-
Moderator
NHƯ NGƯỜI MẸ HIỀN
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C
NHƯ NGƯỜI MẸ HIỀN
(Lc 10,1-12)
Thưa quí vị,
Đọc bản văn tiếng Việt, chúng ta khó có thể nhận ra ngụ ý của Isaia đệ tam trong bài đọc 1 hôm nay. Thực ra, trong nguyên gốc thì tác giả dùng tới ba thì: quá khứ, hiện tại, tương lai. Chính ở trong cách dùng “thì” này mà ý nghĩa của sứ điệp được rõ ràng, và nhờ đó độc giả của ông nhận ra những gì đã qua, nhưng chỉ ở hiện tại và hy vong ở tương lai. Bản văn nói đến cả hai nội dung vui mừng và buồn đau, nhưng ở trong các giai đọan khác nhau: Quá khứ, hiện tại thì đau buồn, chua xót và ân hận, nhưng tương lai đầy hy vọng và ủi an.
Giêrusalem và dân Do Thái đã bại trận tan hoang. Dân số giảm thê thảm vì những người tài giỏi, khéo chân tay, sản xuất nhiều đều bị lùa đi đày sang Babylone. Từ đó họ hướng về Giêrusalem và quê hương mà khóc than, nhớ nhung. Isaia gióng tiếng an ủi họ nhân danh Thiên Chúa: “Đức Chúa phán thế này: Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành đô mà hoan hỉ, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành đô.” Họ sẽ được trở về Giêrusalem, được giải thóat khỏi những nhục nhằn của kiếp sống nô lệ trên đất khách quê người. Tuy nhiên cuộc trở về của họ còn in đậm nét u sầu khi nhìn thấy đổ nát. Và điều làm cho đau xót tăng thêm là trách nhiệm của tuyển dân, nhất là của những thủ lãnh cầm quyền. Điều họ trông thấy trước mắt là hậu quả của phản bội, tội lỗi, bất trung với Giao Ước mà cha ông đã ký kết với Giavê.
Thật đau đớn biết bao những hậu quả của lãnh đạo sai lầm và lựa chọn tội lỗi. Đây cũng là kinh nghiệm cảnh cáo các linh hồn mọi nơi mọi thời. Chúng ta chẳng những cảm nghiệm tan nát về tội lỗi cá thể, nhưng còn chứng kiến tai họa, đổ vỡ cộng đòan, xã hội, quốc gia, quốc tế nữa. Những cuộc bại trận, dịch họa phải chăng là do tội lỗi chúng ta gây nên? Chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm chung vì những tan rã ấy. Tội của một xã hội không những bày tỏ trong chia rẽ, chiến tranh, hận thù, bạo lực, cô lập của xã hội ấy mà còn ảnh hưởng đến xã hội tòan cầu. Thí dụ, lạm dụng tài nguyên quá đáng, khí thải chất độc vào môi trường sinh thái của trái đất, sản xuất ma túy, thuốc phiện vô lương tâm ảnh hưởng nguy hại đến tòan thể nhân lọai, chứ không riêng một đất nước nào!
Chẳng khó mà xác quyết lỗi lầm đối với những người gánh chịu thân phận tha hương khi nhìn thấy cảnh điêu tàn Giêrusalem và họ than khóc vì quá khứ của mình. Nhưng rất khó cho chúng ta nhận ra sai lầm và trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai!
Bài đọc 1 hôm nay trích từ chương cuối cùng của Isaia đệ tam (Trito-Isaia) thông điệp sau hết cho những người sống sót từ cuộc lưu đày trở về. Nó không phải là những lời khiển trách, nhưng an ủi vỗ về. Không phải là “nhìn xem đấy, tội lỗi của dân gây ra” mà là sấm ngôn của hy vọng và cứu vớt bằng các hình ảnh cụ thể: Giêrusalem sẽ được phục hồi, xứ sở được xây dựng lại: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ”. Việc phục hồi bất khả thi sẽ trở thành hiện thực. Dĩ nhiên không phải là do bàn tay lòai người, mà do quyền năng của Thiên Chúa. Ngài sẽ xây dựng lại Giêrusalem huy hòang rực rỡ hơn cũ. Isaia đệ tam tuyên bố như vậy: “Để được Thành đô cho hưởng trọn niềm an ủi, được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ”.
Isaia chuyển hướng đột ngột trong việc công bố tin vui: Chẳng phải Giêrusalem an ủi các con cái mình. Lúc này họ đang than khóc trước hoang tàn, mà là Thiên Chúa sẽ là bảo mẫu của họ qua Giêrusalem: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”. Khi tôi rao giảng trong các nhà tù, tôi cảm nghiệm thất bại mỗi khi đưa ra hình ảnh người “cha” để tượng trưng Thiên Chúa – mặc dù Tân Ước luôn dùng hình ảnh ấy. Bởi vì tôi nhận ra rằng các phạm nhân thường mặc cảm về bố của họ. Họ tưởng tượng lại những lúc bị đánh đập, bỏ đói, vũ phu, trừng phạt nghiêm nghị. Nhưng hình ảnh người ‘mẹ’ thì luôn thành công. Bởi vì bà luôn dịu dàng, tha thứ, khích lệ, không khước từ cho nên họ cảm thấy an lòng.
