GẶP CHÚA PHỤC SINH GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn lễ Chúa nhật thứ hai sau Phục sinh được dành đặc biệt cho việc tôn sùng Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Tất cả mọi người Công giáo tại Việt Nam hôm nay đều rất vui mừng với sáng kiến của Đức Cố Giáo Hoàng.

Riêng đối với tôi, đây là một nguồn an ủi lớn lao. Để cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tôi xin được chia sẻ chút kinh nghiệm riêng tư.

Chia sẻ của tôi xin được bắt đầu bằng một diễn tả đơn sơ.

1/ Kinh nghiệm về bản thân là những chặng đường gồm ba yếu tố

Đời tôi là một chuỗi dài những chặng đường gặp Chúa. Chặng đường nào cũng gồm ba yếu tố sau đây.

a) Yếu tố đầu tiên nổi bật là đau khổ.

Đau khổ gồm nhiều loại dưới nhiều hình thức. Như những bệnh hoạn đau đớn phần xác hầu như bao giờ cũng có. Những yếu đuối luôn theo sát. Những trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai. Những mất mát do sự bất toàn bất xứng của mình. Những cô đơn bênh cạnh biết bao đồng hành xã hội. Những xuất hành lặng lẽ đi tìm hy vọng.

Với những đau đớn thể xác và tâm hồn, tôi đi ngày nọ sang ngày kia như đi trên những đường gập ghềnh, như bơi qua những con sông nguy hiểm, như chui vào những đường hầm tăm tối.

Nhưng nếu ngôn ngữ của tâm hồn là khao khát, thì khao khát của tâm hồn tôi là tìm về Chúa. Và tôi đã gặp Người.

b) Yếu tố thứ hai là gặp được Chúa Giêsu phục sinh.

Chúa Giêsu phục sinh đứng đợi tôi ở những nơi những lúc mà tôi không ngờ. Người đợi tôi, và ban cho tôi ơn tái sinh. Tôi được Chúa đổi mới. Tôi lãnh nhận được những ơn Chúa Thánh Thần.

Với ơn Chúa Thánh Thần, tôi nhận ra rằng:

Chúa yêu thương tôi.
Chúa kêu gọi tôi.
Chúa thánh hoá tôi.
Chúa sai tôi đi.

Tất cả đều là hồng ân. Và tôi nhận ra Chúa là Đấng giàu tình yêu thương xót.

c) Yếu tố thứ ba là nhận ra dung mạo thật của Chúa.

Dung mạo thật của Thiên Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót. Tôi nhận ra rất rõ: Thiên Chúa Tình yêu giàu lòng thương xót không phải là một khái niệm, một lý thuyết, một hình ảnh. Nhưng Người là Đấng thiêng liêng sống động gần gũi tôi.

Khi tôi kết hợp với Người, thì Người giúp tôi nhìn mọi sự với con mắt của trái tim Người.

Người ở lại với tôi. Tôi ở lại trong Người. Nhờ vậy, tôi có thể thấy: Từ thất bại có thể nảy sinh thành công, từ đau khổ có thể nảy sinh vui mừng, từ bế tắc có thể nảy sinh giải thoát, từ nô lệ có thể nảy sinh tự do, từ cõi chết có thể nảy sinh sự sống lại.

Chặng đường như trên không phải chỉ có một. Rất nhiều chặng đường như thế đã nối tiếp nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tôi có cảm tưởng là Chúa để xảy ra như vậy, để tôi luôn ý thức đời tôi là một chuyến đi. Chuyến đi này luôn có bóng tối và ánh sáng chen kẽ nhau.

Nhận thức đó sẽ giúp tôi sống tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Luôn đi tìm Chúa, luôn khao khát vâng phục ý Chúa, luôn biết ngỡ ngàng trước những lạ lùng Chúa làm nơi bản thân tôi và nơi Hội Thánh của tôi.

Tiện đây, tôi cũng xin chia sẻ cái nhìn của tôi về Hội Thánh chứng nhân của tôi.

2/ Kinh nghiệm về Hội Thánh chứng nhân của tôi

a) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường bác ái.

Đã từ lâu, nhưng nhất là hiện nay, Hội Thánh Việt Nam đang làm chứng cho Chúa bằng con đường yêu thương bác ái. Theo lời Chúa Giêsu đã phán: "Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Thực tế cho thấy, việc làm chứng cho Chúa bằng con đường yêu thương bác ái có những bậc đi lên. Những ai biết nhìn con người với con mắt của Chúa phục sinh giàu lòng thương xót sẽ thấy những bậc đó. Nếu chỉ dừng lại những việc bác ái, thì chưa phải là đã bác ái. Cần phải vượt qua các việc bác ái kiểm chứng được bề ngoài, để đi sâu vào những gì Chúa phục sinh giàu lòng thương xót muốn ta đem đến cho con người qua bác ái. Lúc đó mới thấy được việc ta và tha nhân gặp được Chúa trong thực hành bác ái là điều hết sức quan trọng.

b) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường Thánh Thể.


Hơn bao giờ hết, Hội Thánh Việt Nam đang lo xây cất nhà thờ, lo truyền chức nhiều linh mục, lo các thánh lễ được sốt sắng. Với mục đích thực thi lời Chúa dạy xưa về Thánh Thể: "Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19).

Tưởng nhớ đến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là nhớ đến Người vâng phục ý Chúa Cha, dâng mình chịu đau khổ, để hiến tế mình, hầu đền tội cho nhân loại.

Không những tưởng nhớ, mà còn thông công vào việc Chúa hiến tế mình. Đó là một tái sinh cho mình và cho kẻ khác. Điều đó phải là một thúc bách đối với ta, chứ không chỉ là một ý tưởng xa vời.

Vì thế, việc làm chứng cho Chúa bằng phép Thánh Thể càng ngày càng kêu mời chúng ta phải đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể, để gặp Chúa Giêsu, để ở lại với Người, để ra đi theo lời sai đi của Người. Hình như chúng ta còn rất nhiều thiếu sót trong vấn đề này.

c) Hội Thánh làm chứng cho Chúa bằng con đường sống lương tâm tốt lành.

Sống lương tâm tốt lành, đối với người có đức tin, là sống kết hợp với Chúa. Chúa Giêsu phán: "Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây. Các con cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được" (Ga 15,4-5).

Lương tâm của ta có gắn vào lương tâm của Chúa Giêsu một cách mật thiết không?

Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng: Nhiều người đã làm chứng cho Chúa một cách có hiệu quả qua con đường bác ái, qua con đường Thánh Thể, qua con đường sống theo lương tâm tốt lành. Đó là niềm vui phục sinh.

Nhưng bên cạnh niềm vui đó, vẫn còn vô số nỗi buồn. Những nỗi buồn đó là chính đáng. Nhưng Chúa Phục Sinh giàu lòng thương xót vẫn đợi chờ chúng ta.
+ GM G.B. Bùi Tuần