-
Moderator
C - Chân dung linh mục Việt Nam: LM Phêrô Nguyễn Văn Kiều
Chân dung linh mục Việt Nam: LM Phêrô Nguyễn Văn Kiều
LM Phêrô Nguyễn Văn Kiều (1903-1971)
1903: Sinh tại xứ Quan Lãng, giáo phận Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An
1916: Vào tiểu chủng viện Xã Đoài, giáo phận Vinh
1924: Thầy giảng giúp xứ Đồng Tháp, Thành Trài và Thanh Bích
1930: Học trường lý đoán (đại chủng viện) Xã Đoài
21/12/1935: Thụ phong linh mục tại Xã Đoài
1936: Phó xứ Thọ Hoàng, giáo phận Vinh
1937: Chánh xứ Yên Phúc, giáo phận Vinh
1941: Chánh xứ Bột Đà, giáo phận Vinh
1942: Chánh xứ Làng Truông, giáo phận Vinh
1952: Quản hạt Ngàn Sâu, giáo phận Vinh
1955: Di cư vào miền Nam
1955: Chánh xứ Vinh Hà, Bình Giã, nay thuộc giáo phận Bà Rịa
1955-1971: Chánh Xứ Vinh Hà – Bình Giã
28/4/1971: Qua đời tại bệnh viện Sùng Chính, Sài Gòn
02/5/1971: An táng tại khuôn viên thánh đường xứ Vinh Hà, Bình Giã, nay thuộc giáo phận Bà Rịa.
Trong Năm Linh mục, Hội đồng Giám mục Việt Nam gợi ý cho chúng ta đi tìm những mẫu gương sống cho đời linh mục, không phải từ những vị thánh chói ngời nhân đức, nhưng từ những mục tử giản đơn, bình dị, đã từng hiện diện giữa đoàn chiên nơi các giáo phận. Nhìn vào cách sống của những người đi trước, chúng ta không đòi hỏi một mẫu hình tuyệt hảo trong mọi lãnh vực, nhưng chỉ mong bắt gặp những đường nét khắc họa lại khuôn mặt của Vị Mục Tử nhân lành, những điển hình minh họa cho nếp sống của đời tận hiến vì Nước Trời.
Từ cuộc đời cha Phêrô Nguyễn Văn Kiều, một trong những vị tiền bối của linh mục đoàn giáo phận Bà Rịa, chúng ta xin được ngắm nhìn mẫu gương của người môn đệ thân tín đồng thời cũng là một mục tử đầy yêu thương.
“Ở lại trong tình yêu của Thầy”
Hình ảnh cha xứ lặng lẽ cầu nguyện trong nhà thờ ngoài những giờ phụng vụ hằng ngày, đã là một ấn tượng khó phai nơi những người ở bên cạnh cha Phêrô. Khi kể về nếp sống thường ngày của cha, người dân Vinh Hà luôn phải sử dụng điệp khúc “cha lại ra nhà thờ…” Những giờ kinh Nhật tụng, những tràng kinh Mân côi kính Đức Mẹ, những giây phút cầu nguyện riêng, và cả đến việc đọc sách thiêng liêng, cha đều thực hiện trước Thánh Thể. Ngôi Nhà Chầu đã như là điểm hẹn thân quen, nơi mà cả sáng trưa chiều, mỗi khi có được thời gian, cha lại tìm đến. Nếu nhà xứ là nơi cha tiêu hao chính bản thân mình khi phục vụ đoàn chiên, thì nhà thờ là nơi cha tìm lại sức mạnh thiêng liêng từ Thánh Tâm của Đấng Mục Tử nhân lành. Chắc hẳn lòng yêu mến Thánh Thể đã làm nền cho các nhân đức cũng như nếp sống thanh tịnh, vâng phục và khó nghèo rất nổi bật nơi cha Phêrô. Đó còn là động lực cho các thực hành đạo đức cá nhân như hy sinh hãm mình, kể cả ăn chay đánh tội, cùng với thái độ cung kính và sốt sắng khi chầu Thánh Thể, nhất là khi cử hành Thánh lễ, đến độ cha đã nhiều lần bật khóc khi đọc lời Truyền phép.
Lòng mến Chúa của cha Phêrô còn như được củng cố nhờ vào tâm tình yêu kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Với tràng chuỗi luôn mang trong người, cha thầm thĩ những lời kinh Mân côi gần như liên lỉ suốt ngày để dâng kính Mẹ.
Nếu những tâm tình và cách thể hiện lòng đạo đức chỉ là cá biệt của riêng cha Phêrô, thì lòng yêu mến Thánh Thể của người đi trước vẫn có thể trở thành mẫu gương cho chúng ta hôm nay. Chắc chắn ai cũng thâm tín về sức mạnh của tình yêu Thánh Thể, ai cũng muốn đáp trả tiếng gọi của tình yêu Thánh Tâm, nhưng việc thường xuyên đến cầu nguyện trước Nhà Chầu ngoài những giờ phụng vụ phải chăng đã không còn là thực hành, có khi cả không là ý định, nơi nhiều linh mục của thế hệ chúng ta? Việc viếng Thánh Thể phải chăng đã lâu lắm rồi, thậm chí là chưa bao giờ, được đặt vào trong thời khóa biểu hằng ngày? Không vào nhà thờ sớm, dù chỉ năm mười phút trước giờ dâng lễ, rời phòng áo ngay khi vừa thay xong lễ phục. Thời gian có mặt tại nhà thờ chỉ vỏn vẹn vừa đủ cho việc cử hành các bí tích, phải chăng đã đủ để thể hiện lòng yêu mến?
Nhìn vào gương cha Phêrô, chúng ta chỉ mong có thêm những giây phút cầu nguyện trước Thánh Thể, tạo lại những gặp gỡ thân tình, dù biết rằng đây chỉ là một thể hiện bên ngoài, để có thể cảm nghiệm được tâm tình của người môn đệ muốn “ở lại trong tình yêu của Thầy”, để cầu nguyện cho mình và cho đoàn chiên, đồng thời để kín múc nguồn sức cho đời tông đồ.
“Như Thầy yêu thương”
Nếu phải kể về cha Phêrô, những giáo dân trong các xứ mà cha đã coi sóc sẽ nhắc ngay đến cách cha yêu thương mọi người. Cuộc đời cha qua đi, nhưng vẫn còn lưu lại mãi những ký ức về một cha xứ hiền lành, ân cần, tận tụy và nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên. Cha tận tâm phục vụ những người chung quanh cả phần hồn lẫn phần xác.
Đối với mọi người, lòng yêu thương được thể hiện ngay trong cách cha vui vẻ tiếp đón những ai đến xin cha giúp đỡ, dù là để xin thuốc chữa bệnh hay để xin xưng tội, xức dầu bệnh nhân. Cha tìm đủ cách để giúp đỡ những người túng nghèo hoặc đau bệnh, từ việc phát thuốc miễn phí, đến việc đích thân băng rửa vết thương ghẻ lở, từ việc gửi tiền hoặc quà bánh, đến việc đi tới tận nhà thăm viếng, ủi an. Cha chân thành thương mến mọi người, không phân biệt lương giáo, già trẻ, giàu nghèo. Ngay cả sau khi cha đã qua đời, cho đến hôm nay, hằng ngày vẫn có nhiều người tìm đến cha, với ước mong gặp được niềm an ủi, hoặc xin cha bầu cử cho trước Nhan Chúa, ngày giỗ cha hằng năm (28/4), nhiều người đến thánh đường xứ Vinh Hà tham dự thánh lễ và viếng mộ phần của cha để tỏ lòng yêu mến và tri ân.
Đối với đoàn chiên xứ đạo, tấm lòng mục tử của cha Phêrô Nguyễn Văn Kiếu đã biến cha nên người phục vụ không biết mệt mỏi. Có thể nói, cha không còn nghĩ đến bản thân khi phải lo cho các linh hồn. Đặc biệt trong việc trao ban bí tích hoà giải, cha Phêrô không hề giới hạn giờ giấc, thậm chí có lần cha đang dùng bữa, có người đến xin xưng tội, cha lập tức bỏ ngang bữa cơm, mặc áo dòng đi ra nhà thờ giải tội, sau đó mới trở vào ăn tiếp. Vào các dịp lễ trọng, bởi thương giáo dân hơn cả bản thân, cha dành lấy phần mệt về mình để nhiều người đỡ mệt, nên cha sẵn sàng đạp xe đến tận các nhà nguyện giáo họ để giải tội. Theo cha, “giải tội cho kẻ có tội là nhiệm vụ hàng đầu của linh mục. Cần đem tình thương cho họ đi tìm Chúa để được bình an trong tâm hồn, nên mình phải hy sinh giấc ngủ, giờ ăn hoặc các công việc phần xác khác”.
Dĩ nhiên, cách hành xử của cha Phêrô có thể phần nào quá đặc biệt, nếu không nói là quá đáng, nhưng chính sự “quá đáng” này của đức ái mục tử lại trở nên lời chất vấn cho chúng ta bây giờ. Nếu những mục tử như lòng Chúa mong muốn, hôm qua cũng như hôm nay, không chỉ dẫn chiên đi bằng đôi tay và khối óc, mà còn phải bằng cả trái tim của mình, thì có đúng chăng khi chúng ta đặt giới hạn cho đức ái, và sợ những “quá đáng” của tình yêu ? Có đúng chăng khi chúng ta đặt ưu tiên cho thời giờ và sức khoẻ bản thân, chỉ làm việc trong những giờ “hành chánh”, để rồi chưa dám như Chúa “yêu thương những kẻ thuộc về mình, và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1)?
Đi tìm một mẫu gương, có lẽ chúng ta không muốn chỉ thấy được trong đó bóng hình của người đã đi trước, nhưng đúng hơn, chúng ta muốn nhận ra chính mình trong hiện tại. Một thoáng nhìn vào cuộc đời cha Phêrô, thật ra chỉ là để có cơ hội nhìn kỹ hơn vào chính mình, và cuối cùng, dù có nhìn vào ai, mắt chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ rời khỏi Đức Kitô Mục Tử, mẫu hình tuyệt hảo và ngàn đời sống động cho những kẻ Người đã gọi làm môn đệ và đã chọn làm tông đồ.
GP Bà Rịa
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules