KHI NGÔN SỨ THỨC DẬY




(Mt 21:28-32)

Tình hình giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội sôi động hẳn lên khi những sự kiện dồn dập xảy đến ngoài dự tính của nhiều người. Tất cả các hành động của nhà nước thật nhịp nhàng và có sắp xếp tính toán kỹ lưỡng. Từ việc dùng roi điện, dùi cui gây đổ máu đến việc quy tụ đám đông hò hét, đập phá trước hàng rào công an, chó nghiệp vụ v.v. đều răm rắp theo lệnh trên. Tất cả đều nằm dưới ảnh hưởng truyền thông “theo lề bên phải” và nền hành chánh ưa bạo hành.

Không những dùng đủ mọi thủ đoạn để chiếm đoạt đất đai Giáo Hội, nhà nước cố biện minh cho việc làm của mình là chính đáng. Chưa xong, họ còn muốn lôi kéo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về phe minh để lên án Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt và linh mục Vũ Khởi Phụng cũng như các linh mục DCCT. Nhưng HÐGMVN đã thẳng thắn trả lời “không !”

Phải chăng các ngôn sứ trong Giáo Hội Việt Nam đã thức giấc sau đêm trường im hơi lặng tiếng ? Phải chăng Chúa Thánh Linh đang mở con đường công chính cho GHVN và toàn thể dân tộc bước vào ? Sự công chính đích thực có phải bao giờ cũng thuộc về số đông và những kẻ cầm quyền không ? Chúng ta cố gắng tìm hiểu qua dụ ngôn Chúa Nhật hôm nay và những giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.

TRONG TRẦN AI, AI DỄ BIẾT AI ?!

Suốt lịch sử dân thánh, ngôn sứ đóng vai vô cùng quan trọng. Nếu không có ngôn sứ, chắc chắn dân tộc Do thái sẽ lìa xa Thiên Chúa và lạc vào đường lối bất chính của dân ngoại. Sứ mệnh chính của ngôn sứ là “chỉ đường công chính.” (Mt 21:32)

Từ xưa, ngôn sứ Êdêkien đã biện hộ cho sự công chính của Thiên Chúa. Ông đưa ra hai hình ảnh người công chính và kẻ gian ác để mọi người thấy rõ con người phải thay đổi theo Thiên Chúa, chứ không thể ngược lại. Sau này, ông Gioan Tẩy giả cũng rao giảng và chết cho sự công chính. Gioan hiên ngang kêu gọi mọi người hối cải để chuẩn bị gia nhập Nước Trời do Chúa Giêsu mang đến. Nhưng hỏi có mấy người thực sự lắng nghe ? Chúa Giêsu đưa dụ ngôn hôm nay để làm sáng tỏ vấn đề công chính hơn.

Hơn ai hết, “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21:28) phải là những người hiểu biết sự công chính trong Kinh thánh và Luật lệ Thiên Chúa. Nhưng sự hiểu biết đó chỉ làm cho họ thêm kiêu ngạo và không thể lắng nghe hay hối cải được nữa. Ở đây Chúa Giêsu phân biệt rõ sự khác biệt trời vực giữa kiến thức và đức tin.

Nhờ kiến thức rộng về Nước Trời, họ đã bẻ cong sự công chính theo đường lối của mình và tìm mọi cách biện hộ cho những tham vọng riêng. Chưa một ai dám đưa ra hình ảnh táo bạo như Chúa Giêsu khiến họ phải giật mình : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21:31) Hai hạng người này đều là những mẫu người bất chính. Chúa Giêsu không đề cao sự bất chính của họ, nhưng nhấn mạnh đến sức mạnh biến đổi con người, đó là đức tin (x. Mt 21:32). Chỉ có đức tin mới khiến con người hành động theo đường công chính. Chính vì thiếu đức tin, chứ không phải kiến thức, các nhà lãnh đạo đã không có sức mạnh hoán cải để vào Nước Trời. Không có đủ điều kiện gia nhập Nước Trời, làm sao họ có thể tin nhận sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu ?

Ðược kêu gọi gia nhập Nước Trời, chúng ta cần phải hành động để chứng tỏ niềm tin sâu xa và cầu nguyện cho những người đang ở ngoài. Khi kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu không có ý đề cao hành động hơn đức tin. Nhưng thực tế, Chúa muốn cho mọi người thấy đức tin chân thật không thể nào không đưa tới hành động công chính. GHVN đang hành động và cầu nguyện cho mọi người thấy tất cả sức mạnh của đức tin.

TỪ ÐỨC TIN ÐẾN ƠN CỨU ÐỘ

Như thế, đức tin đóng vai quan trọng trong việc công chính hóa. Tại sao ? Thưa, “Ơn cứu độ do Thiên Chúa ban cho con cái Người, đòi họ phải đáp trả và chấp nhận cách tự do. Chính ơn cứu độ là nội dung của đức tin. Qua ơn cứu độ, ‘con người tự do phó thác toàn thể thân mình cho Thiên Chúa,’ để đáp lại tình yêu hàng đầu và sung mãn của Thiên Chúa (x. 1 Ga 4:10) bằng một tình yêu cụ thể đối với anh chị em, và bằng một niềm hy vọng vững chắc, vì ‘Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín.’ (Dt 10:23) Thực vậy, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không khiến con người rơi vào tình trạng hoàn toàn thụ động hay thấp kém hơn Ðấng Tạo Hóa, vì Chúa Giêsu Kitô mạc khải cho họ mối tương giao với Thiên Chúa và nhờ Chúa Thánh Linh, Chúa làm cho chúng ta tham dự vào mối tương quan, mối tương quan giữa con cái và cha mẹ. Ðó chính là mối tương quan Chúa Giêsu đã sống với Chúa Cha (x. Ga 15-17; Gl 4:6-7)”[1] Không có đức tin, không thể nhận ra mội tương quan với Thiên Chúa và cả anh em nữa. Nếu không thấy những mối tương quan chồng chéo đó, con người làm sao có thể hành động chính xác và chính trực ?

Thực tế không có sự mâu thuẫn giữa đức tin và cuộc sống xã hội. Trái lại, “càng tin vào Chúa Giêsu Kitô chúng ta càng hiểu đúng về sự phát triển xã hội, trong bối cảnh một nền nhân bản toàn vẹn và liên đới. Về phương diện này, Huấn Quyền về xã hội của Giáo Hội đóng góp những suy tư thần học rất hữu ích : “trong khi soi sáng bản chất nội tại của sự phát triển, đức tin Chúa Kitô là Ðấng Cứu độ cũng hướng dẫn chúng ta tham gia hành động.”[2] Càng bước theo Chúa Kitô, càng thấy bổn phận và đường lối nhập cuộc vào cuộc sống, vì tự bản chất Ðạo Chúa là đạo nhập thể và nhập thế.

Nhưng để có thể nhập cuộc hữu hiệu, “giáo dân được mời gọi nhận ra những bước phải theo trong những hoàn cảnh chính trị cụ thể để đem ra thực hành những nguyên tắc và những giá trị thích hợp với cuộc sống xã hội. Cần phải có một phương pháp biện phân về cuộc sống này, cả trên lãnh vực con người lẫn xã hội : sự hiểu biết về hoàn cảnh phải được phân tích nhờ các khoa xã hội và các trợ cụ thích ứng khác; suy tư có hệ thống về các thực tại này dưới ánh sáng sú điệp thường hằng của Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội; các lựa chọn phải được nhận định nhằm bảo đảm hoàn cảnh sẽ diễn tiến tích cực. Khi thực tại đã được cẩn thận xem xét và giải thích phù hợp, người ta có thể có những lựa chọn cụ thể và hiệu lực. Tuy nhiên, không bao giờ được gán cho những lựa chọn này một giá trị tuyệt đối, vì không có vấn đề nào giải quyết một lần là xong. ‘Không bao giờ được giả định đức tin Kitô áp đặt một khung hình cứng ngắc trên những vấn đề xã hội và chính trị. Nhờ đức tin, Kitô hữu ý thức rằng hoàn cảnh lịch sử đòi con người sống trong những hoàn cảnh bất toàn và có thể thay đổi mau lẹ.”[3]

Sống giữa hoàn cảnh đó, càng tin vào Chúa Giêsu Kitô, con người càng sáng suốt nhận định tình hình và phản ứng mau lẹ trước những biến chuyển của hoàn cảnh xã hội. Lý do vì tin Chúa Kitô là tìm được kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa.

GIỜ ÐÃ ÐIỂM

Một khi lãnh nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Kitô hữu không còn giống những cánh bèo trôi giạt trong dòng thời cuộc. Nhờ lời cầu nguyện, họ sẽ làm chủ tình hình bằng tất cả sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự thật đó được phơi bày rất rõ trong cả hai biến cố giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội.

Những biến động hiện nay như một món quà Chúa gởi cho GHVN. Sau bao năm tháng im lặng đến khó hiểu, các GMVN lên tiếng : “Giáo hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. ”[4] Như thế, từ nay giáo dân Việt Nam đã thấy rõ lập trường của các vị lãnh đạo của mình.

Giáo dân càng phấn khởi khi thấy các GMVN can đảm đề cập đến từng trường hợp và nhân tiện đề cập tới những vấn đề cấp thiết để cứu vãn xã hội Việt Nam. Vui nhất là khi thấy các ngài đã dám lãnh trách nhiệm. Ðứng trên cương vị lãnh đạo GHVN, các ngài đã thẳng thắn nhận định :

“Tình hình khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa đáng là vấn đề thời sự, trong đó có đất đai của các tôn giáo nói chung và giáo hội công giáo nói riêng, cụ thể như vụ việc Tòa Khâm sứ cũ (số 42 Nhà Chung) và giáo xứ Thái Hà (số 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Chắc chắn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng ở đây chúng tôi muốn lưu ý đặc biệt đến điều này: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại thêm. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này.”[5]

Sau đó, các ngài đã mạnh dạn nói rõ những đề nghị : “Nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm đến quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã khẳng định: ‘Mọi người đều có quyền tư hữu riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán’ (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào tự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.”[6]

Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, ai cũng thấy vai trò truyền thông rất quan trọng. Một khi nằm trong tay những người không thiện chí, truyền thông có thể rắc gieo sự gian dối khắp nơi, khiến quần chúng có thể phạm những tội ác khôn lường. Nhận định về truyền thông trong nước hiện nay, các GMVN nhận thấy : “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ ... Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.”[7]

Quyết tâm của HÐGMVN càng thể hiện rõ trong những nguyên tắc sau đây : “Ðạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.”[8]

Ðứng trước bạo lực và những đe dọa, các vị lãnh đạo GHVN có sợ không ? Các ngài vẫn bình tĩnh xác định : “Cuối cùng, truyền thống văn hóa và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hòa trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hòa trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi tha thiết mong ước mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự. Một giải pháp thỏa đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.”[9] Chỉ những người không có chân lý mới sợ đối thoại. Họ chỉ còn một đường lối duy nhất để giải quyết vấn đề là bạo lực, lừa đảo và gian ác.

Nhờ truyền thông, họ đã nhồi sọ được đám đông và tự hào vì những mưu ma chước quỷ. Là những nhà lãnh đạo dân tộc, nhưng họ chẳng khác gì “những thượng tế và kỳ mục trong dân” Do thái xưa. Họ biết rất rõ những đòi hỏi của công lý và lương tâm, nhưng họ vẫn không thi hành.

Tóm lại, trước những hà lạm của những nhà lãnh đạo Do thái đương thời, Chúa Giêsu đã lên tiếng thách thức và cảnh cáo về sự công chính giả hiệu của họ. Những hạng người bị họ kết án bất chính lại có thể chiếm được Nước Trời trước họ. Sự công chính thực sự phát xuất từ đức tin sâu xa, chứ không từ kiến thức hay truyền thống lỗi thời.

Trước những lời đe dọa đầy bạo lực của nhà nước và những thông tin đầy ác ý của giới truyền thông, hàng lãnh đạo GHVN đã mạnh mẽ đòi hỏi công lý cho người vô tội và lên tiếng báo động Việt Nam đang trên bờ vực thẳm, nếu không sớm tỉnh thức trước tiếng nói lương tâm và những đòi hỏi chính đáng của con người. Chỉ những ai thành tâm thiện chí mới tìm thấy sự thật và sự công chính đích thực cho cuộc sống vươn lên.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho các vị lãnh đạo GHVN can đảm đóng vai ngôn sứ trước những thách thức của bạo lực hôm nay. Xin cho GHVN nghe được nhiều tiếng nói ngôn sứ hơn nữa. Amen.

đỗ lực, 28.09.2008

________________________
[1] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 39.

[2] ibid., 327.

[3] ibid., 568.

[4] http://www.conggiaovietnam.net/index...detail&ia=5357

[5] ibid.

[6] ibid.

[7] ibid.

[8] ibid.

[9] ibid.

Phuc Am Nhat Ky, Lm Do Luc, op.