Vậy nếu tuần tới, được giảng lễ cho họ, tôi sẽ lợi dụng tối đa tâm lý này của bài đọc 1 mà giảng giải. Tôi nắm chắc kết quả trong việc cho họ ấn tượng mạnh về Thiên Chúa yêu thương, vỗ về những số phận lạc lòai. Nên chăng chúng ta theo đường hướng này, không những cho các phạm nhân trong nhà tù, nhưng cho tất cả những linh hồn đang bị giam hãm trong các kiểu “khám đường” khác nữa! Thế giới tân thời nhiều người trẻ đang bị ám ảnh bởi quyền lực độc tài, chuyên chính, đòi hỏi. Họ cảm thấy ngay cả trong gia đình: bị bố bỏ rơi, lạc lõng, hiểu lầm, vô cảm, không chút triều mến! Họ và chúng ta cần được nghe lời Thiên Chúa đầy đủ như bài đọc hôm nay! Thiên Chúa là hình ảnh người mẹ luôn chăm sóc vỗ về. Chúng ta cần nghe Thiên Chúa cho mình bú no “bầu sữa mẹ” khi bị thế gian vùi giập, khổ đau, chứ không cần “cải tạo” để kiếm được yêu thương, thông cảm, tha thứ. Ai mà chẳng có lúc rơi vào những hòan cảnh như vậy? Chúng ta cần những người mẹ biết lắng nghe, thấu hiểu và chạy đến chạn đồ ăn thức uống lấy cho chiếc bánh nhà làm lấy!
Tất cả những điều này, Thiên Chúa làm hôm nay, trên bàn thờ, trong bí tích Thánh Thể. Xin tưởng tượng ông Kha-Luân-Bố vui mừng biết bao khi khám phá Châu Mỹ năm 1492. Xin tưởng tượng các môn đệ phấn khởi biết mấy khi rao giảng thành công trở về thuật lại cho Chúa Giêsu nghe!
Câu trả lời của Chúa Giêsu là: “Thầy đã xem thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống”. Nghĩa là hắn thất bại hòan tòan trước lời rao giảng của 72 môn đệ. Nhưng niềm vui của Kha Luân Bố làm sao sánh được với niềm vui của Thầy trò Chúa Giêsu? Niềm vui của Thầy trò Chúa Giêsu hệ tại truyền thông cho thế giới trầm luân Tin mừng cứu độ và sự sống vĩnh hằng. Ông Kha Luân Bố chẳng qua vì lợi lộc đời này, tương tự như các khoa học gia hôm nay khám phá ra các sáng chế, làm thăng tiến đời sống vật chất. Nhưng niềm vui rao giảng Tin mừng và ơn cứu độ lớn hơn nhiều và cũng thuộc chúng ta, và có thể đạt tới được nếu chúng ta triệt để trung thành với ơn gọi. Vì thế lời cầu nguyện hôm nay là: Lạy Thiên Chúa tòan năng, chúng con nài xin Chúa giải thóat chúng con khỏi mọi tội lỗi và dẫn đưa chúng con vào niềm vui muôn đời. Điều này chúng ta có thể chứng kiến cụ thể nơi những linh hồn làm việc tông đồ nhiệt thành và đắc lực.
Thực vậy, bài đọc 1 và 3 liên hòan với nhau. Bài này soi rọi ánh sáng vui mừng lên bài kia. Niềm vui Isaia III minh họa cho niềm vui các môn đệ khi trở về từ sứ vụ rao giảng. Chúa Giêsu là Giêrusalem mới an ủi, khích lệ, nuôi dưỡng những kẻ lưu đày trần gian. Ngài đã làm trọn lời tiên báo của Isaia: “Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết” Đức Giêsu đã làm như vậy thông qua 72 môn đệ. Liệu chúng ta có được sai đi như họ? Câu trả lời là có khi chúng ta lãnh nhận các bí tích, nhất là Rửa tội và Thêm sức. Chúng ta thực sự được sai đi trước cánh đồng bao la của thế giới. Và Ngài cũng nói với chúng ta: “Lúa chín đầy đồng và thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Như vậy, thực tế, chúng ta là hiệu quả của lời cầu nguyện và phân công của Chúa Giêsu, của Hội thánh, của các Kitô hữu nhiệt thành. Xin đừng phản bội ơn gọi kẻo mắc tội trước mặt Thiên Chúa. Nhìn vào sinh họat của từng giáo xứ, chúng ta đều thấy gương sáng truyền giáo trước mắt. Lễ sinh, đọc sách, chuẩn bị phụng vụ, quét nhà thờ, kéo chuông, thăm viếng kẻ liệt, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn… Mỗi người mỗi việc góp tay vào sinh họat chung. Chẳng lẽ họ không cộng tác với Chúa Giêsu trên cánh đồng truyền giáo hay sao?
Và dĩ nhiên, họ cũng gặp những khó khăn: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Không phải lúc nào các thợ gặt của Chúa đều kinh nghiệm thuận lợi! Ngay cả những Tông đồ đã từng nếm mùi thất bại. Họ tan tác, thất vong khi Thầy bị hành hình và chết tất tưởi trên giá gỗ. Chúng ta không thể gặp may mắn hơn “đầy tớ không hơn chủ”. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải giữ vững niềm vui: Thánh Phao Lô trong bài đọc 2 viết: “Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngòai thập giác Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” Lý do vì thập giá ấy là dấu chỉ chắc chắn tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với ông, với nhân lọai, chúng ta và cũng là bằng chứng của ông và của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Không hiểu quí vị nghĩ sao về tư tưởng này? Đời sống ngại hy sinh, yêu thích nhung lụa, tiện nghi xác thịt là câu trả lời của vô số người thời nay.
Điều chắc chắn là chẳng ai yêu thích khó khăn, đau khổ không lý do. Chúng ta phải yêu mến sự sống, giữ gìn sức khỏe để làm vườn nho cho Thiên Chúa. Chính Đức Kitô trong vườn Cây Dầu đã xin Thiên Chúa Cha cho mình khỏi chết. Nhưng khi cần thiết thì chúng ta làm những hy sinh, ngay cả tính mạng, Thánh ý Chúa là tuyệt đối. Nhưng nếu không tập dượt trước thì làm thế nào chúng ta sẵn sàng hy sinh? Cứ ăn ở nhung lụa, rồi bỗng dưng xả thân hy sinh được ngay thì chỉ là phép lạ. Mà phép lạ hiếm lắm. Người ta phải tập luyện hy sinh để thành tập quán, thói quen. Chính vì vậy, mà Phúc Am hôm nay, Chúa sai môn đệ đi rao giảng với điều kiện: Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường, nhưng hãy nói bình an cho nhà này.” Nghĩa là họ không nên mang theo thứ chi ngòai Chúa Giêsu.
Vừa qua đài Chân lý Á Châu kể câu chuyện vui liên quan đến đề tài hôm nay. Xin ghi lại để suy gẫm: Có hai tu sĩ được sai đi loan báo Tin mừng. Một người vui vẻ đi ngay. Người khác đòi hỏi bề trên cho hành lý, tiền nong. Ông ta không chịu đi nếu không được chu cấp, buộc lòng bề trên phải cho ít tiền. Đến quãng sông vắng, trời tối, hai ông định ngủ lại bờ sông nhưng nguy hiểm vì nhiều thú dữ. Ông có tiền liền gọi đò thuê đưa sang sông. Tới nơi, họ tìm được quán trọ an tòan. Ông có tiền liền nói với bạn: Thấy chưa! Không có tiền làm sao qua sông và được thế này? Người bạn trả lời: “đúng là vì Thiên Chúa quan phòng cho anh có tiền nên tôi qua được”. Hai thầy tu đều có lý cả. Ngày nay tiền bạc là quan trọng, đi đâu cũng phải dùng, khắp nơi đều thu lệ phí, qua cầu, đường, quán trọ, xa lộ, nhà hàng, vi tính… Không có tiền thi hành sứ vụ thế nào? Nhưng tu sĩ thứ nhất nhiều lý hơn, vì Lời Chúa là sự thật tuyệt đối và lịch sử Giáo hội đã chứng minh.
Công việc Chúa truyền làm đòi hỏi người ta phải hòan tòan cậy nhờ vào Thiên Chúa, tự thân, môn đệ chẳng làm được. Công việc là của Chúa, hiệu quả cũng là của Thiên Chúa, trách nhiệm thực hiện vẫn là của Ngài. Hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa Tòan năng. Xin đừng đảm nhận trách nhiệm về mình kẻo sinh lòng kêu ngạo. Chúng ta chỉ là đại sứ của Ngài, làm việc cho Ngài, hưởng bổng Ngài trả, chẳng liên hệ chi tới chúng ta. Tu sĩ thứ hai đã tự đảm nhận công việc cho mình. Đó là thái độ chúng ta hôm nay. Liệu có sai lầm không? Lời đầu tiên tôi phải nói với chủ nhà là: Bình an cho nhà này. Làm sao tôi có thể nói như vậy, nếu không đem Chúa Giêsu đi theo? Cho nên chúng ta phải triệt để vâng theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu, tinh thần của Ngài sẽ giải quyết tất cả. Nguyện xin Ngài giúp đỡ chúng ta, những người rao giảng Lời Chúa cho thế gian. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules