NĂM 1986 - ĐÔI ĐIỀU NHỚ LẠI


Năm 1986 là năm được Liên Hiệp Quốc chọn làm Năm Quốc tế Hòa bình trong tình hình loài người đang rất lo sợ trước cảnh tượng chạy đua vũ trang ráo riết ngày càng gia tăng và mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân xuất hiện rõ rệt hơn bao giờ. Vì thế, nó đã được hưởng ứng khắp nơi trên thế giới, tạo nên một phong trào cổ vũ cho hòa bình chưa từng thấy ở cả hai khối Đông cộng sản và Tây tư bản.

Chẳng hạn ờ Hoa Kỳ, một cuộc biểu tình đi bộ từ Los Angeles đến Washington, hết ngày này qua ngày khác xuyên qua 19 tiểu bang và 550 thành phố, với số người tham gia cộng chung lại khoảng 65 triệu người, ròng rã 9 tháng trời, kết thúc ngày 15 tháng 11 tại Washington với một cuộc biểu tình khổng lồ. Liên Hiệp Quốc cũng tổ chức một cuộc rước đuốc từ New-York đi qua năm lục địa, 39 quốc gia rồi quay về New York ngày 31.12.1986 để làm một cuộc biểu tình khổng lồ chống bom hạt nhân. Trong một thời gian rất dài, bản tin thế giới trên truyền hình ngày nào cũng chiếu hình ảnh về những cuộc biểu tình chống bom nguyên tử, kêu gọi hòa bình.

Năm 1986 cũng là thời gian các nước có vũ khí nguyên tử, đứng đầu là Mỹ và Liên Xô bàn bạc sôi nổi về việc ngưng thử bom hạt nhân và cả việc thủ tiêu dần dần các kho bom hạt nhân và đầu đạn hạt nhân. Ông Gorbachev của Liên Xô, một khuôn mặt mới trên chính trường năm 1985, đưa ra một chương trình đầy tham vọng, đề nghị các nước thủ tiêu vũ khí nguyên tử, chia làm nhiều giai đoạn, để hết năm 2000 sẽ không còn bom hạt nhân trên trái đất.

Trong năm 1986 hai tai nạn xảy ở hai nước quân sự hùng mạnh nhân lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô cũng góp phần tăng thêm ý thức rằng, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật tự nó không thể bảo đảm cho cuộc sống yên hàn trên trái đất. Ngày 28.1.1986 tàu con thoi Challenger của Mỹ đã phát nổ sau khi rời bệ phóng, làm chết 7 phi hành gia. Khoảng 3 tháng sau, ngày 26.4 tại Pripyat, Ukraina, thuộc Liên bang Xô-viết, nhà máy điện hạt nhân Chernubyl nổ, tạo ra những đám mây phóng xạ lan rộng trên nhiều vùng ở Liên Xô và nhiều nước khác như Tây Âu, Bắc Âu và Đông Hoa Kỳ. Lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản, trong chiến tranh thế giới thứ 2. Một báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernubyl đưa ra cho rằng, 56 người đã chết ngay lập tức, 47 công nhân và trẻ em chết sau đó vì ung thư, và ước tính khoảng 9.000 trong số gần 6,6 triệu người nhiễm xạ, cuối cùng rồi cũng sẽ chết vì các bệnh ung thư.

Trong bối cảnh trên, Giáo Hội công giáo đã mạnh mẽ hưởng ứng Năm Hòa Bình. Sáng kiến tiêu biểu và độc đáo nhất chắc hẳn là cuộc Gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi ngày 27.10.1986, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra. Ngài đã giải thích: “Tôi đã chọn thành phố Assisi làm nơi chúng ta cầu nguyện cho hòa bình vì ý nghĩa đặc biệt của con người được tôn kính nơi đây –thánh Phanxicô - , ngài được biết bao nhiêu người trên khắp thế giới biết đến và sùng kính như một biểu tượng của hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ”. 130 đại diện của các truyền thống tôn giáo trên thế giới đã có mặt và cầu nguyện cho hòa bình, mỗi nhóm một nơi và theo cách thức riêng của mình. Năm 2011 này, kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ Assisi, Đức Bênêđitô XVI sẽ đến Assisi ngày 27.10 và sẽ lại có một cuộc gặp gỡ Assisi tầm cỡ khác của các tôn giáo.

