Chừng ba tháng sau khi Lẫm và lão Ngật bỏ đi đào vàng, xã cử thằng Bơn xuống thôn Hóc Mèo tổ chức họp dân, bầu lão Bịch, nguyên là lao công bốc vác ở chợ xã, nay xuống sức phải về đuổi gà cho vợ, làm trưởng thôn thay lão Ngật. Trong “diễn văn” nhậm chức, lão Bịch không quên phê phán những người không chịu thôi làm lâm tặc, rồi lớn tiếng chửi những kẻ nuôi giấc mộng vàng mơ hồ xa lắc

Có tới chín mươi chín phần trăm gia đình ở thôn Hóc Mèo heo hút của Lẫm vẫn còn nghèo. Nghèo có sổ sách hẳn hoi. Nghĩa là nghèo thật chứ không phải vì mấy lão cán bộ xã muốn dìm xuống như vậy để tranh danh hiệu xã nghèo hòng kiếm mấy cái dự án tài trợ thơm lựng như múi mít mật tháng bảy.

Ngoài chuyện nghèo, dân Hóc Mèo còn bị mất mặt vì bị quy là lâm tặc. Không phải chỉ một hai người bị mang tiếng. Một lần xuống kiểm tra, thằng Bơn trưởng ban văn hóa xã đứng lên phát biểu trước toàn thể dân Hóc Mèo rằng đây là thôn lâm tặc, nhứt quyết không thể xem xét công nhận là thôn văn hóa được. Thằng Bơn vừa dứt lời, người Lẫm đã phừng phừng, sôi máu, đứng lên phản đối. Dân Hóc Mèo vào rừng đốn củi chỉ đốn toàn cây nhỏ, cây lùm, giống như thiên hạ đi phát thực bì, có đốn gỗ đâu mà gọi là lâm tặc. Mà không đi đốn củi thì biết làm nghề gì khác? Không đi đốn củi, chẳng lẽ cả cái thôn này phải treo miệng lên xà nhà à.

Lúc đó, xã có cứu đói nổi không? Thằng Bơn đập bàn, bảo lấy bất cứ cái gì từ rừng đem bán đều là lâm tặc. Rồi xỉa tay chỉ thẳng mặt Lẫm, bảo nhà mày là lâm tặc số một mà còn cãi. Thử hỏi gỗ đâu mà lúc mày đóng cho nhà này cái chạn bát, khi đóng cho nhà kia cái bàn ăn cơm, rồi gỗ đâu mày đóng quan quách cho những người hết số? Đó là chưa nói, vợ mày còn tiếp tay cho lâm tặc xứ khác vào rừng Hóc Mèo săn gỗ bằng cách đều đặn mỗi tuần một lần chạy ra chợ xã mua đủ các thứ dầu, chè, mắm muối đem vào rừng cho chúng. Thứ gái một con, ngực mông cứ phây phẩy thế kia, thậm thụi ra vào với đám lục lâm thảo khấu ấy rồi cũng có ngày... Thằng Bơn bỏ lửng câu nói, cười khẩy, trông rất đểu.

Tức, nhưng không làm gì được thằng Bơn, một bữa Lẫm mò qua nhà lão Ngật, định tỉ tê tâm sự giãi bày. Vừa thấy bóng Lẫm, lão Ngật đã quác miệng chửi tổ cha cái thằng lâm tặc, mày làm cả thôn mang tiếng, còn vác mặt tới đây làm chi. Lẫm nín thinh, gằm gằm mặt tiến vào, thẳng chân đá cái phập vào mấy bó củi dựng ở góc sân, bảo củi còn tươi nhỉ, chắc mới đốn hồi chiều hôm qua. Biết Lẫm nói xía mình, lão Ngật cười xề xề, bảo đúng là mới đốn chiều hôm trước, đốn ráng để bắt đầu từ hôm nay, lão giải nghệ luôn. Lẫm trố mắt, hỏi giải nghệ rồi thì bốc đất mà ăn à. Lão Ngật lại cười xề xề, rồi nghiêm mặt kẻ cả, bảo đã có kế hoạch làm ăn lớn, nay mai rồi sẽ đổi đời.

Nghe lời lão Ngật, chiều hôm đó Lẫm cũng vào rừng Hóc Mèo đốn đúng hai gánh củi đem về đặt ở góc sân rồi tuyên bố từ nay giải nghệ. Nhi, vợ Lẫm, nghe chồng nói cứ dửng dưng như không. Nhưng khi nghe Lẫm tỉ tê bảo bán bớt cặp heo thịt đang lớn với một chỉ vàng sau sáu năm ra riêng mới tích cóp được để sắm chuyến đi đãi vàng thì vợ Lẫm nhảy dựng lên. Gì chứ đi đãi vàng thì không được. Tuyệt đối không. Ba năm trước, thằng Bảy Hớn xóm bên cũng sân sấn đi đãi vàng, mấy tháng đầu gởi tiền về nhà tới tấp, con vợ nảy nòi ăn diện mát trời, tối tối lại mò ra chợ xã hát karaoke. Nhưng ít lâu sau thì không thấy hơi tiền đâu nữa. Một bữa, Bảy Hớn mò về, vàng đâu không thấy chỉ thấy người ngợm bệ rạc, cọm rọm, xơ tướp, da vàng bệch bạc, ba tháng sau thì đứt bóng. Vợ Hớn khóc ngất lên ngất xuống, phải kêu y tá tới chích thuốc mới đủ sức tiễn chồng ra tới nghĩa địa. Không lâu sau, chòm xóm ai nấy chết điếng khi thấy vợ Hớn vơ hết áo quần dọn ra ở với lão Thìn chủ quán karaoke Ánh Sao Đêm ở đầu chợ xã... Ừ. Thì cũng ghê, cũng bạc thật. Nhưng Lẫm đã quyết rồi, bằng mọi giá phải thử vận một chuyến. Vả lại, đi với ai chứ đi với lão Ngật thì yên tâm. Dù gì lão cũng là người lớn, biết ăn nói, chẳng dễ gì sa ngã. Lẫm đè nghiến vợ xuống giường, hầm hập như những đêm khuya cái thằng đàn ông tràn trề sức lực và ham muốn trong Lẫm trỗi dậy. Nhưng không có tiếng cười rúc rích và hơi thở gấp gáp, đê mê và hoan lạc như bao lần khác. Lần này, vợ Lẫm chỉ khóc, rấm rứt, uất ức, đau xót, khi Lẫm lựa được thế, rút phăng chiếc nhẫn vàng khỏi ngón tay xương xương của cô, vọt khỏi giường chạy biến.

Chừng ba tháng sau khi Lẫm và lão Ngật bỏ đi đào vàng, xã cử thằng Bơn xuống thôn Hóc Mèo tổ chức họp dân, bầu lão Bịch, nguyên là lao công bốc vác ở chợ xã, nay xuống sức phải về đuổi gà cho vợ, làm trưởng thôn thay lão Ngật. Trong “diễn văn” nhậm chức, lão Bịch không quên phê phán những người không chịu thôi làm lâm tặc, rồi lớn tiếng chửi những kẻ nuôi giấc mộng vàng mơ hồ xa lắc. Thằng Bơn ngồi bên, ưỡn ngực, chân bắt chéo trông rất bề trên, đầu liên hồi gật gù. Chiều hôm đó, khi thằng Bơn và lão Bịch còn đang ngồi nhấm rượu với mấy trái ổi chát ở quán bà Tư móm thì có người trong thôn tạt qua, bảo thằng Lẫm và lão Ngật vừa gửi về cho vợ con cả nắm vàng. Thằng Bơn cười khẩy, bảo rồi cũng như Bảy Hớn thôi, hay hớm gì mà khoe.

Như cây sắp khô gặp được mưa rào, có vàng rủng rỉnh, người nhà lão Ngật tươi phởn lên ngay. Ngày trước mỗi tuần mụ vợ lão Ngật chỉ đi chợ một lần, chỉ dám mua ít cá vụn về kho mặn ăn thay mắm. Bây giờ ngày nào cũng đi, đi chợ xã chứ không phải cái chợ xép cúm núm nghèo nàn ở đầu thôn. Hạnh, con gái út của lão thôi đi bán củi, chiều chiều lại diện quần jean áo pull lượn lờ quanh mấy quán net và cửa hàng mỹ phẩm ở chợ xã. Con gái mới lớn, lại ăn sang mặc đẹp, đùi mông con Hạnh cứ căng mẩy ra. Cái áo pull bó ngắn cũn ngự ở phần trên, chiếc quần jean trễ cạp ỡm ờ phần dưới, chừa cái lườn trắng nõn mịn màng ở giữa như trêu ngươi thiên hạ. Mấy lần bắt gặp Hạnh ngoài đường, thằng Bơn cứ nghe người rần rật, làm ra vẻ không để ý nhưng lại kín đáo quét mắt một lượt vào những chỗ đáng đồng tiền bát gạo nhất trên người con Hạnh. Con Hạnh đi khuất dạng rồi, mặt thằng Bơn vẫn còn đẫn ra, khờ trân. Một lần con Hạnh bắt gặp cái nhìn thèm thuồng săm soi lén lút của thằng Bơn, liền xân xấn lên bảo cán bộ văn hóa gì mà con mắt bò đực dữ vậy, đừng có mà mơ. Tức quá, thằng Bơn vọt thẳng tới nhà lão Bịch, bảo cái thôn này hư quá, nát quá, không gấp gấp uốn nắn mấy đứa con gái ăn mặc cà rỡn, nói năng hỗn hào kiểu như con gái lão Ngật thì đừng hòng lên thôn văn hóa.

Riêng nhà Lẫm thì chẳng có vẻ gì là đang giàu lên, dù người ta đồn râm ran là thằng Lẫm gửi vàng về cho vợ nhiều gấp mấy lần lão Ngật. Hằng ngày, vợ Lẫm vẫn mặc những bộ đồ ka tê cũ, bợt bạc, ống quần nhún như lò xo. Cũng vì những bộ đồ lam lũ, mỗi ngày một mỏng te ra vì được mặc liên tục, cái vẻ mơn mởn của gái một con nơi Nhi càng phô bày ra. Trong số những gã đàn ông hau háu trước Nhi có lão Thìn chủ quán karaoke Ánh Sao Đêm ở đầu chợ xã, có cả thằng Bơn trưởng ban văn hóa thông tin. Mấy tay thợ hồ nhận xây nhà vệ sinh cho nhà Lẫm, trông cục mịch vậy nhưng cũng liêu xiêu. Một bữa, đang đứng trên giàn, thấy Nhi lom khom dọn dẹp bên dưới, tay thợ cả đứng ngó trân trân, để viên gạch tuột khỏi tay rơi bịch lên mu bàn chân hắn mới giật mình choàng tỉnh. Mấy gã lâm tặc mà Nhi vẫn mua hàng giúp tưởng bở, đợi đêm xuống bỏ rừng mò tới nhà Lẫm, không quệt quạt được chút gì ở người đàn bà vắng chồng, chỉ bị Nhi cầm đòn gánh rượt. Lão Thìn chủ quán karaoke Ánh Sao Đêm ở đầu chợ xã cũng bị rượt một lần, ê mặt.

Vợ Lẫm vẫn đẹp tảo tần, chỉ có điều là đã bỏ luôn việc đi chợ tiếp tế cho mấy gã thợ rừng. Nhà Lẫm có thay đổi chút ít, nhưng không ầm ào, không có vẻ xốc xổi như nhà lão Ngật. Vẫn mái rạ, vách ván. Trong nhà không thấy sắm sửa thêm gì đáng kể. Chỉ có gian thờ giữa nhà là được chăm chút. Hai tấm ảnh thờ của cha và mẹ Lẫm đã được lồng vào khung kiếng, được đặt trên chiếc tủ gỗ cẩn rồng chứ không phải cái bàn bong tróc xiêu vẹo dạo nào. Trước khi xây cái công trình mà dân cả thôn Hóc Mèo thèm muốn là cái nhà vệ sinh có bồn cầu dội nước, vợ Lẫm đã thuê người xây mộ cho cha mẹ chồng. Hai ngôi mộ to trở thành điểm nhấn mạnh mẽ và ấn tượng giữa khu vườn tuềnh toàng của Lẫm.

Lẫm đi biệt hơn hai năm mới về. Người mập phịch ra, bụng chảy xệ, cổ đeo sợi dây chuyền vàng to như cái dây xích chó, áo quần thơm phức. Nghe đâu, lên bãi chừng hai tháng, nhờ thắng độ trong một cuộc thi uống rượu, Lẫm được chủ bãi chia cho một hầm vàng đã cạn, bốn tay thợ và cái lán rách bươm. Tưởng chẳng thể tìm được chút xái từ cái hầm đã kiệt ấy, không ngờ sau mấy ngày hì hục bới đào, Lẫm bắt được mạch vàng. Không chỉ có vàng cám mà có cả vàng hột, vàng cục to như trái đùng đình. Lẫm phất lên, trở thành ông chủ. Người có công dẫn dắt Lẫm đến với xứ sở của vàng là lão Ngật, trở thành người tin cẩn số một, được Lẫm cho làm trợ lý, chuyên quản lý ca kíp, giờ làm, giờ chơi, giờ ngủ của đám nhân công... Về nhà hôm trước, hôm sau Lẫm ra chợ xã có bao nhiêu thịt heo, thịt bò mua hết, sai người đem về mở tiệc ăn mừng. Nhà lão Thìn chủ quán karaoke Ánh Sao Đêm hôm ấy có giỗ, cậy sẵn tiền, nhà lại gần chợ nên không đi mua vội. Lúc sai người ra mua thịt mới hay thằng Lẫm nẫng sạch rồi, lão điên tiết chửi ầm ầm.

Lão Bịch trưởng thôn và thằng Bơn trưởng ban văn hóa xã cũng được Lẫm mời dự tiệc. Nhưng lão Bịch không đến. Thằng Bơn đến rất đúng giờ, trông hiền lành, khép nép, thẹn và nhũn. Nhưng uống được chừng năm tuần bia thì đứng lên cướp diễn đàn, lải nhải khen cái nhà vệ sinh nhà Lẫm sang, đẹp, hiện đại và rất chi là văn hóa. Con Hạnh cũng đi theo lão Ngật sang dự tiệc, thấy bộ dạng thằng Bơn hết bĩu môi cong cớn khinh khi lại rủa lầm bầm một mình. Thằng Bơn tuyệt nhiên không dám nhìn con Hạnh. Chỉ có Lẫm là không chút giấu giếm, cứ nhìn hau háu vào vồng ngực trắng bóc của con Hạnh đang lấp ló dưới khoang cổ áo cắt thấp, vải mỏng tang. Mấy lần bê ly bia đi mời khách, Lẫm đều chen qua phía con Hạnh ngồi, không quên “vô ý” cạ người vào tấm lưng con gái mướt mát trên ấy hằn lên lồ lộ mấy sợi dây của chiếc áo ngực màu hồng phấn. Không lần nào con Hạnh né người để tránh va chạm. Nhi được Lẫm mua cho mấy bộ đồ mốt, mặc vào trông căng mẩy, mơn mởn như gái mới lớn, nhưng lóng ngóng, thiếu tự nhiên và kém vui. Gần cuối buổi tiệc, Lẫm đứng dậy hùng hồn tuyên bố hôm sau sẽ phóng hỏa đốt nhà, ra chợ xã mua đất xây nhà lầu. Những gương mặt đỏ gay tán thưởng ầm ào. Riêng vợ Lẫm thì sững người, làm đổ cả ly bia xuống đất, bỏ vào buồng nằm thõng thượt.

Tiệc tan. Lẫm kéo theo mấy người phi xe máy ra chợ xã, vung tiền vào mặt lão Thìn bảo từ bây giờ đến sáng mai, lão tạm thời không phải là chủ quán karaoke này. Lẫm và con Hạnh hát riêng một phòng, hai phòng còn lại dành cho cái đám lao nhao kia. Thằng Bơn không được rủ đi hát, lén lần theo, biết chuyện bèn hộc tốc chạy về báo cho vợ Lẫm biết. Nhưng quán karaoke Ánh Sao Đêm vẫn sáng đèn cả đêm, ầm ĩ, mụ mị và không có bất cứ cuộc trừng phạt nào.

Trở về nhà với can xăng trên tay, Lẫm thấy nhà cửa trống huơ. Gọi đằng trước, gọi đằng sau vẫn không nghe tiếng ai trả lời, Lẫm tức mình chửi đổng, ném phịch can xăng vào góc bếp, châm lửa rồi lên xe vọt thẳng không thèm ngoái lại. Đám cháy tàn một lúc lâu thì lão Bịch trưởng thôn cùng hai công an xã mới lò dò tới lập biên bản. Mọi thứ đều đã thành tro. Chỉ còn trơ lại cái nhà vệ sinh xây gạch lem nhem nham nhở. Chỗ kê bàn thờ ở gian giữa, lộ ra chiếc hũ sành, bị nứt toác làm đôi nằm trơ trọi, thiểu não. Lão Bịch lấy nhánh cây khều cái hũ, mấy mảnh sành sụm xuống, làm hiện ra một vệt sáng lều phều, sóng sánh chảy nhểu qua mấy khe nứt. Vàng. Vàng bị nung chảy. Lão Bịch bần thần không thốt nên lời...

Truyện ngắn của PHAN CHÍN


Phan Chín, quê quán huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Huế năm 1996. Hiện là phóng viên báo Quảng Nam. Đã in hai tập thơ: Quê nhà cô Tấm, Mùa đã thu.

Quảng Nam có nhiều mỏ vàng sa khoáng. Nhiều người đã giàu đột xuất nhờ đào trúng mỏ vàng, nhưng cũng có rất nhiều người trắng tay, thân tàn ma dại khi không đào được vàng. Là một nhà báo, Phan Chín đã viết phóng sự về những gian khổ của người đi đào vàng.

Lần này anh viết truyện ngắn về sự biến đổi của lòng người khi đào được vàng. Điều đáng mừng là anh đã viết ra truyện ngắn chứ không phải là bút ký.

Đoàn Thạch Biền