Chúa Nhật 02 Thường Niên Năm C

CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH


Theo Tin Mừng Thánh Gio-an thì hành động đầu tiên của Chúa Giê-su sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giê-su và các môn đệ cùng đi dự. Khi một Linh Mục hay một Giám Mục đi dự một đám cưới, chẳng qua là vì tình nghĩa, chứ không phải vì thích ăn uống. Chúa Giê-su đến dự đám cưới này cũng vì tình nghĩa, vì yêu thương, vì đây có lẽ là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.

Tại Pa-lét-tin, tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày.

Đám cưới Ca-na này mới đến ngày thứ ba thì đã hết rượu rồi. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối, khó xử. Các Ráp-bi vẫn nói: Không rượu thì không vui, hay người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống rượu pha, hai phần rượu mà đến ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể.

Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na này. Sáu chum nước thành rượu ngon. Sáu chum đầy chứa khoảng 700 lít. Một lượng rượu khổng lồ.

Chúa Giê-su đi ăn cưới. Người không mang quà cáp hay phong bì. Chúa Giê-su chia sẻ cho cô dâu chú rể, cho họ hàng đôi bên và mọi người niềm vui của Chúa mà rượu là biểu tượng như lời Thánh Vịnh 109: “Rượu ngon làm phấn khởi lòng người”.

Ơn Cứu Độ chính là niềm vui trọng đại. Tiệc cưới được dùng làm hình ảnh Nước Trời. Hôn nhân là hình ảnh Thiên Chúa và Dân Người.

Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an chỉ có 7 phép lạ được kể lại. Pháp lạ Ca-na có một giá trị nổi bật vì đó là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an không chỉ biểu lộ quyền năng Thiên Chúa mà còn mạc khải về mầu nhiệm Chúa Giê-su. Các phép lạ có tính biểu tượng cao. Các phép lạ là những dấu chỉ cho biết về con người Chúa Giê-su.

Sau mỗi phép lạ thường có một bài giảng nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ đó. Chẳng hạn:
- Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giê-su tự giới thiệu: “Ta là bánh hằng sống” ( Ga 6 ).
- Sau khi chữa người mù được thấy ánh sáng, Chúa nói: “Ta là ánh sáng thế gian” ( Ga 9 ).
- Sau khi cho La-da-rô sống lại, Chúa tự nhận: “Ta là sự sống lại và là sự sống” ( Ga 11 ).
Vậy phép lạ Ca-na mang một ý nghĩa nào ?
Phép lạ Ca-na xảy ra trong một tiệc cưới. Trong Cựu Ước, để diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa đối với dân Ít-ra- en, các Ngôn Sứ đã dùng hình ảnh hôn lễ, Thiên Chúa làm đám cưới vời dân mình, Thiên Chúa là chú rể. Đoạn văn ( Is 54, 4 – 8 ) là một minh hoạ rất lý thú phối hợp đề tài xuất hành với một đề tài trong sách Hô-sê, đó là Giu-đa được coi như người bạn trăm năm của Thiên Chúa. Vì yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người lưu đày trở về quê nhà.

Phép lạ Ca-na diễn ra trong một bữa tiệc: Bữa tiệc là hình ảnh đựơc dùng để diễn tả niềm vui vào ngày Đấng Mê-si-a đến. Bữa tiệc này dồi dào rượu ngon: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc, thịt thì béo, rượu thì ngon”. Chúa Giê-su nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Người vì mình là chú rể, là tân lang. Người coi giáo huấn của Người là rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ.

Đọc Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, chúng ta bắt gặp một chú rể lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Gia đình chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Mô-sê. Chúa Giê-su xuất hiện như Chú Rể thực sự của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến nước Cựu Ước thành rượu Tân Ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy Ơn Cứu Độ do Chúa Giê-su mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.

Tiệc cưới Ca-na là biểu tượng Tiệc Cưới Con Thiên Chúa và loài người. Phép lạ nước hoá thành rượu đem lại niềm vui cho người dự tiệc loan báo về mầu nhiệm Thánh Thể; Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki- tô đem lại nguồn vui Ơn Cứu Độ cho con người.

Mỗi lần dự lễ là một lần dự tiệc. Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể là một phép lạ xảy ra hàng ngày trên bàn thờ, bánh và rượu nên Mính Máu Thánh Chúa. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, vì biết rằng Chúa yêu chúng ta, Người trở nên Bánh Hằng Sống nuôi chúng ta. Cả hai bàn tiệc nuôi dưỡng cuộc đời chúng ta sống trong niềm tin yêu vào Chúa.

Phép lạ Ca-na do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.

Tin Mừng theo Thánh Gio-an chỉ nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Ca-na và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu ( Ga 19, 25 – 27 ). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Chúa Giê-su ở Ca-na, và Chúa Giê- su cũng đã đưa Thánh Gio-an, đại diện cho các tín hữu đến với Mẹ “Này là Mẹ con”. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Ca-na, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giê-su. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo Hội, với người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.

Cuộc sống thường ngày có những trắc trở, những lúng túng, những khó khăn. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi” và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: “Hãy làm mọi điều Chúa bảo...”

“ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Với cả tâm tình, Đức Maria rút ruột chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mình cho mọi người, để mời gọi tất cả trang bị thái độ khiêm tốn đón nhận và thi hành.
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Không nghi thức rườm rà, không nhiều lời giải thích, mà chỉ bằng một câu ngắn, Mẹ kín đáo tế nhị giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người một cách hiệu quả. Sự kín đáo được thể hiện qua việc không nêu danh Giêsu trong câu nói, để Chúa Giêsu tự do biểu lộ mình theo cách của Người và đúng lúc "hữu xạ tự nhiên hương", qua việc người làm, dân chúng sẽ nhận biết Người. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Người mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Các môn đệ trong trình thuật tiệc cưới Ca-na chỉ là nhân vật phụ từ đầu đến cuối, không có một vai trò gì, nhưng trong mắt Đức Ma-ri-a, họ lại có một vị trí đặc biệt. Nếu phép lạ nước hóa rượu ngon bên ngoài giúp đỡ gia đình, niềm vui của thực khách và hạnh phúc của lứa đôi, thì như cuối bài Phúc Âm ghi lại, bên trong phép lạ này nhằm củng cố lòng tin nơi các môn đệ. Ở ngưỡng cửa cuộc đời công khai sứ vụ, Đức Ma-ri-a luôn hiện diện chăm chút đến niềm vui của các môn đệ hôm qua cũng như hôm nay.

“Người bảo gì, các anh cứ làm theo” là lời vắn tắt của một vị trung gian đầy uy thế, vừa nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm bản thân trong việc gặp gỡ Lời Chúa, vừa kín đáo chuẩn bị đường lối cho Lời Chúa làm người bước vào đời rao giảng và cũng tế nhị đỡ nâng niềm tin cho các môn sinh trong những bước đầu tiên chập chững học sống theo Lời Chúa. Đức Ma-ri-a một trung gian đầy tâm huyết giữa Chúa Giê-su và nhân loại. Mẹ dẫn dắt người ta đến gặp gỡ Lời Chúa, Mẹ khích lệ người ta chăm lo thực hành Lời Chúa, và Mẹ rút lui cho Lời Chúa trở thành máu thịt trong lòng kẻ tin.

“Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Mẹ tin Chúa quyền năng sẽ thương trợ giúp. Với cả tâm tình, Mẹ chia sẽ kinh nghiệm cá nhân mình cho mọi người, để mời gọi tất cả trang bị thái độ khiêm tốn đón nhận và thi hành. Mẹ vẫn gần gũi ân cần chỉ bảo, khích lệ và lấy kinh nghiệm của Mẹ để dẫn đường.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Mẹ kín đáo tế nhị giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người một cách hiệu quả. Sự kín đáo được thể hiện qua việc không nêu danh Giê-su trong câu nói, để Chúa Giê-su tự do biểu lộ mình theo cách của Người và qua việc người làm, dân chúng sẽ nhận biết Người. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Người mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.

Đức Mẹ là trung gian đầy uy thế, vừa nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm bản thân trong việc gặp gỡ Lời Chúa, vừa kín đáo chuẩn bị đường lối cho Lời Chúa làm người bước vào đời rao giảng.
Lời “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” dọc dài lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã ngõ cùng muôn thế hệ trong mọi cảnh ngộ để khuyến khích người ta yêu mến và đem Lời Chúa vào trong đời sống hằng ngày. Mẹ dẫn dắt người ta đến gặp gỡ Lời Chúa, Mẹ khích lệ người ta chăm lo thực hành Lời Chúa, và Mẹ rút lui cho Lời Chúa trở thành máu thịt trong lòng kẻ tin.

Có Mẹ đồng hành, chúng ta sống thực thi Lời Chúa ngày mỗi trọn vẹm hơn. Có Mẹ đồng hành, hãy phấn khởi và an tâm, hãy nhiệt thành chu toàn sứ vụ rao giảng Tin mừng và làm chứng nhân cho Chúa.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An