CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY B

Tâm hồn con sẽ được dọn sạch để đón Chúa
`

Xh 20: 1-17; Tv 19; I Cor. 1: 22-25; Ga 2: 13-25

Anh chị em thân mến,

Vì có dịp đi nhiều nơi, tôi thường nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô trong các nhà thờ, trường học, nhà tĩnh tâm, nhà ở v.v.. Trong số hình ảnh đó, tôi hiếm khi nhìn vào hai lần vì có vẻ giả tạo. Tôi không hiểu tại sao những hình đó lại có thể gây những vấn đề thắc mắc cho giới chức trong và ngoài tôn giáo thời ấy. Trong những hình đó, Chúa Giêsu có vẻ dễ mến lắm. Vậy sao lại có người muốn giết Ngài? Tuy Ngài là người đã phải đối đầu với Xatan trong sa mạc, và Ngài đã thắng. Trong Phúc âm hôm nay, Ngài vào Đền Thờ đuổi những người buôn bán, lật đổ bàn đổi tiền. Thật không hiểu được, vì Ngài có vẻ là một người hiền hậu như các hình tượng mô tả.

Hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về các hình ảnh của Chúa Giêsu, khi nhìn vào các ảnh tượng đó để thấy được sự giận dữ của Ngài phát xuất tận trong đáy lòng. Đây là người như các Ngôn sứ của sách thánh Do Thái, và người tiền hô là Gioan Tẩy Giả. Là một người mà do lời nói và việc làm của mình lại bị án tử hình. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại giận dữ đến thế?

Những người buôn bán và đổi tiền vào trong đền thờ để làm ăn. Đó là những khu vực được phép kinh doanh, nhất là trong những dịp đặc biệt tựa như trong dịp lễ Vượt Qua này. Nhiều người hành hương từ xa đến dự lễ. Đáng lý họ phải mang con vật từ nhà đến để hiến tế nhưng họ lại đến đó để mua cho tiện. Những người đổi tiền rất quan trọng, bởi lẽ những người hành hương phải đổi tiền của đất nước họ, làm sao họ có thứ tiền của Đền Thờ, vì tiền này chỉ nhận ở Đền Thờ mà thôi. Tiền Hy lạp và tiền La-mã có hình và chữ ghi là César là Chúa, vì thế không được chấp nhận trong việc tế lễ ở Đền Thờ. Bởi vậy mới có người đổi tiền và bàn đổi tiền, một dịch vụ hết sức quan trọng. Vậy điều gì đã tạo thành vấn đề phức tạp ở đây?

Trước kia, những chỗ buôn bán và đổi tiền ở ngoài đền thờ, trong cánh đồng Kirdron gần núi Olive. Sau này họ được phép dọn ngay vào đền thờ để buôn bán, trao đổi. Việc buôn bán này thịnh vượng lắm, nhưng Chúa Giêsu đã tức giận, có lẽ là vì họ gian lận với những người hành hương. Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán và đổi tiền một cách giận dữ, nhưng Ngài lại tử tế hơn với những người bán chim bồ câu, anh chị em có thấy vậy không? Với những người này Chúa nói: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán". Bồ câu là vật người nghèo cần mua để tế lễ, tạ tội và thánh hiến (Lv. 5:7). Vì thế Chúa Giêsu tử tế với người nghèo.

Đến đây tôi lại để ý đến những trò chơi có tính bài bạc ở vài nhà thờ để gây quỹ cho giáo xứ. Có những bảng quảng cáo trò chơi Bingo (như chơi lô-tô ở VN), còn lớn hơn bảng tên nhà thờ nữa. Có người gọi giáo xứ đó là “giáo xứ thánh Bingo".

Hiện giờ tôi đang giảng tại một giáo xứ, và tôi đưa quan điểm về những trò cờ bạc trên để hỏi ý kiến cha xứ. Cha xứ nói: khi người giáo dân bước chân vào nhà thờ, họ phải thấy ngay những dấu chỉ của nhà thờ, họ không thể thấy được một dãy bàn để chơi bạc hay để bán vé số. Cha xứ công nhận là phải gây quỹ cho giáo xứ, nhưng ở giáo xứ này thì những việc đó được làm ở ngoài nhà thờ. Cha cũng nghĩ là không nên để nhiều quảng cáo quá, phải dẹp bớt đi. Giáo dân phải cảm thấy được chào đón khi họ đến nhà thờ. Cha đang tổ chức một số người trong giáo xứ đứng trước cửa nhà thờ để chào đón người đến dự lễ, họ không phải là những người xin tiền. Và hơn nữa, theo ngài, người nghèo cũng được đón tiếp như những người khác.

Trong việc dọn dẹp Đền Thờ, Chúa Giêsu thực hiện việc mà các Ngôn Sứ đã nói trước kia. To-bia (14:7-10) và Za-ca-ria (14:1-20) đã nói: Sẽ có ngày không còn buôn bán trong đền thờ. Người Do Thái đi hành hương lên Đền Thờ để làm lễ rửa sạch chân tay mặt mày trước khi dự lễ Vượt Qua. Giờ đây, Chúa Giêsu đến quét dọn sạch Đền Thờ, làm cho Đền Thờ nên mới để gặp Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là "Nhà của Thiên Chúa", và lời hứa đã được thực hiện trong Ngài.

Trong Phúc âm thánh Gioan, ta thường thấy những đoạn nói đến "Nhà Cha Ta". Trong việc này, Chúa Giêsu chứng tỏ sự liên hệ của Ngài với Thiên Chúa. Câu nói đó chứng tỏ Ngài là vị Cứu Thế, ai tin ở Ngài sẽ được đến cùng Thiên Chúa và được hưởng sự sống vĩnh cửu (Ga 14:2). Như vậy, Chúa Giêsu khi đề cập đến mình như là đền thờ mới, Ngài nói "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại"(Ga 2:19)

Dọn dẹp Đền Thờ là một việc quan trọng, vì trong bốn Phúc âm đều nói đến. Thánh Gioan đổi ngày giờ của sự việc để đặt vào phần đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Ba Phúc âm kia đặt vào phần sau câu chuyện Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem. Trong Phúc âm thánh Gioan thì Chúa Giêsu vừa làm phép lạ nước hóa rượu (Ga 2:1-11), và bây giờ Ngôn Sứ Giêsu vào Đền Thờ và tự xưng mình chính là Đền Thờ. Và trong lúc nói về sự chết của Ngài, Ngài nói sẽ "xây" lại Đền Thờ trong ba ngày. Khi đặt việc dọn dẹp Đền Thờ vào đầu Phúc âm, thánh Gioan giới thiệu, đề tài sẽ liên tục diễn biến dưới hình thức văn kể chuyện. Người đọc Phúc âm sẽ thấy hành động của Chúa Giêsu nhằm chứng tỏ Ngài thực hiện các lời Ngôn sứ từ chuyện trong Đền Thờ đến các câu chuyện khác. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu làm cho con người được thấy ánh sáng (là tạo vật đầu tiên); Ngài tha tội (tha tội cho tổ tiên loài người đã xa rời Thiên Chúa); Ngài ban nước hằng sống cho những kẻ tin Ngài (Ngôn sứ Ezekiel trông thấy nước chữa lành chảy ra từ bên phải Đền Thờ (47:1-3). Ngài làm cho Lazarô sống lại, và Ngài sẽ chết cũng như sẽ sống lại ngày thứ ba như Ngài đã nói trong Đền Thờ.

Chúa Giêsu bày tỏ sự tức giận của Thiên Chúa khi mọi sự tốt đẹp mà Chúa đã làm để giúp loài người, bị lòng tham lam của con người phá hoại. Nhưng lòng thương xót luôn còn đó đối với những ai muốn được thương xót. Tuy vậy chúng ta vẫn không quên sự tức giận của Chúa Giêsu mổi khi Ngài thấy sự bất công, hay chứng kiến những việc làm ngăn cản những kẻ muốn tìm đến Thiên Chúa. Thí dụ như một người nghèo có thể không đủ sức dâng của lễ vào Đền Thờ. Trong lúc họ vẫn được vào Đền Thờ, và người đó vẩn cảm thấy mình thấp hèn, bất xứng để nghe lời Chúa không như những người khác quanh họ. Thật ra, đối với Chúa Kitô, người nghèo và những người tận cùng của xã hội là những người có nhiều ơn phước nơi bàn tiệc Chúa. Họ là những kẻ được đón chào bởi Chúa Kitô và trong "Nhà của Thiên Chúa"


Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
Lm. Jude Siciliano, OP