Đức TGM Hà Nội và LM Tổng Thư ký UBBAXH thăm bà con vùng lũ trong TGP Hà Nội

Hà Nội − Ngày 23-11-2008, ngày Lễ Chúa Kitô Vua, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM. TGP. Hà Nội, đã dẫn đầu một đoàn đến Giáo xứ Đồng Chiêm, thuộc TGP. Hà Nội, nơi đã bị ngập lụt và chịu thiệt hại nặng nề sau trận mưa to vào đầu tháng 11 vừa qua. Mục đích của chuyến viếng thăm lần này là để tiếp tục an ủi, động viên những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ, đồng thời cũng để thẩm định tình hình thiệt hại nhằm hỗ trợ phục hồi cho giáo dân xứ Đồng Chiêm một cách hiệu quả hơn. Trước đó, ngài đã cử Cha Tổng Quản lý, Cha phó Văn phòng, các thầy chủng sinh và một số dòng tu đến cứu trợ nơi đây.


Đức TGM Kiệt và Cha Nguyễn ngọc Sơn thăm vùng lũ lụt

Ngoài Đức Tổng Giuse, đoàn còn có Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH), Lm. Giuse Nguyễn Bình An, Việt Kiều Mỹ, anh cả trong gia đình linh tông với Đức Tổng Giuse; Sr. Anna Nguyễn Thị Mai Trang, OSP, thuộc UBTTXH, Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiện ngụ tại Nhà Hưu dưỡng Hà Nội ở TP. HCM, đang dịp công tác ở Hà Nội; Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, Thư ký TGM. Hà Nội, cùng với 2 thầy dự tu của TGP. Hà Nội.

Tình từ ngày lũ về Hà Nội đến nay đã non một tháng, nhưng nhiều cánh đồng 2 bên đường về ngoại thành nước vẫn còn trắng xoá. Đường vào Đồng Chiêm tuy không còn lầy lội như mấy tuần trước do nước đã dần rút đi từ 5 ngày nay, nhưng tài xế cũng phải cho xe chạy lòng vòng mới vào đến nhà thờ vì nhiều đoạn đường bị hỏng hoặc đang sửa chữa dang dở.

Gác lại những sầu buồn sau những đau khổ, mất mát, những giáo dân xứ Đồng Chiêm hôm nay tràn nập niềm vui, đơn giản vì họ đang nao nức đón Đức Tổng Giuse. Ngay trên con đường nhỏ dẫn vào nhà thờ, khi thấy xe của đoàn đến từ đàng xa, hàng trăm em thiếu nhi vùng chạy ra đón ngài như một bầy ong vỡ tổ, cùng giúp đẩy xe qua đoạn đường hỏng, rồi chạy trước đón rước ngài đến nhà thờ trong tiếng reo hò vui mừng. Tại đây đã có đông đảo bà con xếp thành hàng rào chờ đón, rước ngài vào nhà thờ. Sau chào đón và thăm hỏi của Đức Tổng Giuse và Linh mục Tổng Thư ký UBBAXH, tất cả cộng đoàn giáo xứ bắt đầu Thánh lễ đồng tế tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

Giáo xứ Đồng Chiêm gồm 4 họ đạo (họ Nhà xứ, Bắc Sơn, Phú Cốc, Phú Thanh) với khoảng 3.400 giáo dân, thuộc huyện Mỹ Đức, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km về hướng nam. Chỉ trừ họ Phú Cốc, 3 họ còn lại đều bị ngập, trong đó họ Bắc Sơn là ngập nặng nhất; do Đồng Chiêm là vùng trũng, hầu hết nằm ngoài vùng đê bao của huyện Mỹ Đức. Hằng năm, Giáo xứ Đồng Chiêm đều chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng thường chỉ ngập đường làng, chứ không như trận mưa lũ lịch sử 2008 này. Nước mưa ngập tràn nhiều ngày làm cho gia súc, gia cầm chết sạch, đồ đạc trong nhà trôi hết; cá trong ao vì vậy cũng theo con nước mà trôi đi. Con số thiệt hại cho Đồng Chiêm đến nay đã lên đến trên dưới 10 tỷ đồng.

Về việc cứu trợ, theo Lm. Giuse Nguyễn Văn Liên, phó xứ Đồng Chiêm, 2 ngày sau khi xảy ra tình trạng ngập lụt, Đại diện Hội Chữ Thập Đỏ của Thành Phố có xuống xem xét, cứu trợ nhưng chỉ với số lượng thật ít ỏi, tính trung bình mỗi gia đình nhận được 3 gói mì. Còn sau đó thì không thấy cơ quan nào của chính quyền đến nữa. Cho đến nay, việc cứu trợ chủ yếu đến từ phía giáo quyền: Toà TGM. Hà Nội, các dòng, các giáo xứ bạn… gồm mì gói, gạo, mền, quần áo, sách vở, thuốc men… Sự quan tâm này đã làm cho giáo dân Đồng Chiêm vô cùng cảm động. Cha sở Giáo xứ Đồng Chiêm đã chia sẻ: “Ngập lụt có thể cuốn trôi nhân mạng, nhà cửa, tiền bạc, nhưng nó không thể cuốn trôi được tình thương của Thiên Chúa và Giáo Hội, mà cụ thể là các ân nhân đã rộng lượng chia sẻ với giáo dân xứ Đồng Chiêm”.

Vì hôm nay là Ngày Lễ kết thúc Năm Phụng vụ, Giáo Hội long trọng tôn phong Chúa Kitô làm Vua, nên những lời chia sẻ của Đức Tổng Giuse ở đầu lễ, trong bài giảng, cũng như ở cuối lễ, luôn nhấn mạnh đến Vị Vua Tình Yêu. Vị Vua này đến xét xử thế giới với một cách thức thật lạ lùng. Ngài không xét xử người ta về những việc gì lớn lao, mà chỉ xét xử về một điều duy nhất, đó là về tình yêu, tình yêu này thể hiện qua những hành động bác ái của chúng ta đối với những người nghèo, những người bé mọn, cho dù là những hành động nhỏ nhặt nhất, mà lắm lúc chúng ta đã quên sót. Thi hành Đức Bác ái chính là tinh thần của công dân Nước Trời.

Ngài cũng mời gọi mọi người hãy cảm tạ Chúa vì qua cơn ngập lụt này, tuy có những khó khăn, khổ sở và mất mát, nhưng người dân xứ Đồng Chiêm cũng nhận được một trận lụt tình thương đến từ những ân nhân xa gần: từ giáo phận, từ Hội đồng Giám mục, từ các cơ quan quốc tế, từ Toà Thánh… Và ngài nhắn nhủ phải làm sao khi đón nhận được tình thương này rồi, nó phải được nhân lên, phân phát cho những người xung quanh, theo tinh thần tương trợ: người có nhiều giúp người có ít hơn, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, ngay cả đối với những người không Công giáo.

Nhân dịp viếng thăm này, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cũng thay mặt UBBAXH cầu chúc cho Giáo xứ Đồng Chiêm can đảm vượt qua cơn thử thách này, dù có đau khổ nhưng chúng ta hãy gắn bó với Vị Vua Tình Yêu, chính Người hiểu được thân phận con người của chúng ta, chia sẻ những đau khổ của chúng ta, để từ nỗi thiệt hại của mình, chúng ta lại tiếp tục vươn lên và có khả năng chia sẻ tình bác ái cho người khác. Cha Sơn cũng cho biết UBBAXH đã chuẩn bị nguồn tài chính để hỗ trợ phục hồi cho Đồng Chiêm.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng cũng đã có giờ tiếp xúc thân tình với bà con giáo dân, thăm hỏi cha con anh Phêrô Trần Văn Công, chồng của Chị Hân, người đã thiệt mạng tại họ đạo Bắc Sơn trong trận lũ vừa qua. Đoàn cũng được quý Cha dẫn đi thăm và tặng quà, tiền cho một số gia đình vừa nghèo lại vừa nhiễm HIV trong giáo xứ. Hậu quả sau cơn ngập lụt ở Đồng Chiêm đã để lại những căn nhà nhếch nhác, ẩm mốc, ruồi muỗi… Ai có thể ngờ rằng trong một xứ đạo nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa như Đồng Chiêm lại có đến 20 gia đình có người nhiễm HIV. Đây là hậu quả của những người đi làm ăn xa, do thiếu hiểu biết nên đã nhiễm phải căn bệnh thế kỷ này. Trong hoàn cảnh nghèo nàn và thiếu hiểu biết như thế, chính những bệnh nhân này cũng không biết cách tự chăm sóc mình và cũng không biết cách để bảo vệ những người thân khỏi lây nhiễm. Nhiều gia đình không đủ tiền để xét nghiệp xem người thân của họ có bị lây nhiễm hay không. Đáng thương nhất vẫn là những đứa con tội nghiệp của họ.

Rời Đồng Chiêm, đoàn theo Lm. Giuse Đào Bá Thuyết đến thăm xứ Gò Mu (thuộc huyện Kim Bôi), và Quèn Danh (một họ đạo của xứ Gò Mu, thuộc huyện Mỹ Đức), là 2 địa điểm Cha đang coi sóc. Giáo xứ Gò Mu đang trong giai đoạn xây dựng, sắp hoàn thành. Còn họ đạo Quèn Danh có thể xem như một “ốc đảo” của Hà Nội. “Quèn Danh” đã nói lên được phần nào cái xót xa như chính tên gọi của nó. Chẳng ai biết cái tên “Quèn Danh” xuất phát từ đâu, bao giờ, nó như tượng trưng cho một địa điểm, cho những dân “quèn”, không được mấy ai quan tâm, ngó ngàng đến. Nó cũng có thể gọi là “vô danh” nếu không được các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phát hiện ra vào năm 1988. Chính các Cha đã đến dạy chữ, dạy giáo lý và đưa họ ra khỏi tình trạng “ngợm” để sống cho ra “người” hơn. Còn trước đó, cuộc sống của họ gần như hoang dã, sống quây quần bên nhau, hang động là nhà, nơi thờ tự là tượng Đức Mẹ được treo trên nóc hang. Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, các Cha lại cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh cho họ ngay trong hang động này. Dần dần các cha cho bắt điện, giúp họ làm nhà ở, rồi xây nhà nguyện ở ven sườn núi đá. Hỏi các em ở đây có biết gì về nơi mình ở hay không thì được cho biết “chúng cháu không biết, khi có trí khôn thì đã thấy mình sống ở đây rồi”.

Đón đoàn vào Quèn Danh là hơn 10 chiếc thuyền nhỏ xíu được gò bằng tôn mỏng manh, có nguy cơ lật úp bất cứ lúc nào. Bình thường nếu không ngập nước, bà con đi lại bằng con đường mòn men theo chân núi đá rồi đi ra con đường đất ra đến đê. Nhưng những lúc ngập lụt như thế này thì họ phải dùng thuyền. Đoàn dừng xe ngày trên bờ đê rồi xuống những chiếc thuyền con mỏng manh tiến vào làng.

Nói là làng cho oai chứ nơi đây chỉ vỏn vẹn 114 nhân khẩu. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn và nghèo nàn. Thu nhập chính chủ yếu dựa vào mảnh đất nhỏ bé mà mỗi năm chỉ làm được một vụ, ngoài ra không có một nghề phụ nào ngoài mò cua bắt ốc để sống qua ngày. Việc học của các em rất khó khăn, do chỉ là một nhóm nhỏ nên không được chính quyền địa phương quan tâm. Những người lớn thì hoàn toàn mù chữ, còn các em nhỏ thì hiện nay chỉ được 2 em có trình độ cao nhất là lớp 6, nhiều em chưa được đến trường.

Sự hiện diện của Đức Tổng Giuse làm cho bà con nơi đây vô cùng cảm động. Điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của họ. Ngài đã nói chuyện với họ một cách thân tình ngay trong chính ngôi nhà nguyện bé nhỏ. Ngài động viên họ hãy tiếp tục tin tưởng vào Chúa, tin tưởng vào tình tương thân tương ái của mọi người, trau dồi đời sống đức tin, và ngài nhấn mạnh rằng Giáo Hội, đặc biệt là TGP. Hà Nội, sẽ không quên họ. Ngài cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ ngoài việc mưu sinh, hãy cố gắng cho con cái được đến trường. Việc học hành là điều hết sức cần thiết song song với việc bồi dưỡng đức tin. Ngài hứa Tổng Giáo phận sẽ hỗ trợ hết mình cho việc học tập của các em.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH, và Lm. Giuse Nguyễn Bình An cũng đã trao trực tiếp một số tiền để trợ giúp các em trong việc học tập.

Cha Thuyết, phụ trách họ đạo, đã chia sẻ rằng ước ao lớn nhất của ngài cũng như bà con giáo dân tại “ốc đảo” lúc này là có được một con đường từ nhà ra đến đường đê (với chiều dài khoảng 1.000m) để các em đi học cũng như đi đến nhà thờ xứ Gò Mu được dễ dàng. Hiện họ đã có sẵn đá, có nhân công, chỉ cần được hỗ trợ cát và xi măng. Ước mơ nhỏ nhoi này xem ra cũng xa vời nếu không được sự quan tâm và giúp đỡ của những người hảo tâm.

Bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp cuộc sống của những bà con nơi đây chắc chắn sẽ không khỏi chạnh lòng. Thật không thể tưởng được ngay tại TP. Hà Nội lại có những người đang sống cảnh như thế. Chỉ có ra khỏi nhà, ra khỏi nơi an toàn của mình, chúng ta mới biết được còn biết bao những người nghèo đang sống quanh ta đang cần tình thương và sự giúp đỡ cụ thể.

UBTTXH