CHẶNG ĐƯỜNG THÁNH GIÁ NĂM

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Mở đầu :

Lạy Chúa, Chúa đã phán: Ai muốn theo Ta, phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Xin cho chúng con biết mến yêu thập giá mà Chúa gửi đến trong cuộc sống. Xin giúp chúng con sống cuộc đời mới khi theo chân Chúa trên đường khổ nạn này. Xin Chúa dạy chúng con biết rằng: đường đau khổ là đường đưa tới vinh quang, và triều thiên thiên quốc chỉ dành cho những ai một đời biết hy sinh phục vụ tha nhân.

Nơi thứ 1: Chúa Giêsu Nhận bản án bất công.

Kinh thánh: Philatô nói với họ “Ta không thấy nơi người này có tội chi cả!”. Đoạn Chúa Giêsu đi ra đầu đội mão gai và mặc áo đỏ, Philatô nói: “Này là người”.

Suy niệm: Vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã nhập thể làm người. Ngài đi vào cuộc đời để cứu chuộc loài người. Hòa nhập vào dòng đời để thánh hóa nhân sinh. Thế mà, thế gian đã không tiếp đón Ngài, lại còn toa rập với nhau để loại trừ Thiên Chúa bằng thủ đoạn bỏ vạ cáo gian. Từ chối Thiên Chúa sẽ dẫn đến từ chối anh em. Bản án bỏ vạ, cáo gian vẫn tiếp diễn nơi gia đình, nơi thôn xóm. Nước mắt của oan ức, thất vọng vẫn tuôn rơi. Kiếp sống nhân sinh vẫn đong đầy bi thương của bất công và thù hận.

Lạy Chúa, xin chia sẻ cho chúng con lòng nhẫn nhục, chịu đựng hy sinh, không phàn nàn trách oán ai. Xin cho chúng con biết thông cảm với anh chị em đang chịu thử thách của bệnh tật, thất bại, bỏ rơi. Chúng con xin dâng lên Chúa nước mắt của đau khổ như là những của lễ Abel, mong đền đáp tình Chúa yêu thương chúng con.Amen

Nơi thứ 2 : Chúa Giêsu vác thánh giá.

Kinh thánh: “Thế rồi họ bắt Chúa Giêsu vác thánh giá và đi tới nơi gọi là Núi sọ, tiếng Hy bá gọi là Golgotha”. (Ga 19, 17)

Suy niệm: Món quà trả ơn mà thế gian đã dành cho Chúa Giêsu là vòng gai phủ kín trên đầu. Món quà trả nghĩa mà con người đã trao tặng cho ngài là cây thập giá. Con người đã đặt lên vai Ngài gánh nặng của sự vô ơn, bất nhân, bất nghĩa. Và cho đến hôm nay, cứ mỗi lần chúng ta lấy ơn báo oán, bất tín bất trung, là một lần chúng ta đang xiết thêm vòng gai đau khổ cho chính Thiên Chúa. Cứ mỗi lần chúng ta thờ ơ, trốn lánh trách nhiệm với gia đình thì một lần nữa, chúng ta lại chất lên vai Ngài một thập giá nặng nề hơn. Cuộc đời vốn là bể khổ nhưng con người vẫn cố tình chồng chất nỗi khổ lên nhau. Chà đạp lên cuộc đời nhau thay cho sự đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Sống với nhau nhưng lại làm khổ nhau nhiều hơn là xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Lạy Chúa xin hãy thứ tha những lầm lỗi của chúng con. Biết bao lần chúng con đã sống vô ơn, bất trung và bất hiếu với cha mẹ, anh em và bạn bè. Xin giúp chúng con đừng bao giờ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng luôn biết sống có trách nhiệm để chia sẻ gánh nặng cho gia đình của chúng con. Amen

Nơi thứ 3 : Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.

Kinh thánh: “Tiên tri Isaia viết: Người bị đâm thâu cạnh sườn vì lỗi lầm của chúng ta, bị nghiền nát vì tội ta. Người mang lấy hình phạt thay ta, để ta được an bình, và nhờ vào thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành”.

Suy niệm: Ngã là dấu hiệu của sự yếu đuối mong manh. Chúa Giêsu ngã xuống đất để hòa mình trong khối đông nhân loại và dìm mình trong cát bụi cuộc đời. Ôi tình yêu và hy sinh! Yêu là bằng lòng đánh mất chính mình. Tình yêu đích thực mang hương vị của sự chết, sự từ bỏ quên mình. Bằng lòng quên mình cho kẻ khác được an vui hạnh phúc là quy luật của mọi tình yêu.

Lạy Chúa, xin hãy nâng đỡ xác thân yếu hèn của chúng con. Xin ban cho chúng con sự can đảm để biết chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con sức mạnh để sẵn sàng hy sinh, tận tụy trong bổn phận gia đình. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: “Bông hồng nào mà không có gai nhưng trong bụi gai vẫn có hoa hồng”. Cuộc đời nào cũng có thập giá nhưng thập giá sẽ biến thành niềm vui khi biết đón nhận trong yêu mến và hiến dâng.

Nơi thứ 4 :Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ.

Kinh thánh: “Này tôi là tôi tới Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”

Suy niệm: Từ ngày truyền Tin, từ khi thưa Vâng (Fiat) cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã trải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều tình tiết, nhiều thử thách, đau khổ mà không phải lúc nào Mẹ cũng hiểu rõ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mẹ vẫn lặng thinh trước mọi biến cố xảy ra. Sự thinh lặng của mẹ nói lên sự hiệp thông sâu xa với sứ mệnh của con yêu quý. Mẹ theo sát Chúa trên đường thánh giá như hòa nhịp với đau khổ và hiệp thông cứu độ trần gian.

Ngày nay, tấm lòng của mẹ vẫn còn bị lưỡi gươm đâm thâu vì các con Mẹ đang hành hạ lẫn nhau. Vợ chồng kết án nhau. Anh em thù hận nhau. Cha mẹ từ chối con cái. Con cái chống lại cha mẹ. Bi kịch của đường thánh giá năm xưa như vẫn tái diễn trong cuộc sống hôm nay. Ánh mắt mẹ vẫn rơi lệ vì tội lỗi nhân sinh. Mẹ nhìn nhân loại hôm nay không phải để cảm thông, nhưng để xót xa vì tội lỗi con người sẽ đưa đến án họa trầm luân mai sau.

Lạy Mẹ Maria, cuộc đời có mưa có nắng. Kiếp sống con người có vui, có khổ, có khóc, có cười. Vui buồn tựa như mưa nắng vẫn rơi trong lòng của cả một kiếp người. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vẫn phải trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Mưa nắng cuộc đời Mẹ đã đi qua, Mẹ đã cảm nếm, và Mẹ nêu gương cho chúng con khi biết vâng lời chịu đựng. Cuộc đời chúng con dẫu có những lo toan vất vả, những ưu tư trăn trở, xin Mẹ giúp chúng con can đảm vượt qua. Amen

Nơi thứ 5: Ong Simong vác đỡ thánh giá Chúa.

Kinh thánh: “Khi họ đang dẫn Ngài đi đường vác thánh giá, họ bắt một người có tên là Simong thành Cyrênê, đến từ miền quê, vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu. Có đám dân chúng cũng đi theo Người.”

Suy niệm: Vì lòng xót thương giữa người với người, ông Simong đã chia sẻ nỗi khổ đau cùng Chúa Giêsu. Giúp Chúa vác cây thập giá là một hành động bác ái cao cả; đó cũng là một tình yêu cao đẹp giữa người với người. Thánh Augustino đã nói: “Hãy tôn kính Thiên Chúa trong tha nhân”. Có lòng tôn kính, người ta với dám thi thố tình thương bác ái cho nhau. Có nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa, người ta mới kính trọng và hy sinh cho nhau. Chấp nhận một hy sinh để mong hữu ích cho tha nhân, đó là cách thí mạng mình vì hạnh phúc anh em.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết mang lấy gánh nặng của gia đình. Kính trọng tha nhân trong tinh thần tương thân tương ái. Xin giúp chúng con luôn sẵn sàng đáp trả mọi lời kêu xin, luôn đoán trước điều họ muốn xin. Ước gì chúng con luôn bé nhỏ, tỉnh thức, sẵn sàng để phụng sự Chúa khởi đi từ gia đình chúng con.

Nơi thứ 6: Bà Verônica lau mặt Chúa.

Thánh kinh: “Chúa Giêsu đã nói: thật Thầy bảo cho các con, mỗi khi các con làm những việc lành cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Thầy vậy”

Suy niệm: Đời người cho dẫu gặp nhiều thử thách, đau khổ hay thất bại, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được an ủi. Cái đau khổ tột cùng của con người là không tìm được sự nâng đỡ, khích lệ. Nỗi thất bại chua cay nhất của con người là chính sự thờ ơ, bị bỏ rơi mà không ai cứu giúp. Sự thử thách cay nghiệt nhất của con người là bị bạn bè, thân hữu loại trừ. Con người chỉ tìm được niềm vui khi nhận được tình thương. Đồng thời khi trao tặng tha nhân những những nghĩa cử cao đẹp, cuộc đời mới đáng yêu và đáng sống. Bà Vêrônica đã tìm được hạnh phúc khi bà đến lau mồ hôi và máu trên khuôn mặt Chúa. Sự an ủi và hành động yêu thương của bà là hồng phúc mà Thiên Chúa đã tặng riêng cho bà.

Lạy Chúa xin cho chúng con nhớ rằng: cứ mỗi lần chúng con đến viếng thăm những gia đình tan nát, cứ mỗi lần chúng con trao tặng người khác một nụ cười tươi, và cứ mỗi lần chúng con nhìn kẻ thù với một ánh mắt cảm thông nguyện cầu, đó là những lần chúng con đã lau những giọt nước mắt trên gương mặt của Ngài.

Nơi thứ 7: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.

Thánh kinh: “Tiên tri Isaia có lời rằng: Người bị khinh khi và ruồng bỏ, một người nặng trĩu buồn sầu và quen thuộc với những đớn đau; chính Người bị khinh khi và chúng ta không đếm xỉa gì tới. (Is.53.3-4)

Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể làm cho kẻ chết sống lại, mở mắt cho kẻ mù bẩm sinh. Một vì Thiên Chúa đầy uy nghiêm đến nỗi sóng biển phải thôi thét gào, quỷ dữ phải tháo lui, mà giờ này phải ngã gục trước sức mạnh của cây thập giá. Một vì Thiên Chúa đã đi sâu vào giữa lòng nhân loại tội lỗi để giao hòa con người với Thiên Chúa. Một vì Thiên Chúa mang thân phận phàm nhân để đền tội thay lỗi lầm nhân sinh.

Lạy Chúa Giêsu, cứ ngã là đau, nhưng sa ngã tâm hồn làm đau lòng Chúa hơn. Có những cám dỗ mời mọc chúng con vào đường xấu. Bản tính tự nhiên đầy yếu đuối và nhiều trì trệ, gia đình chúng con còn nặng bầu khí hỏa ngục, đánh nhau, oán hờn, bất hòa làm mất vẻ đẹp hiệp nhất của Giáo hội, nhưng dõi bước theo Chúa, chúng con quyết trỗi dậy và canh tân đổi mới cuộc sống.

Nơi thứ 8: Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem.

Thánh kinh: “Khi thấy dân chúng theo Chúa, và có nhiều phụ nữ khóc thương Chúa. Chúa quay lại nói với họ rằng: hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc cho Ta, hãy khóc cho phận mình và con cháu chị em”.

Suy niệm: Đức Piô XII đã gọi các bà mẹ là người canh giữ hòa bình. Chính trái tim nhân hậu của mẹ sẽ tạo cho con tình yêu đối với đồng loại. Tình mẫu tử dịu hiền của người mẹ tựa dòng sông thanh bình. Uốn quanh đời con và chảy dài suốt dọc dài cuộc đời của con. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên lòng mẹ sẽ đưa con vào những giấc mơ thần tiên, một cõi thiên thai thanh bình, không có oán hờn, gian dối, bất công và hận thù. Thế nhưng, nhiều người mẹ đã đánh mất giấc mơ thần tiên nơi con trẻ. Họ quên rằng con cái cần tình thương và sự chăm sóc hơn cần cơm áo, gạo tiền. Họ đánh mất cơ hội cho con tình thương của biển thái bình.

Lạy Chúa, xin cho các bà mẹ luôn biết từ bỏ ý riêng mình mà đặt ý hướng vào đứa con. Biết thực thi đức tính anh hùng, dũng cảm, thinh lặng, ít nói, đơn giản, bình thường mà không tầm thường. Ngày nào cũng giống ngày nào mà không đơn điệu nhàm chán, nhưng luôn nhận ra niềm vui qua việc hy sinh vì lợi ích của con.

Nơi thứ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.

Thánh kinh: Thánh vịnh có lời rằng: “Lạy Chúa xin cứu tôi, nước đã ngập tới cổ tôi, tôi đang chìm xuống sình lầy, không còn chỗ bám víu; Tiếng tôi kêu cứu đã lịm đi, cổ tôi đã khàn, mắt tôi mờ, chỉ còn trông chờ vào Thiên Chúa.”

Suy niệm: Càng leo lên đỉnh đồi Canvê, sức lực của Chúa Giêsu càng trở nên yếu đuối. Ngài té xuống đất là để ôm ấp những con người yếu hèn. Ngài cúi xuống để nâng dậy những ai khiêm nhu hèn mọn. Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đang chìm ngập trong thất bại, trong tủi nhục đắng cay. Họ đang cần một chút tình thương, một sự cảm thông, nâng đỡ. Nếu từng bàn tay nắm bàn tay để dìu nhau đi tới, đường đời sẽ không còn khó khăn. Nếu từng trái tim biết rung cảm trước nỗi khổ của nhau, thế giới sẽ không còn tiếng khóc than của cô đơn, thất vọng.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng có một gánh nặng, một thập giá trong đời. Thập giá trong bổn phận hằng ngày. Thập giá trong tương quan với đồng loại. Thập giá trong chính bản tính yếu đuối của con. Thập giá quá nặng khiến con muốn bỏ mặc buông xuôi. Xin giúp chúng con biết mang lấy gánh nặng của nhau, biết chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Và xin giúp con can đảm vác thánh giá đời mình trong trung tín và sắt son.

Nơi thứ 10: Quân Dữ Lột áo Chúa Giêsu.

Thánh kinh: “Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, rồi họ rút thăm mà chia nhau áo người”. (Lc 23, 34). Như thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Áo khoác chúng đem chia chác, còn áo trong chúng cũng bắt thăm luôn” (Tv 21,19)

Suy niệm: Con người cần đến quần áo để che thân như cần cơm bánh để sống. Bị tước hết manh áo cuối cùng cũng đồng nghĩa với sự tước bỏ phẩm giá của một con người. Sự trần trụi là một sỉ nhục đắng cay hơn mọi sự nhục mạ khác. Với dã tâm nham hiểm, con người đã nghĩ ra nhiều trò hiểm độc để làm hại cuộc đời nhau. Bôi nhọ thanh danh. Đánh mất danh dự, nhân phẩm của đồng loại đã đẩy con người xuống hố sâu của vực thẳm đố kỵ, hờn căm. Vì danh lợi thú mà người ta dễ dàng chà đạp lên nhân phẩm của nhau, và có khi tự bán rẻ lương tâm mình. Con người trở nên trơ trẽn vì những đam mê bất chính, những ước muốn tội lỗi và trụy lạc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Xin giúp chúng con biết gìn giữ vẻ đẹp của thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Xin loại trừ trong chúng con mọi điều bất chính có thể gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của tha nhân. Xin đừng để chúng con làm ô nhục danh thánh Chúa vì cuộc sống đam mê thấp hèn của con.

Nơi thứ 11: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.

Thánh kinh: “Khi tới nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá và cũng đóng đinh hai tội nhân khác, một bên trái, một kẻ bên phải của Người. Chúa Giêsu nói: Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Suy niệm: Baraba là một tử tội. Anh đã bị lãnh án tử hình vì tội danh giết người, cướp của. Thế mà định mệnh đã đổi thay. Anh bỗng được tha thứ. Vì có một người đã chết thay cho anh. Người đó là Giêsu Nagiaret. Một con người anh không hề quen biết. Một người đức cao quyền trọng mà cả đời anh cũng không dám một lần bắt tay. Tại sao Ngài lại bằng lòng chết thay cho anh? Có lẽ anh cũng không hiểu tại sao? Và cả chúng ta cũng chẳng bao giờ hiểu được hy tế đồi Calvê?

Lạy Chúa, xin cho chúng con học nơi Chúa sự hy sinh quên mình vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho từng thành viên trong gia đình chúng con biết từ bỏ ý riêng mình, từ bỏ sự ích kỷ mà hướng lòng đến nhu cầu của gia đình. Mỗi lần chúng con biết hy sinh cho nhau, nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau là một lần con bằng lòng quên đi chính mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng con. Ước gì chúng con biết khám phá niềm vui trong phục vụ mọi người, hầu được trở nên mọi sự cho mọi người.

Nơi thứ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá.

Thánh kinh: “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: Thế là đã hoàn tất” (Jn 19, 29 – 30)

Suy niệm: Một Đavít mới đã trỗi dậy để hạ sát tên khổng lồ Goliat, là quyền lực của sự chết. Không phải bằng 5 viên sỏi đá, nhưng bằng 5 thương tích nơi tay chân và cạnh nương long. Một chồi non đã nảy lộc từ gốc Jessé. Từ cây thập giá hoa cứu đổ đã nảy sinh. Giòng nước tái sinh đã tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, đổ tràn lan tới muôn thế hệ. Thế là bao nhiêu lời tiên tri đã được thực hiện. Sứ mệnh cứu độ đã hoàn tất. Sau 7 lời trăn trối, Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Lạy Chúa, Chúa đã cảm nghiệm cái chết cô độc như bị ruồng bỏ tất cả, kể cả Thiên Chúa Cha, nhưng Chúa đã thực thi tới cùng. Xin đừng để chúng con rơi vào tuyệt vọng, nhưng luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin dạy cho chúng con luôn biết ngước nhìn lên trời cao để thấy một khung trời xanh tươi, một không gian diệu vời và một tình yêu bao la của Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ước mơ về Thiên đàng, để chúng con sống một cuộc đời hy sinh và sẵn sàng cho đi tình yêu, kể cả mạng sống, vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Nơi thứ 13: Tháo xác Chúa xuống và đưa vào tay Mẹ

Thánh kinh: “Họ đã đánh dập ống chân của cả hai người cùng bị đóng đinh với Chúa. Nhưng khi tới Chúa Giêsu thì họ thấy Người đã chết rồi, nên thay vì đánh dập ống chân Chúa, một tên lính lấy đòng đâm cạnh sườn Người, lập tức máu cùng nước chảy ra.” (Gn.19.31-34).

Suy niệm: Còn đâu bóng hình trẻ hài nhi mũn mĩn tươi cười nơi hang đá Belam. Còn đâu nét uy hùng khi chiến thắng tử thần và buộc sóng gió im lặng. Nay chỉ còn là tấm thân rách nát được đặt vào tay Mẹ Maria. Giờ đây, bàn tay từ ái của Mẹ một lần nữa lại giơ ra để đón nhận thân xác tả tơi của con yêu quý. Mẹ ôm vào lòng như muốn nói lên sự hiệp thông sâu xa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cám ơn mẹ vì mẫu gương cản đảm và tin tưởng của Mẹ. Nhờ vậy mà Mẹ đã vượt qua đỉnh đồi thương đau. Cám ơn Mẹ vì mẹ đã chẳng hề ghét bỏ những kẻ cư xử quá tệ với con yêu dấu của Mẹ. Xin giúp chúng con khi gặp đau khổ thử thách biết vững lòng cậy trông vào quyền năng Chúa, và xin cho chúng con biết liên đới đau khổ của mình với đau khổ của Chúa và mẹ để sinh ích cho các linh hồn.

Nơi thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Thánh kinh: “Tại nơi đóng đinh có một thửa vườn, trong vườn này có một ngôi mộ chưa có chôn ai. Vì là ngày lễ nghỉ của người Do thái, và vì ngôi mộ gần kề nên họ đã đặt xác Chúa Giêsu tại ngôi mộ này”.

Suy niệm: Mọi sự đã xong. Đức Kytô đã được đặt trong mồ. Một tảng đá lớn lấp cửa huyệt. Sự sống như dừng bước trước nấm mồ và cửa mồ. Loài người thinh lặng và Thiên Chúa cũng thinh lặng. Tinh thần đi vào đêm đen và niềm tin cũng bước vào đêm tối. Nhưng giữa lúc thinh lặng đó, Thiên Chúa đã trấn an Maria “Thầy đây đừng sợ, vì Thầy đã chỗi dậy từ cõi chết”. Giữa đêm tối hãi hùng đó, Thiên Chúa đã chiếu dọi ánh sáng phục sinh huy hoàng. Từ nay sự chết không còn là nỗi sợ hãi của con người. Đức Kytô đã chiến thắng sự chết để khai mở một mùa xuân bất diệt cho trần gian.

Lạy Chúa là Đấng chiến thắng Tử Thần, xin giúp chúng con biết diệt trừ nết xấu, gương mù, tội lỗi nơi bản thân, gia đình và môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin rằng: sự bình an và hòa bình chỉ có khi nết xấu được tận diệt từ bản thân chúng con và môi trường chúng con đang sống. Amen



Jos Tạ Duy Tuyền