Ở Tổng Giáo phận Tp HCM, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã khuyến khích một đợt sinh họat về hòa bình trong năm 1986. Đó là những buổi nói chuyện về hiểm họa chiến tranh, về trách nhiệm của người công giáo trong việc bảo vệ và xây dựng hòa bình theo giáo lý Công đồng Vatican II và lời dạy của các Đức Giáo Hoàng đương thời. Về mặt thuần túy tôn giáo, ngài đã chủ sự thánh lễ Hòa Bình tại nhà thờ chính toà ngày 25.9.1986, và chỉ thị cho các giáo xứ cùng cầu nguyện cho hòa bình trong dịp ấy. Bài giảng của Đức Tổng hôm đó kết thúc như sau: “… Có lẽ kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô cũng là một chương trình hành động thiết thực cho anh chị em. Tôi xin kết thúc với một câu trong bài Kinh rất đẹp đó, như tôi đã làm tại Hội nghị Hòa bình thế giới ở Mátxcơva năm 1982 : Lạy Chúa, xin làm cho con thành một khí cụ xây dựng bình an của Chúa! Amen”.

Là con cái Thánh Phanxicô, chúng tôi được chờ đợi góp phần đặc biệt của mình trong những sinh hoạt như trên. Chúng tôi đã cung cấp tài liệu cho Đức Tổng tùy ý ngài sử dụng; đã tham gia một bài thuyết trình về “Thánh Phanxicô và Hòa bình” trong buổi “nói chuyện” tại Trung tâm công giáo ngày 18 tháng 9 do Ủy ban Đoàn Kết tổ chức (tôi nhớ hôm đó có ông Trần Bạch Đằng ngồi trong cử tọa, bên cạnh cha Agnello Vũ Văn Đình nguyên bề trên Giám Hạt của chúng tôi); đã góp bài “Hòa bình trong Kinh Thánh” để phổ biến trong thời gian này. Các dòng khác cũng tham gia đợt suy tư học tập: Lm Mai Văn Hùng, dòng Đa-minh với bài “Trách nhiệm của người Kitô hữu đối với Hòa bình” , Lm Vũ Khởi Phụng, dòng Chúa Cứu thế với bài “Những suy tư và đường lối của Giáo Hội công giáo về hòa bình trong 25 năm qua” và Lm Vương Đình Bích, bề trên Dòng Anh em Đức Mẹ người nghèo có bài “Công lý và Hòa bình không thể tách rời”.

Trong nội bộ Tỉnh Dòng, chúng tôi đã tổ chức và soạn tài liệu cho buổi Cầu nguyện cho Hòa bình ngày 5.10.1986 tại nhà thờ Phanxicô Đakao; Tỉnh Dòng cũng gợi ý và tạo điều kiện cho các thành viên Dòng Ba học tập cũng như cầu nguyện theo chủ để hòa bình, tài liệu học tập được soạn ra mang đầu đề “Người Phan sinh xây dựng Hòa bình” và được gởi cho các huynh đệ đoàn Dòng Ba trong Thành phố và các nơi khác. Tôi không nhớ anh em Phanxicô nào đã soạn bài “Hòa bình thế giới” cho cuộc tĩnh tâm Dòng Ba Sài-gòn Chúa nhật 6.7.1986; bài viết bằng tay, rất hay, tôi còn giữ được.

Tóm lại, từ trước tới nay chưa thấy có sinh hoạt nào do một tổ chức quốc tế “phần đời” đề xướng ra mà được Giáo Hội công giáo toàn cầu tích cực, “rầm rộ” tham gia như thế, bởi vì vấn đề hòa bình là vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh loài người bất phân chủng tộc, chính kiến, giai cấp, văn hóa, tôn giáo nào, và cũng hòan toàn phù hợp với giáo lý Tin Mừng và huấn giáo của Hội Thánh. Đàng khác, cũng chưa có sinh hoạt toàn cầu nào trong đó Thánh Phanxicô được nhắc tới và ca tụng bởi nhiều người không những trong mà cả ngoài Kiô giáo, như sinh hoạt của Năm Hòa Bình 1986.

Xin tạ ơn Chúa!


Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô