-
Moderator
C - Chúa Nhật Truyền Giáo
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Kính chào qúi ông bà anh chị em, có lẽ khi nói đến truyền giáo thì nhiều người nghĩ rằng: việc truyền giáo là việc của các hàng giáo phẩm, tu sĩ nam nữ. Hoặc là, như tôi làm sao truyền giáo được, vì đức tin tôi còn non kém, trình độ giáo lý nghèo nàn, hoặc là tôi đâu có đi đâu mà truyền giáo. Nếu ta hiểu như vậy thì qủa là sai, vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, nên khi ai đã gia nhập Giáo Hội qua bí tích rửa tội là mang trong mình bổn phận phải truyền giáo. Truyền giáo là giới thiệu Chúa Kitô cho người khác; giới thiệu Chúa Kitô bằng chính đời sống của mình qua lời nói, việc làm. Truyền giáo chẳng cần đi đâu xa mà có khi ngay trong chính gia đình của mình. Nếu trong gia đình còn có một vài thành phần khô khan, sống trong tội lỗi hay có những tính hư nết xấu thì qua những cử chỉ hiền từ, lời nói dịu dàng, việc làm tốt đẹp của chúng ta thì ta đang làm công việc truyền giáo. Hiểu như thế thì khi ta có những thái độ đi ngược lại với sự đạo đức, khiêm nhường, hiền từ, ôn hòa, nhẫn nại, hy sinh chịu đựng, chu toàn bổn phận với nét mặt vui tươi.
Tất cả những điều đó nếu ta không có được thì ta đang phản lại việc truyền giáo đã đành mà ta còn là thù nghịch với Chúa như trong bài Tin Mừng hôm nay. Những người Phrisêu và nhóm Hêrôđê bàn bạc với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu để Người mắc vào hầu tố cáo Người. Cái bẫy thật nguy hiểm, không chừng trả lời đàng nào cũng chết; vì nếu trả lời rằng: Phải nộp thuế cho Xêda , nếu trả lời như thế thì Đức Giêsu là người nghiêng theo Đế quốc; Còn nếu trả lời “không”, Người sẽ bị coi là chống chính quyền Rôma; và nhóm Hêrôđê sẽ lấy đó mà bắt tội Người là kẻ muốn phá rối trị an. Hơn nữa, câu hỏi còn có tầm mức thần học, bởi vì các nhóm Do-thái cực đoan coi việc sử dụng đồng bạc ngoại quốc như một kiểu thờ ngẫu tượng. Vậy, những người Pharisêu va nhóm Hê-rô-đê câu hỏi đặt ra cho Đức Giêsu rất nham hiểm, để Người không có ngõ thoát: “có được nộp thuế hay không?”. Nhưng Đức Giêsu thấy rõ cái bẫy đó.
Trước tiên, Đức Giêsu lật mặt nạ của họ bằng nhận định mở đầu: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả”. Người cho thấy Người không phải là kẻ khù khờ mặc dù họ đã mở đầu câu chuyện rất như một lời khen ngợi, không phải vì họ tha thiết tìm kiếm chân lý của Thiên Chúa, nhưng chỉ vì muốn đưa Người vào thế tiến thoái lưỡng nan, để hại Người. bởi vậy họ bị liệt vào hạng “những kẻ đạo đức giả”. Đúng là: “Miệng phật tâm xà” hoặc “Ngoài thì thơn thớt nói cười, bên trong là cả một bồ dao găm”. Hoặc như Thánh Vịnh 54, “Tên phản phúc ra tay hại người thân nghĩa, lại lỗi ước quyên thề; miệng nói năng ngọt xớt, lòng chỉ muốn chiến tranh, lời trơn tru hơn mỡ mà bén nhọn như gươm”. Đứng trước câu hỏi nhóm người muốn gày bẫy mình như thế, câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Câu trả lời của Chúa Giêsu không những không trúng kế của kẻ muốn hại Ngài mà còn khẳng định cho họ thấy rõ hai lãnh vực không được lẫn lộn; nghĩa là cái gì thuộc trần thế phải trả về trần thế; trần thế ở đây là của cải vật chất, là mọi sinh hoạt xã hội như quyền bính, chính trị, kinh tế... Còn những gì thuộc về Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Cái gì thuộc về Thiên Chúa đây nếu không phải là mạng sống, linh hồn, là những sinh hoạt thiêng liêng như việc thờ phượng, lòng bác ái, đức thương yêu... Tắt một lời, từ một vài điểm trên giúp ta soi mình xem thử ta đang thuộc về ai; thuộc về trần thế hay thuộc về công dân nước trời. Nếu ta thuộc về trần thế thì ta chỉ lo đầu tư cho trần thế mà bất cần đầu tư cho nước trời hoặc có chăng thì chỉ làm qua loa, làm cho có lệ, nhưng nếu ta thuộc về Thiên Chúa thì tất cả ta hướng về Thiên Chúa mặc dù ta vẫn làm những công việc của trần thế nhưng lòng chẳng chút dính bén. Như lời của Thánh Vịnh 61, 11: “Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi”, nghĩa là tất cả mọi sự ở trần thế này như là phương tiện giúp ta đạt tới cứu cánh là Thiên Chúa, là nước trời chứ không phải dừng lại mọi sự ở đời này để coi nó như lẽ sống cùng đích cứu cách của đời mình, nếu làm như thế thì là khờ khạo đối với Thiên Chúa, vì Chúa đã nói với ông phú hộ: [I]“Đồ ngốc! Nội trong đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai”. ( Lc 12, 20).[/I]
Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này cho ta xác định được việc làm của chúng ta hướng về đâu? “Về Xê-da” nghĩa là, chỉ có công việc, của cải vật chất ở đời này, hay hướng về Thiên Chúa, nghĩa là mọi việc làm, nhất là cần làm những việc thiêng liêng như là của cải thiêng liêng đầu tư cho mai sau. Hiểu như thế thì tốt hơn hết mỗi người phải chu toàn bổn phận của mình. Là vợ chồng phải chu toàn bổn phận với nhau, là cha mẹ phải chu toàn bổn phận đối với con cái và con cái chu toàn bổn phận của kẻ làm con. Là ông bà cũng thế, cháu chắt cũng vậy. Là người công dân cũng phải chu toàn bổn phận đối với đất nước. Là người xưởng thợ cũng phải chu toàn bổn phận công việc được giao, giữ đức công bằng. Là người thuộc cộng đoàn, xứ đạo lại càng phải chu toàn bổn phận đóng góp xây dựng cộng đoàn; vì nơi đây là nơi cần phải giữ luật công bằng, bác ái, yêu thương để từ nơi nhà thờ phải được chi phối trên toàn bộ việc làm của ta trong xã hội.
Với Chúa Nhật truyền giáo hôm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết chu toàn bổn phận làm con dân đất nước trần thế đồng thời phải chu toàn bổn phận làm con dân nước trời. Khi chúng con sống được như thế là chúng con đang truyền giáo.
LM Phaolô Cao Thế Bình, SDD
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules