhân công khai, mà còn rất ý vị nơi chính câu nói của Người: “Hãy đi và học biết lời này: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ”.

LÒNG NHÂN TỪ HAY HY LỄ ?

Chúa Kitô lấy lại lời của Giavê Thiên Chúa nói với dân Người qua miệng Ngôn sứ Hôsê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là nhận của lễ toàn thiêu” ( Hs 6,6 ). Thiên Chúa là Đấng chúng ta phải tôn thờ, thế mà ta lại thích lợi dụng Người thay vì phải suy phục. Dù rằng các lế tế cũng là một trong những cách thế bày tỏ sự thần phục, nhưng có khi chúng trở thành một trong những phương thế để ta lợi dụng thần minh và lắm lúc còn muốn bắt thần minh thực hiện ý muốn của mình.

Hằng năm cứ mỗi dịp xuân về hay vào các dịp mừng lễ thánh quan thầy, đoàn tín hữu thường dâng biếu quà cáp cho các đấng bậc bề trên, chẳng hạn như cha quản xứ, để bày tỏ lòng yên mến. Thế nhưng cũng không thiếu những món quà tặng đi trước dọn đường cho những yêu cầu, xin xỏ phía sau, mỗi khi có nhu cầu nào đó, đặc biệt là để chuẩn chước cho một vài điều kiện để lãnh nhận bí tích. Đã là bậc cha mẹ anh minh thì vẫn thích đón nhận tấm lòng hiếu thảo của đoàn con hơn là những tặng phẩm vô tình, chưa kể là khi có hậu ý ích kỷ không chính đáng.

Dùng hy lễ để thoái thác trách nhiệm kính tôn thần phục, dùng hy lễ để che đậy hay bù trù những thiếu sót trong cách sống quả là một phương thế nguy hại nhưng khó cưỡng lại. Vẫn còn đó nhiều tâm hồn ngụp lặn trong bất công để thu lợi bất chính ngay cả trên xương máu của người nghèo, thế rồi thỉnh thoảng dâng cúng một vài lễ phẩm kiểu làm công quả chuộc tội và rồi thấy an tâm. Các ngôn sứ thời Cựu Ước đã mạnh mẽ lên án lối sống này. Thiên Chúa đã chán ngấy thịt chiên, mỡ bò các ngươi dâng tiến rồi. Hãy thôi làm điều bất công. Hãy tích cực thực thi công bình, tỏ tình tương thân với những mãnh đời bất hạn, cô thế. Vì đó là hy lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

HÃY ĐI ĐỂ HỌC BIẾT:

Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chính Chúa Kitô đã làm gương cho các môn sinh khi không ngừng ra đi. Người ra đi khỏi thân phận của một vị Thiên Chúa để đến với con người trong kiếp phàm hèn. Người ra đi khỏi nới chôn nhau cắt rốn, làm kiếp không chỗ tựa đầu ròng rã suốt ba năm rao giảng tin mừng, để đến với nhiều người trong nhiều hoàn cảnh sống. Nhờ ra đi, đến với Gioan trên bờ sông Giođan, Người đã học được cách thế tốt nhất để thực thi chương trình cứu độ là cúi xuống thật sâu trong kiếp tội lụy của con người, để nâng từng người và cả nhân loại lên cùng Chúa Cha. Nhờ ra đi, đi đến với người bị thiên hạ xếp vào hàng tội nhân, Người nhận ra họ cũng là con cái Abraham, nghĩa là vẫn còn hằn in dấu vết hình ảnh của Đấng tạo thành. Nhờ ra đi, Người đã nhận biết rằng một con chiên lạc đàn vẫn đáng quý, đáng yêu như 99 con chiên trong đàn.

Có ra đi thì ta mới có cớ may tìm được hạt ngọc quý đang vùi sâu trong lớp đất đá khô cằn. Dù cho một Madalêna đang bị bảy thứ quỷ ám thì trong con người cô vẫn tràn trề một trái tim nồng cháy tình yêu. Chỉ cần một ai đó đến giúp chỉnh hướng tình yêu của cô cho ngay chính và phải đạo thì mọi sự tốt đẹp sẽ bừng sáng và dĩ nhiên ma quỷ sẽ lùi xa. Dù cho một Lêvi đang hăng say phục vụ ngoại bang để tích lợi cho bản thân thì trong tâm hồn của ông vẫn có đó hạt mầm sự quảng đại. Chỉ cần có ai đó đến giúp cạo bỏ đi lớp đất cứng thì hạt mầm sẽ nẫy lộc, đâm chồi, đơm hoa, mộng trái. Và Hội Thánh nói riêng, nhân loại nói chung đã có một vị Tông đồ nhiệt thành, một tác giả sách Tin Mừng với những áng văn đươm nét sâu xa và chắc chắn trong đức tin.

Có ra đi, ra đi khỏi cái tôi vừa ích kỷ vừa đầy thành kiến thì ta mới có thể biết được tha nhân thật dễ thương và đáng thương chừng nào. Dù cho họ là một quan quân của đế quốc ngoại bang, đang đô hộ đồng bào ta, nhưng từ đáy lòng ông ta vẫn chan chứa một niềm tin mà ít có ai thời bấy giờ có thể sánh ví. Dù họ là một thiếu phụ Samaria đỏng đảnh, thiếu đạo hạnh nhưng con tim vẫn còn bén nhạy với chân lý. Và một khi có ai đó đến với mình cách chân thành và thẳng thắn thì chị đã can đảm đối diện chân lý và đồng thời nhiệt thành quảng bá sự thật mình lãnh nhận. Dù cho họ là những đấng bậc vị vọng, thông thuộc Thánh kinh, được dân chúng kính nễ, nhưng vì lòng đố kỵ ganh tương mà biến thành người thâm độc, ác hiểm, sẵn sàng loại trừ đối thủ bằng mọi giá thì chính họ cũng là đáng thương do bởi sự mê lầm ( x. Mt 27,18; Lc 23,34 ).

Một trong những phương thế giáo dục của Chúa Kitô là sai người thụ giáo ra đi. Người sai các môn sinh đi đến với các chiên lạc nhà Israel để loan báo tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ( x.Lc 10,1-16 ). Người sai các vị ra đi, đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng tin mừng và làm cho muôn dân thành môn đệ ( x.Mt 28,16-20 ). Chính nhờ ra đi, các tông đồ đã nhận biết rằng không một ai là phận nhơ uế ( x. Cvtđ 10,9-16 ), và tất cả mọi người bất phân nộ lệ hay tự do, bất phân Do Thái hay Hy Lạp đều là con cái Chúa, đều đáng được thừa hưởng gia tài Chúa hứa ban. Nhờ có ra đi các ngài mới nhận biết đức ái là cao trọng hơn cả vì mọi sự rồi sẽ qua đi chỉ còn đức ái mới tồn tại như Đấng có tự đời đời và mãi thường tồn chính là Tình Yêu ( 1 Ga 4,8 ).

Ta muốn tình yêu, ta muốn lòng nhân từ hơn là lễ tế. Một chân lý xem ra dễ đón nhận ngay cả trong đời thường lẫn trong đời sống đạo. Tuy nhiên, quả là không dễ để “biết” ( biết theo nghĩa Thánh Kinh là gắn bó thiết thân, một sự gắn bó mang tính sống còn ), nếu chúng ta không ra đi, ra đi khỏi cái tôi ích kỷ, ra đi khỏi cái nhìn chủ quan vướng nhiều định kiến, ra đi khỏi cả cái không gian yên ổn của mình…Hãy đi để học biết…

Lm Giuse Nguyễn văn Nghĩa