Xã hội » Chuyện thường nhật
Sự thật khủng khiếp về sữa đậu nành đường phố
Hàng triệu người Việt uống sữa đậu nành đường phố sẽ rất run sợ khi đọc được những thông tin khủng khiếp dưới đây.
>> Nhìn ảnh này, ai còn dám uống sữa đậu nành?
Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM từng phân tích sữa đậu nành đường phố và kết quả mang lại thực sự đáng quan ngại. Hàng loạt vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy, nấm mốc nguy hiểm đều có mặt trong các mẫu sữa đậu nành đường phố với tỷ lệ cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần tỷ lệ cho phép. Đó là vi khuẩn Bacillus cereus nhiều gấp 900 lần tiêu chuẩn cho phép, vi khuẩn Clostrisdium perfringens gấp 30.000 lần chỉ tiêu cho phép; Vi khuẩn Coliforms, E.coli gấp 250 lần, nấm men, mốc, TPC – sinh vật hiếm khí gấp 6.800 lần.
Việc chế biến sữa thủ công, tay không đeo găng… là nguyên nhân khiến nhiều vi khuẩn có hại có mặt trong sữa đậu nành.
Ở phía Bắc, rất nhiều trường hợp nhập viện vào Trung tâm Chống độc Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai – vì ngộ độc sữa đậu nành là do tụ cầu vàng gây nên. Sở Y tế Hà Nội xác định, có tới 70% lượng sữa đậu nành bán trên thị trường là do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chế biến.
Ngoài ra, ngộ độc sữa đậu nành còn từ nguồn nguyên liệu làm sữa là đậu bị nấm mốc với các độc tố Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong đậu ẩm mốc rất độc và có thể gây ra ung thư gan.
Trước những "dị vật" nguy hiểm xuất hiện trong sữa đậu nành đường phố, thực phẩm vốn xem là tốt cho tất cả mọi người, BS.ThS Lê Thị Hải, Trưởng khoa khám bệnh Viện Dinh dưỡng Quốc gia điểm mặt chỉ tên nguồn gốc xuất xứ của các vi khuẩn này.
- Với "kẻ không mời mà đến" trong sữa đậu nành đường phố là khuẩn tụ cầu vàng, thưa bác sĩ, công đoạn nào mà khuẩn tụ cầu vàng có thể thâm nhập sữa và gây ra tiêu chảy, ngộ độc cho người dùng?
BS.ThS Lê Thị Hải, Trưởng khoa Khám bệnh Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
BS.ThS Lê Thị Hải – Trưởng khoa khám bệnh Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Khuẩn tụ cầu vàng vốn có trên da tay của người làm. Tụ khuẩn này sống trong các bàn tay bị mụn nhọt, chín mé, sưng mủ ngoài da. Khi người ta chế biến sữa bằng tay không đi găng thì đương nhiên, tụ cầu vàng sẽ trôi vào sữa thành phẩm trong quá trình sang chiết. Hoặc người ta không đun sôi nước đậu nành để tụ khuẩn vàng chết đi. Nhưng với loại khuẩn này, chúng có khả năng gây độc bằng nội độc tố. Nên cho dù có đun sôi sữa, khi tụ cầu vàng chết đi thì chúng vẫn tiết ra nội độc tố gây nguy hiểm.
Khi uống sữa có tụ cầu vàng, người uống sẽ bị nhiễm khuẩn, đủ liều lượng sẽ bị ngộ độc và đi ngoài.
- Các nhà khoa học còn tìm thấy vi khuẩn E.coli, Coliforms có trong sữa đậu nành đường phố. Nhưng các loại vi khuẩn này vốn sinh sống nhiều trong phân người.
E.coli có trong phân và nguồn nước. Người chế biến sữa không đeo găng tay, đi vệ sinh xong không rửa tay thì lây nhiễm sang sữa là bình thường. Coliform cũng là loại vi khuẩn có trong phân người, phân động vật. Quá trình lây nhiễm cũng tương tự. Nếu sữa được đun sôi có thể giết được các vi khuẩn này, nhưng nếu chúng thâm nhập trong quá trình sang chiết sữa thành phẩm thì sao?
Rồi dụng cụ nhiễm khuẩn. Đặc biệt là nguồn nước dùng làm sữa là nước giếng, nước không hợp vệ sinh như nước ao hồ sông ngòi, nước giếng khoan ở gần nhà vệ sinh… thì chắc chắn là nhiễm khuẩn.
- Người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng đỗ làm sữa đậu nành là từ đỗ mốc, đỗ cũ. Đỗ này làm nguyên liệu đầu vào thì sẽ có nguy cơ gì, thưa bà?
Một điều chắc chắn là đỗ đã bị mốc thì sữa uống không còn thơm, ngon nữa. Đỗ mới làm sữa rất thơm, ngậy. Còn sữa đã mốc rồi thì không thơm, không đặc, uống có mùi hôi. Còn nguy cơ cao nữa khi đỗ đã bị mốc, nếu uống số lượng lớn sẽ bị tiêu chảy. Nguy cơ lâu dài là tất cả các thức ăn mốc đều gây ra ung thư.
- Với những dị vật trên thì sữa đậu nành đường phố quả là ổ dịch tiềm ẩn cho tất cả mọi người và chúng ta không nên uống sữa đậu nành nữa khi có tới 70% sữa đậu nành bán trên thị trường có xuất xứ từ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công, nhỏ lẻ?
Với thức ăn đường phố, không chỉ riêng sữa đậu nành, mà còn bún, phở… đều có nguy cơ gây ngộ độc cao. Bây giờ đụng đến cái gì mà không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, những người lao động nghèo, xưởng sản xuất trong ngõ ngách… lấy đâu ra vệ sinh? Dụng cụ chứa sữa bằng nhựa, thùng đựng sơn độc hại… người ta vẫn đang dùng. Nhưng chẳng cơ quan nào đủ sức đi kiểm tra hết vì quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ.
Theo tôi, nếu có thời gian mọi người nên tự làm sữa đậu nành và uống hằng ngày. Nếu không, hãy mua sữa của các hãng uy tín, có hệ thống máy móc khép kín, có thiết bị tiệt trùng…
Sữa đậu nành luôn tốt cho tất cả mọi người, nhất là với người già, phụ nữ ngoài 40 tuổi vì sữa có hàm lượng canxi cao, chất đạm nhiều. Đặc biệt là có chất nội tiết tố từ nguồn gốc thực vật rất tốt cho phụ nữ.
Nam giới uống sữa đậu nành cũng rất tốt, vì có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu thấy sữa này không ảnh hưởng gì đến nam giới. Ở Inđônêxia có món tempe, làm từ sữa đậu nành lên men, người dân ăn uống hàng ngày mà không có ảnh hưởng gì đến nam giới.
- Xin cảm ơn bà!
Những vụ ngộ độc tập thể do uống sữa đậu nành
14h ngày 13/3/2007, sau buổi ăn nhẹ (uống sữa đậu nành), nhiều học sinh bán trú Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng kêu đau bụng và nôn mửa. Nhân viên y tế của trường lập tức cho các học sinh uống thuốc tiêu nhưng vẫn không thuyên giảm, nhiều em học sinh khối lớp 4 càng thấy khó thở. Nhà trường đã cấp tốc chuyển gần 20 em có triệu chứng nặng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Xuyên. Đến khoảng 17h, nhiều em đã xuất viện, chỉ còn 4 em phải nằm lại để theo dõi. Ban Giám hiệu Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng xác định nguyên nhân gây ngộ độc là do uống sữa đậu nành.
9/9/2009: 83 học sinh tiểu học Trường Tân Vĩnh Hiệp A, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngộ độc sữa đậu nành. Hơn 20 em được phụ huynh đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, 15 em được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa huyện Tân Uyên. Còn 49 em khác được đưa vào Trạm y tế xã Tân Vĩnh Hiệp. Trong ngày, nhiều em đã dần hồi phục sức khỏe và được bác sĩ cho về.(Theo VTC)