Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN


Thưa quí vị,

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta khó mà tránh khỏi xem thấy bản đồ địa dư. Chúng có mặt khắp mọi nơi: ở lớp học, trong văn phòng, trên tường nhà, sách vở, báo chí cả trên màn hình Tivi, vi tính…Chúng phân chia thế giới thành những châu, vùng, lãnh thổ, quốc gia khác nhau. Để cho rõ ràng hơn, nhiều bản đồ còn được tô màu. Quốc gia màu đỏ nằm bên cạnh quốc gia màu xanh, vàng, tím, tía, nâu… làm cho con người từ tấm bé đã nhiễm tư tưởng chia rẽ và nghĩ rằng điều đó là tự nhiên. Thực sự thiên nhiên thống nhất, đâu có phân chia như vậy. Chia rẽ hoàn toàn do bản tính con người sa đoạ bày ra. Mới đây khi nhìn vào màn hình tivi tôi thấy bực mình, trong lòng buồn rời rợi. Người ta vẽ bản đồ vùng Trung đông với các quốc gia Kuwail, Saudi Arabia, Iraq, Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Meditteranean…và chỉ ra vị trí của quân “ta” và quân “thù”. Liên minh Anh, Mỹ chống Iraq và vệ binh quốc gia Hussein… Rõ ràng hai phe tốt xấu, lành dữ.

Hậu quả là thế giới luôn sống với tư tưởng hận thù, phân cách, không những trên bình diện địa lý mà cả trong tâm lý, xã hội, trong tình yêu thương đồng loại. Phe “ta” luôn nghi ngờ phe “họ” xâm lược, đe doạ lãnh thổ và lối sống truyền thống của mình. Theo Kinh thánh thì sự chia rẽ đó bắt đầu từ tháp Babel. Câu chuyện ngụ ngôn giải thích nguồn gốc các ngôn ngữ trên thế giới. Nó còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay và làm bối cảnh cho bài đọc 1 của thánh lễ. Tuy nhiên, cũng trong bài đọc này kể lại, cách đây hơn 2 ngàn năm một biến cố hoàn toàn bất ngờ và vĩ đại đã nổ ra : Đó là ngày lễ Ngũ Tuần. Người Do thái sùng đạo khắp thế giới Hy-lạp đã tụ tập về Giêrusalem dự lễ Ngũ tuần. Họ họp thành các đám đông để nghe các tín hữu “đầy thần khí” rao giảng bằng tiếng mẹ đẻ của mình, những kỳ công của Thiên Chúa. Sự chia rẽ về ngôn ngữ không còn nữa. Biến cố Babel đã chấm dứt. Nhờ ơn Thần khí những chi phân tán, ngăn cách, cản trở thì nay đã hợp nhất để cao rao quyền năng lạ lùng của Thượng Đế. Dù rằng họ còn nói và hiểu trong ngôn ngữ của mình, nhưng qua ơn Chúa Thánh Linh họ đã có thể chia sẻ sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu. Họ đến từ các địa phương khác nhau trên bản đồ, nói các ngôn ngữ thổ địa, nhưng đều có khả năng nghe các Tông đồ rao giảng Tin mừng về Chúa Cứu Thế: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,7). Bước kế tiếp, họ sẵn lòng đón nhận Tin mừng, chịu phép thanh tẩy, hợp nhất trong đức tin, và họp thành một nhân loại mới. Chia rẽ hoàn toàn không còn nữa. Đức tin đã làm cho họ nên một. Đó là câu chuyện ngày sinh của Giáo hội trên thế giới, tồn tại mãi cho đến hôm nay.

Đấng Bảo Trợ Chúa Giêsu mô tả và hứa hẹn trong bữa tiệc ly đã thực sự hiện diện. Ngài là nguồn sống của Giáo hội. Nhờ nguồn sống này Hội thánh nhìn rõ, hiểu rõ những công việc và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Ngài tiếp tục nuôi dưỡng các thế hệ tín hữu tương lai, dù có phải trải qua nhiều gian nan thử thách. Ngài trung thành nhắc lại cho Hội thánh những gì Thiên Chúa phán truyền qua Đức Giêsu! Ngài làm Cho Tin mừng luôn sống động trong trái tim các tín hữu để họ sống thánh thiện và thúc đẩy việc làm chứng cho Tin mừng qua hết mọi thời đại. Các tuần lễ trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy, phải ở lại trong Ngài mới có thể mang nhiều hoa trái. Hôm nay Ngài gởi Thánh Linh xuống để thực hiện điều dặn dò đó. Thánh Linh sẽ bảo toàn Hội thánh và mỗi linh hồn vững vàng trên con đường nên thánh, luôn dính liền với thân nho và mang đời sống thần linh dồi dào cho thế giới. Như vậy, qua suốt dòng lịch sử, thời nào, mùa nào, Hội thánh cũng có những mẻ gặt phong phú về đàng thánh thiện, các tín hữu luôn trổ sinh hoa trái mới làm cho nhân loại phải thán phục. Chúng ta hãnh diện về sự kiện này, thì cũng phải cố gắng bước theo con đường của thế hệ tiền bối, con đường được Chúa Thánh Thần dẫn dắt và bề dày lịch sử minh chứng. Nghi ngờ, phản bác là ấu trĩ, không hiểu gì về ơn Chúa Thánh Linh và lộ trình thánh thiện của Chúa Giêsu. Đúng như lời Đức Ki-tô đã hứa, Chúa Thánh Linh sẽ luôn có mặt trong Giáo hội, ban sức sống và nghị lực cho các tín hữu để họ sống trung thành với ơn gọi làm chứng tá cho Ngài. Xưa nay Hội thánh chưa bao giờ thiếu thốn những chứng tá anh hùng như vậy.

