Tranh cãi vì Hitler xuất hiện trong video về AIDS của Đức
Đoạn video tuyên truyền nhận thức về căn bệnh AIDS mới nhất của Đức đã thực sự tạo ra những cảm xúc mạnh: sốc, căm phẫn và ghê tởm, khi hình ảnh trùm phát xít Hitler được vận dụng. Song nó cũng gây ra khá nhiều tranh cãi.
Hình ảnh Hitler trong đoạn video tuyên truyền nhận thức về AIDS
Đoạn quảng cáo gây tranh cãi trên được tung lên mạng vào ngày 3/9 vừa qua và dự định bắt đầu được phát sóng trên đài truyền hình Đức vào ngày 9/9. Đoạn video cho thấy một cặp đôi đang làm tình trong một căn phòng với ánh đèn mập mờ, tiếng nhạc ghê rợn. Người xem chỉ nhìn thấy sau đầu của người đàn ông, cho đến phút cuối, khi máy quay chĩa vào mặt, lộ diện là Adolf Hitler. Sau đó là khẩu hiệu chạy ngang màn hình: “AIDS là kẻ giết người hàng loạt”.
Đoạn video đã tạo ra được thông điệp mạnh mẽ, nhưng các tổ chức HIV/AIDS ở Đức lại đang tranh luận về tính phù hợp của nó.
Rainbow, nhóm tuyên truyền nhận thức về AIDS, phụ trách quảng cáo trên báo và làm áp phích cho biết, đoạn phim có mục đích làm cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ Đức, buộc phải dùng bao cao su để tránh bị lây nhiễm HIV.
“Chúng tôi muốn tạo cho loại virut kinh khủng này một gương mặt”, Jan Schwertner, người phát ngôn của Rainbow cho biết. “AIDS đang bị lãng quên ở Đức. Vì vậy chiến dịch gây sốc này là cần thiết, để giúp mọi người nghĩ lại”.
Tuy nhiên, việc dùng hình ảnh của trùm phát xít Hitler luôn là một chủ đề vô cùng nhạy cảm tại Đức và đã khiến các tổ chức HIV/AIDS truyền thống phản đối. Họ cho rằng đoạn video bêu xấu những người đang bị nhiễm HIV.
Vào hôm thứ ba vừa qua, Deutsche AIDS-Hilfe, một nhóm làm việc cho các trung tâm tư vấn về HIV và là tổ chức AIDS lớn nhất của Đức, gọi đoạn video là “kinh tởm” và yêu cầu ngừng ngay chiến dịch này. “Đoạn video chế giễu tất cả các nạn nhân của chế độ Đức Quốc xã và so sánh những người nhiễm HIV như những kẻ giết người hàng loạt”, phát ngôn viên Carolin Vierneisel cho hay.
“Chiến dịch quảng cáo chỉ làm mọi người thêm hoang mang, lo lắng. Đó là cách tiếp cận sai lầm. Ngăn ngừa HIV tốt phải dựa trên những thông tin thực tế về các nguy cơ lây nhiễm HIV và phải khuyến khích mọi người dùng bao cao su”.
Theo thông tin mới nhất, mạng chia sẻ YouTube đã gỡ đoạn video tuyên truyền về AIDS có hình ảnh Hitler. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã truy cập vào video này kể từ thứ năm tuần trước.
Trên thực tế, người Đức thực sự cần sự khuyến khích, động viên, bởi tỉ lệ nhiễm HIV ở nước này đang ở mức báo động. Theo nghiên cứu của Rainbow, mỗi ngày ở Đức có thêm 8 người bị nhiễm HIV. Trên khắp cả nước, hiện 60.000 người đang phải sống chung với loại virut này.
Để giải thích cho những con số thống kê gây sốc trên, trang web của chiến dịch cho biết: “Trong vài năm qua, mối quan tâm của công chúng với AIDS đã bị giảm mạnh. Nhưng số nạn nhân lại không giảm. Cho đến nay, hơn 28 triệu người trên khắp thế giới đã tử vong. Và mỗi ngày có thêm 5.000 trường hợp nữa thêm vào con số đó. Chính điều này đã biến AIDS trở thành một trong những kẻ giết người hàng loạt kinh khủng nhất mọi thời đại”.
Theo dự định đoạn video được trình chiếu ở các rạp chiếu phim tại Đức, được phát sóng trên đài truyền hình vào ngày 9/9 để tạo ra “tác động” mạnh nhất. Cơ quan dựng đoạn video trên, Das Comitee, có trụ sở ở Hamburg, cũng quyết liệt bảo vệ sản phẩm của mình. Họ viện dẫn đoạn video đã có hàng ngàn lượt người vào xem từ thứ năm tuần trước, khi được post lên mạng chia sẻ YouTube.
“Chúng ta cần cảnh báo giới trẻ về mối nguy hiểm của AIDS và mối nguy hiểm của ___ không an toàn”, giám đốc sáng tạo Hans Weishäupl cho hay. “AIDS là kẻ giết người hàng loạt của thế kỷ 21 và chúng ta phải cho mọi người thấy nó kinh khủng như thế nào”.
Ông cho biết đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về đoạn video từ các bạn trẻ và từ bố mẹ của các em.
Weishäupl cũng thừa nhận phương thức thực hiện của họ gây tranh cãi, song theo ông đích đạt được mới là điều quan trọng. “Thông điệp được đưa ra mới quan trọng và dĩ nhiên dùng hình ảnh của Hitler luôn luôn tạo ra tranh cãi. Nhưng làm thế nào bạn có thể hình ảnh hóa một loại virut gớm ghiếc?”
Phan Anh
Theo Time