Trước khi về trời, Phúc âm thuật lại, Chúa Giêsu hiện đến an ủi và sửa soạn tâm lý các môn đệ, để họ sẵn sàng đón nhận sự ra đi của Ngài. Chúa cam đoan với họ Ngài ra đi nhưng không để họ sống trong những ký ức hoặc trong sách vở viết về Ngài, mà thực sự Ngài sẽ gởi Đấng Bảo Trợ đến gìn giữ và nhắc nhở sự có mặt của Ngài. Thánh Linh sẽ ngăn cản thế giới coi Ngài như một tôn sư nổi tiếng đã chết từ lâu. Trái lại, Ngài luôn hiện diện, sống động và quyền phép. Tín hữu mọi thời, mọi nơi sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện này mỗi khi cử hành các bí tích, cầu nguyện, chia sẻ Tin mừng về Ngài trong Kinh thánh.

Thánh Thần thúc đẩy cộng đoàn tín hữu tiên khởi rời bỏ “căn phòng trên lầu” (căn phòng tiệc ly) bung ra những nơi công cộng, mạnh dạn rao giảng về sự Phục sinh của Chúa Kitô. Rõ ràng một sự sống mới, một sự thay đổi lớn lao đã được ban cho các Tông đồ và bất cứ những ai chấp nhận sứ điệp của các ông. Trong bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng hứa, chính Thánh Thần đó sẽ được đổ xuống cho chúng ta và chẳng khi nào rời chúng ta nữa, miễn là chúng ta trung thành với ơn Ngài. Thánh Thần sẽ đến như luồng gió, giống như trong sách Sáng Thế Ký, thổi vào thân xác chúng ta sự sống muôn thuở. Vậy thì hôm nay là ngày đại lễ cho các cộng đoàn nhân loại đã được rửa tội và như tôi đã nhắc ở trên, ngày khai sinh của Hội thánh. Nhưng là Hội thánh nào? Khép kín, cơ cấu, phẩm trật, quyền bính? Không phải thế, mà là Hội thánh mở rộng đón nhận mọi người, mọi mầu da, ngôn ngữ, địa vị kinh tế, xã hội, mọi tuổi tác, sức khoẻ… Bất cứ ai cũng được ghi tên, đón nhận, kính trọng. Đúng hơn mọi người đều được mời gọi sinh ra trong Hội thánh, làm con, làm thành phần của Hội thánh toàn cầu, làm tín hữu của Chúa Giêsu. Hội thánh không có tư tưởng loại trừ, phân biệt. Những ai chủ trương như vậy là phản bội Chúa Thánh Linh. Nếu như nói dối là xấu, dạy điều dối trá xấu hơn, thì rao giảng sai lầm về Hội thánh, về Chúa Thánh Linh, về Thiên Chúa là một tội ác.

Đó là lý do làm cho Chúa Thánh Linh ngưng hoạt động trong Giáo hội. Nó cắt đứt dòng chảy sự sống Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong ngày lễ Ngũ tuần. Chúng ta tự khép lòng mình lại, giam hãm mình đơn độc khỏi thế giới bên ngoài, chúng ta tránh gặp gỡ, hoà nhập với cộng đoàn tín hữu, nguyên vì não trạng kỳ thị, tự kiêu. Chúng ta than vãn về tình hình hiện thời của Giáo hội, ao ước trở lại thời vàng son lúc trước, khi mình còn được đặc quyền, đặc lợi. Tệ hơn nữa, trong các cộng đoàn địa phương thường xẩy ra chia rẽ, bè phái, cấp bậc, cục bộ trong khi đáng lý những khác biệt đó gây nên tôn trọng, hoan hỷ lẫn cho nhau vì ân điển riêng của mỗi nhóm, mỗi phe. Khi Thần khí bị bỏ quên thì hậu quả là cầu nguyện khô khan, nghi lễ máy móc, rao giảng lạc đề, vượt ra ngoài Lời Chúa. Các người nghèo khổ, thiểu số, ngoài lề bị khinh bỉ, giáo dân không được chăm sóc nghiêm chỉnh, thiệt hại không thể liệt kê cho xiết.

Ngoài ra chúng ta thường có khuynh hướng trật tự, gọn gàng, mọi sự ở vào đúng chỗ, đúng nơi. Mọi việc phải đúng thì, đúng buổi, nhất trí hoàn toàn, đồng bộ mọi việc như cỗ máy. Thì nên nhìn vào tính đa dạng, lôi thôi, lộn xộn của các tín hữu trong ngày lễ Ngũ tuần. Họ nhất tề thực hiện điều Chúa Giêsu căn dặn. Chờ đợi Chúa Thánh Linh. Khi Ngài đến mọi sự đều đổi mới như thể vừa được sinh ra, bung ra khỏi tổ kén, tràn ngập cõi bờ. Quang cảnh của ngày hôm ấy gợi cho chúng ta ý niệm nào đó về Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa luôn là một nhiệm màu, những sự hiện diện của Ngài hôm lễ Ngũ tuần là “cơn gió mạnh”, là “ngọn lửa thiêu” giữa các môn đệ. Hai ẩn dụ này nói lên một đàng là sức sống, là quyền năng, đàng khác là yếu tố vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người. Chúng ta có thể chế ngự sức gió, nhưng chúng ta không thể điều khiển cơn gió mạnh. Gió mạnh như vũ bão phá đổ mọi cây cối, công trình khi nó đi qua. Chúng ta có thể nhóm lên một ngọn lửa, nhưng khi nó biến thành đám cháy thì vô phương kiềm chế. Nó có thể thiêu rụi mọi sự, như thường xảy ra trong các đám cháy rừng. Hơn nữa, lửa không những thiêu đốt bên ngoài, nó còn có khả năng thanh tẩy từ bên trong, luyện lọc các thói hư tật xấu của con người : Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Trong thánh lễ này, chúng ta họp nhau nơi đây chỉ trong một thời gian ngắn, tạm nghỉ tay khỏi các công việc hàng ngày, như buôn bán, ruộng đồng, xí nghiệp. Chúng ta chờ đợi, thánh sử Luca kể, Chúa Thánh Thần ngự đến như gió mạnh và lưỡi lửa. Dĩ nhiên đây là những hình ảnh thánh nhân vay mượn từ Cựu ước. Nhưng cũng có những hình ảnh khác mô tả Thiên Chúa như gió nhẹ hiu hiu (1V 19,12), tượng trưng cho cuộc đàm đạo thân mật với Thiên Chúa. Cuộc đàm đạo đầy an ủi và hy vọng. Nhưng hôm nay thì không phải thế, chúng ta chờ đợi gió mạnh và lửa thiêu. Chúng ta chờ đợi sự đổi mới và thanh luyện, điều mà bản tính thủ cựu loài người chẳng ưa thích chút nào. Có đổi mới thì cũng phải từ từ, mỗi khi một ít. Cho nên câu hỏi mỗi người phải tự đặt cho mình lúc này là : Chúng ta có đủ can đảm xin ơn đổi mới không? Ơn mà Kinh thánh mệnh danh là “gió mạnh, lửa thiêu?” Chúng ta có đủ mạnh dạn cầu xin như bài ca tiếp liên của thánh lễ hôm nay : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến tràn đầy tâm hồn các tín hữu ?” Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp! Chẳng ai biết Thiên Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta thay đổi thế nào? Chẳng ai biết bước ngoặc mới Chúa đã trù liệu sẵn cho mình? Chẳng ai biết trước những đề phòng nào phải có để giữ được sự lương thiện trong sáng trên các nẻo đường trần gian mà chúng ta phải tiếp tục tiến bước? Vậy thì chúng ta có đủ can trường kêu xin quyền năng và sức nóng của Thiên Chúa Ngũ tuần tới gần hơn để sưởi ấm và chiếm hữu chúng ta không ?

Đúng lý, chúng ta không nên khiếp sợ Chúa Thánh Linh ngự đến. Thánh Phaolô dạy các tín hữu thành Côrintô trong bài đọc 2 hôm nay rằng: “Thần khí tỏ mình ra với mỗi người một cách, là vì lợi ích chung.” Chúng ta phải bung ra, đi khắp thế giới rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Thánh Linh sẽ an ủi dìu dắt mỗi người ngày một hoàn thiện hơn trên con đường thánh đức. Bởi lẽ “Thần khí sẽ lấy những gì của Thầy mà ban cho anh em” (Ga 16,14). Lúc này cả thế giới trông chờ nơi chúng ta, nơi Giáo hội. Họ lắng nghe, ngóng đợi, rà xét nơi người có đạo những tín hiệu hy vọng. Cầu mong Chúa Thánh Linh giúp đỡ họ nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh đang hoạt động trong lòng Hội thánh. Nếu như qua chúng ta mà sự bình an xuất hiện trên thế giới, thì rõ ràng “lợi ích” to lớn Chúa Giêsu hứa, được thực hiện không những cho Giáo hội mà còn cho hết mọi người. Amen,Alelluia.


Lm. Jude Siciliano, OP.